Tầm quan trọng của sáng chế và khai thác thương mại đối với sáng chế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về các hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế tại Việt Nam Luận án TS. Luật 62 38 50 01002 (Trang 44 - 48)

2.1 Khát quát về sáng chế

2.1.2 Tầm quan trọng của sáng chế và khai thác thương mại đối với sáng chế

Khai thác thương mại các đối tượng của quyền SHTT trong đó có sáng chế là một trong các quy định quan trọng trong pháp luật thương mại nói chung và pháp luật về SHTT nói riêng của nhiều quốc gia do sáng chế, đặc biệt là việc khai thác thương mại đối với sáng chế có tầm quan trọng không nhỏ đối với sự phát triển của quốc gia cũng như của các doanh nghiệp, chủ sở hữu sáng chế và đối với toàn xã hội. Những nghiên cứu, phân tích sau đây sẽ chứng minh điều đó, cho thấy lý do cần thiết của việc ra đời các chính sách, quy định pháp luật về vấn đề này.

Như đã nói ở trên, sáng chế có khả năng được khai thác thương mại thông qua các hình thức: chủ sở hữu tự mình khai thác sáng chế; chủ sở hữu cho phép người khác khai thác thương mại qua các hợp đồng mua bán sáng chế (hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế) hoặc hợp đồng li-xăng sáng chế (hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế); chủ sở hữu sử dụng quyền SHCN đối với sáng chế nhằm mục đích góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc thế chấp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Trên thực tế, hoạt động khai thác thương mại sáng chế khá sôi động thời gian qua là li-xăng sáng chế. Đây cũng là xu hướng khai thác thương mại đối với sáng chế được nhiều doanh nghiệp thực hiện trong một vài thập kỷ vừa qua. Việc khai thác thương mại đối với sáng chế nói chung và chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế nói riêng đóng một vai trò quan trọng đối với chủ sở hữu, bên nhận chuyển giao và toàn xã hội.

Đối với bên nhận chuyển giao

Thứ nhất, bằng cách nhận chuyển giao quyền sở hữu, nhận li-xăng sáng chế, bên nhận chuyển giao - người có nhu cầu đổi mới công nghệ, có thể có được công nghệ từ bên chuyển giao đang sở hữu hoặc có quyền sử dụng sáng chế để sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ mới mà chủ sở hữu sáng chế đã tạo dựng được sau

41

nhiều năm NCPT, quảng bá, tiếp thị sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, bên nhận chuyển giao, đặc biệt là các công ty nhỏ, có thể tiết kiệm được nhiều nguồn lực mà vẫn có thể tiếp cận được thị trường một cách nhanh chóng.

Thứ hai, doanh nghiệp nhận chuyển giao có thể có được các công nghệ mà các công nghệ này không dễ dàng có được trên thị trường bằng các hình thức khác đồng thời có thể cải tiến công nghệ để có được những sáng chế ưu việt hơn.

Thứ ba, khai thác thương mại đối với sáng chế không những tạo động lực cho NCKH và đổi mới sáng tạo mà còn góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư và thúc đẩy CGCN. Thông qua con đường CGCN, các nước đi sau có thể tiết kiệm được các nguồn lực và rút ngắn thời gian trong quá trình CNH-HĐH đất nước. Có thể thấy rằng, trong vài chục năm trở lại đây, CGCN, trong đó chủ yếu là chuyển nhượng quyền sở hữu và chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng) sáng chế, đã trở thành một bộ phận quan trọng của hoạt động thương mại29.

Đối với chủ sở hữu-bên chuyển giao

Thứ nhất, việc khai thác thương mại đối với sáng chế giúp cho chủ sở hữu sáng chế (tự mình khai thác hoặc chuyển giao hoặc góp vốn, thế chấp quyền SHCN đối với sáng chế) tăng thêm doanh thu, lợi nhuận tái đầu tư cho hoạt động NCPT và uy tín trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, sáng chế vi mạch điện tử của Jack S. Kilby thuộc hãng Texas Instruments Inc. (Hoa Kỳ) không chỉ làm cho hãng này trở thành hãng dẫn đầu trên thị trường vi mạch thế giới mà còn tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt về NCPT trong ngành công nghiệp máy tính ở Hoa Kỳ và góp phần tạo ra nền tảng phát triển ngành công nghệ thông tin hiện nay của thế giới; sáng chế máy dệt tự động của Sakichi Toyota (Nhật Bản) đã được chuyển giao cho Platt Brothers&Co. với giá tương đương 25 triệu USD; sáng chế thuốc kháng sinh azythromycin (tên biệt dược: Zithromax) của Công ty Pliva (Croatia) được chuyển giao cho hãng Pfizer (Hoa Kỳ) và trở thành thuốc kháng sinh bán chạy nhất thế giới hiện nay với doanh số trên 1 tỷ

42

USD/năm; sáng chế kỹ thuật tái kết hợp ADN của Cohen-Boyer (Hoa Kỳ) là đối tượng chuyển giao của hơn 300 thỏa thuận li-xăng với tổng lợi nhuận hàng trăm triệu USD30. Thứ hai, việc chuyển giao sáng chế cho người khác khai thác thương mại giúp cho chủ sở hữu sáng chế có thời gian tập trung vào tạo ra các sáng chế khác.

Thứ ba, việc chuyển giao sáng chế cho người khác khai thác cũng nhằm nhận được thông tin phản hồi của người tiêu dùng về tính năng, công dụng của sáng chế mới qua đó có thể tiếp tục khắc phục được các nhược điểm của sáng chế, thúc đẩy đổi mới công nghệ và hoạt động sáng tạo.

Thứ tư, việc khai thác thương mại đối với sáng chế có khả năng mang lại lợi ích kinh tế to lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế quốc gia. Ví dụ, sáng chế vắc-xin viêm màng não B của Viện Nghiên cứu Finlay (Cu Ba) được chuyển giao cho hãng SmithKlineBeecham (Anh) để lưu thông trên toàn thế giới với mức phí li-xăng hàng năm góp phần giúp Cu Ba từng bước trang trải được các khoản nợ nước ngoài của mình31.

Đối với toàn xã hội

Thứ nhất, việc khai thác, ứng dụng sáng chế có vai trò cực kỳ to lớn trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong sự phát triển nền văn minh của xã hội loài người. Có thể liệt kê một số sáng chế đã được ứng dụng có tác động rất to lớn đến cuộc sống của con người và sự phát triển của xã hội như Máy in (Đức, 1440), Bút chì (Thụy Sỹ, 1560), Dụng cụ thiên văn (Ấn Độ, 1728), Mã Điện tín (Hoa Kỳ, 1840), Điện thoại (Anh, 1876), Phát thanh (I-ta-li-a, 1886), Máy bay (Hoa Kỳ, 1903), Truyền hình điện từ (Nga, 1929), Bút bi (Ác-hen-ti-na, Hung-ga-ri, 1938), Máy tính (Đức, 1941), Dược phẩm chống ung thư và AIDS (Hoa Kỳ, 1998), Đĩa Compact (Hoa Kỳ, 1965), v.v. Nhờ có các sáng chế như ô tô, máy điều hòa nhiệt độ và các thiết bị âm thanh mà cuộc sống của chúng ta đã trở nên tiện nghi và dễ chịu hơn.

30 Kamil Idris (2003), La Propriété Intellectuelle, Moteur de la Croissance Économique, OMPI.

43

Thứ hai, khai thác thương mại đối với sáng chế làm tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy sự đổi mới mang tính cạnh tranh. Nhà bác học Thomas Edison đã có một câu nói nổi tiếng “Tôi bắt đầu ở nơi mà người cuối cùng kết thúc”. Tính chất độc quyền của sáng chế chỉ đem lại lợi thế thị trường cho chủ sở hữu sáng chế trong một thời gian nhất định vì không có gì ngăn cản các đối thủ cạnh tranh phát triển sáng chế đó theo hướng mới. Chính sáng chế mới ra đời sẽ khuyến khích người khác tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo và cải tiến sáng chế đó một cách tốt hơn. Cứ tuần hoàn như vậy, sáng chế có sau sẽ phủ định và hoàn thiện hơn sáng chế có trước, làm nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ hoặc tạo ra các sản phẩm mới với giá cả phù hợp hơn nhằm phục vụ người dân, người tiêu dùng. Do vậy, khai thác thương mại đối với sáng chế còn tạo ra sự đổi mới mang tính cạnh tranh lành mạnh và làm cho số lượng sáng chế được tạo ra ngày một nhiều.

Thứ ba, khai thác thương mại sáng chế đã trở thành xu thế chung trong chính sách phát triển của các quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức. Công nghệ đang có xu hướng trở thành nhân tố quyết định cho sự gia tăng giá trị của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Việc đầu tư cho sáng tạo và đổi mới, phát triển công nghệ đang trở thành xu hướng của các quốc gia.

Đối với nhiều quốc gia, bằng độc quyền sáng chế được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá thực lực công nghệ và sức mạnh kinh tế của một quốc gia, ví dụ như Trung Quốc32. Theo số liệu thống kê của WIPO, các quốc gia nắm giữ nhiều đơn sáng chế nhất (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…) đang là các quốc gia đứng đầu về tiềm lực công nghệ và tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc về kinh tế33.

Theo thống kê Cơ quan Sáng chế Trung Quốc công bố, số lượng đơn đăng ký sáng chế của Trung Quốc tăng trung bình 16,7% hàng năm, từ 171.000 năm 2006 lên đến gần 314.000 năm 2010, vượt Hàn Quốc và Châu Âu nhưng vẫn xếp sau Nhật Bản

32 http://www.vietnamnet.vn ngày 9/10/2008.

44

(337.497) và Mỹ (326.945)34. Từ nãm 2011 trở lại đây, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản và Hoa Kỳ để trở thành quốc gia có số lượng đăng ký sáng chế lớn nhất thế giới35. Nhờ số lượng đơn đăng ký sáng chế tăng mạnh, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế ở Trung Quốc dự kiến sẽ lên đến gần 500.000 vào năm 2015, tiếp theo là Mỹ với gần 400.000 và Nhật Bản gần 300.00036.

Tóm lại, thúc đẩy khai thác thương mại đối với sáng chế đã trở thành mục tiêu quan trọng chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của nhiều quốc gia phát triển cũng như đang phát triển. Do vậy, các quy định pháp lý điều chỉnh vấn đề khai thác thương mại sáng chế, đặc biệt là pháp luật về các hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế đóng vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng lợi ích các bên có liên quan như chủ sở hữu-bên chuyển giao, bên nhận chuyển giao, toàn bộ xã hội nói chung, qua đó phát triển kinh tế quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về các hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế tại Việt Nam Luận án TS. Luật 62 38 50 01002 (Trang 44 - 48)