Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp; Xác định rõ phạm vi, nội dung, hình thức lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng trên từng chức năng cụ
thể của các cơ quan tư pháp; bảo đảm cho các cấp uỷ, tổ chức đảng nắm chắc và chỉ đạo chặt chẽ về nội dung chính trị của công tác tư pháp nhưng không bao biện làm thay, nắm kịp những việc cần chỉ đạo. Phải khắc phục mọi biểu hiện can thiệp trực tiếp vào các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, công tố không đúng bản chất sự lãnh đạo của Đảng, xa rời với tinh thần cải cách tư pháp; Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong việc chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.
Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp. Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, phải nhận thức năng lực của các cơ quan tư pháp cũng chính là năng lực và đạo đức cầm quyền của Đảng. Hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng phản ánh trình độ, năng lực cầm quyền của Đảng, vì Đảng lãnh đạo công tác tư pháp thông qua và bằng bộ máy thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng đối với các cơ quan tư pháp trong tổ chức thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp. Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức xã hội khác đối với hoạt động của đội ngũ cán bộ tư pháp. Đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân đảng viên tham gia vào các hoạt động công tố, xét xử. Đưa ra đường lối xét xử chung, bảo đảm tính định hướng và sự lãnh đạo của Đảng nhưng không được can thiệp trực tiếp vào các hoạt động truy tố, kiểm sát và xét xử của thẩm phán và kiểm sát viên như định trước mức án [28].