2.1. Thực tiễn xét xử và các yếu tố tác động đến bảo đảm sự độc lập
2.1.1. Khái quát tình hình xét xử ở tỉnh Thanh Hóa
Về tình hình xét xử của thẩm phán ở tỉnh Thanh Hóa trong hai năm 2015, 2016 có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể:
Trong năm 2015, Tòa án hai cấp tỉnh Thanh Hoá đã giải quyết 6.549 vụ án các loại, trên tổng số 6.763 vụ án đã thụ lý (số thụ lý tăng 55 vụ so với cùng kỳ), đạt tỷ lệ giải quyết chung 97% (tăng 0,4% so với cùng kỳ). Tòa án hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã thụ lý 2.094 vụ án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm, với 3.982 bị cáo; đã giải quyết 2.072 vụ, 3.905 bị cáo, tỷ lệ giải quyết đạt 99% về số vụ. Trả hồ sơ Viện kiểm sát để điều tra bổ sung 212 vụ, 376 bị cáo (tỉnh 14 vụ/28 bị cáo; huyện 198 vụ/348 bị cáo).
Trong năm 2016, Tòa án hai cấp của tỉnh Thanh Hoá đã thụ lý 7.945 vụ việc các loại. Dù số lượng tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhưng Tòa án 2 cấp ở Thanh Hóa đã giải quyết đạt 93,8% các vụ việc thuộc thẩm quyền; tỷ lệ giải quyết một số loại vụ án đạt và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, không có án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan; chất lượng xét xử các loại án đảm bảo tốt hơn trước, tính chung cả hai cấp Tòa án số vụ án bị hủy và bị sửa do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử là: Bị hủy 0,38% (29 vụ) - giảm 0,08% so với cùng kỳ; bị sửa 0,79% (59 vụ) - tăng 0,21% so với cùng kỳ.
So với quy định của TAND tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ do lỗi chủ quan thấp hơn 0,78%, bị sửa do lỗi chủ quan thấp hơn 0,37%. Bên cạnh đó, các Tòa án đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, bảo đảm cho người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của họ. Việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án kịp thời, góp phần tăng cường quản lý xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt có một số đơn vị vừa đạt chỉ
tiêu giải quyết xét xử các loại án, vừa đảm bảo chất lượng xét xử, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa thấp, điển hình như: TAND huyện Cẩm Thủy, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Bá Thước, Quan Hóa không có án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan.
Sáu tháng đấu năm 2017, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa thụ lý 4.810 vụ việc các loại (tăng 661 vụ việc so với cùng kỳ), đã giải quyết 3.647 vụ việc, đạt tỷ lệ giải quyết chung là 75,8 %. Số vụ, việc còn lại hầu hết mới thụ lý, đang được các Toà án giải quyết đảm bảo về tiến độ, không có án quá thời hạn xét xử theo quy định. Các vụ, việc đều áp dụng đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, dân chủ trong xét xử, tôn trọng quyền bình đẳng trong tranh luận tại phiên tòa. Do đó, các bản án đã tuyên đều có căn cứ pháp luật, phù hợp với thực tế khách quan, không có trường hợp nào kết án oan cho người không có tội, không bỏ lọt tội phạm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng.
Các vụ án hình sự đã xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, áp dụng các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ đúng pháp luật, hình phạt áp dụng cơ bản thỏa đáng. Chất lượng xét xử, giải quyết các loại án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính đảm bảo tính khách quan, toàn diện; xác định đúng quan hệ tranh chấp, đảm bảo chính sách pháp luật.
Thi hành Quyết định số 215/QĐ-TANDTC ngày 01/04/2016, ngày 19/4/2016, Đoàn kiểm tra TANDTC đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ; Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của TAND hai cấp tỉnh Thanh Hoá trong các năm 2014 và 2015, và quý I năm 2016. Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán trung cấp, sơ cấp TAND tỉnh Thanh Hoá theo quy định của Luật tổ chức TAND năm 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan; việc chấp hành quy tắc ứng xử, tác phong, đạo đức lối sống của thẩm phán.
Hoạt động kiểm tra công vụ, công tác phòng, chống tham nhũng và giám sát thẩm phán TAND hai cấp tỉnh Thanh Hoá là hoạt động kiểm tra, giám sát đầu tiên của TANDTC đối với TAND các cấp theo Luật tổ chức TAND năm 2014. Đồng
thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thanh tra, Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ, công chức và các quy định của pháp luật khác có liên quan gắn với việc tham mưu giúp Chánh án TANDTC xem xét, đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật trong một số lĩnh vực hoạt động của TAND còn nhiều vướng mắc. Trên cơ sở đó, phát huy những mặt tích cực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những mặt hạn chế, tiêu cực, những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách (nếu có) để từ đó đề ra những kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của TANDTC trong những lĩnh vực này. Kết quả kiểm tra cho thấy chất lượng xét xử ở Tòa án tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng cao, trình độ thẩm phán được bảo đảm và số vụ án bị hủy cũng ngày càng ít so với trước đây [54].
Từ kết quả nêu trên cho thấy: Các Toà án đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án nhân dân. Nhiều đơn vị đã phấn đấu giải quyết 100% vụ án thụ lý, đó là: Tòa án nhân dân các huyện Thường Xuân, Như Thanh, Lang Chánh, Mường Lát và Quan Sơn; Đơn vị giải quyết trên 99% số vụ án thụ lý, đó là TAND thành phố Thanh Hóa; TAND các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Vĩnh Lộc. Đơn vị giải quyết trên 98% số vụ án thụ lý, đó là TAND thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn và TAND các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Tĩnh Gia, Nga Sơn, Yên Định, Thọ Xuân, Quan Hoá và Ngọc Lặc; Đơn vị đạt tỷ lệ giải quyết trên 97%, đó là: TAND các huyện Cẩm Thuỷ, Thiệu Hoá, Thạch Thành. Đơn vị không có vụ án bị huỷ, bị sửa, là: TAND các huyện Như Thanh, Quan Hóa, Đông Sơn, Thạch Thành, Thường Xuân, Quan Sơn [44].
Tuy nhiên, đó là tình hình và kết quả chung, ở những vụ việc khác nhau và tùy từng Tòa án khác nhau mà chất lượng xét xử có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự thiếu độc lập của thẩm phán. Tương tự như tình hình chung ở các địa phương khác, thẩm phán ở tỉnh Thanh Hóa cũng bị tác động, chỉ đạo từ nhiều phía, làm cho khả năng tự bảo đản sự độc lập là rất khó khăn.