1.3. Nội dung bảo đảm sự độc lập của thẩm phán
1.3.1. Bảo đảm sự độc lập của cá nhân thẩm phán
Đối với nhóm các biện pháp trực tiếp bảo đảm cho từng cá nhân thẩm phán được độc lập này thường nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các học giả nghiên cứu về tính độc lập của thẩm phán cũng như pháp luật thực định của các nước về các biện pháp bảo đảm tính độc lập của thẩm phán. Có thể đề cập một số biện pháp chính sau: (1) Nghề nghiệp của thẩm phán phải được đảm bảo; (2) Cơ chế tuyển dụng, quản lý và đề bạt phải khách quan và dựa trên các tiêu chuẩn hợp lý. Để bảo đảm điều đó, cơ chế tuyển dụng và đề bạt phải thực sự khách quan và chủ yếu phải dựa trên các tiêu chí về năng lực chuyên môn và nhân cách của thẩm phán. Cơ chế quản lý đối với thẩm phán cũng phải được thiết lập phù hợp với bản chất công việc của thẩm phán. Về nguyên tắc, thẩm phán không có cấp trên về mặt chuyên môn. (3) Chế độ và cơ chế kỷ luật khách quan, rõ ràng và hợp lý. Bảo đảm một sự nghiệp ổn định để thẩm phán yên tâm với công việc chuyên môn là cần thiết. Song điều đó không có nghĩa là thẩm phán được đặc quyền miễn trừ trách nhiệm đối với sai
phạm. (4) Các thủ tục, quy trình kỷ luật chỉ được tiến hành trên cơ sở những sai phạm rõ ràng và kiểm chứng được của thẩm phán. (5) An toàn của thẩm phán phải được bảo đảm. Do tính nhạy cảm của công việc xét xử, không hiếm khi thẩm phán bị đe dọa về tính mạng, sức khỏe và cả nhân phẩm. Nếu để thẩm phán bị xâm hại thì không những bản thân thẩm phán bị nguy hại, độc lập tư pháp bị ảnh hưởng mà ngay cả tính tôn nghiêm của Tòa án và pháp luật cũng bị coi thường. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ an ninh cho thẩm phán luôn được coi trọng. (6) Thu nhập của thẩm phán phải đủ, ngạn ngữ “Người nắm hầu bao bạn là người quyết định số phận của bạn” đúng với yêu cầu của độc lập của thẩm phán và Tòa án [21].
Ở góc độ quốc tế, nhận thấy, sự độc lập của tư pháp và thẩm phán là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ, tôn vinh quyền tự do quyết định vấn đề dựa trên pháp luật và niềm tin nội tâm và lương tâm của thẩm phán mà nhiều văn bản quốc tế cũng ra đời trong đó có thể chế những nội dung nhằm bảo đảm sự độc lập của thẩm phán. Ví dụ, Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người; Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị; Tuyên bố và Chương trình hành động Viên năm 1993; Bộ tiêu chí về độc lập tư pháp của Liên đoàn Luật sư Quốc tế ban hành năm 1982 tại Niu Đêli; Tuyên bố Quốc tế Monreal về Độc lập tư pháp năm 1983. Theo đó, nội dung của cơ chế bảo đảm sự độc lập của thẩm phán bao gồm tổng hợp các nội dung sau:
Thứ nhất, chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm, thẩm phán: Đây là điều kiện đầu
tiên và cơ bản bảo đảm sự độc lập của thẩm phán vì chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm sẽ ảnh hưởng đến tư thế của thẩm phán ngay khi đảm nhiệm vị trí. Nếu một thẩm phán được bổ nhiệm bởi những chủ thể có thẩm quyền là đại diện cho Nhà nước như nguyên thủ quốc gia thì vị thế của thẩm phán sẽ được tôn vinh ngay từ xác lập. Hiện nay, đa số các nước đều quy định thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán là Nguyên thủ quốc gia (ví dụ như: Pakistan quy định thẩm phán của Tòa án cao cấp do Tổng thống bổ nhiệm sau khi đã bàn bạc với các thẩm phán đứng đầu của Tòa án tối cao, thẩm phán đứng đầu của Tòa án cao cấp và Tỉnh trưởng có liên quan. Ở Thái Lan, bất kỳ một cấp bậc thẩm phán nào đều do Quốc vương bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của
Ủy ban thẩm phán. thẩm phán Tòa án tối cao và Tòa án địa phương của Singapore lại do Thủ tướng và thẩm phán đứng đầu Tòa án đề cử, Tổng thống bổ nhiệm. Tất cả thẩm phán ở Ai-len nói chung đều do Tổng thống bổ nhiệm. Ở Anh, các thẩm phán đều do Thủ tướng đề cử, nữ hoàng Anh bổ nhiệm).
Một số ít các nước do những người đứng đầu Nghị viện, Chính phủ hoặc các cơ quan Chính phủ bổ nhiệm (chẳng hạn như: Ở Nhật, thẩm phán đứng đầu của Tòa án tối cao do Nội các đề cử, Nhật hoàng bổ nhiệm. Các Đại thẩm phán khác lại do Đại thẩm phán đứng đầu Tòa án tối cao đề cử, Nội các bổ nhiệm. Tất cả các thẩm phán các cấp thuộc cấp dưới của Tòa án cao cấp đều do Tòa án tối cao đề cử danh sách, nội các bổ nhiệm, Nhật Hoàng chứng thực. Tại Hàn Quốc, Chánh án và thẩm phán của Tòa án tối cao do Tổng thống Hàn quốc bổ nhiệm và được Quốc hội phê duyệt. Các thẩm phán khác được Chánh án Tòa án tối cao bổ nhiệm với sự chấp thuận của Hội đồng thẩm phán của Tòa án tối cao). Không hiếm trường hợp thẩm phán được bổ nhiệm bởi Ủy ban thẩm phán (hoặc Ủy ban Tư pháp) như thẩm phán Tòa án các cấp của Bồ Đào Nha lại do Hội đồng thẩm phán tối cao căn cứ vào quy định pháp luật để bổ nhiệm. Ở Trung Quốc, chức vụ thẩm phán do Đại hội đại biểu nhân dân các cấp và Ban Thường vụ bổ nhiệm. Nhìn chung, đa số các quốc gia đều không quy định thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán là những chức danh có khả năng ảnh hưởng đến thẩm phán như Chánh án, người đừng đầu chính quyền địa phương các cấp…
Bổ nhiệm là con đường thành lập thẩm phán phổ biến nhưng ngoài ra còn có phương thức bầu thẩm phán: điển hình cho việc áp dụng phương thức bầu thẩm phán là Hoa Kỳ. Trừ thẩm phán liên bang do Tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện bỏ phiếu phê chuẩn, còn lại hầu hết thẩm phán các bang đều được bầu. Hệ thống bổ nhiệm này dựa trên niềm tin rằng công dân có quyền lực chọn thẩm phán của mình và có thể lựa chọn người khác trong lần bầu tiếp theo nếu không hài lòng với hiệu quả công tác của những người này trong nhiệm kỳ của họ [50].
Ở nước ta, chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm thẩm phán được quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 là khá nghiêm ngặt. theo đó, thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao được Chủ tịch nước bổ nhiệm sau khi Quốc hội phê chuẩn và theo đề nghị của Hội đồng Tuyển chọn, Giám sát thẩm phán quốc gia. Còn các thẩm phán khác cũng do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng Tuyển chọn, Giám sát thẩm phán quốc gia.
Thứ hai, về nhiệm kỳ thẩm phán: để độc lập thì thời gian nhiệm kỳ của thẩm
phán cũng là vấn đề mang tính quyết định. Thực tế cho thấy, việc sắp hết nhiệm kỳ, do bị chi phối bởi các yếu tố xung quanh việc có được tái bổ nhiệm lại mà thẩm phán sẽ thiếu công tâm, thiếu khách quan thậm chí là dễ bị tác động bởi những chủ thể hoặc những sự việc có thể ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm của họ. Do đó, tạo ra một nhiệm kỳ đủ dài, đủ để thẩm phán không bị tác động bởi các điều kiện khách quan của việc hết nhiệm kỳ, chiến thắng được nỗi lo sợ khi sắp hết nhiệm kỳ là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu nhằm bảo đảm sự độc lập của thẩm phán. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng quy định nhiệm kỳ thẩm phán đủ dài để bảo đảm cho sự độc lập của họ. Cụ thể, qua khảo sát các nghiên cứu của nhiều tác giả, chúng tôi nhận thấy nhiệm kỳ thẩm phán ở các nước trên thế giới chủ yếu phân thành hai loại: chế độ suốt đời (chính xác hơn là cho đến tuổi nghỉ hưu) và chế độ nhiệm kỳ; cũng có nước áp dụng cả hai chế độ.
Chế độ suốt đời là một khi được bổ nhiệm (hoặc bầu cử) làm thẩm phán tức là được bổ nhiệm (hoặc bầu cử) suốt đời; nếu không có nguyên nhân được pháp luật quy định thì không được bãi miễn chức vụ. Đại đa số các nước trên thế giới thực hiện chế độ bổ nhiệm (hoặc bầu cử) thẩm phán suốt đời như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Bỉ, Ai-len, Lúcxămbua, Canada, Mêhicô, Ấn Độ, Thái Lan v.v... nhưng trong đó lại hạn chế nhiệm kỳ đối với thẩm phán của một số Toà án như nhiệm kỳ của thẩm phán Toà án Hiến pháp Ý là 9 năm và không được làm nhiều nhiệm kỳ, nhiệm kỳ thẩm phán Singapore là 9 năm và không được tái bổ nhiệm lại. Các nước thực hiện chế độ thẩm phán suốt đời đại đa số đều có quy định tuổi về hưu. Ngày 22 tháng 10 năm 1982 tại New Delhi - Ấn Độ thông qua “Luật tiêu chuẩn tối thiểu về độc lập Tư pháp của Hiệp hội giới luật pháp quốc tế” cũng cho rằng, chế độ thẩm phán suốt đời cần hạn chế bằng cách cưỡng chế nghỉ hưu. Chỉ có một số ít nước
như Bỉ, Bồ Đào Nha quy định chế độ thẩm phán suốt đời không cần phải nghỉ hưu; cũng có một số nước quy định có thể kéo dài thời hạn nghỉ hưu hoặc có nghỉ hưu hay không phải do chính bản thân thẩm phán quyết định.
Chế độ nhiệm kỳ là việc giữ chức vụ thẩm phán có kỳ hạn nhất định. Quy định của các nước về kỳ hạn cụ thể không giống nhau; kỳ hạn thẩm phán của các cấp xét xử khác nhau cũng không giống nhau. Một số nước quy định thẩm phán có thể làm nhiều nhiệm kỳ, nhưng nhiệm kỳ đều tương đối dài. Nhiệm kỳ của thẩm phán Toà án liên bang Thụy Sĩ là 6 năm; nhiệm kỳ của thẩm phán Toà án tối cao Panama là 18 năm, thẩm phán các cấp của Nhật đều có nhiệm kỳ 10 năm, mỗi nhiệm kỳ đều phải sát hạch một lần, sau khi thông qua có thể được tái bổ nhiệm.
Một số nước như Mỹ, Vênêzuêla vừa áp dụng chế độ thẩm phán suốt đời vừa thực hiện chế độ nhiệm kỳ. Ở Mỹ, tất cả thẩm phán Toà án liên bang và thẩm phán Toà án của 7 bang là chế độ giữ chức vụ suốt đời, còn thẩm phán của đại đa số các bang thực hiện chế độ nhiệm kỳ. Quy định của các bang về nhiệm kỳ dài ngắn không giống nhau, nói chung nhiệm kỳ là từ 4 đến 15 năm, đa số là 6 - 8 năm.
Nhìn chung, việc thực hiện chế độ giữ chức vụ suốt đời hay chế độ nhiệm kỳ thì tuyệt đa số các nước đều thực hiện chế độ “không thể thay đổi” đối với thẩm phán tại chức, tức là trước khi hết nhiệm kỳ, với những nguyên nhân không theo luật định thì không được bãi miễn, cách chức hoặc ra lệnh cho họ phải về hưu [16]. Việc kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho thẩm phán, đó là: ổn định nghề nghiệp; tránh sự can thiệp của cấp uỷ địa phương, các cơ quan hành pháp, lập pháp và ngay cả sự can thiệp của toà án cấp trên vào công việc bổ nhiệm thẩm phán, từ đó làm cho thẩm phán không chỉ có khả năng độc lập mà còn dám độc lập xét xử [26].
Ở Việt Nam,thẩm phán áp dụng chế độ nhiệm kỳ và có sự thay đôi theo xu hướng tiến bộ theo thời gian. Cụ thể, theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành, Nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm [37].
Thứ ba, về điều kiện tiêu chuẩn trở thành thẩm phán
Muốn trở thành thẩm phán độc lập thì ngay từ đầu họ phải là những công dân có những tố chất của một thẩm phán độc lập, việc đợi đến khi trở thành thẩm phán họ mới xây dựng những phẩm chất cần thiết để bảo toàn sự độc lập của mình thì sự độc lập đó chỉ là hình thức và sớm sẽ sụp đỗ vì các yếu tố vật chất, quyền lực khác. Như vậy, tiêu chuẩn ban đầu cần có ở một ứng cử viên thẩm phán là quan trọng vì sự vô tư, tính lôgic, trình độ chính xác, tính độc lập của các quyết định luôn lệ thuộc vào các tính cách cá nhân thẩm phán với tính tình ông ta [26].
Về tiêu chuẩn đạo đức: hầu hết các nước đều quy định người đảm nhiệm chức vụ thẩm phán phải có phẩm chất đạo đức tốt. Mêhicô còn quy định phải có tiểu sử trong sạch, có danh dự cá nhân tốt. Vênêzuêla thì quy định mọi hành vi trong cuộc sống đều phải trong sáng; còn Pháp thì yêu cầu thêm là phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quân sự theo quy định.
Về trình độ, năng lực, kinh nghiệm: nhìn chung, muốn độc lập thì thẩm phán phải giỏi chuyên môn và có kinh nghiệm xét xử. Không thẩm phán nào có thể độc lập khi thiếu tự tin và hoài nghi với phán quyết của chính bản thân mình. Thực vậy, chất lượng xét xử một vụ việc thực chất phụ thuộc rất lớn vào trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của thẩm phán [22, tr.94-100] vì thẩm phán độc lập được đến đâu, mức độ nào là do trình độ chuyên môn, năng lực quyết định, không ai đánh giá một thẩm phán bị lệ thuộc là kém khi họ có xuất phát điểm kém về trình độ chuyên môn nhưng việc tuyển chọn một công dân có trình độ kém làm thẩm phán mới là đáng trách. Hoạt động xét xử là hoạt động đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và trình độ chuyên nghiệp, nó không phải là hoạt động thiện nguyện xã hội hay mang tính nhân đạo của tôn giáo nên một thẩm phán mà thiếu kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp sẽ dễ bị người khác lợi dụng. Cho nên, trình độ chuyên môn, năng lực thẩm phán là điều kiện tối thiểu bảo đảm cho sự độc lập của thẩm phán
Nhìn chung, ở đa số các nước, để trở thành thẩm phán thì yêu cầu chung là tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật. Có nước yêu cầu phải có bằng Thạc sỹ luật,
thậm chí là Tiến sĩ Luật (Mỹ). Cá biệt có trường hợp của Trung Quốc cho phép để đảm nhiệm chức vụ thẩm phán có thể tốt nghiệp các trường cao đẳng không phải chuyên ngành luật nhưng phải có kiến thức chuyên môn về pháp luật và có thời gian công tác Tòa án đủ 2 năm; hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành luật và có thời gian công tác Tòa án đủ 1 năm. Những người có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ luật thì không cần điều kiện về thời gian công tác.
Đức và Nhật Bản đều quy định qua 2 lần thi đạt tiêu chuẩn mới được nhận chức danh thẩm phán. Đức còn đòi hỏi người tham dự thi lần đầu phải học ít nhất 3 năm rưỡi tại trường Đại học chuyên ngành luật. Sau khi xong lần thi thứ nhất phải thực tập 2 năm nữa mới có thể tham dự kỳ thi thứ 2. Các nước Anh, Mỹ, Singapore, Braxin, Vê-nê-duê-la, Bỉ mặc dù không quy định các cuộc thi riêng cho thẩm phán song đều yêu cầu trước khi làm thẩm phán phải từng là luật sư với chế độ thi rất nghiêm ngặt.
Tại một số nước như Áo, Hung-ga-ry, Hà Lan, việc lựa chọn thẩm phán còn bao gồm phải đáp ứng được điều kiện về tâm lý. Thông qua một cuộc kiểm tra tâm lý, các ứng viên sẽ được khảo sát bởi các bài kiểm tra trí thông minh, khả năng làm việc nhóm, khả năng tập trung, khả năng ra quyết định trong trạng thái tâm lý căng thẳng và các vấn đề khác. Những cuộc kiểm tra này có thể được tiến hành bởi một công ty tư nhân chuyên nghiệp và kết quả của nó sẽ được cung cấp cho Tòa để cân nhắc trong khung đánh giá tổng thể đối với các ứng viên thẩm phán.
Quy định về các trường hợp không được làm thẩm phán cũng là một quy định cần thiết để loại trừ những trường hợp cụ thể, chẳng hạn như một số nước đều có quy định cụ thể về các trường hợp sau đây không được làm thẩm phán: Người có