Một số tồn tại và những nguyên nhân cơ bản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số vấn đề lý luận và thực tiễn về hành vi phạm tội trong luật hình sự việt nam (Trang 57 - 61)

2.2. Thực tiễn xét xử có liên quan đến hành vi phạm tội, một số tồn tại và những

2.2.2. Một số tồn tại và những nguyên nhân cơ bản

Qua việc phân tích đánh giá tình hình thực tế áp dụng pháp luật vào thực tiễn, có thể đưa ra một số những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân của chúng như sau:

2.2.2.1. Một số tồn tại

“Pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng cho thấy: hậu quả phạm tội khi được nhà làm luật quy định là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm tại các cấu thành tương ứng: cấu thành tội phạm cơ bản, tăng nặng, hoặc tăng nặng đặc biệt, thì cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền nhất thiết phải xác định được hậu quả đó vì nếu không có thiệt hại do chính hành vi của người phạm tội gây nên thì cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện theo các khung hình phạt tương ứng với các cấu thành tội phạm ấy.

Ví dụ: hành vi nguy hiểm cho xã hội không thể bị coi là tội phạm tại một loạt các điều 202-205, 208, 212, 213, 235, 239, 240,… Bộ luật hình sự năm 1999 nếu như không xác định được hậu quả cụ thể của tội phạm xảy ra là “thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác” và do chính hành vi đó gây nên, vì trong các trường hợp này, người thực hiện hành vi chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý theo ngành luật tương ứng (pháp luật hành chính, pháp luật dân sự,…). [8, tr. 368, 369]

Người phạm tội không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tăng nặng nếu không xác định được hậu quả phạm tội cụ thể là “rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng”. Thế nào là thiệt hại không lớn, thế nào là nghiêm trọng, đối với những thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của người khác thì việc xác định thiệt hại đó căn cứ vào đâu, lấy cái gì ra làm giới hạn tối thiểu để xác định hậu quả mà hành vi phạm tội ấy gây nên. Từ đó cho thấy, việc xác định các mức độ thiệt hại cụ thể do hành vi phạm tội gây ra như thế nào là thuộc quyền tùy nghi của Tòa án.

Vai trò quan trọng của thực tiễn là trong quá trình xét xử đã cụ thể hóa các quy phạm pháp luật hình sự trừu tượng trong thực tế khách quan như “là phòng thí nghiệm đặc sắc mà trong đó kiểm tra tính đúng đắn và hiệu quả của đạo luật hình sự là công cụ nắm bắt, soạn thảo lại và truyền cho nhà làm luật các yêu cầu của thực tiễn xã hội, có nghĩa là người đưa thông tin” [8, tr. 369]. Thực tế cho thấy còn có khá nhiều những sai sót trong việc áp dụng pháp luật vào cuộc sống như sau:

Vẫn tồn tại trường hợp xử oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm dẫn đến kết án sai, ảnh hưởng tới niềm tin vào pháp luật của công dân, giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật bấy lâu nay vẫn được coi là cán cân công lý đem lại sự công bằng, bình đẳng cho nhân dân. Bên cạnh đó, việc định tội danh còn nhầm lẫn giữa tội danh này với tội danh khác, áp dụng sai điều luật; việc quyết định hình phạt còn chưa phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội gây ra.

2.2.2.2. Những nguyên nhân cơ bản

Sự vật sự việc hiện tượng nào xảy ra cũng đều có hai mặt tích cực và hạn chế, chính vì thế những tồn tại trong việc áp dụng pháp luật và thực tiễn cuộc sống thông qua những bản án có sai sót cũng đều có nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, về phương diện lập pháp, GS.TSKH Đào Trí Úc đã viết: “Pháp luật có hoàn thiện đến mấy cũng không thể phản ánh và quy định hết được tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống” [69, tr. 441]. Bởi lẽ, pháp luật có ưu việt đến đâu cũng không phải là cuốn bách khoa toàn thư chỉ luôn chứa đựng những điều chính xác nhất mà không hề có sai sót. Hơn thế nữa, các quan hệ xã hội luôn luôn biến đổi không ngừng, và thường đi trước so với những điều chỉnh của pháp luật cũng như là pháp luật không thể bắt kịp để điều chỉnh kịp thời những thay đổi của xã hội. Chính từ sự đi sau thời đại ấy mà các điều luật cần phải luôn luôn được xem xét đặt trong bối cảnh chung của xã hội, phải được sửa đổi, và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn để việc áp dụng các quy phạm pháp luật vào đời sống được chính xác, hợp lý.

Thứ hai, các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung còn gặp phải một số vấn đề như sau:

Trước hết, một bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật; yếu kém về năng lực, trình độ; có biểu hiện bệnh thành

tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án, quá tin vào lời nhận tội của bị can, bị cáo; việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện, chưa đúng với nguyên tắc “suy đoán vô tội”, từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội; có trường hợp còn bảo thủ, định kiến trong giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo.

Hồ sơ vụ án hình sự đưa ra tòa có xu hướng nặng về buộc tội và tại phiên tòa kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng, dẫn tới nguyên tắc “suy đoán vô tội” và quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong một số trường hợp khó bảo đảm, tôn trọng thực sự. Quá trình tranh tụng tại nhiều phiên toà còn hình thức, chủ yếu do lỗi chủ quan của thẩm phán, kiểm sát viên còn coi trọng “án tại hồ sơ”, chưa coi trọng “án tại phiên toà”, từ đó chưa chủ động tranh luận, tích cực làm rõ các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa. Một bộ phận người tiến hành tố tụng còn yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm công vụ; kể cả một số lãnh đạo cơ quan tố tụng địa phương.

Thứ ba, hoạt động áp dụng pháp luật là hoạt động sáng tạo pháp luật, người áp dụng nếu quá cứng nhắc cũng sẽ dẫn tới những sai phạm. Không thể đem cả một khuôn mẫu chật hẹp nhất định áp dụng vào các trường hợp cụ thể bởi cuộc sống là muôn màu muôn vẻ, mỗi quan hệ xã hội chứa đựng những yếu tố khác nhau, chính vì thế việc áp dụng pháp luật vào đời sống để điều chỉnh hành vi của mỗi người là một hoạt động mang tính chất sáng tạo, có tính chất mềm dẻo, mà không mất đi bản chất vốn có của pháp luật đó là tính công bằng, nghiêm minh và tính nhân văn nhân đạo.

Ngoài ra, một trong nhiều lý do khách quan dẫn tới tình trạng này là một số quy định của Bộ luật hình sự còn bất cập, thiếu hướng dẫn các tình tiết định tính.

Một số quy định của Bộ luật hình sự còn hạn chế, bất cập, nhiều thủ tục còn rườm rà, phức tạp. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp trên đối vớ cơ quan cấp dưới còn chưa chặt chẽ, sát sao, dẫn đến những sai phạm trong quá trình áp dụng pháp luật không thống nhất và thiếu tính chính xác.

KẾT LUẬN CHƢƠNG 2

Chương 2 luận văn đã đưa ra số liệu thống kê các tội phạm có dấu hiệu hành vi phạm tội cần phải giải quyết trong phạm vi toàn quốc giai đoạn 2005 - 2014, đã phân tích chứng minh một số ví dụ điển hình trong thực tiễn xét xử về việc định tội danh, quyết định hình phạt, định khung hình phạt không đúng, không chính xác trên cơ sở nghiên cứu đánh giá, phân tích dấu hiệu hành vi phạm tội không đúng. Dẫn tới trường hợp bỏ lọt tội phạm, hoặc tuyên bố người phạm tội sau, xử quá nặng hoặc quá nhẹ đối với hành vi của người phạm tội. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trên cơ sở phân tích về số liệu thống kê các loại án và việc phân tích một số ví dụ điển hình nêu trên, luận văn đã chỉ ra được những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng dấu hiệu hành vi phạm tội đồng thời chỉ ra những nguyên nhân cơ bản còn tồn tại về mặt khách quan, chủ quan. Đó chính là cơ sở để tác giả đưa ra được những đề xuất liên quan đến dấu hiệu hành vi phạm tội.

Chƣơng 3

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM NĂM 1999 HIỆN HÀNH LIÊN QUAN ĐẾN DẤU HIỆU

HÀNH VI PHẠM TỘI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số vấn đề lý luận và thực tiễn về hành vi phạm tội trong luật hình sự việt nam (Trang 57 - 61)