nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam
Một là, quy định của pháp luật hiện hành về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Có thể nói, yếu tố chi phối, ảnh hưởng cơ bản và quan trọng nhất tới việc thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính là các quy định hiện hành của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sở dĩ khẳng định như vậy là vì bản chất việc thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất chính là việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thực tế.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành về đối tượng, điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… mới có thể xác định được những đối tượng nào được coi là đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đã đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người dân cần phải đến cơ quan có thẩm quyền nào để làm thủ tục, hồ sơ, trình tự thực hiện ra sao,… tất cả đều được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật về đất đai, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, quy định về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp xác định rõ chính xác cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cũng chỉ rõ trong quá trình cấp giấy chứng nhận cho người dân, cơ quan nhà nước cần tuân thủ những nguyên tắc gì,… Hơn hết, để đảm bảo các quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tuân thủ và triển khai thi hành một cách có hiệu quả, nhà nước còn ban hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
Như vậy, rõ ràng các quy định của pháp luật hiện hành về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các tác động to lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thi hành hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, để việc thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt hiệu quả, cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý, các quy định của pháp luật hiện hành về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các quy định cần cụ thể, rõ ràng để thuận tiện trong việc áp dụng, tránh tình trạng quy định mâu thuẫn, chồng chéo gây lúng túng cho cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng ít nhiều đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Hai là, các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể không nhắc đến đó chính là các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế cho thấy, các quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được đi vào thực tiễn cuộc sống hay không, có ý nghĩa, giá trị thiết thực hay không còn phụ thuộc vào yếu tố con người, mà phần lớn trong đó là phụ thuộc vào những người thực hiện, thi hành các quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực vậy, nếu những người thực hiện, thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không nắm chắc, nắm vững các quy định của pháp luật hiện hành về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến việc nhiều trường hợp đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận nhưng do nhận thức của cán bộ còn hạn chế, kéo dài thời gian xác minh, gây ngưng trệ hồ sơ, thậm chí còn không cấp giấy chứng nhận, hay có những trường hợp lại cấp sai thẩm quyền, trái quy định của pháp luật gây mất thời gian xử lý hậu quả sau này, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân,… Vì vậy, các cán bộ, công chức – những người thi hành pháp luật nói chung và thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng cần nắm chắc quy định của pháp luật, giỏi về trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, nếu chỉ đòi hỏi các cán bộ, công chức nắm chắc các quy định của pháp luật hiện hành, giỏi về trình độ chuyên môn thôi là chưa đủ vì cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ cần có đạo đức nghề nghiệp, thái độ tiếp công dân lịch sự, nhiệt tình, hòa nhã, tránh trường hợp gây khó khăn, sách nhiễu dẫn đến tâm lý e ngại, “sợ” làm thủ tục hành chính của người dân như hiện nay.
Qua đó, có thể thấy, vấn đề về con người, về nhân sự, về những người thi
hành pháp luật cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thực tế.
Ba là, nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân
Nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân cũng có tác động đáng kể đến việc thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thực tế. Cụ thể, nếu người dân không nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tiến hành kê khai, làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có cơ sở để cấp giấy chứng nhận cho người dân. Ngược lại, nếu người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nắm chắc được theo quy định của pháp luật hiện hành, thửa đất của gia đình mình đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ chủ động ra cơ quan có thẩm quyền kê khai, làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật. Và trong quá trình làm thủ tục, nếu cán bộ, công chức nào gây khó khăn, sách nhiễu cho người dân, người dân hoàn toàn có thể khiếu nại, khiếu kiện để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, nếu hầu hết người dân đều hiểu, nắm vững các quy định của pháp luật thì sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng cán bộ công chức cửa quyền, sách nhiễu, người dân tự bảo vệ được quyền lợi của mình, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì thế mà cũng được nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo công tác thi hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt hiệu quả cao.