Theo Khoản 4(b), Điều 76 Công ước:
Chân dốc lục địa sẽ được xác định, trong trường hợp thiếu các bằng chứng ngược lại - là một điểm thay đổi rõ nét về độ dốc ở nền dốc.
Cụm từ „„trong trường hợp thiếu các bằng chứng ngược lại‟‟ ngụ ý rằng có thể có các hoàn cảnh đặc biệt yêu cầu sự áp dụng của những biện pháp khác nhau để xác định chân dốc lục địa [73].
Bản Hướng dẫn về Khoa học và Kỹ thuật của Ủy ban đề nghị rằng một quy tắc có thể được áp dụng để xác định chân dốc là xác định sự thay đổi tối đa về độ dốc và quy định về “bằng chứng ngược lại” với điều này là sự bổ sung với nguyên tắc chung [39].
Quy định liên quan đến “bằng chứng ngược lại” biểu thị rằng nếu như có bằng chứng rằng chân dốc không phải nằm ở vị trí thay đổi độ dốc tối đa ở nền dốc, quy định về “bằng chứng ngược lại” sẽ xác định chân dốc. Điều 76 (4)(b) không biểu thị “bằng chứng ngược lại” bao gồm những gì. Tuy nhiên, như điều khoản này đã chỉ ra, nó sẽ liên quan tới bằng chứng biểu thị rằng chân dốc ở vị trí khác hơn là một điểm mà tại đó có sự thay đổi độ dốc tối đa ở nền dốc lục địa. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu bởi Ủy ban.
Thông thường, sự thay đổi rõ nét trong độ dốc tại nền đất của dốc lục địa xảy ra tại điểm bờ và dốc lục địa giao nhau, hoặc nơi có rãnh sâu, dọc theo trục quả đất của các rãnh này [44].
Nhiệm vụ của các quốc gia ven biển nhằm xác định chân dốc lục địa nhìn chung sẽ là:
- Xác định khu vực có thể được coi là phần cuối của dốc lục địa - Xác định điểm thay đổi độ dốc tối đa [39]
Theo Bản Hướng dẫn của CLCS, Uỷ ban xác định khu vực cuối của dốc lục địa là khu vực mà dốc lục địa chuyển hoá dần sang phần bờ lục địa, hoặc nơi nào không có bờ lục địa thì là nơi dốc lục địa chuyển hoá dần sang đáy đại dương. Ở nơi nào phần cuối của dốc lục địa có thể được xác định bởi các bằng chứng địa mạo và độ sâu, Uỷ ban khuyến nghị áp dụng bằng chứng đó.
Việc xác định nơi thay đổi tối đa độ dốc của phần cuối của dốc lục địa được thực hiện bằng cách phân tích toán học các mặt cắt hai chiều, các mẫu đo sâu ba chiều. Uỷ ban sẽ không chấp nhận các phương pháp chỉ dựa trên quan sát các số liệu đo sâu. Ủy ban sẽ yêu cầu quốc gia cung cấp mô tả kỹ thuật đầy đủ mẫu đo sâu ba chiều, về các chi tiết của phương pháp toán học và điểm hay đường xác định chân dốc lục địa. Nơi nào có nhiều sự thay đổi độ dốc khác nhau, Uỷ ban chấp nhận nơi thay đổi độ dốc tối đa.
Các dữ liệu địa chất và địa vật lý được sử dụng để xác định phần cuối của dốc lục địa bao gồm: các mẫu đo tại chỗ, dữ liệu địa hoá và trắc địa radio, và chụp quét cạnh.
Như vậy, chân dốc lục địa có thể được xác định bằng 2 cách: thứ nhất, bằng việc chỉ ra điểm thay đổi độ dốc rõ nét nhất ở nền dốc và cách thứ 2, bằng những phương thức khác nếu thiếu bằng chứng ngược lại. Cách thứ nhất có thể căn cứ vào địa mạo đáy biển; cách thứ hai, theo quan điểm của Ủy ban và một số nhà khoa học, có thể dựa trên khoa học về địa chất. Ủy ban đã giải thích hai cách thức này không
phải là những sự lựa chọn khác nhau mà là dưới dạng những quy tắc loại trừ chung. Qui tắc chung là xác định điểm thay đổi độ dốc lớn nhất ở nền dốc. Ngoại lệ là xác định chân dốc bằng các cách thức khác nếu thiếu bằng chứng ngược lại. Tuy nhiên, sự giải thích vấn đề này của Ủy ban lại chưa thỏa mãn câu chữ của Điều 76 như từ Công ước. Quốc gia ven biển nên được cho phép toàn quyền lựa chọn cách thức phù hợp nhất với yêu sách của họ.