e) Vấn đề về dải núi ngầm tại Điều 76(6)
2.4.2. Các điều ước quốc tế song phương về phân định ranh giới ngoài thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện
địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện
Bên cạnh điều ước quốc tế đa phương, điều ước quốc tế song phương cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho một quốc gia xác định ranh giới ngoài thềm lục địa nước mình trong trường hợp có sự chồng lấn về quyền chủ quyền với các nước khác. Tại những vùng biển rộng hoặc không tiếp giáp, liền kề với bất kỳ quốc gia ven biển nào thì quốc gia ven biển có thể đơn phương xác định ranh giới ngoài thềm lục địa nước mình theo những quy định của pháp luật quốc tế mà không cần quan tâm tới việc hoạch định của các nước khác. Nhưng trên thực tế, những vùng biển rộng như vậy không nhiều, các quốc gia ven biển thường có bờ biển nằm đối diện hoặc tiếp liền nhau. Theo Công ước 1982 cũng như nhiều văn kiện pháp lý quốc tế khác, trong trường hợp giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền nhau thì
việc hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa họ phải được thực hiện bằng con đường thoả thuận theo đúng pháp luật quốc tế như đã được nêu ở Điều 38 của Quy chế Toà án công lý quốc tế, để đi tới một giải pháp công bằng (Điều 83 Công ước).
Đối với những vùng có sự chồng lấn về quyền chủ quyền giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hay tiếp liền nhau, việc hoạch định ranh giới ngoài thềm lục địa trước hết được tiến hành trên cơ sở thoả thuận giữa các bên hữu quan. Thông thường các nước này sẽ cùng bàn bạc để cuối cùng đi đến ký kết một Hiệp định song phương về việc phân định. Hiệp định song phương này sẽ có giá trị pháp lý chung thẩm, như đã được khẳng định trong Công ước 1982: “Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới thềm lục địa được giải quyết theo đúng điều ước đó” (Khoản 4 Điều 83 Công ước).
Có thể thấy rằng, đối với những khu vực biển đối diện hay tiếp liền nhau thì việc phân định ranh giới thềm lục địa trước hết phải được tiến hành trên cơ sở thoả thuận vì vấn đề phân định thềm lục địa liên quan tới chủ quyền và lợi ích của cả hai bên hữu quan. Không một bên nào có thể đơn phương ra tuyên bố hoạch định thềm lục địa nước mình mà gây ảnh hưởng cho việc xác định ranh giới thềm lục địa nước khác. Điều ước quốc tế song phương là cơ sở pháp lý quan trọng cho các bên hữu quan trong việc hoạch định ranh giới ngoài thềm lục địa của mình.