1.2. Dấu hiệu pháp lý hình sự của tội buôn lậu theo Luật hình sự Việt Nam
1.2.4. Mặt chủ quan của tội buôn lậu
Cũng như các tội khác, khi xem xét dấu hiệu thuộc mặt chủ quan chúng ta cần làm rõ ba dấu hiệu:
Lỗi của người phạm tội
Về cấu trúc tâm lý của người phạm tội trong trường hợp này cho thấy về mặt lý trí, người thực hiện hành vi buôn lậu nhận thức rõ hành vi do mình thực hiện là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật cấm và người phạm tội cũng thấy trước được thiệt hại cho xã hội do hành vi phạm tội đó gây ra nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
Mặc dù tội buôn lậu là tội phạm có cấu thành hình thức, hậu quả cụ thể của tội phạm không được nêu lên trong điều luật quy định về tội buôn lậu song đối với trường hợp này muốn xác định người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp hay không chỉ cần xác định người đó đã nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà vẫn thực hiện hành vi đó [33]. Đối chiếu với người thực hiện hành vi buôn lậu, điều này hoàn toàn phù hợp, do đó lỗi của người thực hiện hành vi này là lỗi cố ý trực tiếp.
Động cơ và mục đích phạm tội buôn lậu
Đối với tội buôn lậu, mặc dù động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc cũng như không được quy định cụ thể trong Điều 153 Bộ luật hình sự 1999 nhưng thực chất động cơ của người phạm tội là vụ lợi, mục đích là để buôn bán kiếm lời, trong đó, mục đích buôn bán kiếm lời là dấu hiệu cần thiết và là căn cứ để phân biệt tội buôn lậu với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 154 Bộ luật hình sự 1999).
Tóm lại, qua việc nghiên cứu và phân tích bốn yếu tố cấu thành tội phạm của tội buôn lậu có thể thấy rằng chúng là một thể thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, cho phép nhận thức sâu sắc bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi buôn lậu đồng thời là căn cứ pháp lý quan trọng để phân biệt tội buôn lậu với một số tội phạm cụ thể khác.