Phân biệt tội buôn lậu (Điều 153 Bộ luật hình sự 1999) với tội vận chuyển trá

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tội buôn lậu trong luật hình sự việt nam (trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn địa bàn tỉnh bắc giang giai đoạn 2009 – 2013) (Trang 37 - 40)

1.4. Phân biệt tội buôn lậu với một số tội phạm khác trong Bộ luật hình sự 1999

1.4.1.Phân biệt tội buôn lậu (Điều 153 Bộ luật hình sự 1999) với tội vận chuyển trá

tội vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới (Điều 154 Bộ luật hình sự 1999)

Hai tội phạm này về nội dung cấu thành tội phạm có nhiều dấu hiệu giống nhau như khách thể, đối tượng của tội phạm, lỗi, thủ đoạn phạm tội. Sự khác nhau cơ bản của hai tội phạm này là ở hành vi khách quan của nó, thể hiện ở chỗ: Hành vi khách quan của tội buôn lậu là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa hoặc hàng cấm. Còn ở tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới thì hành vi khách quan là hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa hoặc hàng cấm.

Như vậy, ở cả hai tội buôn lậu (Điều 153 Bộ luật hình sự 1999) với tội vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới (Điều 154 Bộ luật hình sự 1999) đều có yếu tố là đưa hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa hoặc hàng cấm qua biên giới, dấu hiệu để có thể phân biệt hành vi của hai tội này là: Hành vi “buôn bán” và hành vi “vận chuyển” trái phép qua biên giới. Hành vi buôn bán ở tội buôn lậu là hành vi mua, bán, trao đổi hàng hóa, tiền tệ với mục đích kiếm lời; còn đối với tội vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới người phạm tội thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, họ không phải chủ hàng, họ chỉ là người vận chuyển cho chủ hàng, còn người chủ hàng ở đây là người buôn lậu.

Đồng thời, một dấu hiệu rất quan trọng để phân biệt hai tội phạm này đó là mục đích của tội buôn lậu là buôn bán kiếm lời còn đối với tội vận

chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới, mục đích phạm tội không phải là buôn bán nhằm thu lợi bất chính, họ chỉ vận chuyển thuê để lấy tiền công, thậm chí còn có trường hợp là vì tình cảm, nể nang mà vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Theo đó, nếu phát hiện một người đang vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa hoặc hàng cấm thì cần xác định mục đích phạm tội, nếu người đó thực hiện hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền tệ nhằm mục đích kiếm lời thì người đó phạm tội buôn lậu theo Điều 153 Bộ luật hình sự 1999, còn nếu người đó thực hiện hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền tệ qua biên giới mà không nhằm mục đích kiếm lời thì người đó phạm tội vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền tệ theo Điều 154 Bộ luật hình sự 1999. Ví dụ sau sẽ cho thấy việc xác định mục đích vận chuyển hàng hóa của người phạm tội nhằm mục đích kiếm lời hay không chính là cơ sở đề phân biệt giữa hai tội phạm này.

Ví dụ về vụ án buôn lậu thiết bị quy mô lớn do các bị cáo Trần Tiến Thịnh (53 tuổi, Giám đốc Công ty Nhựa Trường Thịnh) và Phan Thanh Hóa (59 tuổi, Giám đốc Công ty Trùng Dương) cùng đồng bọn thực hiện: Tháng 06/2010, TAND huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt các bị cáo về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng tháng 07/2010, tòa phúc phẩm TAND Bắc Giang đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trên để điều tra, xét xử lại. Ban đầu, các bị cáo đều khai rằng mục đích nhập khẩu hàng trái phép của các bị cáo để làm “từ thiện” chứ không có ý định buôn bán để thu lợi, tuy nhiên thông qua quá trình điều tra, xét xử, Hội đồng xét xử kết luận việc các bị cáo Thịnh, Hóa khai rằng mục đích nhập 4 container trang thiết bị đã qua sử dụng để làm từ thiện là không có cơ sở vì: Chúng không thông qua Sở Y tế Bắc Giang, không thực hiện các thủ tục pháp lý đúng quy định, đặc biệt Thịnh và Hòa còn thay đổi tên 4 container thiết bị y

tế đã qua sử dụng thành sợi tổng hợp 100% Polyester (vì biết rằng loại thiết bị y tế đã qua sử dụng thuộc nhóm hàng cấm nhập khẩu), hai bị cáo còn có hành vi khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ, đánh tháo hàng hóa… Theo đó, tòa đã tuyên phạt Trần Tiến Thịnh mức án 2 năm, Phan Thanh Hóa 2 năm 5 tháng tù cùng về tội buôn lậu.

Trường hợp người vận chuyển thường xuyên, liên tục cho người buôn lậu, giữa họ có mối liên hệ, cùng phối hợp thực hiện những hoạt động này thì sẽ bị coi là đồng phạm buôn lậu, vì người vận chuyển biết rõ mục đích của người thuê vận chuyển là để mua bán kiếm lời nhưng vẫn nhận vận chuyển số hàng lậu đó.

1.4.2. Phân biệt tội buôn lậu (Điều 153 Bộ luật hình sự 1999) với tội

buôn bán hàng cấm (Điều 155 Bộ luật hình sự 1999)

Hai tội này có nhiều điểm giống nhau về đối tượng tác động của tội phạm là hàng cấm, lỗi, thủ đoạn phạm tội. Căn cứ phân biệt hai tội phạm đó là:

Về khách thể của tội phạm, ở tội buôn lậu, khách thể là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự việc xuất khẩu hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm còn khách thể của tội buôn bán hàng cấm là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý buôn bán hàng cấm trong phạm vi lãnh thổ nước ta. Mặt khác, đối tượng của tội phạm trong hai tội này cũng khác nhau: Đối tượng của tội buôn lậu là các loại hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm. Trong khi đó, đối tượng của tội buôn bán hàng cấm chỉ là những hàng hóa mà Nhà nước Việt Nam cấm buôn bán.

Về hành vi khách quan của tội phạm, hành vi khách quan của tội buôn lậu là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm còn

hành vi khách quan của tội buôn bán hàng cấm là hành vi buôn bán hàng cấm cụ thể là hành vi mua đi bán lại hàng cấm dưới bất kỳ hình thức nào (trao đổi, thanh toán bằng hàng cấm…) nhằm thu lợi bất chính nhưng phạm tội không vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ nước ta, điều này hoàn toàn khác so với tội buôn lậu. Theo đó, nếu người phạm tội thực hiện hành vi buôn bán hàng cấm trái phép qua biên giới thì sẽ bị xử lý về tội buôn lậu theo Điều 153 Bộ luật hình sự 1999, còn nếu hành vi buôn bán hàng cấm tiến hành trong nội địa thì sẽ bị xử lý về tội buôn bán hàng cấm theo Điều 155 Bộ luật hình sự 1999.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tội buôn lậu trong luật hình sự việt nam (trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn địa bàn tỉnh bắc giang giai đoạn 2009 – 2013) (Trang 37 - 40)