Những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động của các cơ quan tư pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tội buôn lậu trong luật hình sự việt nam (trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn địa bàn tỉnh bắc giang giai đoạn 2009 – 2013) (Trang 67 - 74)

2.3. Thực tiễn xét xử tội buôn lậu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

2.3.2.Những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động của các cơ quan tư pháp

Trong những năm qua các cơ quan thi hành pháp luật ở tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm buôn lậu nói riêng. Tuy nhiên, công tác điều tra, truy tố, xét xử còn bộc lộ một số tồn tại:

Trong công tác tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo ở tỉnh Bắc Giang còn nhiều hạn chế; tiếp nhận thông tin chậm, thậm chí còn ghi thiếu chính xác, xử lý tin báo thì còn nhiều lúng túng. Trong khi đó thái độ của một số cán bộ làm công tác tiếp dân đôi khi còn hách dịch, cửa quyền. Điều này làm mất đi niềm tin và sự hợp tác tin tưởng của người dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có nhiều nơi triển khai, bố trí các hòm thư tố giác tội phạm nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc thực hiện còn mang tính chiếu lệ, hình thức, sự kiểm tra và xử lý các tin báo không dứt điểm, kịp thời.

2.3.2.1. Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của cơ quan điều tra

Hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra ở tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như kết quả công tác điều tra phá án còn thấp, hoạt động điều tra, xử lý tội phạm hiện nay vẫn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót, sai phạm như: Việc phối hợp giữa các đơn vị trong cơ quan điều tra Công an giữa các huyện trong tỉnh xuất hiện xu hướng chia cắt, làm giảm sức mạnh của cả hệ thống cơ quan điều tra trên địa bàn tỉnh; tình trạng để lộ lọt thông tin, tài liệu điều tra trong quá trình tiến hành tố tụng vẫn xảy ra, có thời điểm rất phức tạp. Do đặc điểm mô hình điều tra hình sự khép kín như hiện nay, rất dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, đây cũng là điều kiện có thể làm phát sinh tiêu cực. Mặt khác, vì trong một đơn vị điều tra, vừa có quyền năng tố tụng, vừa có quyền năng xử lý hành chính, lại có chức năng thực hiện biện pháp trinh sát; do đó, rất dễ có sự lạm dụng các hoạt động nói trên trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.

Đội ngũ cán bộ điều tra nói chung, điều tra viên ở tỉnh Bắc Giang nói riêng hiện nay nhìn chung còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn nghiệp vụ; hạn chế về quyền năng tố tụng, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Hầu hết các vụ án được điều tra còn mang nặng tính hành chính, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp nghiệp vụ trinh sát với công tác điều tra tố tụng. Bên cạnh đó, còn tồn tại một số cán bộ điều tra có thái độ tác phong chưa phù hợp, ngại khó khăn, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác, có biểu hiện tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, mặc cả về thù lao trong trường hợp thu hồi được tài sản. Đặc biệt còn có vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động điều tra, tiếp xúc để thương lượng, hòa giải với cả hai phía nhằm mục đích yêu cầu người bị hại không tố cáo hoặc làm đơn xin miễn, giảm trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Những tiêu cực đó làm giảm lòng tin vào cơ quan công an, vào sự công minh, công bằng của pháp luật, gây tâm lý bức xúc, bất hợp tác của người dân. Do không bị phát hiện hoặc không điều tra đến nơi đến chốn, người phạm tội không bị phát hiện và không phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào từ phía pháp luật nên chúng vẫn tồn tại ngoài xã hội, đó chính là nhân tố nuôi dưỡng ý định tiếp tục phạm tội.

2.3.2.2. Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát

Công tác kiểm sát xét xử và thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát ở tỉnh Bắc Giang vẫn còn một số tồn tại:

Thứ nhất, do pháp luật tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, của những người tiến hành tố tụng thuộc Viện kiểm sát ở giai đoạn thụ lý, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cơ chế để nắm bắt và quản lý thông tin về tội phạm của các cơ quan chức năng vẫn còn khiếm khuyết, dẫn đến nhiều thông tin về tội phạm

chưa được phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết, đặc biệt là các thông tin về tội phạm trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Tình trạng "khép kín” từ việc nhận thông tin và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (đến trước khi có quyết định xử lý tố giác, tin báo về tội phạm) vẫn còn xảy ra do chưa có một cơ chế để kiểm sát đầy đủ. Chẳng hạn, các tố giác, tin báo về tội phạm mà cơ quan điều tra, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận được, nhất là hoạt động trinh sát nghiệp vụ của cơ quan điều tra trong nhiều trường hợp vẫn là bí mật đối với cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực này là Viện kiểm sát. Việc cơ quan điều tra có phải thông báo thông tin, kết quả hoạt động trinh sát nghiệp vụ cho Viện kiểm sát hay không chưa có một cơ chế ràng buộc, tạo thuận lợi cho Viện kiểm sát giám sát các hoạt động này. Viện kiểm sát nhân dân không có thẩm quyền trực tiếp xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kể cả trong trường hợp phát hiện cơ quan điều tra chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, bỏ lọt tội phạm.

Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành không quy định Viện kiểm sát có quyền trực tiếp điều tra vụ án hình sự, mà chỉ có thẩm qụyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong vụ án hình sự do cơ quan điều tra thụ lý (khoản 2 Điều 13 Luật Tồ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự 2003).

Mặc dù khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và điểm a khoản 2 Điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quy định khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự Viện kiểm sát có nhiệm vụ và quyền hạn "khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can...” nhưng tại Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (quy định về khởi tố vụ án hình sự) lại quy định Viện kiểm sát chỉ được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp Viện kiểm sát huỷ bỏ quyết định không khởi tố của cơ quan điều tra và các cơ

quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Vì vậy, thực tế có nhiều trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm cần được khởi tố, điều tra, nhưng vì những lý do khác nhau, cơ quan điều tra không ra quyết định khởi tố và cũng không ra quyết định không khởi tố vụ án thì Viện kiểm sát không thể ra được quyết định khởi tố vụ án để yêu cầu điều tra, mà chỉ có thể ra văn bản yêu cầu khởi tố vụ án (theo quy định tại Điều 114 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của Viện kiểm sát không phải là loại yêu cầu mà nếu không nhất trí, cơ quan điều tra vẫn phải chấp hành như một số yêu cầu, quyết định khác nên hiệu lực bị hạn chế).

Thứ hai, trong giai đoạn điều tra sự phối hợp giữa điều tra viên và kiểm sát viên ở tỉnh Bắc Giang còn hạn chế, còn tồn tại một thực trạng kiểm sát viên chỉ chú ý đến việc giám sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra mà ít chú ý đến việc phải phối hợp với cơ quan điều tra để điều tra các hành vi phạm tội. Một số các vụ buôn lậu xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, kiểm sát viên không tham gia ngay từ đầu, thậm chí có những kiểm sát viên “bỏ mặc” vụ án đến khi cơ quan điều tra kết thúc điều tra chuyển hồ sơ để truy tố mới nghiên cứu hồ sơ vụ án. Có khá nhiều vụ buôn lậu, cơ quan điều tra không thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp ngay từ đầu khi vụ án xảy ra, chỉ đến khi bắt giữ đối tượng mới trao đổi với Viện kiểm sát. Những điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều tra. Trong giai đoạn truy tố và xét xử, nhiều kiểm sát viên còn chưa tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án cũng như văn bản pháp luật có liên quan nên còn thụ động, phụ thuộc vào phán quyết của hội đồng xét xử, đã không phối hợp tốt với hội đồng xét xử để làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội. Mặt khác, trong công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, kiểm sát viên cũng chưa phát huy hết chức năng của mình, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tiến hành tố tụng.

2.3.2.3. Những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động xét xử của Tòa án

Hoạt động xét xử của Tòa án ở tỉnh Bắc Giang vẫn còn một số tồn tại làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật từ đó ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa tội phạm, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa vẫn còn cao; tình trạng thẩm phán chủ tọa phiên tòa không tập trung nghiên cứu tốt hồ sơ, việc thẩm vấn công khai tại phiên tòa chưa thực sự đạt hiệu quả. Trình độ, năng lực của một số thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện chưa cao, chưa nắm vững các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết án; năng lực nghiên cứu, phân tích và đánh giá chứng cứ của một số thẩm phán còn yếu kém, việc đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng; xác định tội danh không chính xác; trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung thiếu căn cứ…Một số trường hợp, tòa án cấp phúc thẩm sửa, hủy bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm không có căn cứ pháp lý hoặc thiếu tính thuyết phục. Năng lực lựa chọn các quy phạm pháp luật và năng lực ban hành bản án, quyết định của một số thẩm phán còn yếu. Trong các vụ án hình sự bị sửa, hủy có tình trạng áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ không chính xác. Một số trường hợp áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ nhất là việc áp dụng, thay đổi biện pháp tạm giam đối với người phạm tội; có nhiều trường hợp, quyết định xử lý vật chứng còn thiếu chính xác, không kịp thời. Năng lực độc lập trong hoạt động xét xử của một số thẩm phán còn hạn chế. Một số thẩm phán bị chi phối bởi quyền lực, vật chất, đồng tiền…làm cho việc giải quyết xét xử các vụ án thiếu khách quan, chính xác…Ở nhiều tòa án nhân dân huyện vẫn còn tình trạng những vụ án còn tồn đọng, quá thời gian xét xử theo quy định của pháp luật, còn nhiều bản án tuyên không rõ ràng, thiếu tính khả thi gây khó khăn cho công tác thi hành án. Một số thẩm phán do hạn chế về kỹ năng nghiên cứu hồ sơ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật tố tụng về thụ lý vụ án. Bên cạnh đó,

còn không ít những thẩm phán có ý thức trách nhiệm chưa cao trong công tác nghiệp vụ, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng còn nhiều bản án, quyết định bị hủy, sửa. Sự phối hợp của hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử chưa thực sự được phát huy. Do đó, ảnh hưởng đến việc đánh giá đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và hậu quả của hành vi đó gây ra, còn mang nặng ý thức “án tại hồ sơ”. Như vậy, ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả xét xử. Trong hoạt động xét xử, Tòa án và Viện kiểm sát mới chỉ tập trung vào việc xử lý tội phạm mà chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân, chưa đạt được hiệu quả phòng ngừa chung.

2.3.2.4. Những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án

Thi hành án là giai đoạn cuối trong hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp luật, theo đó người bị xử phạt tù phải chấp hành hình phạt mà Toà án đã quyết định. Thực tế hiện nay có nhiều bản án, quyết định hình sự có hiệu lực pháp luật, nhưng chưa đưa ra thi hành, bởi nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân xuất phát từ phía người chấp hành án, có nguyên nhân xuất phát từ phía các cơ quan thi hành pháp luật và cũng có nguyên nhân bắt nguồn từ các quy định của pháp luật đã làm cho hiệu lực quản lý của Nhà nước bằng pháp luật chưa đạt hiệu quả cao.

Trong công tác thi hành án ở tỉnh Bắc Giang những năm qua, chưa thực sự đạt yêu cầu và mục đích đề ra. Công tác giáo dục và cải tạo người phạm tội tại các trại giam và tái hòa nhập người phạm tội với cộng đồng dân cư chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn là giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều phạm nhân sau khi mãn hạn tù do gặp môi trường không thuận lợi như: những người xung quanh kỳ thị, thường xuyên bị các đối tượng xấu lôi kéo nhưng không được sự giúp đỡ, giáo dục nên dễ quay trở lại con

đường phạm tội. Bên cạnh đó trong công tác quản lý, cải tạo người đang thi hành án tại địa phương như án treo, cải tạo không giam giữ… còn nhiều trường hợp tiếp tục phạm tội trong khi thi hành án tại địa phương.

Tóm lại, việc nghiên cứu tình hình tội buôn lậu và thực tiễn xét xử tội phạm này trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2009 – 2013 cho thấy những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, xử lý tội buôn lậu của các cơ quan tiến hành tố tụng, chủ yếu là những vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự về tội buôn lậu trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, cho thấy việc hướng dẫn xử lý hoặc sửa đổi bổ sung các quy định về tội buôn lậu trong Luật hình sự Việt Nam là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chƣơng 3. HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ TỘI BUÔN LẬU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tội buôn lậu trong luật hình sự việt nam (trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn địa bàn tỉnh bắc giang giai đoạn 2009 – 2013) (Trang 67 - 74)