2.1. Các quy định pháp lý về sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng ở
2.1.2. Về giới hạn góp vốn, mua cổ phần
Năm 1997, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng ra đời thay thế cho Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính 1990 tạo cơ sở cho việc cải cách hệ thống ngân hàng thương mại. Mặc dù đã có nhiều điểm mới và hoàn thiện hơn so với Pháp lệnh Ngân hàng 1990, tuy nhiên các quy định về góp vốn và sở hữu của các TCTD được nêu ra trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 này vẫn chưa chặt chẽ. Cụ thể, Điều 69 Luật Các Tổ chức tín dụng 1997 quy định:“Tổ chức tín dụng được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn
mua cổ phần của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật”, Điều 80 của Luật này quy định:
Mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong một doanh nghiệp, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong tất cả các doanh nghiệp không được vượt quá mức tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng [14, Điều 69, 80].
Luật Các tổ chức tín dụng 1997 sửa đổi bổ sung quy định “Tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ”. Về cơ bản, những quy định này đã cho phép hình thành đa dạng hơn các thành phần sở hữu tại các TCTD ở Việt Nam, tuy nhiên cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng mua cổ phần của ngân hàng và TCTD khác qua nhiều hình thức từ đó mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Tính đến năm 1997, Việt Nam có 84 ngân hàng trong đó có 05 Ngân hàng thương mại nhà nước, 51 Ngân hàng thương mại cổ phần, 4 ngân hàng liên doanh, 24 chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tuy nhiên quy mô ngân hàng còn nhỏ bé nên sức cạnh tranh không cao. Do đó, một số NHTM cổ phần đã sáp nhập lại làm giảm số NHTM cổ phần xuống còn 39 ngân hàng. Việc thành lập đề án cơ cấu lại các NHTM nhà nước với Vietcombank là ngân hàng cổ phần hóa đầu tiên vào năm 2005 đã làm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, tăng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên đề án mới chỉ nhằm mục đích gia tăng vốn chủ sở hữu chứ chưa đề cập tới việc nâng cao năng lực điều hành, quản trị. Thêm vào đó việc chuyển đổi quá nhanh các NHTM cổ phần nông thôn theo Quyết định 1577/QĐ-NHNN năm 2006 và Nghị định 141/NĐ-CP/2006 yêu cầu các ngân hàng này tăng vốn điều lệ lên gấp vài lần thậm chí vài chục lần trong khi thị trường vốn còn hạn chế cũng là nguyên nhân thúc đẩy các ngân hàng lách quy định về góp vốn, mua cổ phần [20].
Bảng 2.1: Danh mục vốn pháp định của TCTD theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006
STT Loại hình TCTD Mức vốn pháp định áp dụng đến Năm
2008 2010
I Ngân hàng
1 Ngân hàng thương mại
a Ngân hàng thương mại nhà nước 3000 tỷ đồng 3000 tỷ đồng b Ngân hàng thương mại cổ phần 1000 tỷ đồng 3000 tỷ đồng c Ngân hàng liên doanh 1000 tỷ đồng 3000 tỷ đồng d Ngân hàng 100% vốn nước ngoài 1000 tỷ đồng 3000 tỷ đồng đ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài 15 triệu USD 15 triệu USD 2 Ngân hàng chính sách 5000 tỷ đồng 5000 tỷ đồng 3 Ngân hàng đầu tư 3000 tỷ đồng 3000 tỷ đồng 4 Ngân hàng phát triển 5000 tỷ đồng 5000 tỷ đồng 5 Ngân hàng hợp tác 1000 tỷ đồng 3000 tỷ đồng 6 Quỹ tín dụng nhân dân
a Quỹ tín dụng nhân dân TW 1000 tỷ đồng 3000 tỷ đồng b Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở 0,1 tỷ đồng 0,1 tỷ đồng
II Tổ chức tín dụng phi ngân hàng
1 Công ty tài chính 300 tỷ đồng 500 tỷ đồng 2 Công ty cho thuê tài chính 100 tỷ đồng 150 tỷ đồng
Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và một số nội dung cụ thể hơn liên quan đến sở hữu giữa các tổ chức tín dụng. Các quy định này đã làm rõ hơn về tỷ lệ sở hữu của một tổ chức tín dụng tại một tổ chức tín dụng khác và giới hạn mức vốn điều lệ được phép sử dụng để góp vốn, mua cổ phần của một tổ chức tín dụng.
Điều 16: Giới hạn góp vốn, mua cổ phần.
1. Mức góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong một doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng khác đó, trừ trường hợp góp vốn, mua cổ phần thành lập công ty trực thuộc theo quy định của pháp luật.
Tổng mức góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng và các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong cùng một doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác đó
2. Tổng mức góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng:
a, Trong tất cả các công ty trực thuộc tối đa không quá 25% vốn điều lệ và quỹ dự trữ tối đa của tổ chức tín dụng.
b, Trong tất cả các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, dự án đầu tư, tổ chức tín dụng khác và góp vốn, mua cổ phần của công ty trực thuộc của tổ chức tín dụng không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng, trong đó tổng mức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng vào các công ty trực thuộc không được vượt quá tỷ lệ quy định tại Điểm a Khoản 2 điều này”.
Nguồn: Thông tư 13/2010/TT-NHNN
Tiếp theo đó, Luật Các Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2010, thay thế Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 20/2004/QH1. Trong vấn đề về sở hữu chéo, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã có những thay đổi đáng kể về các điều kiện giới hạn góp vốn mua cổ phần, đầu tư chéo và cấp tín dụng liên quan đến sở hữu chéo. Cụ thể:
Các giới hạn về góp vốn, mua cổ phần đã được quy định chặt chẽ hơn thể hiện ở các Điều 55, 103,110, 129, 135 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Trong đó, tỷ lệ giới hạn góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng được tính trên cơ sở hợp nhất (bao gồm cả phần góp vốn, mua cổ phần của công ty con, công ty liên kết theo tỷ lệ sở hữu tương ứng) [15].
Theo Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã thay đổi mức giới hạn sở hữu cổ phần của TCTD đối với cổ đông là cá nhân từ 10% xuống 5%; cổ đông là pháp nhân từ 20% xuống 15% (trừ trường hợp sở hữu cổ phần theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước để xử lý tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng; sở hữu cổ phần nhà nước tại các tổ chức tín dụng cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài). Cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng [15, Điều 55]. Các tỷ lệ sở hữu nêu trên bao gồm cả phần vốn uỷ thác cho các tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần. Đồng thời, theo Điều 103 Luật các tổ chức tín dụng, Ngân hàng thương mại chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần vào các doanh nghiệp khác [15, Điều 103].
Điều 129, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại vào một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng và các lĩnh vực khác không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp và tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của NHTM. Trong khi đó, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính không được vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính [15, Điều 129]... Quy định như vậy đã phần nào hạn chế sự sở hữu, chi phối quá sâu giữa NHTM góp vốn vào công ty nhận vốn gây ra sự mất cân đối trong nguồn vốn của NHTM, giảm tỷ lệ nợ xấu, đảm bảo nguồn quỹ dự trữ luôn ở mức độ an toàn trong những trường hợp phát sinh rủi ro.