Kinh nghiệm của Nhật Bản

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng theo pháp luật Việt Nam hiện nay 07 (Trang 53 - 63)

2.2. Kinh nghiệm của một số nƣớc trên thế giới về xử lý sở hữu chéo

2.2.1. Kinh nghiệm của Nhật Bản

2.2.1.1. Sự hình thành, phát triển và đặc điểm của sở hữu chéo tại Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia phát triển có nền kinh tế dựa vào hệ thống ngân hàng khi lượng vốn do hệ thống ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư. Cùng với đặc điểm văn hóa xã hội của người dân và doanh nghiệp Nhật Bản có mối quan hệ chặt chẽ, hiện tượng sở hữu chéo diễn ra khá phổ biến và được chia thành giai đoạn trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ nhất, trước chiến tranh thế giới thứ hai: Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong nền kinh tế Nhật Bản hình thành từ những năm 1930 và tiếp tục phát triển cho tới trước chiến tranh thế giới thứ hai khi mà nền kinh tế trong thời chiến cần được tài trợ vốn cho nhu cầu sản xuất vũ khí chiến tranh. Ngoài ra, nghiên cứu về Zaibatsu của Asajima (1984) còn chỉ ra vai trò huy động vốn của tập đoàn Sumitomo đã chuyển từ công ty mẹ sang cho ngân hàng và công ty tín thác của tập đoàn [32].

Giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ hai bao gồm các giai đoạn cụ thể: giai đoạn hình thành (1950-1960); giai đoạn phát triển mạnh (1960-1970); giai đoạn bùng nổ (1970-1980); và giai đoạn thoái trào (1990 đến nay) [32].

- Giai đoạn hình thành (1950-1960)

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, sở hữu chéo bắt đầu hình thành do hệ quả của sự tan rã của các tập đoàn công nghiệp (zaibatsu) vốn là gam màu chính trong bức tranh kinh tế Nhật Bản. Zaibatsu là các tập đoàn hình thành dựa trên một mạng lưới các công ty con thông qua quyền sở hữu của công ty mẹ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế bao gồm ngân hàng, khai thác mỏ, sắt thép và đóng tàu. Sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, Quân Đồng minh đã yêu cầu giải tán tập đoàn công nghiệp nhằm đa dạng hóa các chủ sở hữu. Luật Chống Độc Quyền, thông qua năm 1947, cấm thành lập các công ty cổ phần, cấm các công ty phi tài chính sở hữu cổ phần trong các công ty khác, và giới hạn các công ty tài

chính sở hữu không quá 5% cổ phần của công ty khác. Kết quả là tỷ lệ cổ đông là cá nhân tăng lên đáng kể [18].

Tuy nhiên, việc đa dạng hóa các chủ sở hữu là không dễ dàng khi mà các nhà đầu tư cá nhân miễn cưỡng nắm giữ cổ phiếu do tình trạng bất ổn của nền kinh tế. Năm 1953, Đạo luật chống Độc quyền của Nhật được chỉnh sửa, cho phép các doanh nghiệp được đầu tư nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp khác. Việc này đã dẫn tới sự hồi sinh của các Zaibatsu trước đây như Sumitomo, Mitsui, Mitshubishi được cấu trúc lại theo hướng thành lập nhóm công ty với trung tâm là các công ty kinh doanh và ngân hàng.

Sự phụ thuộc của các công ty vào hệ thống ngân hàng trong suốt giai đoạn kinh tế tăng trưởng những năm cuối thập niên 1950’s và đầu thập niên 1960’s dẫn đến việc hình thành sáu cụm công nghiệp mới, Keiretsu, bao gồm Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo, Fuyo, Dai-Ichi Kangyo, và Sanwa. Các cụm công nghiệp mới được hình thành xung quanh các ngân hàng lớn với nhiệm vụ huy động vốn và cung cấp các khoản vay cũng như nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp trong cụm công nghiệp. Quyền sở hữu qua lại giữa các doanh nghiệp cho phép các ngân hàng tăng cường các mối quan hệ cũng như tăng khả năng giám sát quá trình sử dụng vốn.

- Giai đoạn phát triển mạnh (1960-1970)

Sự phổ biến của sở hữu chéo được đẩy nhanh bởi sự kiện sụt giảm giá cổ phiếu những năm 1964 - 1965 và cuộc khủng hoảng của công ty chứng khoán lớn thứ tư tại Nhật Bản, Yamaichi. Nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, hai công ty chứng khoán hợp tác Nhật Bản (Japan Cooperative Securities Co.) và Hiệp hội nhà đầu tư chứng khoán Nhật Bản (Japan Securities Holding Association) được Chính phủ thành lập nhằm mua cổ phiếu trên thị trường, và sau đó bán lại cho các công ty liên kết và ngân hàng. Ngoài ra, việc Nhật Bản gia nhập Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 1946 đòi hỏi Chỉnh phủ phải dần gỡ bỏ những quy định đối với thị trường tài chính.

Quan ngại về những hành động thâu tóm thù địch của nhà đầu tư nước ngoài buộc Bộ Tài chính và các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến việc chống lại nguy

cơ tiềm tàng thông qua việc tăng cường sở hữu chéo với các công ty thuộc cụm công nghiệp và các ngân hàng. Các cổ phiếu được bán ra sau khi thị trường đi vào ổn định của hai công ty chứng khoán trên được nắm giữ bởi các doanh nghiệp liên kết và ngân hàng nên khả năng các cổ phiếu này bị bán lại trên thị trường là thấp hơn so với những nhà đầu tư cá nhân. Thêm vào đó, điều 280 Luật Thương mại được sửa đổi theo hướng doanh nghiệp có thể bán cổ phiếu mới phát hành cho các cá nhân và tổ chức cụ thể theo chủ đích. Những cổ phiếu này được bán trước hết cho các doanh nghiệp trong nhóm, từ đó củng cố sự vững chắc và tập trung cho nhóm sở hữu chéo, tăng cường sức mạnh cho các zaibatsu, hỗ trợ các cụm công nghiệp mới phát triển như Sanwa, Dai-Ichi Kangyo, và Fuji. Các hành động này của Chính phủ Nhật Bản, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp đã khiến cho thực trạng sở hữu chéo tại Nhật Bản trong giai đoạn này tăng lên nhanh chóng.

- Giai đoạn bùng nổ (1970-1980)

Sau cú sốc dầu mỏ vào năm 1973, lạm phát tại Nhật Bản tăng lên và một trong những nguyên nhân xuất phát từ hành vi của các tập đoàn. Cũng trong thời kỳ này, các doanh nghiệp tiến hành phát hành cổ phiếu với số lượng lớn và được đầu tư bởi các ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp của các công ty tài chính tăng lên đáng kể. Thực trạng này khiến cho sở hữu chéo tại Nhật Bản diễn ra ngày càng lớn về quy mô lẫn mức độ.

Sau nhiều sự phản đối, Dự luật chống độc quyền sửa đổi được thông qua và có hiệu lực vào năm 1977, theo đó, tỷ lệ sở hữu trong các doanh nghiệp của ngân hàng giảm từ 10% xuống còn 5%. Tuy vậy, cũng trong thời gian này, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng phát hành cổ phiếu mới. Mặc dù việc phát hành cổ phiếu mới nhằm tăng tỷ lệ cổ phiếu thanh khoản cao trên thị trường nhưng thực tế cho thấy các cổ phiếu này lại được nắm giữa bởi chính những doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi thị trường chứng khoán sụt giảm, sở hữu chéo không những giảm đi mà lại tăng lên đáng kể. Điều này là do trong giai đoạn trước nhiều doanh nghiệp đầu tư theo thiến hướng đầu cơ vào cổ phiếu thông qua sản phẩm do các nhà môi giới cung cấp cho

phép họ tự ra các quyết định đầu tư; khi thị trường sụt giảm, họ không kịp bán các cổ phiếu do mình nắm giữ và trở thành những nhà đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp.

- Giai đoạn thoái trào (1990 đến nay)

Sau giai đoạn sụt giảm của thị trường chứng khoán và nền kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn đầu của thập kỷ 90s, giá cổ phiếu liên tục giảm đã tạo ra quá trình bán cổ phiếu ồ ạt trên thị trường.

Qua thời gian, tỷ lệ sở hữu chéo của các doanh nghiệp giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo Miyanoya, Tổng giám đốc NHTW Nhật Bản (2012), các ngân hàng lớn tại Nhật Bản đầu tư hơn 124 tỷ USD vào các ngân hàng trong nước, dẫn tới tình trạng rủi ro vỡ nợ và rủi ro thanh khoản của hệ thống tăng lên đáng kể [18].

Cụ thể, các ngân hàng cho vay các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế đồng thời cũng nắm giữa cổ phiếu của các doanh nghiệp này, khiến cho rủi ro mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt bao gồm cả rủi ro tín dụng thông qua các khoản cho vay và rủi ro giảm giá trị khoản đầu tư thông qua các khoản đầu tư vào cổ phần [37].

Bảng 2.2: Cổ phần của ngân hàng nắm giữ bởi các doanh nghiệp tại Nhật Bản giai đoạn 1989 - 1996

Nguồn: Tamiya, 1997

Về đặc điểm của sở hữu chéo tại Nhật Bản, mối quan hệ sở hữu chéo giữa doanh nghiệp và ngân hàng được mô tả thông qua những đặc điểm như nắm giữ cổ

phần lẫn nhau, trao đổi nhân sự, cam kết mạnh mẽ của ngân hàng về hỗ trợ doanh nghiệp, giá trị khoản vay ngân hàng lớn, và mức độ cung cấp thông tin cao giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Ngoài ra, có một vài nghiên cứu nổi bật của Fuji (1993), Omura (1993), và Scher (2001)… Cả ba nghiên cứu đều nhận định tồn tại mối quan hệ chặt chẽ, ổn định giữa ngân hàng và doanh nghiệp xuất phát từ sự kỳ vọng về lợi ích do sở hữu chéo đem lại. Trong khi nghiên cứu của Scher (2001) cho thấy ngân hàng nhận định sở hữu chéo đem lại lợi nhuận cho mình thì phía các doanh nghiệp bày tỏ nghi ngờ về những ích lợi xuất phát từ mối quan hệ sở hữu chéo với ngân hàng. Hai nghiên cứu đầu tiên đánh giá về sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng trên cơ sở tiếp cận từ các khách hàng của ngân hàng; theo đó, ban điều hành của doanh nghiệp cho rằng mối quan hệ với ngân hàng chính không mang lại lợi ích như kỳ vọng, và phù hợp với kết quả nghiên cứu của Scher (1997, 1998) [18].

Ban điều hành của các doanh nghiệp phi tài chính nhận định mối quan hệ qua lại giữa doanh nghiệp và ngân hàng không phải chỉ nắm giữ cổ phần của nhau như là công cụ đầu tư mà để bảo đảm sự an toàn về tài chính và các hiệu ước không làm tổn hại lẫn nhau.

Mặc dù tình trạng sở hữu chéo đã giảm xuống trong giai đoạn khủng hoảng tiền tệ 1997, thành phần sở hữu chéo tại Nhật Bản vẫn cho thấy đặc điểm nổi bật là ngân hàng đóng góp tới một nửa tỷ lệ sở hữu chéo, trong đó, ngân hàng nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp là 5,03%. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng trong mối quan hệ sở hữu chéo qua lại giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Theo đó, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp tại ngân hàng là 1,83%. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của ngân hàng trong hệ thống sở hữu chéo tại Nhật Bản.

2.2.1.2. Tác động của sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng tại Nhật Bản

Mặc dù cả ngân hàng và doanh nghiệp trong liên minh sở hữu chéo đều được hưởng lợi ích từ sở hữu chéo trong nhiều thập kỷ, song hoạt động này lại bắt đầu

gây thách thức cho các ngân hàng từ giữa những năm 1990. Gốc rễ của điều này đến từ sự liên kết được tạo ra từ sức khỏe tài chính của các ngân hàng và biến động thị trường chứng khoán của các cổ phiếu sở hữu chéo.

Thứ nhất, ngân hàng chính trong liên minh sở hữu chéo có hai vai trò khác biệt là người cho vay và chủ sở hữu của các doanh nghiệp. Đặc điểm này dẫn tới sự mâu thuẫn trong trường hợp ngân hàng thắt chặt tín dụng đối với doanh nghiệp, như thu hồi nợ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ đông khác của doanh nghiệp.

Thứ hai, sau nhiều thập kỷ phát triển, những tác động tiêu cực cố hữu của sở hữu chéo lên quản trị doanh nghiệp đã lớn hơn những tác động tích cực mà nó đem lại. Do vai trò của cổ đông trong việc giám sát doanh nghiệp ngày càng mờ nhạt và mức độ kỷ luật thị trường giảm xuống, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản trở nên xấu đi do mức độ hiệu quả trong quản lý doanh nghiệp giảm. Tuy nhiên, sự lên giá mạnh của đồng Yên, và ảnh hưởng quá mức của cuộc khủng hoảng tiền tệ đã tạo ra sự nhìn nhận thiếu chính xác về thực trạng bất cập này tại Nhật Bản. Điều này khuyến khích sự gia tăng mạnh mẽ trong các khoản đầu tư vào bất động sản và chứng khoán, dẫn tới sự tăng trưởng quá mức của thị trường chứng khoán Nhật Bản và sau đó là sự sụp đổ của thị trường [23].

Thứ ba, mối quan hệ với ngân hàng chính được các doanh nghiệp đánh giá thông qua các khoản vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng như mối quan hệ cổ đông cho thấy tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghiên cứu của McGuire (2009), các doanh nghiệp có mối quan hệ khăng khít với ngân hàng có lợi nhuận thấp hơn, trả lãi vay cao hơn, và giá cổ phiếu không hề biến động ít hơn so với các doanh nghiệp khác. Mức ảnh hưởng tiêu cực gia tăng đối với các doanh nghiệp với sự lựa chọn nguồn vốn huy động từ bên ngoài, phù hợp với luận điểm về đặc điểm của sở hữu chéo tại Nhật Bản khi ngân hàng chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ mối quan hệ khăng khít với doanh nghiệp [32].

Thứ tư, khi thị trường chứng khoán sụp đổ, kéo theo đó là sự đi xuống của nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn, hệ thống ngân hàng với vai trò quan trọng trong mô hình sở hữu chéo tại Nhật Bản đã bị ảnh hưởng tiêu cực.

Một là: giống như các nhà đầu tư khác, các ngân hàng hưởng lợi từ sự gia tăng giá trị của danh mục đầu tư vốn cổ phần của họ và bị thiệt hại khi giá cổ phiếu giảm. Không những thế, các ngân hàng còn luôn phải công khai những thiệt hại do việc giảm “lâu dài và đáng kể” giá trị cổ phiếu trong danh mục đầu tư, làm giảm trực tiếp lợi nhuận, thậm chí là vốn chủ sở hữu và chịu áp lực nặng nề hơn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn Basel. Rủi ro thứ nhất là các ngân hàng riêng lẻ và toàn bộ hệ thống ngân hàng không đáp ứng những yêu cầu về an toàn vốn của Ủy ban Basel do sụt giảm giá cổ phiếu của nhóm sở hữu chéo sẽ dẫn tới sự sụt giảm mạnh trong nguồn vốn chủ sở hữu. Rủi ro thứ hai là tỷ lệ an toàn vốn giảm sẽ ảnh hưởng tới uy tín của ngân hàng, làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn, thậm chí dẫn tới rủi ro thanh khoản nghiêm trọng.

Hai là: các ngân hàng có quan hệ sở hữu chéo với doanh nghiệp thường là sân sau của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, buộc phải cấp vốn kể cả đối với những dự án hiệu quả thấp. Hệ quả là chất lượng tín dụng giảm sút, nợ xấu tăng cao. Điều này gây áp lực lên các ngân hàng buộc phải cắt giảm cho vay, trong đó đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ trong nước với ít các lựa chọn thay thế tài chính hơn, giảm khả năng thu nhập của họ và làm giảm giá trị vốn ngân hàng do các cổ phần sở hữu chéo ngày càng giảm giá trị trên thị trường cổ phiếu.

Ba là: khi xếp hạng tín dụng quốc tế của ngân hàng Nhật Bản giảm trong khi phải đối phó với những khó khăn, mọi việc trở nên khó khăn hơn nhiều khi huy động vốn bằng ngoại tệ ở nước ngoài. Trên thực tế, các ngân hàng Nhật Bản đã buộc phải đóng cửa nhiều chi nhánh ở nước ngoài, trong khi các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tham gia vào thị trường Nhật Bản với quy mô lớn chưa từng có.

2.2.1.3. Các giải pháp xử lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Nhật Bản

Hạn chế sở hữu cổ phần theo Luật Cấm độc quyền

Các công ty trong một tổ hợp, tập đoàn, các công ty trong các tổ hợp hoặc tập đoàn có thể sở hữu cổ phần của nhau tuy nhiên tỉ lệ sở hữu cổ phần bị giới hạn bởi quy định của Luật Cấm độc quyền. Điều đó có nghĩa là việc nắm giữ cổ phần không được duy trì lợi thế cạnh tranh của một nhóm công ty đối với công ty khác.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng theo pháp luật Việt Nam hiện nay 07 (Trang 53 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)