2.1. Các quy định pháp lý về sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng ở
2.1.3. Về sở hữu chéo, đầu tư chéo
Điều 129 và Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng đưa ra những quy định chặt chẽ đối với hoạt động sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, các công ty con, công ty liên kết và công ty kiểm soát. Theo đó, tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó [15, Điều 129]; công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của nhau; công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của chính tổ chức tín dụng đó; tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó [15, Điều 135]. Tuy nhiên do yếu tố lịch sử, trên thực tế, hiện vẫn còn một số tổ chức tín dụng góp vốn tại nhiều tổ chức tín dụng khác hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau (các hiện tượng này xảy ra từ trước khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực) hoặc có một số trường hợp tổ chức tín dụng này thông qua các công ty con của mình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng khác hoặc cổ đông sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng thông qua vốn vay của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp khác.
Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống ngân hàng đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng, cũng như toàn hệ thống ngân hàng nói chung, cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã xác định mục tiêu xử lý sở hữu chéo là góp phần bảo đảm cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và minh bạch; phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của TCTD và hệ thống các tổ chức tín dụng.