Phật giáo Việt Nam tham gia xây dựng nền văn hóa nhân quyền

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người và giá trị kế thừa ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật Chương trình đào tạo thí điểm (Trang 89 - 93)

Chƣơng 1 : KHÁI QUÁT VỀ QUYỀN CON NGƢỜI VÀ VỀ PHẬT GIÁO

3.2. Tƣ tƣởng Phật giáo với việc xây dựng nền văn hóa nhân quyền

3.2.2. Phật giáo Việt Nam tham gia xây dựng nền văn hóa nhân quyền

Xây dựng một nền văn hóa nhân quyền, mục tiêu là làm cho những chuẩn mực nhân quyền thực sự thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển của đất nước Việt Nam.

Vì vậy, cần ưu tiên xây dựng một nền trật tự đạo đức, dựa vào một số nguyên lí căn bản nhân đạo, được cộng đồng thế giới chấp nhận. Và đối với vấn đề hiện đại này, Phật giáo với truyền thống là một tôn giáo hòa bình, có thể đóng góp những giá trị nhất định. Ở Việt Nam, đó chính là sự nghiên cứu, tìm hiểu, nhìn nhận, khơi gợi, thúc đẩy, bảo vệ những giá trị tích cực trong tư tưởng Phật giáo đã gắn bó, hòa quyện với văn hóa Việt và tồn tại trong đời sống của người dân Việt từ bao đời nay.

Các thiếu sót cơ bản của con người hiện đại của chúng ta là chiều hướng đánh mất con người thật của mình, và chạy theo cái Ta giả với những khao khát, thèm muốn cuồng loạn, không bao giờ có thể thỏa mãn. Với một nếp sống văn minh vật chất rất cao, con người hiện đại sống một đời sống vật chất rất phong phú. Nhưng đời sống tinh thần và nguyện vọng tâm lí của con người không được thỏa mãn và bị dao động. Con người hiện đại luôn luôn có cảm giác bất an dao động và dễ mất cân bằng. Với một tâm lí như vậy rất dễ hướng dẫn nhiều người đi đến cách giải quyết tiêu cực cho bản thân và xã hội.

Cần nhìn nhận rằng Phật giáo không ca ngợi một đời sống túng thiếu nghèo đói và khổ hạnh. Phật giáo cũng không đề cao một đời sống chạy theo dục vọng vật chất. Phật giáo luôn luôn đề cao an lạc và hạnh phúc tinh thần, một đời sống có đạo đức cao đẹp hướng thượng, một sự hạnh phúc rạng rỡ giác ngộ và giải thoát. Phật giáo khuyến khích mọi người trở về với con người thật của chính mình, với bản tính chân thật của chính mình, hướng tới đời sống hòa hài với xã hội, hòa hài với thiên nhiên, giữa thân với tâm, giữa từ bi với trí tuệ, giữa cảm giác với lí trí. Phật giáo xác nhận mọi người đều có thể thành tựu một đời sống nội tâm hài hòa như vậy, nếu con người ước muốn và hành động theo lời Phật dạy, phù hợp với một nếp sống Phật giáo đầy đủ giới hạnh và trí tuệ. Một đời sống tránh xa hai sự cực đoan, một bên là hưởng thụ các dục hèn mọn, một bên là hành hạ xác thân, hành trì khổ hạnh; một nếp sống chói sáng trong suốt, hướng thượng, giới hạnh cao đẹp, một nếp sống mà mọi người, từ phương Đông, phương Tây, nam và nữ, trẻ và già, xuất gia hay tại gia đều có thể sống và hướng đến, một nếp sống bao gồm cả giới, định và tuệ.

Một đời sống đạo đức như vậy sẽ đem lại thiền định nội tâm, và một thiền định nội tâm như vậy sẽ bảo đảm sự sáng suốt của trí tuệ, và một người có trí tuệ có thể nhìn sự vật như Thật (như vốn có). Chính nhờ thái độ như vậy, con người có khả năng làm chủ bản thân, làm chủ sự vật khách quan, chứ không phải nô lệ cho chúng.

Phương châm hướng nội, quay về với chính mình, với con người thật của mình, không được hiểu lầm là Phật giáo kêu gọi một nếp sống tiêu cực chán đời và phi xã hội. Trái lại, đó là phương châm thiết thực, sống động và tích cực để cải tạo xã hội và thế giới. Phật giáo cũng đã nói đến xây dựng Niết bàn ngay trên thế giới này. Phật giáo chủ trương rằng con người phải bắt đầu với chính mình, làm cho con người hoàn toàn ý thức được chính mình, con người phải hiểu chính mình, tự hoàn thiện mình, tự cải tạo mình cho được tốt

đẹp hơn, trong một sự chiến đấu không mệt mỏi, trong từng giờ trong từng ngày, trong toàn bộ cuộc sống của mình. Chỉ có như vậy xã hội và thế giới mới trở thành lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn và hiền thiện hơn. Nếu không có con người lành mạnh, làm sao chúng ta chờ đợi một sự quan hệ xã hội lành mạnh, thật sự đạo đức, hiền thiện và cao đẹp. Nếu những tư tưởng hòa bình, hạnh phúc, hòa hợp không thấm nhuần sâu đậm vào trong nội tâm của mỗi con người, thì làm sao có thể chờ đợi một thế giới hòa bình, hạnh phúc và hòa hợp.

Đối với việc nâng cao nhận thức xã hội về quyền con người. Tư tưởng Phật giáo nổi bật sự quý trọng con người, luôn luôn hướng đến việc làm cho người phật tử trân quý mạng sống, yêu thương, giữ gìn, bảo vệ thân thể con người, của chính mình và của người khác. “Ví như, này các Tỳ kheo, một người quăng một khúc cây có một cái lỗ trên mặt biển, một ngọn gió từ phía Đông thổi nó trôi dạt sang phía Tây; một ngọn gió từ phía Tây thổi nó trôi qua phía Đông; một ngọn gió từ phía Bắc thổi nó trôi xuống phía Nam; một ngọn gió từ phía Nam thổi nó trôi lên phía Bắc. Rồi có một con rùa mù sống dưới đáy biển cứ mỗi một trăm năm mới trồi lên mặt biển một lần. Này các Tỳ kheo, các vị nghĩ như thế nào? Con rùa mù ấy có thể đút cổ nó vào trong cái lỗ trên khúc cây đó được không? Khó lắm, khó lắm. Ta tuyên bố rằng, được làm người trở lại còn khó hơn” [1].

Tư tưởng Phật giáo trân trọng mạng sống, hình hài và trí óc của con người thông qua hình ảnh để được làm một con người thật khó, rất khó, thông qua ẩn dụ lỗ cây và con rùa mù; nó là kết quả của nhiều nghiệp, nhiều duyên, nhiều điều kiện hội tụ; như thế phải trân quý tấm thân con người được hiện sinh trên thế giới này. Quý trọng thân mạng của con người nhất định cũng chính là nền tảng, là cơ sở vững chắc cho sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Đối với việc tôn trọng và thúc đẩy quyền con người: Người nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng Phật giáo sẽ trân trọng và giữ gìn những phẩm chất

đạo đức cao đẹp, hướng thượng, nâng cao trí tuệ để giải phóng bản thân (từ tự giác), đồng thời tôn trọng, yêu thương, vì con người và sự giải phóng con người (đến giác tha). Việc thực hành trong cuộc sống hướng đến những việc thiện, cũng chính là không làm những việc vi phạm quyền và tự do cơ bản của người khác.

Lễ Vu lan, được nghe giảng về hạnh Hiếu trong tư tưởng Phật giáo, người phật tử tất sẽ liên hệ đến bản thân mình, gia đình mình, những người xung quanh mình và suy ngẫm đúng sai, việc nên làm, việc không nên làm... Từ đó điều chỉnh hành vi của chính bản thân mình cũng như tham gia hướng dẫn những người xung quanh, những người mình có ảnh hưởng để hướng dẫn họ hành xử theo đạo đức xã hội, dừng lại những hành vi xâm hại quyền và tự do cơ bản của người khác.

Hướng đến yêu thương con người, từ trong hành vi và công việc của mình sẽ tôn trọng và bảo vệ con người và lợi ích, quyền và tự do cơ bản của con người; đó chính là tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Khi nhìn thấy sự bất bình đẳng, khi tự do, lợi ích cơ bản, chính đáng của người khác bị đe dọa, xâm hại thì người phật tử sẽ chia sẻ, hướng đến sự hỗ trợ, tham gia để bảo vệ.

Đối với việc thực hành lối sống hướng đến đảm bảo quyền con người: Hài hòa giữa con người với con người, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, với môi trường sống; tôn trọng, yêu thương chính bản thân cũng như tha nhân, giải phóng cho mình và giúp giải phóng cho người khác. Những phẩm chất đạo đức như thế chính là điều kiện cho việc thực hành đời sống tôn trọng và đảm bảo quyền con người.

Đặc điểm yêu thương con người bao la trong tư tưởng Phật giáo giúp ích cho xây dựng một xã hội, nơi mà dù ở vị trí nào trong xã hội, con người muốn làm những điều tốt đẹp cho người yếu thế hơn mình, không đối xử với người khác điều (không tích cực, hậu quả xấu) mình không muốn xảy ra với chính bản thân mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người và giá trị kế thừa ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật Chương trình đào tạo thí điểm (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)