Khái quát về lịch sử Phật giáo Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người và giá trị kế thừa ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật Chương trình đào tạo thí điểm (Trang 26 - 28)

Chƣơng 1 : KHÁI QUÁT VỀ QUYỀN CON NGƢỜI VÀ VỀ PHẬT GIÁO

1.2. Khái quát về Phật giáo

1.2.2. Khái quát về lịch sử Phật giáo Việt Nam

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ hơn 2000 năm trước (khoảng năm 240 trước Công nguyên), qua hai con đường là đường biển và đường bộ, từ các quốc gia Ấn Độ, Trung Quốc, trong đó Phật giáo du nhập vào từ Ấn Độ trước khi được du nhập từ Trung Quốc.

Phật giáo từ Ấn Độ, theo những thương nhân buôn bán bằng đường biển, lợi dụng luồng gió thổi định kì hai lần một năm, phù hợp với hai mùa mưa nắng ở khu vực Đông Nam Á, dùng thuyền buồm xuất phát từ các hải cảng vùng Nam Ấn, rồi qua Srilanca, Indonexia để đến Việt Nam. Con đường này còn được gọi bằng cái tên con đường gia vị. Trong các chuyến đi viễn dương ấy, các thương nhân Ấn Độ thường đưa theo một hay hai tu sĩ Phật giáo để cầu nguyện cho thủy thủ đoàn. Nhờ đó, các tăng sĩ đã truyền bá Phật giáo vào các dân tộc ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Giao Châu khi ấy, có trị sở là Luy Lâu (thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) vốn là nơi nghỉ chân giao lưu của các thương thuyền thời bấy giờ, chính Mahoda, con vua A Dục (Asoka) đã truyền Phật giáo vào Việt Nam năm 240 trước Công nguyên. Thời ấy, nhiều thuyền buôn Ấn Độ đã cập bến Đồ Sơn (Hải Phòng) và hàng năm, trong thời gian chờ gió mùa Đông Bắc để trở về Ấn Độ, họ lên bờ xây dựng những Phật tháp để lễ Phật. Đến thế kỉ I sau Công nguyên, Luy Lâu đã là một trung tâm Phật giáo hưng thịnh với những bảo tháp, kinh sách và nhiều tăng sĩ Phật giáo. Ảnh hưởng trực tiếp Phật giáo từ Ấn Độ còn để lại dấu ấn trong ngôn ngữ, tiêu biểu là chữ Buddha (Phật) được phiên âm ra tiếng Việt là Bụt, từ Bụt xuất hiện phổ biến trong các loại hình văn hóa dân gian Việt Nam.

Từ Trung Quốc, bằng đường bộ, Phật giáo được truyền vào Việt Nam. Không bao lâu, Phật giáo Bắc tông đã chiếm ưu thế và thay đổi chỗ đứng của Phật giáo Nam tông; thời đó nổi lên là ba tông phái Phật giáo từ Trung Quốc là Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông đã được truyền vào Việt Nam.

Thời kì nhà Đường (619 - 907), Phật giáo cực thịnh ở Trung Quốc, Thiền Tông Trung Quốc càng có điều kiện truyền mạnh sang Việt Nam, sự ảnh hưởng mạnh mẽ này còn được thể hiện trong các ngôi chùa ở miền Bắc hiện nay, hầu hết đều thờ Bồ Đề Đạt Ma, người Ấn Độ, vị tổ sư dòng Thiền Trung Quốc.

Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV là giai đoạn cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, đạt đến đỉnh cao ở triều đại nhà Lý và nhà Trần. Giai đoạn này, Phật giáo phát triển mạnh và có ảnh hưởng sâu sắc đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhất là về tư tưởng, đạo đức, văn học, kiến trúc. Nhiều vị cao tăng trở thành quốc sư và là cố vấn của các vị vua về mặt chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế như Thiền sư Đỗ Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh, Từ Lộ. Do đó, Phật giáo thời kì này còn được coi là quốc giáo.

Đến nay, Phật giáo là tôn giáo có lượng tín đồ phật tử lớn nhất ở Việt Nam, hơn mười triệu người, qua hơn 2000 năm tồn tại trên mảnh đất Việt Nam, có lúc thịnh đạt, có lúc suy vi, tiếp nhận văn hóa Việt và được cải biến, hòa trộn vào đời sống của người dân Việt, tiếp thu ảnh hưởng của cả hai phía Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam ngày nay hội tụ cả hai dòng chính là Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa, chịu ảnh hưởng của ba tông phái lớn là Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông. Phật giáo Việt Nam đã tạo dựng cho mình một truyền thống gắn bó với dân tộc, đóng góp tích cực trong xây dựng nền văn hóa dân tộc.

Với những giá trị đạo đức, nhân văn và hòa bình của Phật giáo, xuất phát từ tấm gương của Đức Phật, theo đề nghị của 34 quốc gia có truyền thống Phật giáo: Ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại phiên họp thứ 54 đã chính thức công nhận Lễ Vesak (ngày lễ kỉ niệm tam hợp của Đức Phật - ngày rằm tháng Tư âm lịch: Ngày Phật ra đời, ngày Phật thành đạo, ngày Phật viên tịch) là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của

Liên Hợp Quốc và những hoạt động kỉ niệm sẽ được tổ chức hàng năm tại trụ sở và các văn phòng khu vực của Liên Hợp Quốc từ năm 2000. Năm 2001, Ngày Liên Hợp Quốc Vesak (The United Nations day of Vesak) được kỉ niệm lần đầu tiên tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York với sự tham gia của đại biểu 34 quốc gia. Khuyến khích các quốc gia có truyền thống Phật giáo đồng tổ chức kỉ niệm Ngày Liên Hợp Quốc Vesak hàng năm. Mục đích là truyền bá ngày càng rộng rãi thông điệp hòa bình dựa trên giáo lí Từ bi - Trí tuệ của Đức Phật; điều quan trọng nữa là nhằm phát huy những nguyên lí Phật giáo nhập thế về những hoạt động xã hội, đóng góp trong vai trò lãnh đạo về vấn đề đạo đức và luân lí, đặc biệt là về công bằng xã hội, tôn trọng các cơ hội bình đẳng, quản trị tốt và minh bạch. Chính phủ Việt Nam đã một lần đăng cai tổ chức Đại lễ kỉ niệm Ngày Liên Hợp Quốc Vesak vào năm 2008.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người và giá trị kế thừa ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật Chương trình đào tạo thí điểm (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)