Vấn đề không phân biệt đối xử

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người và giá trị kế thừa ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật Chương trình đào tạo thí điểm (Trang 56 - 62)

Chƣơng 1 : KHÁI QUÁT VỀ QUYỀN CON NGƢỜI VÀ VỀ PHẬT GIÁO

2.4. Vấn đề không phân biệt đối xử

Trong Luật nhân quyền quốc tế, quyền không bị phân biệt đối xử được ghi nhận trong tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người, nó gồm các

khía cạnh liên kết với nhau: Không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận tư cách con người trước pháp luật, có vị thế bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng.

Điều 1 UDHR nêu rõ, mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền, Điều 2 UDHR quy định, mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do, không có bất kì sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các địa vị khác.

ICCPR nhắc lại và cụ thể hóa quyền này như sau: Theo khoản 1 Điều 2 ICCPR, các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước mà không có bất kì sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác.

Bình luận chung số 18 thông qua tại phiên họp lần thứ 37 năm 1989 của Ủy ban nhân quyền (Human Rights Committee), cơ quan giám sát thực hiện ICCPR của Liên hợp quốc (viết tắt là HRC) đã thống nhất cách hiểu như sau: Không phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng đóng vai trò là cơ sở và nguyên tắc chung trong việc bảo vệ tất cả các quyền con người. Các quốc gia thành viên có trách nhiệm bảo đảm quyền này cho mọi người có mặt trên lãnh thổ nước mình, bất kể người đó là công dân nước mình, người không quốc tịch hay người nước ngoài, bất kể các yếu tố dân tộc, chủng tộc, quốc tịch, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị, thành phần xã hội, tài sản hay bất kì yếu tố nào khác. Quyền không bị phân biệt đối xử được áp dụng trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia (quy định ở Điều 4 ICCPR).

Thuật ngữ sự phân biệt đối xử được hiểu là bất kì sự phân biệt, loại bỏ, hạn chế hay thiên vị nào thực hiện dựa trên bất kì yếu tố nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch hay thành phần xã hội, tài sản, nguồn gốc hay các vị thế khác, mà có mục đích hoặc có tác động làm vô hiệu hóa hay làm suy giảm sự thừa nhận, thụ hưởng hay thực hiện các quyền và tự do của tất cả mọi người trên cơ sở bình đẳng.

Cũng hiểu rằng, quyền bình đẳng không có nghĩa là áp dụng một kiểu đối xử cho mọi đối tượng trong cùng một tình huống, điều này thực sự rất quan trọng trong thực tế, do vậy không phải mọi sự khác biệt về đối xử đều tạo nên sự phân biệt đối xử. Trường hợp sự đối xử khác biệt được xác định dựa trên những điều kiện hợp lí, khách quan và nhằm mục đích để đạt được sự bình đẳng thì không bị coi là trái với ICCPR.

Kinh Thiện sinh nêu đầy đủ và cụ thể về đạo đức Phật giáo áp dụng trong đời sống gia đình và xã hội: Đạo đức Phật giáo thấm nhuần một tinh thần bình đẳng. Con cái có năm bổn phận đối với cha mẹ, cha mẹ có năm bổn phận đối với con cái. Thầy trò, vợ chồng, bè bạn, chủ tớ tức là gia chủ và người làm công, gia chủ và các vị Sa môn và Bà la môn đều có các bổn phận đối đãi qua lại với nhau tương xứng. Quyền lợi và bổn phận đi đôi với nhau. Không lớp người nào chỉ có quyền lợi mà không có bổn phận.

Nhưng đặc biệt cảm động là sự quan tâm của Đức Phật đối với những người phục vụ, những người làm công, những tôi tớ, nô bộc. Có thể nói, đó là lớp người bị khinh rẻ nhất trong xã hội đẳng cấp của Ấn Độ thời cổ đại, thời Đức Phật còn tại thế. Đức Phật nhấn mạnh người chủ có những bổn phận như: Khi giao việc phải lượng sức người giúp việc, đảm bảo ăn uống và tiền công xứng đáng, săn sóc người giúp việc khi ốm đau, và nhất là hai bổn phận của người chủ là chia sẻ của ngon vật lạ cho người giúp việc và thỉnh thoảng phải cho người giúp việc nghỉ phép.

Có thể nói đó là luật công đoàn rất tiên tiến, rất tiến bộ, mà Đức Phật đã phác thảo cách đây gần ba nghìn năm, cho một xã hội Ấn Độ có chế độ đẳng cấp khắc nghiệt nhất. Cùng thời đó, ở đất nước Hy Lạp, người nô lệ chỉ có thể hưởng quy chế đồ vật hay súc vật. Còn người nô bộc tôi tớ trong xã hội Ấn Độ cổ đại là thuộc đẳng cấp Thủ đà la, là đẳng cấp hạ tiện nhất. Nhưng Đức Phật, với tâm từ bi và bình đẳng, yêu cầu lớp người nô bộc, tôi tớ, làm công cũng phải được được đối xử tử tế, được gia chủ tôn trọng và quan tâm đúng mức trong công việc làm cũng như trong mọi sinh hoạt. Đối với xã hội Ấn Độ thời Đức Phật, bộ luật Ma-nu đã phân chia con người thành bốn giai cấp: Bà la môn, Sát đế lợi, Vệ xá và Thủ đà la. Giai cấp Bà la môn là những vị lãnh đạo tâm linh, phụ trách về những nghi lễ. Họ cho rằng mình được sinh ra từ miệng của Phạm Thiên và là trung gian giữa thần thánh với con người. Họ có địa vị cao nhất trong xã hội lúc bấy giờ vì có học vấn, có gia sản. Giai cấp Sát đế lợi là giai cấp vua quan, lãnh đạo quốc gia, họ có quyền sinh, sát đối với một kẻ nào thuộc hai giai cấp dưới làm cho họ phật lòng. Họ cho rằng mình được xin ra từ cánh tay của Phạm Thiên nên nắm quyền lực cai trị đất nước. Họ có tài sản và tự hào về huyết thống là dòng dõi vua chúa. Giai cấp Vệ xá là những người thương gia nhỏ, họ buôn bán trong lãnh thổ của mình hoặc buôn bán qua những lãnh thổ khác. Giai cấp Thủ đà la là những người làm những nghề nghiệp thấp hèn trong xã hội như hớt tóc, gánh phân, nông dân, chài lưới… Họ là người không có tài sản, không thể làm gì khác ngoài việc làm thuê, làm mướn. Hai giai cấp Vệ xá và Thủ đà la không được học hành, không được can dự vào chuyện quốc gia. Mỗi người sinh ra ở đâu được giữ yên tại chỗ đó, không có cơ hội nào để thay đổi được số phận của họ.

Thuyết bốn giai cấp đã in sâu vào xã hội Ấn Độ từ lâu đời và mọi người chấp nhận với giai cấp của mình. Cho đến khi Phật xuất hiện, ngài đánh đổ sự phân chia giai cấp với câu nói bất hủ: Không có giai cấp trong dòng

máu cùng đỏ, không có giai cấp trong dòng nước mắt cùng mặn. Đây là sự cải cách tư tưởng một cách vượt bậc của Đức Phật đối với xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Con người bị kìm kẹp, bị ngộp thở, không thể ngẩng mặt lên vì sự phân chia giai cấp này. Ngài đã thay đổi, đã chấp nhận con người với lòng từ bi và bình đẳng, bằng chứng là trong tăng đoàn của ngài đã có những người xuất thân từ giai cấp hạ tiện như người gánh phân Nan-đề, thợ hớt tóc Ưu-ba- ly… giúp cho họ tu hành và chứng được thánh quả. Đây là sự công bằng trên phương diện giải thoát giác ngộ, dù mọi người có ở giai cấp nào nếu bước vào con đường tu tập Phật pháp thì chỉ có một vị đó là vị giải thoát nếu người đó tu tập đến nơi đến chốn.

Trong giáo đoàn của Phật không có sự phân biệt giai cấp hay tôn giáo, tất cả đều được tôn trọng dựa trên phạm hạnh của người đó. Như người thợ hớt tóc Ưu-ba-ly xuất thân từ giai cấp Thủ đà la nhưng khi ngài trở thành người xuất gia tu tập giữ gìn giới luật tinh nghiêm và chứng đắc quả vị A-la- hán được tôn xưng là Giữ giới đệ nhất. Trong giáo đoàn của Phật có rất nhiều người xuất thân từ hoàng tộc như ngài A-nan-đà, A-na-luật, còn có những vị khi chưa xuất gia là giáo chủ và đệ tử của ngoại đạo như ngài Xá Lợi Phật, Mục Kiền Liên, nhưng khi xuất gia đã trở thành những bậc xuất chúng, có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn trong giáo đoàn.

Sự bất công giữa nam và nữ trong xã hội Ấn Độ cũng là vấn đề nan giải. Người nữ phải chịu những bất công từ gia đình cho đến xã hội. Ở nhà phải thờ cha mẹ, chăm lo gia đình, thờ cha mẹ chồng, lo cho chồng con, an phận thủ thường, không được can dự vào những việc chính sự cũng như xã hội. Sự tiếp độ nữ giới xuất gia của Phật lúc đó cũng tạo nên một sự bứt phá rõ rệt. Phật tạo ra quy định để (độ) kế mẫu của mình là bà Kiều Đàm Di và năm trăm người nữ thuộc hoàng thân quốc thích của dòng họ Thích xuất gia và đưa ra Bát kỉnh pháp là một sự tiến bộ lớn đối với người nữ trong xã hội

Ấn Độ lúc bấy giờ. Sự giải thoát không phân biệt là nam hay nữ, ai cũng có thể tu tập và giác ngộ được nếu thực hành đúng lời Phật dạy và sự chứng ngộ của các vị nữ giới là một minh chứng cho sự công bằng trên phương diện giải thoát bất luận là nam hay nữ.

Một số nhà nghiên cứu hiện đại đã và đang sử dụng giáo luật về Ni giới trong Phật giáo, nhất là Bát kỉnh pháp, nhằm “minh chứng” cho sự “bất bình đẳng” trong Phật giáo nói riêng. Để kiến giải về vấn đề này với ý nghĩ làm sáng tỏ nhận định sai lầm trên khó có thể trình bày ngắn gọn trong đề tài này. Tác giả chỉ chia sẻ thêm rằng, luật nhân quyền quốc tế ngày nay đã nói rõ rằng, sự bình đẳng không phải là áp dụng một kiểu đối xử cho mọi đối tượng trong cùng tình huống, không phải là cào bằng, chắc chắn rằng không phải mọi sự khác biệt về đối xử đều tạo nên sự phân biệt đối xử, nếu sự đối xử khác biệt được xác định dựa trên các điều kiện hợp lí, khách quan và nhằm mục đích để đạt được sự bình đẳng thì không bị coi là trái với ICCPR; có những quyền mang tính chương trình, thực hiện dần dần với mục đích tích cực nhất.

Sự công bằng trên phương diện giác ngộ trong giáo dục Phật giáo còn thể hiện ở quá khứ lỗi lầm của một con người, nói khác hơn là sự khiếm khuyết trong đạo đức hoặc tội lỗi mà một người đã tạo. Phật giáo có thể bao dung cho mọi người, dù là người thánh thiện hay kẻ tàn ác, dù là người cao thượng cho đến xấu xa, nhưng nếu bỏ ác làm lành, tu tập theo Đạo Phật thì vẫn có thể chứng ngộ Niết bàn. Đây là điểm mà đạo Phật hơn hẳn các tôn giáo khác thời bấy giờ. Sự tiếp độ những người lỗi lầm đã minh chứng cho sự khoan dung, từ bi của Đạo Phật như trường hợp của tướng cướp Angulimala đã giết hại rất nhiều người, đến khi chuẩn bị giết mẹ của mình thì Phật xuất hiện. Khi nghe Phật giáo hóa Angulimala đã từ bỏ gươm đao, theo Phật tu tập và chứng đắc quả vị A-la-hán. Liên Hoa Sắc cũng là một người có quá khứ đau thương, nàng từng là gái bán hoa nổi tiếng, định dùng sắc đẹp của mình

quyến rủ ngài Mục Kiền Liên nhưng được ngài Mục Kiền Liên giáo hóa và đưa về ra mắt Đức Phật. Sau khi quy y và trở thành vị Tỳ kheo ni, nàng tinh tấn tu hành, chứng quả A-la-hán và được tôn xưng là Thần thông đệ nhất

trong hàng ni chúng.

Trên phương diện giải thoát, tất cả con người đều bình đẳng và công bằng với nhau, ai cũng có thể tu tập được và ai cũng có thể lĩnh hội tùy theo căn cơ. Sự giáo dục của Phật giáo giúp cho con người đạt được thánh quả, thành tựu tuệ giác và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Ai cũng có khả năng ấy, bất luận là nam hay nữ, bất luận là tôn giáo nào, bất luận giai cấp nào, bất luận địa vị xã hội nào, nếu có lòng quyết tâm và phương pháp hành trì đúng thì sẽ đạt được Niết bàn trong đời sống hiện tại với sự công bằng không phân biệt.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người và giá trị kế thừa ở Việt Nam hiện nay Luận văn ThS. Luật Chương trình đào tạo thí điểm (Trang 56 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)