1.2. Pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật
1.2.3. Nội dung pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật
Nội dung trợ giúp xã hội trong pháp luật quốc tế được quy định trong các công ước và khuyến nghị về quyền con người nói chung và người khuyết tật nói riêng. Tiêu biểu nhất là Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006. Điều 28 Công ước quy định rõ:
Các quốc gia thành viên của công ước này thừa nhận quyền của người khuyết tật được hưởng mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình, bao gồm đủ ăn, đủ mặc, có nhà ở và được cải thiện điều kiện sống thường xuyên; và cam kết thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo hộ và thúc đẩy việc thực hiện quyền này trên thực tế mà không có sự phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật [50, Điều 28].
Ngoài ra, Công ước cũng quy định các biện pháp nhằm thực thi quyền của người khuyết tật trên thực tế:
Một là, đảm bảo người khuyết tật được tiếp cận bình đẳng tới các dịch vụ nước sạch, dịch vụ, trang thiết bị và các trợ giúp khác theo nhu cầu liên quan đến khuyết tật một cách phù hợp và ở mức chi phí hợp lí.
Hai là, đảm bảo người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già khuyết tật được tiếp cận các chương trình trợ giúp xã hội và chương trình xóa đói giảm nghèo.
Ba là, đảm bảo người khuyết tật nghèo và gia đình được tiếp cận các trợ giúp chi phí có liên quan đến khuyết tật từ Nhà nước, bao gồm hỗ trợ tài chính, tập huấn, tư vấn và an dưỡng.
Bốn là, đảm bảo người khuyết tật được tiếp cận các công trình nhà ở công. Năm là, đảm bảo người khuyết tật được tiếp cận bình đẳng các chương trình và trợ cấp hưu trí.
Nội dung pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình trợ giúp xã hội của chủ thể thực hiện chủ yếu là Nhà nước và đối tượng hưởng chủ yếu là người khuyết tật. Nội dung pháp luật về vấn đề này chủ yếu xoay quanh các vấn đề chủ thể hưởng trợ giúp, chủ thể thực hiện; trình tự thủ tục hưởng trợ giúp; mức độ trợ giúp và tài chính thực hiện việc trợ giúp xã hội. Trong phạm vi luận văn tác giả triển khai hướng nghiên cứu của mình theo các nội dung pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật đã đề cập ở trên.
1.2.3.1.Các nguyên tắc pháp lý của trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật
Nguyên tắc pháp lý của trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo quán triệt và xuyên suốt hệ thống các quy phạm pháp luật về trợ giúp xã hội. Các nguyên tắc pháp lý về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật như sau:
Một là, nguyên tắc trợ giúp xã hội bình đẳng, không có sự phân biệt theo tiêu chí nào. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Điều 34 Hiến Pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong các văn bản Luật, dưới luật... Nội dung nguyên tắc này thể hiện ở việc các thành viên xã hội nếu bị khuyết tật đều có quyền hưởng trợ giúp xã hội mà không phân biệt về địa vị, kinh tế, tôn giáo, thành phần xã hội… Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc ai là người khuyết tật cũng được hưởng trợ giúp xã hội và không phải ai được hưởng trợ giúp xã hội thì mức trợ giúp cũng giống nhau mà còn căn cứ vào mức độ khuyết tật cũng như hoàn cảnh sống trên thực tế của người khuyết tật. Điều này được thể hiện thông qua việc phân loại các đối tượng người khuyết tật để quy định các chế độ hưởng, mức hưởng cũng như điều kiện hưởng cụ thể đối với từng loại đối tượng. Nguyên tắc này thể hiện sự công bằng xã hội, vừa thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo, nhân văn sâu sắc của chế độ trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật.
Hai là, nguyên tắc mức trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật không phụ thuộc vào sự đóng góp, thu nhập hoặc mức sống của họ mà chủ yếu phụ thuộc vào mức độ khuyết tật và nhu cầu thực tế của đối tượng. Với mục đích không nhằm bù đắp hay thay thế thu nhập, cũng không nhằm làm đảm bảo cuộc sống với những yêu cầu định trước mà chỉ giúp cho đối tượng thoát khỏi tình trạng cuộc sống thường nhật bị đe dọa, tạo cơ hội cho họ vươn lên khắc phục rủi ro, hòa nhập cộng đồng. Do vậy, các khoản trợ giúp xã hội cho người khuyết tật không gắn với bất cứ yêu cầu gì về nghĩa vụ tài chính cho việc thụ hưởng. Không phải trước khi bị khuyết tật đối tượng nào có thu nhập cao, mức sống cao hơn thì hưởng trợ cấp cao hơn và ngược lại. Tiêu chí quan trọng để xác định mức trợ cấp cho người khuyết tật chính là mức độ rủi ro khuyết tật và hoàn cảnh sống thực tế của người khuyết tật. Chẳng hạn, với những mức độ khuyết tật khác nhau từ nặng, đặc biệt nặng, khuyết tật trẻ em,
người cao tuổi, phụ nữ khuyết tật mang thai… hay thậm chí có cùng mức độ khuyết tật nhưng hoàn cảnh sống có sự khác nhau nhất định như có người chăm sóc, kinh tế gia đình khá giả hay không cũng là những căn cứ quan trọng để xác định mức trợ cấp, hỗ trợ cho phù hợp. Điều này phù hợp với ý nghĩa, mục đích của trợ cấp và đảm bảo công bằng cho người thụ hưởng.
Ba là, nguyên tắc thực hiện trợ giúp xã hội cân đối giữa nhu cầu thực tế của người khuyết tật và phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế xã hội. Việc đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội của người khuyết tật phải được tính toán cân đối với khả năng đáp ứng và điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia trong từng giai đoạn, nếu không sẽ không đạt được mục đích của trợ giúp và ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế xã hội khác. Nếu trợ cấp quá cao so với khả năng đáp ứng thì thiếu tính khả thi, khó khăn đảm bảo duy trì thực hiện và nếu thực hiện được có thể sẽ tạo tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn tài chính trợ giúp làm cản trở ý thức vươn lên, phát huy nội lực và kìm hãm sức phát triển của các cơ chế bảo vệ khác. Ngược lại nếu mức trợ cấp, hỗ trợ cho người khuyết tật quá thấp sẽ không đảm bảo được ý nghĩa và mục đích của trợ giúp xã hội. Mặc dù vậy, về cơ bản việc cân đối giữa nhu cầu của người khuyết tật và khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế cũng phải hướng đến yêu cầu đảm bảo nhu cầu tối thiểu cần thiết nhằm duy trì cuộc sống cho người khuyết tật trước những khó khăn của cuộc sống.
Bốn là, nguyên tắc đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật, phát huy khả năng vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khuyết tật cần trợ giúp của các đối tượng người khuyết tật là vô cùng đa dạng và phong phú. Có người khuyết tật cần trợ giúp thường xuyên để duy trì cuộc sống hàng ngày, có người khuyết tật cần được giúp đỡ để hòa nhập cuộc sống, có người khuyết tật cần trợ giúp việc làm,... Mặt khác không phải lúc nào và bao giờ nhu cầu của người khuyết
tật cần được trợ giúp như nhau... Vì vậy, để thực hiện hoạt động trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật có hiệu quả thì cần đa dạng hóa các hình thức và biện pháp trợ giúp xã hội đối với họ cho phù hợp: có thể trợ giúp bằng vật chất (tiền, lương thực, thuốc men...) hay các biện pháp tinh thần (giáo dục, dạy nghề, tư vấn việc làm, hỗ trợ học bổng...). Trong điều kiện hiện nay, việc xã hội hóa thực hiện trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật được nhìn nhận theo hướng tiến bộ. Không phải trợ giúp xã hội cho người khuyết tật chỉ dừng lại ở những khoản trợ cấp do nhà nước thực hiện mang tính ban phát, bao cấp mà hướng tới việc huy động nguồn lực và sự quan tâm của cả cộng đồng nhằm đưa đến sự bảo vệ cao nhất cho người khuyết tật. Điều này thể hiện rõ trong những quy định mang tính tùy nghi, điều chỉnh hoạt động của các hiệp hội từ thiện, các trung tâm trợ giúp, chăm sóc người khuyết tật... và cả những mô hình chăm sóc thay thế hiện đang thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng.
1.2.3.2. Chủ thể được trợ giúp xã hội và chủ thể thực hiện chế độ trợ giúp xã hội
Trong phạm vi luận văn này, tác giả nghiên cứu pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật nên chủ thể được hưởng trợ giúp xã hội ở đây trước hết và trên hết là những người khuyết tật. Ngoài ra còn có những người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc những người khuyết tật.
Trong chế độ trợ giúp không phải tất cả người khuyết tật đều được hưởng chung một mức trợ cấp mà thường xác định theo thứ tự ưu tiên của mức độ khuyết tật từ nặng đến nhẹ. Xuất phát từ sự đa dạng của các dạng tật, nguyên nhân của khuyết tật và những hạn chế của nó trong hoạt động của mỗi cá nhân dẫn đến những khó khăn trong việc đề ra các tiêu chí xác định đối tượng được hưởng. Theo thông lệ chung của quốc tế, tiêu chí độ suy giảm khả năng lao động được cho là tiêu chí quan trọng nhất để xác định đối tượng hưởng trợ cấp, hỗ trợ. Ngoài ra còn có tiêu chí về điều kiện
kinh tế, thu nhập và hoàn cảnh gia đình của đối tượng. Việc cụ thể hóa các điều kiện hưởng phụ thuộc nhiều vào đặc điểm kinh tế của quốc gia nhằm đảm bảo tài chính chi trả.
Đối với những người khuyết tật đặc biệt nặng, không tự chăm sóc được bản thân, thì đối tượng hưởng trợ giúp xã hội không chỉ bao gồm bản thân người khuyết tật mà còn bao gồm cả những người trực tiếp nuôi dưỡng người khuyết tật và chính bản thân người khuyết tật đó nếu họ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Chủ thể thực hiện trợ giúp xã hội gồm nhiều đối tượng: Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật ghi nhận trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện việc trợ giúp trước hết của Nhà nước thông qua các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, Nhà nước kêu gọi, khuyến khích việc trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
1.2.3.3. Trình tự, thủ tục hưởng trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật
Tùy theo loại trợ giúp xã hội nào được hưởng (trợ cấp hàng tháng, hay nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ) mà có các thủ tục khác nhau. Tuy vậy, đều có điểm chung là để được hưởng trợ giúp xã hội thì đối tượng được hưởng phải có hồ sơ đề nghị hưởng trợ giúp xã hội chứ Nhà nước không “tự tìm” tới các đối tượng để cho họ hưởng chế độ trợ giúp. Điều này ở dưới góc độ nào đó là hợp lý, tránh tình trạng khai man, khai khống để được hưởng chế độ trợ giúp, tránh lãng phí tài sản của Nhà nước.
Để được hưởng trợ giúp xã hội từ Nhà nước, đối tượng phải đảm bảo hồ sơ thủ tục với các quy định luật định như đơn đề nghị, sơ yếu lý lịch, biên bản họp hội đồng xét duyệt trợ cấp… Cơ quan hành chính Nhà nước cấp cơ sở (ở Việt Nam là Ủy ban nhân dân cáp xã) là cơ quan trực tiếp nhận hồ sơ của những đối tượng này. Sau khi xét duyệt, hồ sơ sẽ được chuyển lên cơ quan quản lý cấp
trên (Ủy ban nhân dân cấp huyện), Phòng chuyên trách (ở Việt Nam là Phòng lao động thương binh xã hội) có trách nhiệm thẩm định hồ sơ. Người ký quyết định cấp giấy trợ giúp xã hội cho một ai đó có đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hay không là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Như vậy, phải khẳng định rằng không phải tự nhiên những người khuyết tật đều được hưởng chế độ trợ giúp xã hội. Yếu tố khuyết tật chỉ là yếu tố cần cho việc hưởng chế độ. Yếu tố đủ ở đây đó là phải có bộ hồ sơ hợp lệ và quyết định của cấp có thẩm quyền về việc hưởng chế độ của những người khuyết tật.
1.2.3.4. Mức hưởng trợ giúp xã hội
Phụ thuộc vào loại trợ giúp xã hội mà người khuyết tật được hưởng mà có từng mức hưởng khác nhau.
Đa số pháp luật về trợ giúp xã hội các nước đều đề cập tới hình thức trợ giúp xã hội là trợ cấp nguồn kinh phí. Mức trợ cấp không được quy định chi tiết trong Luật - văn bản có hiệu lực cao mà quy định trong các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên trách. Mức trợ cấp được xác định và điều chỉnh trong tương quan mối quan hệ chung với mức trợ cấp của các đối tượng chính sách khác, phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước và điều kiện thực tế. Việc đưa ra con số cụ thể cho mức hưởng trợ giúp xã hội từng thời kỳ phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “thực hiện trợ giúp xã hội cân đối giữa nhu cầu thực tế của người khuyết tật và phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế xã hội”. Mức trợ cấp quá cao sẽ gây ra tâm lý ỷ nại, trông chờ, còn mức quá thấp sẽ không đảm bảo được mục đích của trợ cấp trợ giúp xã hội là hỗ trợ, giúp đỡ ở mức độ cần thiết nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người khuyết tật.
Ngoài ra, đối với những đối tượng khuyết tật khác nếu đáp ứng các điều kiện có thể được hưởng mức trợ cấp khác bên cạnh mức trợ cấp kinh phí
như chi phí sắm tư trang, vật dụng sinh hoạt hàng ngày; chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế; chi phí thuốc thang…
1.2.3.5. Nguồn tài chính thực hiện trợ giúp xã hội
Trợ giúp cho người khuyết tật là trách nhiệm của Nhà nước nói riêng và của cả cộng đồng dân cư nói chung nên nguồn tài chính để thực hiện trợ giúp xã hội cho những đối tượng này hình thành từ ba nguồn chính là ngân sách Nhà nước, từ các cá nhân, tổ chức đoàn thể, hiệp hội trong nước và các Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tuy vậy, trách nhiệm đối với hoạt động này trước hết và trên hết là trách nhiệm của Nhà nước nên nguồn tài chính chủ yếu cho việc trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật là từ Ngân sách nhà nước.
Nguồn tài chính thực hiện trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật không chỉ dừng lại ở mức trợ cấp cho các đối tượng hưởng mà còn bao gồm cả kinh phí đầu tư, xây dựng cơ bản cho các cơ sở trợ giúp xã hội, kinh phí tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật.
Chương 2
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN
TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI