Thành phố Hà Nội
2.2.1. Tình hình người khuyết tật và công tác người khuyết tật trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Trong những năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, trong đó công tác an sinh xã hội mà đặc biệt vấn đề về trợ giúp xã được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong quá trình phát triển Thủ đô.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.345 km2 với dân số 7.558.956 người, 30 đơn vị hành chính (12 quận, 17 huyện, 1 thị xã) [28]. Theo Báo cáo kết quả thực hiện chính sách đối với người khuyết tật năm 2015 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì tổng số người khuyết tật có trên địa bàn là 97.932 người (chiếm 1,2 % dân số). Trong đó số người khuyết tật là nữ là 44.079 người (chiếm 45%). Về việc phân chia người khuyết tật theo dạng tật thì người khuyết tật vận động 35.810 người (chiếm 36,77%), người khuyết tật thần kinh 25.884 người (chiếm 26,58%), người khuyết tật nhìn 11.229 người (chiếm 11,53%), người khuyết tật nghe nói 9.962 người (chiếm 10,23%), người khuyết tật trí tuệ 14.582 người (chiếm 14,97%), các loại khác 6.205 người (chiếm 6,37%). Chia theo
mức độ khuyết tật thì người khuyết tật nặng chiếm tỉ lệ nhiều nhất 59.803 người (chiếm 62%), người khuyết tật nhẹ 25.689 người (chiếm 26%) còn lại là người khuyết tật đặc biệt nặng 11.572 (chiếm 12%) [xem phụ lục]. Đây là một trong những đối tượng cần sự trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội.
Để hỗ trợ Người khuyết tật, Thành ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, chương trình; UBND đã xây dựng các kế hoạch, đồng thời ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân Thủ đô, cụ thể như:
Năm 2006, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Hội Người khuyết tật Thành phố, sau gần 10 năm hoạt động, tổ chức Hội Người khuyết tật cấp quận/huyện đã được thành lập ở 30/30 quận, huyện, thị xã với 70 Chi Hội Người khuyết tật tại các xã, phường, thị trấn. Hội Người khuyết tật Thành phố đã thành lập hai tổ chức trực thuộc hội là Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật và Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập của người khuyết tật. Các tổ chức Hội quận, huyện, thị xã đã được thành lập, hoạt động thường xuyên, hiệu quả, là chỗ dựa tinh thần vững mạnh cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống [37].
Thực hiện Luật Người khuyết tật và Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 161/KH-UBND về trợ giúp người khuyết tật thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2020 và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cho các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội.
Một số chính sách quan trọng đối với người khuyết tật đã được ban hành như: Quyết định số 78/2014/QĐ-UBND ngày 31/10/2014 về quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng và tại các cơ sở Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã
hội Hà Nội (Quyết định số 78/2014/QĐ-UBND); Quyết định 25/2015/QĐ- UBND thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 78/2014/QĐ-UBND (Quyết định 25/2015/QĐ-UBND); Chỉ đạo các quận huyện, thị xã lồng ghép công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật trong việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Chỉ đạo, hướng dẫn các quận huyện, thị xã, xã phường, thị trấn triển khai thực hiện công tác rà soát xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho người khuyết tật trên địa bàn toàn thành phố theo quy định…
Hàng năm Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội xây dựng kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra về công tác trợ giúp xã hội tại quận, huyện, thị xã trong đó có việc kiểm tra về công tác tổ chức thực hiện và lưu giữ hồ sơ xác nhận mức độ khuyết tật, thực hiện chế độ chính sách đối với người khuyết tật tại các xã phường, thị trấn. Qua kiểm tra đã kịp thời hướng dẫn giải đáp được những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đồng thời yêu cầu một số đơn vị chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc việc xác định mức độ khuyết tật và quy trình thủ tục, hồ sơ liên quan đến việc xác nhận mức độ khuyết tật.
Trước sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và triển khai kế hoạch thực hiện các chính sách về trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật của UBND Thành phố Hà Nội, bước đầu cuộc sống của người khuyết tật đã được chăm lo, ổn định hơn và từng bước hòa nhập vào cộng đồng. Đối với mỗi đối tượng Người khuyết tật khác nhau, thì từng chính sách, thủ tục hưởng trợ giúp xã hội được áp dụng với họ cũng khác nhau, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và mức độ khuyết tật của họ. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như:
Thứ nhất, việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật còn chậm. Luật người khuyết tật được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, nhưng đến ngày 10 tháng 4 năm 2012 mới có Nghị định
của Chính phủ số 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành của Luật Người khuyết tật, như vậy phải mất một năm Luật mới đi vào đời sống, và Hà Nội, đến ngày 31/10/2014 mới có Quyết định số 78/2014/QĐ- UBND về quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng và tại các cơ sở Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội. Trong khi đó người khuyết tật không được truy lĩnh số tiền trợ cấp xã hội trong thời điểm chưa có Quyết định số 78/2014/QĐ-UBND. Ngay cả khi có Quyết định số 78/2014/QĐ-UBND rồi thì việc triển khai theo Quyết định này cũng không diễn ra đồng bộ giữa các quận/huyện hoặc các quận/huyện không triển khai ngay mà vẫn thực hiện chế độ chính sách theo các quy định cũ. Ví dụ như huyện Ba Vì mới thực hiện từ đầu năm 2016 này. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người khuyết tật huyện Ba Vì. Một trường hợp thực tế ở Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì đó là Chị Nguyễn Thị Tiến, sinh ngày 30 tháng 4 năm 1979, Số chứng minh thư nhân dân 017264713 do công an TP Hà Nội cấp ngày 22 tháng 3 năm 2011. Thường trú tại Thôn 1, xã Ba Trại, Huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội. Chị là người khuyết tật nặng, không biết chữ, sống cùng mẹ già và chị gái, và 1 cô cháu gái, trong một gia đình không có bóng dáng của người đàn ông. Người mẹ già năm nay 85 tuổi đau ốm liên miên và từ đầu năm 2015 đến nay thì mắc chứng bệnh tâm thần nhiều khi không làm chủ được bản thân. Vì không có khả năng lao động, và bị khuyết tật nặng nên chị Tiến không tự chăm sóc được bản thân, sống dựa vào chị gái, tuy nhiên, chị Tiến đã được cấp sổ hộ khẩu riêng, đứng tên chị Tiến là chủ hộ. Và đã được UBND Xã Ba Trại, Huyện Ba Vì công nhận chị Tiến thuộc Hộ nghèo. Hàng năm hỗ trợ bảo hiểm y tế, và các chi phí sinh hoạt dành riêng cho hộ nghèo như giảm tiền điện sinh hoạt, ngoài ra không được hưởng thêm bất kỳ một chính sách bảo trợ xã hội nào khác.
Năm 2011, chị Tiến đã được Bệnh Viện Đa Khoa Ba Vì cấp giấy chứng nhận sức khỏe ngày 14/4/2011 chứng nhận chị Tiến là người khuyết tật nặng không có khả năng lao động, không tự phục vụ được bản thân.
Ngày 12 tháng 3 năm 2011, chị Tiến được Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội xã Ba Trại, bao gồm: đại diện lãnh đạo UBND xã Ba Trại; đại diện cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã; Trưởng trạm y tế xã; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã; Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội đã ra biên bản nhất trí công nhận chị Nguyễn Thị Tiến sinh năm 1979 đủ tiêu chuẩn hưởng trợ cấp thường xuyên đối với người khuyết tật nặng.
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến cuối năm 2015 chị Tiến không được hưởng bất cứ một chế độ trợ giúp xã hội nào dành cho người khuyết tật.
Thứ hai, số lượng cán bộ còn thiếu, nhất là cán bộ cấp xã. Trình độ chuyên môn cán bộ chưa cao, số cán bộ chưa qua đào tạo còn nhiều và không được đào tạo đúng chuyên ngành. Hơn nữa, thái độ làm việc và nhận thức về quyền của người khuyết tật của một số cán bộ xã hội tại xã phường còn hạn chế, vẫn còn nhiều định kiến về người khuyết tật, vẫn cho rằng việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người khuyết tật là cơ chế xin cho. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật còn thấp.
2.2.2. Đối tượng được trợ giúp xã hội
Thứ nhất, đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên là những người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng. Hiện nay, tại Thành phố Hà Nội, số người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng là 71.375 người (chiếm 73%) trong tổng số người
khuyết tật trên địa bàn [37]. UBND Thành phố đã có nhiều chính sách phù hợp để trợ giúp họ có một cuộc sống đảm bảo hơn và giúp họ hòa nhập vào cộng đồng.
Việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật cũng được quan tâm, chú ý để người khuyết tật được hưởng các trợ cấp phù hợp, tương ứng với mức độ khuyết tật của họ. Đến nay toàn thành phố đã tổ chức xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật cho 80.236 người. Hội đồng Giám định y khoa Thành phố đã tổ chức giám định mức độ khuyết tật cho gần 300 người khuyết tật có nhu cầu. Phần lớn Hội đồng xác định mức độ khuyết tật được thành lập và hoạt động theo đúng quy định. Danh sách người khuyết tật được lưu trữ đầy đủ tại các xã, phường, thị trấn. Việc tổ chức thực hiện xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật đã tạo điều kiện cho người khuyết tật được thụ hưởng các chính sách của nhà nước được thuận lợi. Tuy nhiên việc xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật tại một số xã, phường vẫn còn chậm, chủ yếu mới thực hiện cho nhóm đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội do Sở Lao đông Thương binh và Xã hội quản lý [37].
Thực tế áp dụng pháp luật về xác định đối tượng được hưởng trợ giúp xã hội thì một số địa phương trên địa bàn thành phố xảy ra một số vấn đề như: bỏ sót các đối tượng hưởng trợ giúp xã hội và một số địa phương tìm cách gian dối, khai man để xác định cả những người “không đủ tiêu chuẩn” được hưởng trợ giúp xã hội. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống vốn đã khó khăn của người khuyết tật và nghiêm trọng hơn đã làm mất lòng tin của những đối tượng này đối với Nhà nước, với xã hội. Một trường hợp cụ thể ở Hội người khuyết tật Quận Hai Bà Trưng là Ông Đinh Thế Việt sinh năm 1952, thường trú tại 65B đường 158 - số mới 3N Nguyễn Cao phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng,Thành phố Hà Nội ông Việt bị chứng bệnh tắc
động mạch và phải cắt bỏ chân phải trên gối, nhưng cán bộ chính sách xã hội phường Bạch Đằng nhất định không làm chế độ chính sách trợ giúp xã hội cho ông Việt vì những khúc mắc cá nhân. Trong khi với người có cùng một tình trạng khuyết tật như ông Việt đã được viện giám định y khoa kết luận mất khả năng lao động và thương tật là 68%, cùng với đó thì rất nhiều người khuyết tật trong phường Bạch Đằng mặc dù khuyết tật nhẹ hơn ông Việt (Ví dụ chỉ bị mất một chân dưới gối...), lại được đưa vào danh sách hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được xác định là khuyết tật nặng.
Ngoài ra, vì chính sách trợ giúp xã hội cho người khuyết tật còn rất mới, từ việc xét duyệt công nhận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật nên việc thực hiện rất khó khăn.
Một là, nếu như quy định trước đây đối tượng hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên phải là người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, kèm theo người khuyết tật đó thuộc diện hộ nghèo mới được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội thì đến nay chỉ cần người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng là được. Điều này mở rộng đối tượng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, nhưng cũng làm lúng túng các cán bộ trợ giúp xã hội ở cơ sở, họ cùng lúc phải tiếp nhận thêm một số lượng lớn người khuyết tật để đưa vào diện được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội. Một số nơi thì không cập nhật, áp dụng những quy định mới này. Trường hợp của chị Tiến ở xã Ba Trại – huyện Ba Vì nêu trên là ví dụ điển hình. Mặc dù được xác định là Hộ nghèo, được hưởng các chính sách hộ nghèo, nhưng khi có quy định mới thì không thay đổi cho người khuyết tật.
Hai là, nếu như quy định trước đây, việc xác định mức độ khuyết tật và dạng tật thuộc thẩm quyền của Viện Giám Định Y Khoa, thì nay theo Luật Người khuyết tật việc xác định mức độ khuyết tật và dạng tật được trao cho Hội đồng giám định cấp Xã/ Phường. Điều này tạo thuận tiện cho người
khuyết tật không phải đi lại và đến những cơ sở giám định nhưng cũng tạo khó khăn cho hội đồng giám định khi không có chuyên môn nghiệp vụ nên còn lúng túng trong việc nhận dạng tật, mức độ khuyết tật, chưa vận dụng được những chứng bệnh thực tế của đối tượng vào các dạng khuyết tật để xác định mức độ khuyết tật. Hiện nay, việc đánh giá mức độ khuyết tật mới chỉ dựa trên quan sát trực tiếp, không thông qua các dụng cụ y tế chưa được chính xác. Trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng chưa được phát huy, còn phụ thuộc khá nhiều vào cán bộ y tế nên tiến độ thực hiện chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa giải quyết dứt điểm hồ sơ vì các Hội đồng chỉ tập trung xem xét, xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận đối với những trường hợp khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; nhiều địa phương cũng chưa cấp giấy xác nhận khuyết tật cho người khuyết tật dạng/mức độ nhẹ. Công cụ đánh giá mức độ khuyết tật cho người khuyết tật quá sơ sài, hoặc tạo ra sự tùy tiện hoặc không xác định được mức độ khuyết tật, hoặc không dám xác định mức độ khuyết tật. Cùng một mức độ khuyết tật, nhưng người khuyết tật ở phường xã này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội còn người khuyết tật ở phường xã khác lại không được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Điều này tạo ra sự bất công bằng giữa các đối tượng người khuyết tật. Theo Ông Lê An Thọ - Phó chủ tịch thường trực Quận Hai Bà Trưng, toàn bộ những người Câm – Điếc trên địa bàn Quận đều