Khi phải tuân thủ Hiệp định TRIPS, các nhà làm luật đối mặt với áp lực lớn trong việc xây dựng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với Hiệp định. Áp lực này đã buộc các nhà làm luật phải tìm tòi, học hỏi từ hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo tiến trình cam kết. Ngoài ra, WIPO thường xuyên có chính sách hỗ trợ về đào tạo, chuyên gia và kinh phí cho các hoạt động khuyến khích giáo dục, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ. Với sự trợ giúp tích cực đó, khả năng có thể tiếp cận, học hỏi, phổ biến những kinh nghiệm phù hợp là rất lớn. Bản thân các quốc gia cũng có mong muốn hỗ trợ Việt Nam vì nhiều mục đích khác nhau.
Do đó, khi học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, nhất thiết phải sàng lọc để thu được những bài học thích hợp.
WTO là sân chơi chung của thế giới, do những nước có nền kinh tế phát triển tạo dựng nên. Do đó, Hiệp định TRIPS là sản phẩm của các nước công nghiệp tiên tiến. Vì vậy, những quy định của Hiệp định khắt khe và mang lại lợi ích cho các nước phát triển nhiều hơn là cho những nước có nền kinh tế kém phát triển. Tuy nhiên, một khi đã trở thành thành viên của WTO thì sức ép các cam kết luôn hiện hữu, buộc các bên tham gia phải nỗ lực thi hành. Bản thân Việt Nam sau khi trở thành thành viên của WTO cũng có quyết tâm cao, hướng tới hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói riêng [13]. Với tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước. Hiện nay, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã đáp ứng được tính “đầy đủ” theo yêu cầu của Hiệp định TRIPS. Chúng ta chỉ còn phải đạt được tính “hiệu quả” nữa để hoàn toàn phù hợp với TRIPS. Do đó, Nhà nước Việt Nam cũng xác định là học tập những nước có hoàn cảnh tương tự để đạt yêu cầu của Hiệp định TRIPS một cách nhanh nhất và an toàn nhất.