Môi trường nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở việt nam (Trang 42 - 48)

Chƣơng 1 : LÝ LUẬN QUYỀN CON NGƢỜI VỀ MÔI TRƢỜNG

2.1. Thực trạng môi trƣờng Việt Nam

2.1.1. Môi trường nước

Mức độ gia tăng các nguồn nước thải hiện nay là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm nước bao gồm ô nhiễm nước mặt và ô nhiễm nước ngầm. Ô nhiễm nước mặt có nguyên nhân từ việc xả chất thải trực tiếp không qua xử lý từ nhiều nơi khác nhau vào các nguồn nước trên mặt đất. Ô nhiễm nước ngầm xảy ra khi nước bề mặt chảy qua rác thải sinh hoạt, nước rác công nghiệp, các chất ô nhiễm trên mặt đất… rồi thấm xuống nước ngầm. Chất thải từ hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp và các làng nghề; chất thải từ hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; chất thải sinh hoạt; chất thải y tế hiện đang là những nguồn gây áp lực lớn nhất đến môi trường nước.

Lượng nước thải tại các khu công nghiệp ngày càng tăng, tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp thuộc bốn vùng kinh tế trọng điểm ở cả nước. Nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng không có hệ thống

xử lý nước thải, hoặc có nhưng vận hành không đúng yêu cầu nhằm mục đích tiết kiệm chi phí. Hiện tượng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không đấu đầu ống dẫn nước thải vào khu xử lý chung khá phổ biến.

Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2012, giai đoạn 2001-2005, ô nhiễm các chất hữu cơ là một trong những vấn đề nổi cộm tại 3 lưu vực sông lớn: Cầu, Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai. Đến giai đoạn 2006-2011, ô nhiễm chất hữu cơ vẫn tiếp tục là vấn đề nóng tại 3 lưu vực sông nói trên, thậm chí còn có xu hướng gia tăng cả về mức độ ô nhiễm và xuất hiện thêm ở nhiều lưu vực sông khác [4, tr.102].

Bên cạnh đó, tình trạng xả thải tại chỗ, không qua xử lý, không theo quy trình dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng cũng diễn ra tại các làng nghề. Ô nhiễm làng nghề, cùng với việc gia tăng sử dụng chế phẩm hóa học trong sản xuất nông nghiệp; chất thải chăn nuôi gia súc và thủy sản không qua xử lý, trong khi diện tích ao, hồ nông thôn bị san lấp cho mục đích khác, hệ thống hạ tầng cơ sở chậm được nâng cấp, làm trầm trọng hơn ô nhiễm nguồn nước tại nông thôn.

Theo các báo cáo đánh giá, môi trường nước mặt ở hầu hết các đô thị và ở nhiều lưu vực sông nước ta đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ. Hầu hết các sông, hồ, kênh, rạch trong nội thành, nội thị, trị số hàm lượng các chất ô nhiễm của các thông số đặc trưng ô nhiễm hữu cơ đều vượt trị số giới hạn tối đa cho phép đối với nguồn nước loại B từ 2-6 lần. Hàm lượng chất hữu cơ và Coliform ở hầu hết các sống chảy qua các đô thị và các khu công nghiệp đều vượt giới hạn tối đa cho phép, nhiều nơi cao hơn tới 2-3 lần. Nước thải sinh hoạt chiếm trên 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông hồ, hay kênh rạch dẫn ra sông. Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước.

Bên cạnh những nguồn thải nêu trên, nước thải nông nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đó là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến nguồn nước tại những địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nước thải từ hoạt động nông nghiệp có chứa hóa chất bảo vệ thực vật, hay thuốc trừ sâu, là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, các khu vực này, đời sống dân cư vẫn gắn với nguồn nước được dùng làm nước sinh hoạt hay sử dụng để nuôi trồng thủy sản.

Nước thải y tế được xem là nguồn thải độc hại nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường. Do thành phần nước thải y tế chứa nhiều hóa chất độc hại với nồng độ cao và chứa nhiều vi trùng, vi khuẩn lây lan bệnh truyền nhiễm. “Mức độ gia tăng lượng nước thải y tế năm 2011 so với năm 2000 là hơn 20%” [4, tr.27]. Hầu hết các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, tại các bệnh viện thuộc Sở Y tế địa phương hay các bệnh viện thuộc ngành khác quản lý cũng như các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nằm rải rác, phần lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải. “Theo Cục Quản lý môi trường y tế thuộc Bộ Y tế, năm 2011, nước ta có hơn 13.640 cơ sở y tế, khám chữa bệnh. Mỗi ngày, các đơn vị này thải ra khoảng 120.000m3 nước thải y tế, trong khi đó, chỉ có 53,4% trong số tổng bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế” [4, tr.27].

Tình hình ô nhiễm nguồn nước đã dẫn đến an ninh nguồn nước bị đe dọa nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam đạt khoảng hơn 830-840 tỷ m3/năm, trong đó 63% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài. Hiện nay chúng ta đã sử dụng khoảng 400 tỷ m3 mỗi năm. Điều đó cho thấy chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn nước chảy từ nước ngoài đến. Các quốc gia trên thượng nguồn các dòng sông xuyên biên giới hiện đang tích cực đắp đập giữ nước, thậm chí chuyển nước sang các dòng

sông khác của họ. Nếu như thiếu nước, chúng ta sẽ không thể phát triển được, chưa kể sẽ phải nhượng bộ các quốc gia trên thượng nguồn về nhiều mặt để có nước. Ngoài ra, việc dùng nước lãng phí và làm ô nhiễm tất cả các hệ thống sông ngòi nội địa, khiến cho mối đe dọa an ninh nguồn nước sẽ trở thành mối đe dọa hàng đầu. Sự phân bố không đồng đều nguồn nước trong cả nước và mức độ ô nhiễm nguồn nước là một trong các nguyên nhân gây bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn nước cần thiết cho sự sống.

Khoảng 60% lượng nước ở Việt Nam bắt nguồn từ sông Mê Công. Đồng bằng sông Mê Công chiếm 12% tổng diện tích nước bề mặt, và 20% dân số cả nước. Tại đây, tỷ lệ nước trung bình trên đầu người là 28.000m3, trong khi đó tỷ lệ này ở lưu vực sông Đồng Nai chỉ là 3.000m3. Lượng nước sử dụng trung bình ở Việt Nam chỉ chiếm 10% tổng lưu lượng nước bề mặt, nhưng không đều, trong đó khu vực từ Đà nẵng đến Nha Trang có mức sử dụng cao nhất 35%; Thanh Hóa đến Huế 23% [21, tr.125].

Chính vì vậy đối với nhiều khu vực, vấn đề tiếp cận được với nguồn nước được xem là quan trọng hơn so với khả năng chi trả của người dân. Bất bình đẳng trong vấn đề tiếp cận nước còn thể hiện ở đối tượng phụ nữ, trẻ em so với các đối tượng khác. Do sự bất bình đẳng xã hội và văn hóa, thiên chức người vợ, người mẹ phải thực hiện các công việc đồng áng, nội trợ, chăm sóc gia đình, họ thường có sự áp lực lớn đối với sức khỏe, ngoài các bệnh chung thường gặp có liên quan đến nước và thiếu điều kiện vệ sinh, ở một số vùng nông thôn, miền núi, phụ nữ còn bị bệnh đặc thù do thiếu nước sạch. Hàng triệu phụ nữ và trẻ em nông thôn miền núi vẫn phải dành nhiều giờ mỗi ngày lấy nước từ xa, thường là nguồn nước chưa qua xử lý. Rõ ràng, các tác động từ tình trạng phân bố không đều, thiếu nước sạch không chỉ dừng lại ở vấn đề sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới đời sống, tương lai của trẻ em, đặc biệt là trẻ

em nữ (nhân lực chủ yếu trong việc đi lấy nước). Việc tốn nhiều nhiều thời gian dành cho việc đi lấy nước dẫn đến việc nhiều bé gái không thể đi học, và nguy cơ bạo lực gia tăng khi họ đi xa để tìm kiếm nước.

Nước sạch còn có liên quan trực tiếp đến vấn đề sức khỏe và sự sống. Ở một số nước, một phần không nhỏ dân số không được tiếp cận với nước uống an toàn, và điều đó ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày, đặc biệt là vấn đề sức khỏe của người nghèo chẳng hạn như nhiễm bệnh viêm gan và dịch tả trên quy mô rộng. Theo ước tính, tại bất kì thời gian nào, số người nhập viện vì căn bệnh có nguyên nhân là thiếu tiếp cận nước uống an toàn, vệ sinh kém luôn chiếm khoảng 50% trong tổng số bệnh nhân. Khoảng 88% trường hợp tiêu chảy trên toàn thế giới là do nước không an toàn, vệ sinh không đầy đủ. Việt Nam có gần 80% loại bệnh tật liên quan đến chất lượng nước và vệ sinh môi trường mà chủ yếu là do chất lượng nước, nhất là các bệnh về đường ruột, bệnh tả, bệnh thương hàn... Tình hình càng trở nên cấp bách hơn, khi các loại bệnh xảy ra, đặc biệt là ỉa chảy, lỵ ngày càng có xu hướng gia tăng. Các bệnh sán lá gan, sán lợn vẫn khá phổ biến. Khu vực nông thôn Việt Nam có tỷ lệ người nhiễm sán, giun đũa, giun móc... được xếp vào loại cao nhất thế giới.

“Những khảo sát gần đây cho thấy 100% trẻ em từ 4 - 14 tuổi ở nông thôn miền Bắc nhiễm giun đũa, từ 50 - 80% nhiễm giun móc” [21, tr.128].

Mặc dù nhiều dự án về nước sạch đã được triển khai tại các vùng nông thôn Việt Nam trong những năm qua nhưng tính đến cuối những năm 1990, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ở Việt Nam vẫn còn rất thấp. Chương trình mục tiêu quốc gia và vệ sinh môi trường nông thôn được bắt đầu năm 1998 và đã trải qua hai giai đoạn 1998-2005 (theo Quyết định số 237/1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn) và giai đoạn 2006-2010 (theo Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11

tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006- 2010). Các Chương trình đó đã tạo được những chuyển biến tích cực:

Ước tính tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh cao dần theo các năm và đến năm 2010 cả nước đã có khoảng 79% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, vượt mức so với kế hoạch 75% đề ra cho giai đoạn 2006-2010 và tăng gần gấp đôi so với năm 2000. Khu vực nông thôn Việt Nam đã đạt Mục tiêu thiên niên kỷ về tăng gấp đôi số lượng người dân được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh vào năm 2005 (62%) so với năm 1999 (30%) [21, tr.130-131].

Theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ có 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN 02- BYT với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày; 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch. Về vệ sinh môi trường, tiến tới đạt 65% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 45% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nhà tiêu hợp vệ sinh (Điểm b Khoản 3 Điều 1).

Từ những phân tích về thực trạng trong tương lai, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng và hàng hoạt yếu tố khác, môi trường nước của chúng ta sẽ ngày càng bị ô nhiễm và phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Đó là mối liên hệ qua lại giữa môi trường

bị ô nhiễm dẫn đến việc không bảo đảm được quyền của con người đối với các yêu cầu được sống trong môi trường trong lành.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền con người về môi trường và việc bảo đảm thực hiện ở việt nam (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)