Hoạt động thanh tra an toàn lao động, vệ sinh lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thanh tra lao động theo pháp luật lao động việt nam (Trang 64 - 67)

Bảo đảm cho người lao động phòng tránh tai nạn lao động (sau đây viết tắt là tai nạn lao động) và bệnh nghề nghiệp, cũng như bảo đảm cho môi trường lao động được an toàn và bảo vệ được sức khỏe người lao động luôn là mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia về việc làm bền vững (DWCP) tại Việt Nam. Do chính sách đổi mới về kinh tế của Đảng, sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời, số lượng doanh nghiệp ở nước ta hiện nay đang trên đà tăng nhanh, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Hiện

nay, nước ta có khoảng 50 vạn doanh nghiệp. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là nơi thường xảy ra nhiều tranh chấp về lao động. Hiện có khoảng hơn 400 Thanh tra viên và cán bộ thanh tra trong toàn quốc làm công tác lao động thực hiện cả ba chức năng thanh tra chính sách lao động, thanh tra kỹ thuật an toàn lao động và thanh tra vệ sinh lao động. Tỷ lệ Thanh tra viên trên số doanh nghiệp là rất thấp so với nhiều nước trên thế giới, có nghĩa là cứ khoảng 1000 doanh nghiệp mới có một Thanh tra viên. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng gia tăng quá "nóng" tai nạn lao động, đặc biệt là tai nạn tại các công trường xây dựng (phụ lục 6).

Số liệu thống kê ở phụ lục 6 cho thấy, về cơ bản, tình hình tai nạn lao động các năm đều tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng, phản ánh diễn biến phức tạp của tình hình tai nạn lao động. Một số vụ tai nạn nghiêm trọng điển hình qua các năm như: vụ sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26/9/2007 làm chết 53 người, bị thương 80 người; vụ nổ khí mêtan tại mỏ than Khe Chàm ngày 08/12/2008 làm 11 người chết và 22 người bị thương nặng; nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong quá trình xây dựng Tòa nhà Keangnam (Hà Nội) làm 04 người chết và 03 người bị thương vào các ngày 21, 22 và 27 tháng 7 năm 2009.

Số liệu thống kê tại phụ lục 7 cho thấy, công tác thanh tra an toàn, vệ sinh lao động ngày càng được chú trọng, số các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra tăng hàng năm. Bình quân số sai phạm trên doanh nghiệp năm 2005 là 3,51; năm 2006 là 2,64; năm 2007 là 6,87; năm 2008 là 5,46; năm 2009 là 4,99.

Phân tích từ số lượng biên bản điều tra tai nạn lao động mà các địa phương gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (phụ lục 6), có thể đánh giá như sau: mặc dù số vụ tai nạn lao động diễn ra ngày càng tăng và nghiêm trọng, nhưng, hình thức xử lý chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp sai phạm. Số đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố trách nhiệm hình sự chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Trong các bản thông báo tình hình tai nạn lao động qua các năm, từ năm 2005 đến năm 2009, có thể nhận thấy:

- Lĩnh vực sản xuất xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là lĩnh vực xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông; lĩnh vực khai thác khoáng sản; lĩnh vực cơ khí chế tạo; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; ngoài ra còn có một số lĩnh vực sản xuất khác như lĩnh vực giao thông vận tải, lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, luyện kim, xây lắp điện…

- Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là điện giật; ngã từ trên cao; máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn; sạt lở đá (trong lĩnh vực khai thác đá và khai thác khoáng sản); vật đổ, đè; các yếu tố liên quan đến mặt bằng sản xuất, liên quan đến giàn giáo, sàn thao tác…

- Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động là do lỗi của người sử dụng lao động và người lao động.

Do người sử dụng lao động tổ chức lao động chưa tốt; điều kiện làm việc không tốt; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; chưa huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; không có phương tiện bảo vệ cá nhân; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; không có thiết bị an toàn.

Do người lao động vi phạm quy trình, quy phạm an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Ngoài ra có những vụ tai nạn lao động xảy ra không xác định được nguyên nhân hoặc do nguyên nhân khách quan khó tránh.

Trước tình hình gia tăng nghiêm trọng các vụ tai nạn lao động thu hút sự quan tâm của cả xã hội, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2006-2010; ngày 14/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 10 về việc tăng cường thực hiện công tác Bảo hộ lao động, an toàn lao động nhằm phòng ngừa tai nạn lao động,

bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển sản xuất, trong đó nhấn mạnh vai trò chủ trì, phối hợp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với các Bộ, ngành liên quan, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động trên các công trình trọng điểm, các khu công nghiệp tập trung, các cơ sở khai thác khoáng sản, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng…; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật lao động và an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, kiện toàn bộ máy công tác an toàn lao động và Thanh tra lao động ở Trung ương và địa phương; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ và năng lực thanh tra, kiểm tra cho các Thanh tra viên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thanh tra lao động theo pháp luật lao động việt nam (Trang 64 - 67)