1.2. Pháp luật công chứng của Việt Nam
1.2.3. Khái niệm công chứng theo pháp luật Việt Nam hiện hành
1.2.3.1. Khái niệm công chứng theo Luật công chứng 2006
Xã hội phát triển không ngừng, sự phức tạp của các giao dịch dân sự ngày càng tăng, đặc biệt là ở lĩnh vực nhà đất, cùng với đó, sau khi nước ta gia nhập tổ chức thương mại Thế giới WTO, hệ thống pháp luật nói chung cũng như chế định công chứng nói riêng cũng đã có nhiều thay đổi nhằm đáp ứng được yêu cầu của xu hướng hội nhập, khu vực hóa và toàn cầu hóa. Trong bối cảnh này, ngày 29/11/2006, LCC 2006 đã ra đời, thay thế cho Nghị định 75/2000/NĐ-CP.
Tại Điều 2, LCC 2006 đã xác định: “Công chứng là việc CCV chứng
nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”. Như vậy,
theo khái niệm của LCC 2006, điểm nổi bật nhất chính là chủ thể của hoạt động công chứng được xác định đã được xác định là cá nhân “CCV” chứ không phải là “phòng công chứng” như khái niệm trước đó. Việc thay đổi quan niệm về chủ thể công chứng từ “phòng công chứng” sang “CCV” đã đánh dấu xu hướng chuyển đổi thiết chế công chứng Việt Nam từ mô hình tổ chức công chứng nhà nước sang mô hình tổ chức công chứng hành nghề tự do. Đồng thời, nhà làm luật đã tách chứng thực, với chủ thể là UBND cấp có thẩm quyền khỏi công chứng, với chủ thể là phòng công chứng hay CCV. Như vậy, công chứng từ chỗ bị hiểu như là một hoạt động mang tính chất thủ tục hành chính đơn thuần thì nay được coi như là một nghề, một ngành chuyên môn sâu có chức năng bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch về bất động sản. Sự tách bạch giữa công chứng và chứng thực theo tinh thần nói trên đã tạo điều kiện cho các tổ chức HNCC tập trung thực hiện đúng chức năng của mình theo hướng chuyên nghiệp hóa, nhiệm vụ chứng nhận hợp đồng, giao dịch đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu của các tổ chức HNCC [44, tr.12]
Khái niệm công chứng theo LCC 2006 đã nêu được các vấn đề sau:
Một là, công chứng là hành vi của CCV. Điều này phân biệt với chứng
thực là hành vi của người đại diện của cơ quan hành chính công quyền.
Hai là, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch khác được CCV xác nhận.
Tính xác thực của các tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch khác là vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm cho chúng có giá trị chứng cứ. Trong pháp luật về tố tụng, khi nói đến chứng cứ thì bao giờ cũng đề cao tính xác thực của các sự kiện, tình tiết có thực, khách quan được coi là chứng cứ. Sở dĩ pháp luật coi văn bản công chứng có giá trị chứng cứ cũng là do tính xác thực
của các tình tiết, sự kiện có trong văn bản đó đã được CCV xác nhận. Tính xác thực này được CCV kiểm chứng và xác nhận ngay khi nó xảy ra trong thực tế, trong số đó có những tình tiết, sự kiện chỉ xảy ra một lần, không để lại hình dạng, dấu vết về sau (ví dụ: sự tự nguyện của các bên khi ký kết hợp đồng) và do đó, nếu không có CCV xác nhận thì về sau rất dễ xảy ra tranh chấp mà Toà án không thể xác minh được.
Ba là, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác được CCV xác nhận.
Đây là điểm khác biệt giữa trường phái công chứng nội dung (công chứng hệ La tinh) và trường phái công chứng hình thức (công chứng hệ Anglo-Saxon). Trong công chứng hệ La tinh thì các hợp đồng, giao dịch hợp pháp mới được CCV xác nhận, những hợp đồng, giao dịch bất hợp pháp thì bị từ chối công chứng. Đặc điểm này của công chứng hệ La tinh quy định chức năng phòng ngừa các tranh chấp trong hợp đồng, giao dịch khác của công chứng [40].
Hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi một số điều của LCC 2006 đang trong quá trình lấy ý kiến, quy định về khái niệm công chứng ở Điều 2 được định hướng được sửa đổi như sau: “Công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng, chứng nhận chữ ký người dịch và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và các quy định pháp luật có liên quan”. Theo khái niệm mới, mục đích,
nhiệm vụ của CCV không có gì thay đổi, chỉ thêm phần: “chứng nhận chữ ký
người dịch và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và các quy định pháp luật có liên quan”, điều này góp phần tăng thêm nhiệm vụ cho hoạt động công chứng, bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch [40].
Luật công chứng 2006 cùng với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động công chứng đã tạo nên một hệ thống quy phạm pháp luật về công chứng hoàn chỉnh, ngoài ra trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác của Nhà nước ta, bao gồm cả những bộ luật, đạo luật quan trọng như: Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật đất đai, Luật nhà ở ... của Chính phủ đều có những quy định liên quan đến hoạt động công chứng. Các văn bản trên
đều là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần chi việc xây dựng và hoàn thiện tổ chức và hoạt động công chứng ở Việt Nam.
Như vậy, qua các thời kỳ phát triển của hệ thống pháp luật công chứng Việt Nam, khái niệm về công chứng đã có sự thay đổi, hoàn thiện dần. Có thể khẳng định rằng LCC 2006 ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chế định công chứng tại nước ta. Có hiệu lực pháp lý kể từ ngày 01/07/2007, cho đến nay Luật công chứng đã đi vào cuộc sống được hơn 6 năm, tạo hành lang pháp lý cho hệ thống tổ chức HNCC hoạt động một cách tương đối hiệu quả trong thời gian vừa qua.
1.2.3.2. Chức năng cơ bản của hoạt động công chứng
Căn cứ theo quy định của pháp luật, hoạt động công chứng có những chức năng cơ bản như sau:
Thứ nhất: chức năng hợp pháp hóa hợp đồng, văn bản, hay nói chính
xác hơn là chức năng hợp pháp hóa sự kiện, thỏa thuận của các bên thể hiện trong hợp đồng.
- Do hợp đồng chỉ là phương tiện chuyển tải các sự kiện, thỏa thuận nên phải khẳng định chính những sự kiện, thỏa thuận mới là cái đích mà hành vi hợp pháp hóa của CCV hướng tới. Như chúng ta đã biết, thông thường chỉ các quyết định do cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền ban hành mới được thực thi nghiêm chỉnh trong cuộc sống bởi vì các quyết định này được đảm bảo bắt buộc thực hiện bằng sức mạnh quyền lực nhà nước. Những văn bản do cá nhân, tổ chức nằm ngoài hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước tạo lập không có một giá trị pháp lý cao như văn bản do các chủ thể này không mang tính công quyền tạo lập hay và không được bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế quyền lực của nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân một hoặc nhiều bên tham gia giao kết hợp đồng hay tạo lập văn bản có thể thay đổi ý chí, thỏa thuận bất cứ lúc nào và hậu quả tất yếu là quyền và lợi ích hợp pháp của họ hay của bên thứ ba sẽ bị xâm hại. Chính vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, để xác định chính xác ý chí của các bên tại thời điểm giao kết hợp đồng hay tạo lập văn bản, cơ quan tài phán phải trải qua quá trình xác minh, điều tra với một trình tự, thủ tục không đơn giản nhằm làm sáng tỏ sự thật. Đặc biệt, công việc
này tạo ra áp lực rất lớn do số lượng tranh chấp ngày càng nhiều trong khi tính chất ngày càng phức tạp.
Nhằm ngăn ngừa vi phạm pháp luật hay tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai, chế định công chứng của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, quy định chức năng hợp pháp hóa hợp đồng, văn bản nhằm tạo ra cho chúng một giá trị pháp lý tương đương với quyết định do cơ quan công quyền ban hành. Điều đó có nghĩa là những văn bản, hợp đồng được công chứng cũng sẽ được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của quyền lực nhà nước, giảm thiểu tranh chấp giữa các bên tham gia giao kết.
Chức năng này của hoạt động công chứng đã được thể hiện qua các văn bản pháp luật công chứng của nước ta. Tại thông tư số 574/QLTPK ở phần mở đầu đã khẳng định công chứng có chức năng hợp pháp hóa hợp đồng, văn bản:
Công chứng nhà nước là một hoạt động của Nhà nước, nhằm giúp công dân, các cơ quan, tổ chức lập và xác nhận các văn bản, sự kiện có ý nghĩa pháp lý, hợp pháp hóa các văn bản, sự kiện đó, làm cho các văn bản, sự kiện đó có hiệu lực thực hiện. Bằng hoạt động trên, công chứng nhà nước tạo ra những bảo đảm pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các cơ quan, tổ chức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, giúp cho việc giải quyết các tranh chấp được thuận lợi, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Hành vi “hợp pháp hóa các văn bản, sự kiện đó, làm cho các văn bản, sự
kiện đó có hiệu lực thực hiện” đã phản ánh một cách cụ thể nhất, trung thực nhất chức năng hợp pháp hóa hợp đồng, văn bản của hoạt động công chứng.
Đến khi Nghị định 75/2000/NĐ-CP ra đời, chức năng hợp pháp hóa hợp đồng, văn bản của công chứng lại tiếp tục được khẳng định tại Khoản 3, Điều 14: “Hợp đồng đã được công chứng, chứng thực có giá trị thi hành đối với
các bên giao kết, trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”. Tuy Nghị định 75/2000/NĐ-CP không
quy định rõ ràng nhưng bằng việc khẳng định văn bản công chứng có giá trị thi hành đối với các bên giao kết, tức là nó có giá trị như những văn bản mang dấu ấn công quyền, thì chức năng hợp pháp hóa hợp đồng, văn bản công chứng đã gián tiếp được công nhận.
LCC 2006 tại Khoản 1 Điều 6 cũng đã quy định: “Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của minh thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác”. Căn cứ nội dung điều luật nêu trên, văn
bản công chứng không những có hiệu lực giữa các bên trực tiếp tham gia giao kết mà nó còn có giá trị thi hành đối với các bên liên quan, ngay cả khi bên liên quan đó là cơ quan quản lý hành chính nhà nước hay thậm chí chính là cơ quan tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp. Điều này chứng tỏ, giá trị pháp lý của văn bản, hợp đồng công chứng cao hơn hẳn văn bản, hợp đồng cùng loại, do cùng chủ thể giao kết nhưng không được công chứng. Sở dĩ như thế là xuất phát từ quyền năng mà CCV được pháp luật giao phó cũng như tính chất công vụ của hoạt động công chứng.
Thứ hai, chức năng tạo lập và xác nhận nguồn chứng cứ
Theo Từ điển Luật học năm 2006 thì “Nguồn chứng cứ là nơi thu, nhận
được chứng cứ”. Có thể nói, nguồn chứng cứ đóng vai trò rất quan trọng để
giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế... trong xã hội. Trên thế giới, chức năng tạo lập và xác nhận nguồn chứng cứ là một trong những chức năng cơ bản và lâu đời nhất của công chứng nói chung cũng như trường phái công
chứng nội dung nói riêng. Chính vì vậy mà hiện nay hệ thống pháp luật Việt Nam cùng một số quốc gia khác đang xếp công chứng là chế định bổ trợ tư pháp, hoạt động nhằm phục vụ cho công tác tài phán mà trước hết là phục vụ cho công tác xét xử của Tòa án.
Theo Khoản 1, Điều 83, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 đã được sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định: “Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng
cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”. Như vậy, các văn
bản công chứng được tạo lập một cách hợp pháp, được lưu trữ theo các quy định riêng biệt đáp ứng đầy đủ các điều kiện để trở thành một nguồn chứng cứ quan trọng phục vụ cho công tác xét xử nói riêng hay tài phán nói chung.
Các quy định của pháp luật công chứng đã thể hiện rất rõ chức năng này của hoạt động công chứng. Cụ thể, tại Thông tư 574/QLTPK đã khẳng định mục đích của công chứng là: “ngăn ngừa vi phạm pháp luật, giúp cho việc giải quyết các tranh chấp được thuận lợi”. Nghị định số 45/HĐBT khẳng
định: “Các hợp đồng và giấy tờ đã được công chứng có giá trị chứng cứ”,
trong khi Điều 1, Nghị định số 31/CP ghi nhận: “Các hợp đồng và giấy tờ đã
được công chứng nhà nước chứng nhận hoặc UBND cấp có thẩm quyền chứng thực có giá trị chứng cứ, trừ trường hợp bị Tòa án nhân dân tuyên bố là vô hiệu”. Khi Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ra đời, giá trị chứng cứ của văn
bản công chứng được coi trọng hơn hẳn khi lần đầu tiên giá trị pháp lý, trong đó giá trị chứng cứ của văn bản công chứng được quy định riêng tại một điều luật. Khoản 2, Điều 14, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP: “Văn bản công chứng,
văn bản chứng thực có giá trị chứng cứ, trừ trường hợp được thực hiện không đúng thẩm quyền hoặc không tuân theo quy định tại Nghị định này hoặc bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”. LCC 2006 ra đời, lại tiếp tục ghi nhận giá trị
chứng cứ của văn bản công chứng tại Khoản 2, Điều 6: “Văn bản công chứng
có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu”. Chức năng
tạo lập và xác nhận nguồn chứng cứ đã trở thành một chức năng truyền thống của pháp luật công chứng Việt Nam [44, tr.185-187].
Thứ ba, chức năng lưu trữ và cung cấp nguồn chứng cứ
Đây là chức năng quan trọng nhất được ghi nhận trong pháp luật công chứng của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu như chức năng tạo lập và xác nhận nguồn chứng cứ là tiền đề thì chức năng lưu trữ và cung cấp nguồn chứng cứ chính là yếu tố quyết định bản chất bổ trợ tư pháp của công chứng. Văn bản công chứng chính là sản phẩm nghề nghiệp của CCV, là nơi ghi nhận trung thực, toàn vẹn ý chí của các bên tham gia giao dịch, được CCV lưu trữ và sẽ là nơi cung cấp nguồn chứng cứ quan trọng nếu có tranh chấp xảy ra. Pháp luật công chứng Việt Nam đã ghi nhận từ rất sớm chức năng lưu trữ văn bản công chứng của CCV. Thông tư 858/QLTPK ngày 15/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện các việc làm công chứng đã nêu rõ:
“Các tài liệu công chứng phải được bảo quản, lưu trữ tại cơ quan công chứng với đầy đủ hồ sơ kèm theo. Việc lưu trữ, bảo vệ các tài liệu công chứng