3.2.1.1. Hoàn thiện Luật công chứng 2006
Hiện nay Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng đang được Quốc hội thảo luận với rất nhiều ý kiến trái chiều nhau. Dự thảo Luật công chứng đã theo các định hướng như trong Báo cáo những định hướng lớn về sửa đổi, bổ sung Luật công chứng tại Hội thảo “Định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng” ngày 14/7/2012 của Vụ Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp.
Từ việc tìm hiểu hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội với những bất cập trong hệ thống pháp luật, theo ý kiến cá nhân tác giả, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng cần sửa đổi các vấn đề sau:
- Bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng. Vai trò quản lý của Nhà nước là vô cùng quan trọng, góp phần điều tiết, điều chỉnh hoạt động công chứng phát triển lành mạnh, bảo đảm an toàn pháp lý cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng trong điều kiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp. Luật công chứng Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước phát triển (Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Trung Quốc, Nhật Bản…). Từ quá trình phát triển hệ thống công chứng của các nước này cho thấy, chủ trương tự do hóa nghề công chứng đã được thực hiện từ lâu để xây dựng đội ngũ “thẩm phán hợp đồng” độc lập, đáng tin cậy và công bằng. Mặc dù không can thiệp trực tiếp vào hoạt động công chứng nhưng Nhà nước vẫn có những cách thức quản lý rất hiệu quả thông qua việc tổ chức cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với loại hình hoạt động mang tính đặc thù này.
- Cần có quy định để “bình đẳng hóa” hoạt động của Phòng công chứng và VPCC và có lộ trình để trong tương lai chỉ có duy nhất một tổ chức HNCC là VPCC.
Hiện nay, Luật công chứng đang quy định hai hình thức tổ chức HNCC, kèm theo đó là có hai loại CCV. Một là cán bộ, công chức, viên chức nếu là CCV hoạt động tại Phòng công chứng và một là CCV bình thường hoạt động tại VPCC. Sự khác biệt này cũng dẫn đến các quy định về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, trách nhiệm bồi thường của CCV là khác nhau. Do điều kiện trình độ phát triển của các vùng miền trên cả nước chưa đồng đều, nhận thức và nhu cầu về hoạt động công chứng trong dân cư có sự khác biệt, ngoài ra các địa bàn nông thôn xa trung tâm, vùng núi, hải đảo khó có điều kiện phát triển thêm các VPCC như hiện nay thì việc quy định hai hình thức tổ chức HNCC vẫn là cần thiết. Tuy nhiên, với định hướng lâu dài thì cần có thêm các quy định tạo sự bình đẳng giữa hai loại hình thức tổ chức HNCC này để hoạt động công chứng phát triển trong sự cạnh tranh lành mạnh hơn, dần dần chỉ quy định một hình thức tổ chức HNCC duy nhất là VPCC.
- Luật công chứng cần bỏ quy định VPCC do một CCV thành lập. Sở dĩ như vậy là từ thực tế hoạt động của các VPCC do một CCV thành lập khi CCV đó chết, mất tích thì không có CCV khác thay thế để điều hành hoạt động của văn phòng, các giao dịch sửa đổi, bổ sung, hủy hợp đồng… của khách hàng không giải quyết được, trong khi đó việc chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho văn phòng khác tiếp tục quản lý là rất phức tạp. Trên địa bàn thành phố Hà Nội đã từng xảy ra vụ việc ở VPCC Việt Tín, khi trưởng văn phòng chết thì hoạt động của văn phòng ngưng trệ, gây hoang mang cho dư luận, đặc biệt là những người đã từng công chứng tại văn phòng, vì vậy hướng sửa đổi của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng như trên là hoàn toàn phù hợp.
Hiện nay, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng cũng đang định hướng sửa đổi Khoản 1, Điều 26 như sau:
“VPCC do CCV thành lập và phải có từ hai CCV trở lên, bao gồm cả CCV làm việc theo hợp đồng.
VPCC do một CCV thành lập được tổ chức và hoạt động theo quy định
của Luật này; chế độ tài chính được thực hiện theo quy định đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân.
VPCC do hai CCV trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo
quy định của Luật này; chế độ tài chính được thực hiện theo quy định đối với
loại hình công ty hợp danh. VPCC tổ chức theo loại hình công ty hợp danh
chỉ có CCV hợp danh, không có thành viên góp vốn”.
Theo hướng sửa đổi này, bắt buộc VPCC dù thành lập, hoạt động theo hình thức nào cũng phải có từ hai CCV trở lên (có thể bao gồm CCV làm việc theo hợp đồng).
- Quy định chặt chẽ tiêu chuẩn của CCV, điều kiện miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng, độ tuổi hành nghề của CCV để nâng cao chất lượng đội ngũ CCV.
+ Luật công chứng cần xác định rõ nâng cao chất lượng công chứng phải bắt đầu từ “siết” tiêu chuẩn CCV. Bởi hiện nay một bộ phận CCV còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dẫn đến những sai sót trong hoạt động, ảnh hưởng tới chất lượng văn bản công chứng. Bên cạnh đó, một số CCV vi phạm đạo đức nghề nghiệp, còn có hiện tượng CCV cố ý làm trái, không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục công chứng theo quy định pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng tới uy tín nghề công chứng trong xã hội. Luật công chứng nên quy định thêm về tư cách đạo đức của CCV, bổ sung thêm quy định về thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp của CCV, sau khi tổ chức xã hội nghề nghiệp của CCV ra đời, tổ chức này cần xây dựng một bộ quy tắc đạo đức CCV. Quy tắc đạo đức sẽ lấp bớt những khoảng hở pháp luật chưa với tới.
+ LCC 2006 quy định về các trường hợp được miễn đào tạo và miễn tập sự hành nghề công chứng ở Điều 15 và Điều 17. Tuy nhiên, cũng như các nghề khác, thời gian đào tạo và thời gian tập sự là rất cần thiết. Mỗi ngành nghề có những đặc trưng riêng, không thể bỏ hoàn toàn không cần đào tạo và
tập sự với các đối tượng ở Điều 15 được. Hiện nay, vấn đề khiến người làm công tác quản lý nhà nước và cả các chuyên gia “ái ngại” từ sự phát triển của đội ngũ CCV là thiếu sự “chắc chắn” khi có đến 67% CCV thuộc những đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, và phần lớn các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng là từ các CCV được miễn đào tạo [36]. Trong khi đó, nghề công chứng ngoài kiến thức pháp lý còn rất nhiều kỹ năng đòi hỏi phải được đào tạo, mà không phải cứ người từng làm việc hay nắm các chức vụ cao ở các cơ quan tư pháp là có thể biết. Theo ý kiến của tác giả, nên quy định giảm thời gian đào tạo và giảm thời gian tập sự chứ không nên miễn hoàn toàn như hiện nay.
+ Độ tuổi hành nghề của CCV: Dự thảo Luật công chứng sửa đổi đã bổ sung thêm quy định này vào Điều 13 về tiêu chuẩn CCV, đó là: “Không quá
65 tuổi đối với nam và không quá 60 tuổi đối với nữ vào thời điểm nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm CCV”.
Mặc dù quy định như thế phù hợp với thông lệ của các nước trên thế giới nhưng lại mâu thuẫn, không thống nhất với quy định Luật viên chức cũng như Luật bảo hiểm xã hội, Bộ luật lao động, chưa phù hợp với trình độ phát triển của nước ta hiện nay. Đồng thời với trường hợp CCV làm việc tại các VPCC thì đây là tổ chức ngoài nhà nước, hiện nay pháp luật không quy định độ tuổi làm việc bao lâu. Một số đại biểu sợ rằng quy định như thế thì những cán bộ công chức đã về hưu, thuộc diện miễn đào tạo, miễn tập sự lại tiếp tục được bổ nhiệm làm CCV, nếu cứ để cán bộ về hưu chuyển sang làm CCV thì khó có đội ngũ CCV chuyên nghiệp.
Để giải quyết được triệt để vấn đề này, Luật công chứng cần định hướng trong tương lai chỉ có duy nhất một tổ chức HNCC là VPCC, quy định chặt chẽ về đào tạo và tập sự hành nghề, có chế độ kiểm tra đánh giá CCV thường xuyên để nâng cao chất lượng đội ngũ CCV. Độ tuổi được hành nghề cần xét tổng quan trong chiến lược phát triển hệ thống công chứng nhưng
quan trọng nhất vẫn là phải nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ CCV và hoạt động công chứng.
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về thành lập, hoạt động của tổ chức HNCC nhằm đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của VPCC trong thời gian tới. Trong đó cần quy định thêm chế tài đối với VPCC không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV, quy định cụ thể hơn về thù lao công chứng, công chứng ngoài trụ sở.
3.2.1.2. Các quy định pháp luật liên quan
Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước khi Luật Công chứng có hiệu lực vì trong quá trình triển khai thực hiện Luật Công chứng có những nội dung liên quan đến các văn bản này còn chưa đồng bộ, mâu thuẫn, thiếu thống nhất (đặc biệt là các mâu thuẫn giữa Luật Công chứng với Luật Đất đai 2003 sửa đổi năm 2009, Luật Nhà ở 2006 và Luật Doanh nghiệp 2005) gây khó khăn cho người áp dụng. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật này cần phải theo kịp, phù hợp và đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và xã hội, để đáp ứng được tốt nhất yêu cầu chính đáng của công dân và tổ chức, giảm thiểu được các kẽ hở của pháp luật.
- Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chế độ công vụ, quy định công chức, quy định thẩm quyền, trách nhiệm, chế độ thưởng, phạt của từng loại công chức, của từng thứ bậc, cấp bậc, chức danh. Từ đó có thể tạo ra trật tự mới trong hoạt động và trong quan hệ công chức, góp phần ngăn ngừa tệ quan liêu vô trách nhiệm của công chức, ngăn ngừa các tội phạm chức vụ, tội phạm tham nhũng.
- Có cơ chế chính sách để bảo đảm đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, không ngừng nâng cao trách nhiệm công vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ này; xây dựng hệ tiêu chí đánh giá, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho các CCV, tổ chức HNCC.
- Luật công chứng cần làm rõ cơ chế liên thông giữa công chứng và giao dịch bảo đảm; quy định các lĩnh vực bắt buộc công chứng; Quy định cụ thể
trong Luật các cơ sở để thành lập và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng, thành lập Quỹ bảo đảm hành nghề công chứng ...
3.2.1.3. Quy định về Hội công chứng
Hiện nay, các Hội Công chứng trên địa bàn cả nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/04/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.
Theo Điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP thì Hội là tổ chức tự nguyện của các công dân, tổ chức có cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới tính, có chung mục đích tập hợp đoàn kết hội viên hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên... Như vậy, việc gia nhập Hội Công chứng hay không là theo sự tự nguyện của cá nhân CCV. Gia nhập Hội hay không là quyền của mỗi công dân, việc đó là bình thường đối với các Hội mà hoạt động của từng hội viên không ảnh hưởng đến người khác và không ảnh hưởng đến an toàn xã hội, ví dụ, Hội Người cao tuổi, Hội Làm vườn, Hội Nhiếp ảnh... Trong khi đó, hoạt động công chứng do có tính đặc thù như đã nói ở trên, còn có một yêu cầu cao hơn đối với từng CCV là phải có trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức nghề nghiệp vững vàng. Đồng thời, sẽ gặp khó khăn để triển khai đầy đủ ý nghĩa của mục đích và tôn chỉ của Hội Công chứng, nếu như có CCV nào đó không tự nguyện gia nhập Hội Công chứng và không là hội viên của Hội Công chứng. Cũng như sẽ khó khăn để hỗ trợ nghề nghiệp, nâng cao trình độ nghiệp vụ, bồi dưỡng đạo đức nghề công chứng, nếu có CCV nào đó không gia nhập Hội Công chứng mà tự mình đứng bên ngoài sinh hoạt của Hội.
Như vậy, khi sửa đổi Luật công chứng phải đưa vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp Công chứng vào đúng vị trí của nó trong Luật công chứng sửa đổi, mà cụ thể là nên quy định:
+ Việc gia nhập Hội công chứng là nghĩa vụ bắt buộc của CCV, nói cách khác, nếu CCV không phải là Hội viên của Hội công chứng thì không được hành nghề công chứng;
+ Mặt khác, Hội là đại diện cho tập thể các CCV nên Hội cần được tham gia vào các phần việc có liên quan đến CCV, như việc xem xét thành lập các tổ chức HNCC, khen thưởng, kỷ luật CCV, tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra có liên quan đến CCV để vừa tăng sự công khai và minh bạch của các hoạt động này, vừa rút kinh nghiệm cho các công việc của hội viên. Hội công chứng có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, việc tập sự hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ quản lý hành nghề công chứng theo quy định của luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.