Đặc điểm và định nghĩa về quyền con người của người bị tạm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền con người trong tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự qua thực tiễn thành phố hải phòng (Trang 28 - 33)

1.1. Khái niệm quyền con ngƣời của ngƣời bị tạm giữ, tạm giam

1.1.3. Đặc điểm và định nghĩa về quyền con người của người bị tạm

giữ, tạm giam và thi hành án hình phạt tù

1.1.3.1. Đặc điểm Tính phổ biến

Hiện nay các học giả nghiên cứu về quyền con người vẫn tồn tại hai trường phái. Trường phái thứ nhất là những người xem quyền con người là tự nhiên (natural rights), là bẩm sinh những gì vốn có. Do đó các quyền con người không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống hay ý chí của bất kỳ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, Nhà nước nào. Các chủ thể dù là Nhà nước cũng không thể tước bỏ hay ban phát những quyền đó. Trường phái còn lại cho rằng quyền con người là quyền pháp lý (legal rights) nghĩa là quyền đó phải do Nhà nước quy định trong pháp luật. Như vậy trong phạm vi giới hạn và góc độ nhất định, quyền con người phụ thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị và các yếu tố như phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa… của từng xã hội.

Tuy nhiên trong xã hội hiện đại chúng ta đều phải thừa nhận rằng hiện nay quyền con người phải bình đẳng cho các gia đình trong thành viên nhân loại. Không có bất kỳ sự đối xử khác nhau nào giữa các chủng tộc, dân tộc, giới tính, tôn giáo, thành phần… Tất nhiên đó không phải sự cào bằng giữa các quyền mà là bình đẳng về tư cách chủ thể của quyền con người. Nghĩa là mọi thành viên của cộng đồng nhân loại đều được công nhận có quyền con

người nhưng việc hưởng thụ các quyền đó phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh - chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… nơi người đó đang sống.

Tính không thể bị tước bỏ

“Tính không thể tước bỏ của nhân quyền thể hiện ở chỗ các quyền con người không thể bị tước đoạt hay hạn chế tùy tiện bởi bất kỳ chủ thể nào, kể

cả là cơ quan Nhà nước hay các quan chức Nhà nước” [10, tr.42]. Giới hạn

của vấn đề này là ở chỗ: đối với những người bi tạm giữ, tạm giam và chấp hành án phạt tù thì không phải quyền nào của họ cũng “không thể bị tước bỏ”. Nghĩa là việc thực hiện lấy đi một số quyền con người phải dựa trên cơ sở pháp luật chứ không phải sự “tùy tiện”.

Tính không thể phân chia

Điều này bắt nguồn từ nhận thức rằng quyền con người đều có tầm quan trọng như nhau, về nguyên tắc không có quyền nào được coi là có giá trị cao hơn quyền nào. Việc tước bỏ hay hạn chế bất kỳ quyền nào cũng tác động tiêu cực đến nhân phẩm, giá trị và sự phát triển con người.

Tuy nhiên tính chất này không gồm ý rằng mọi người phải giống hệt nhau trong mọi hoàn cảnh. Từng trường hợp cụ thể vẫn cần ưu tiên thực hiện một số quyền nhất định, dựa trên yêu cầu thực tế đảm bảo các quyền đó mà không phải là sự đánh giá về các quyền đó. Ví dụ với những nơi có dịch bệnh thì ưu tiên sẽ là quyền về chăm sóc y tế. Nơi bị thiên tai, nạn đói thì ưu tiên là quyền về lương thực. Các quyền được ưu tiên thực hiện không có nghĩa là có giá trị cao hơn quyền khác mà vì các quyền đó trong thực tế đang bị đe dọa hoặc bị vi phạm nhiều hơn các quyền khác.

Tính không thể chuyển nhượng

Tính không thể chuyển nhượng thể hiện ở chỗ các quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam hay người đang chấp hành án phạt tù là của bản thân họ, không ai có thể tước bỏ cũng như thay thế những quyền đó của họ.

Bản thân họ phải là người được hưởng những quyền đó. Đó chính là những quyền nhân thân mà họ phải là người trực tiếp được thực hiện.

Tính quốc tế

Trong thế giới hiện đại, quyền con người không còn bó hẹp ở một quốc gia mà nó mang tính quốc tế sâu sắc, những tiêu chí về quyền con người được quốc tế hóa bởi các Điều ước quốc tế hình thành từ sự tham gia của các quốc gia thành viên. Trên cơ sở này các quốc gia thành viên phải “nội luật hóa” các tiêu chí về quyền con người bảo đảm luật quốc gia không trái với các qui định của điều ước quốc tế mà mình đã tham gia. Như vậy, có hai hệ thống pháp luật về quyền con người là: Pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia điều chỉnh những lĩnh vực khác nhau của quyền con người. Hai hệ thống pháp luật này có quan hệ mật thiết với nhau và pháp luật quốc gia phải phù hợp với pháp luật quốc tế, trong trường hợp có sự mâu thuẫn sẽ được giải quyết theo hướng ưu tiên áp dụng pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần tính đến đặc thù của từng quốc gia để đánh giá sự phù hợp với các tiêu chí quyền con người quốc tế của pháp luật quốc gia do quyền con người phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, chính trị pháp lý… tại một thời điểm lịch sử ở một quốc gia nhất định. Quyền con người là giá trị cao quý, là thành quả đấu tranh chung, là kết tinh của nền văn minh nhân loại song cũng là một vấn đề phức tạp. Tính phức tạp trước hết thể hiện ở việc nhiều khía cạnh của quyền con người hiện vẫn đang còn gây tranh cãi. Đôi khi quyền con người bị chính trị hoá sâu sắc, thậm chí trong nhiều trường hợp bị sử dụng như một công cụ đấu tranh, can thiệp về chính trị, cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Chính vì vậy, cũng như bất cứ sự vật, hiện tượng nào khác, quyền con người mang tính hai mặt rõ rệt. Một mặt, những giá trị, chuẩn mực và cơ chế về quyền con người thúc đẩy tiến bộ xã hội; mặt khác, một khi những giá trị, chuẩn mực hay cơ chế đó bị sử dụng vào mục đích chính trị

một cách không đúng đắn, chúng tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định, ảnh hưởng tới sự phát triển tiến bộ của các xã hội. Giữ gìn và thực thi những giá trị tiến bộ, tốt đẹp của quyền con người và đấu tranh chống sự lạm dụng chiêu bài nhân quyền vào mục đích chính trị là nội dung cốt lõi, bản chất của việc bảo vệ quyền con người trong thế giới ngày nay. Hiện tượng bắt quốc gia này phải tuân theo những tiêu chí về nhân quyền của quốc gia khác và khi quốc gia đó có qui định không giống với mình lại cho rằng họ vi phạm nhân quyền. Đây là thái độ không thiện chí và là biểu hiện của chủ nghĩa thực dân mới ở những nước lớn trong quan hệ quốc tế [6].

Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau

Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau của quyền con người “thể hiện ở chỗ việc đảm bảo các quyền con người, toàn bộ hoặc một phần, nằm trong mối liên hệ phụ thuộc và tác động lẫn nhau. Sự vi phạm một quyền sẽ trực tiếp hoặc

gián tiếp tác động tích cực đến việc đảm bảo các quyền khác” [11, tr.27].

Chẳng hạn việc đảm bảo quyền ứng cử, bầu cử (quyền chính trị cơ bản) sẽ đồng thời phải đảm bảo các quyền quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa khác có liên quan như quyền được giáo dục, được chăm sóc y tế, quyền đảm bảo tiêu chuẩn sống thích đáng. Nếu không đảm bảo những điều đó thì quyền bầu cử, ứng cử cũng không có nhiều ý nghĩa.

1.1.3.2. Định nghĩa quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam và chấp hành hình phạt tù

Quốc tế định nghĩa về quyền con người như sau (Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người): “Quyền con người là những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc bỏ mặc (không hành động) làm tổn hại đến nhân

phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người” [11, tr. 22].

Hay một định nghĩa khác của quốc tế theo học thuyết tự nhiên: “Quyền con người là những sự được phép mà tất cả các thành viên của cộng đồng

nhân loại, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị xã hội…; đều

có ngay từ khi sinh ra, đơn giản chỉ vì họ là con người” [10, tr.37].

Như các định nghĩa trên phạm vi quyền con người rất rộng. Tuy nhiên định nghĩa của Văn phòng cao ủy Liên hợp quốc có vẻ chính xác và phù hợp hơn. Theo đó, quyền con người phải được ghi nhận bằng những văn bản pháp lý mang tính quy định cụ thể trên toàn thế giới tuân theo những chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi nhằm bảo vệ con người, tránh làm tổn hại tới con người về mọi mặt.

Quyền con người là thước đo chung để bảo vệ phẩm giá, lương tâm của nhân loại. Bảo vệ nó là cơ sở đảm bảo để quyết tâm tự do, công bằng và hòa bình và những giá trị cao đẹp khác của con người. Quyền của những người bị tạm giữ, tạm giam hay chấp hành hình phạt tù về mặt cơ bản không khác nhiều so với quyền con người. Các giá trị cơ bản phải được giữ nguyên. Tất nhiên những người này có những hạn chế nhất định so với những người được tự do ngoài xã hội. Song các chuẩn mực được cộng đồng quốc tế công nhận, tuân thủ thì không thể phủ nhận trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các giá trị thiết yếu vẫn được duy trì, bảo vệ qua các giai đoạn lịch sử trong mọi xã hội. Bảo vệ điều đó thì con người mới có điều kiện để thay đổi, tồn tại và phát triển.

Quyền con người trong quản lý tư pháp (administration of justice), hay còn gọi là quyền con người trong hoạt động tư pháp/ hoạt động tố tụng, là một khái niệm dùng để chỉ những quyền liên quan đến hoạt động tư pháp. Quyền con người liên quan đến lĩnh vực này rất đa dạng, nhưng đặc biệt quan trọng là những quyền dân sự cơ bản. Các quyền cơ bản có thể kể đến là quyền sống, tự do, an ninh cá nhân và quyền được xét xử công bằng.

Quyền sống, tự do và an ninh cá nhânbao hàm một tập hợp các bảo đảm tố tông nhằm bảo vệ sự an toàn về tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm và tự do của con người. Quyền này hàm chứa nhiều quyền cụ thể, trong đó bao

gồm quyền sống; quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục; quyền được bảo vệ không bị bắt làm nô lệ hoặc nô dịch; quyền được bảo vệ khỏi bị bắt giữ tùy tiện; và quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước tự do...Tập hợp các quyền cụ thể này, cùng với những bảo đảm về xét xử công bằng, cấu thành một trong những mảng rất quan trọng của luật quốc tế về quyền con người mà thường được gọi là quyền con người trong hoạt động tố tụng.

Ở Việt Nam khái niệm về quyền con người cũng được một số cơ quan nghiên cứu đưa ra không hoàn toàn giống nhau nhưng có những điểm chung khái quát như sau: Quyền con người là “những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các

thỏa thuận pháp lý quốc tế” [11, tr.22 - 23].

Kết hợp các định nghĩa về quyền con người của quốc tế cũng như Việt Nam đối với nhóm người bị hạn chế, bị tước quyền tự do, ta có thể định nghĩa khái quát về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam và chấp hành hình phạt tù như sau:

Quyền của người bị tạm giữ, tạm giam và thi hành hình phạt tù là những nhu cầu, lợi ích mang tính tự nhiên của những người bị hạn chế, bị tước tự do có thời hạn hoặc vĩnh viễn được quy định trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận mang tính quốc tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền con người trong tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự qua thực tiễn thành phố hải phòng (Trang 28 - 33)