CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ ĐỐI VỚI TRẺ EM PHẠM TỘI

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay (Trang 67 - 72)

2.3. BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM TRONG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ

2.3.1 CHÍNH SÁCH HÌNH SỰ ĐỐI VỚI TRẺ EM PHẠM TỘI

Như trên đã nói, xuất phát từ đặc điểm của NCTN là thể chất và trí tuệ chưa phát triển, chưa nhận thức được đầy đủ việc mình làm, chưa làm chủ được hành vi của mình nên pháp luật hình sự của Nhà nước ta đã quy định một chính sách xử lý riêng đối với trường hợp người phạm tội là NCTN. BLHS 1999 dành chương X để quy định đường lối xử lý hình sự đối với NCTN phạm tội. Chính sách xử lý NCTN phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ NCTN sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Chính vì vậy, so với mức xử lý hình sự đối với người thành niên phạm tội có sự chênh lệch rất lớn. Chính sách này được thể hiện trong những nguyên tắc cơ bản về xử lý hành vi phạm tội được quy định tại Điều 69 BLHS 1999, đó là: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của NCTN, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

a. Chỉ đưa NCTN phạm tội ra xét xử và áp dụng hình phạt đối với họ trong trường hợp cần thiết.

b. Đối với trường hợp NCTN phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, gây hại không lớn có nhiều tình tiết giảm nhẹ, được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

c. Trong mọi trường hợp không xử phạt tù chung thân và tử hình đối với NCTN phạm tội.

đ. Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt cần thiết cuối cùng và khi phạt tù có thời hạn Toà án cho NCTN phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

d. Không áp dụng hình phạt tiền đối với NCTN phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với NCTN phạm tội.

e. Án đã tuyên đối với NCTN phạm tôi khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.

Những nguyên tắc này thể hiện rõ nét chính sách thực sự nhân đạo của Nhà nước ta. Ở đây có sự phù hợp cơ bản giữa chính sách xử lý của pháp luật hình sự trong nước với chính chính sách xử lý của pháp luật hình sự quốc tế. Tư tưởng thống nhất xuyên suốt các nguyên tắc cơ bản là lấy giáo dục, phòng ngừa làm mục đích trung tâm trong mọi hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp trong những vụ án mà bị can, bị cáo là NCTN.

Trong thực tế, do NCTN là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng từ phía các điều kiện ngoại cảnh (môi trường gia đình, xã hội, điều kiện sống... ), vì vậy, Luật Hình sự không chỉ coi NCTN phạm tội là đối tượng cần phải trừng trị mà trước tiên coi họ là nạn nhân của môi trường xã hội không lành mạnh. Chính vì vậy, khi xử lý hình sự đối với đối tượng này cần phải cân nhắc, chú ý trong mối quan hệ hai mặt: họ vừa là chủ thể phạm tội vừa là nạn nhân của môi trường xã hội. Mục đích chủ yếu là giúp đỡ NCTN sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để trở thành công dân có ích cho xã hội, chứ không nhằm mục đích trừng trị (Điều 69 BLHS 1999). Mục đích này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Công ước của liên hiệp quốc về quyền trẻ em là: “thừa nhận quyền của mọi trẻ em bị cho là, bị tố cáo hay bị công nhận là đã vi phạm luật hình sự được đối xử theo cách thức phù hợp với việc cổ vũ ý thức của trẻ em về phẩm cách và phẩm giá, tăng cường lòng tôn trọng của trẻ em đối với các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người khác, cách đối xử cũng phải tính đến lứa tuổi của các em và đến điều đáng mong muốn làm sao thúc đẩy sự tái hoà nhập và việc đảm đương một vai trò xây dựng trong xã hội của trẻ em” (Điều 40 – Công ước quốc tế về quyền trẻ em).

Các nguyên tắc cơ bản về xử lý NCTN phạm tội đã nêu ở trên phản ánh rõ nét quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là: đối với NCTN phạm tội, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ chỉ xem là biện pháp cần thiết cuối cùng, và khi

buộc phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải cân nhắc, xem xét kỹ điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống và phạm tội của trẻ, tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà trẻ đã thực hiện. Ở đây biện pháp giáo dục, phòng ngừa phải là biện pháp ưu tiên áp dụng khi xử lí trẻ phạm tội, nhằm hướng trẻ tới tính hướng thiện, có điều kiện hoà nhập cộng đồng trở thành công dân có ích cho xã hội. Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản là nền tảng cho chính sách hình sự đối với NCTN phạm tội. BLHS 1999 đã có nhiều quy định mới so với BLHS 1985 về vấn đề giảm nhẹ mức hình phạt đối với NCTN phạm tội. Theo BLHS 1985 hình phạt tù áp dụng đối với NCTN phạm tội quy định mức tối đa là 20 năm tù nhưng ở BLHS 1999 mức tối đa dược quy định đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 18 năm; đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Ngoài ra, trong việc tổng hợp hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp NCTN phạm tội theo quy định của BLHS 1999 có nhiều thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em. Theo quy định mới, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi mức tổng hợp không quá 12 năm tù (BLHS 1985 là 15 năm tù). Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi mức tối đa áp dụng là 18 năm tù (BLHS 1985 là 20 năm tù). Nguyên tắc giảm nhẹ thời hạn chấp hành hình phạt được quy định cụ thể hơn trong BLHS 1999. Điều 78 BLHS 1999 quy định như sau:

1. NCTN bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù, nếu có nhiều tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn thì được Toà án xét giảm, riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 4 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần ba năm mức hình phạt đã tuyên.

2. NCTN bị cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù, nếu lập công hay mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành hình phạt còn lại.

3. NCTN bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra, hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Toà án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành hình phạt tiền còn lại.

Sự thay đổi rõ nét còn được thể hiện ở các biện pháp tư pháp áp dụng đối với NCTN được quy định trong BLHS 1999. Biện pháp buộc phải chịu thử thách theo quy định tại điều 61 BLHS 1985 đã được thay thế bằng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 70 BLHS 1999). Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho NCTN phạm tội vẫn có điều kiện học tập, lao động, sinh hoạt trong cộng đồng, nâng cao tính tự giác và tự nguyện sửa chữa sai lầm, đồng thời phát huy tính tự quản, sự quan tâm giáo dục của chính quyền địa phương, các đoàn thể ở cơ sở và vai trò giáo dục của gia đình trong việc đưa NCTN trở lại cuộc sống bình thường. Chính sách nhân đạo còn được thể hiện rõ nét ở các quy định được áp dụng kể từ ngày BLHS này được công bố theo Nghị quyết số 32/ QH ngày 4-1-2000 về việc thi hành BLHS; Nghị quyết số 229/2000/NQ- UBTVQH ngày 28-11-2000 về việc thi hành Nghị quyết số 32 của Quốc hội như sau:

Không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS này không quy định là tội phạm; nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành hình phạt còn lại; trong trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Không xử lý về hình sự đối với NCTN từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi về tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù; nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ, trong trường hợp người đó đã bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Những người đã chấp hành xong hình phạt về một tội phạm mà BLHS này không quy định là tội phạm nữa hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt còn lại theo điểm c và d mục này thì đương nhiên được xoá án tích “(mục 3 - NQ số 32/QH). Nghị quyết số 229 của UBTVQH giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng và một số cơ quan nhà nước khác rà soát, đối chiếu những đối tượng là NCTN được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn chấp hành hình phạt nói trong NQ 32/QH để thực hiện kể từ ngày BLHS được công bố. Chính sách bảo vệ trẻ em còn được thể hiện ở việc thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với người chưa

thành niên ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi. Thu hẹp diện NCTN bị coi là phạm tội hình thức phân loại tội phạm mới, vì vậy đã thu hẹp diện xử lý hình sự đối với NCTN có hành vi phạm tội [19;5]

Quy định này xuất phát từ thực tế tình hình người chưa thành niên phạm tội, yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, cũng như chính sách xử lý nhân đạo của nhà nước ta. Theo quy định của BLHS sửa đổi người chưa thành niên chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm rất quan trọng (tức là các tội có mức hình phạt tù từ 7 năm trở lên) do cố ý và các tội đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật hình sự năm 1985 quy định họ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm nghiêm trọng (các tội có mức hình phạt tù trên 5 năm ) do cố ý. Đây là điểm sửa đổi rất quan trọng trong chính sách hình sự của nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội giúp các em có thể được giáo dục ở gia đình, phường xã không phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này cũng thể hiện tinh thần

''phi hình sự hoá'' một trong những điểm đặc thù được vận dụng ở bộ luật hình sự mới năm 1999. Nói một cách khác ''phi hình sự hoá'' mức hình phạt 2 năm tù. Điều cần thấy rõ, thái độ ở đây không phải là ''nuông chiều'', là chấp nhận tình hình phạm tội trong những người chưa thành niên, nếu như không nói rằng khuyến khích họ đi vào con đường phạm tội, mà là biểu thị một thái độ thể hiện tinh thần nhân đạo, đồng thời, tính đến yếu tố tâm sinh lý còn những biểu hiện

'chưa thành niên'' của họ và hình phạt tù không phải là biện pháp tối ưu để cải tạo, giúp đỡ họ ''hoàn lương''. Điều 69 bộ luật hình sự mới năm 1999 quy định:

''Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người công dân có ích cho xã hội''.

Trong chương VII: Quyết định hình phạt thì đối với người chưa thành niên phạm tội cũng thể hiện tư tưởng nhân đạo của nhà nước để quyết định mức hình phạt nhẹ hơn để các em sớm hoàn lương trở về với cuộc sống gia đình của mình. Trên tinh thần nhân đạo, BLHS năm 1999 tiếp tục khẳng định chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ở nước ta chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với họ trong trường hợp thật cần thiết và

căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Điều 70 của BLHS năm 1999 không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không áp dụng hình phạt bổ xung đối với người chưa thành niên phạm tội. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù (trước quy định là 15 năm tù), nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định (điều 74).

Đây là những điểm sửa đổi, bổ sung mới của BLHS sửa đổi thể hiện rõ nguyên tắc nhân đạo, dân chủ và pháp chế của Đảng và nhà nước trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm của người chưa thành niên. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Những quy định nêu trên thể hiện tinh thần nhân đạo của pháp luật hình sự Việt nam, phù hợp với tinh thần công ước của LHQ về quyền trẻ em (Điều 37 và Điều 40 Công ước về quyền trẻ em), thể hiện lòng tin vào khả năng cải tạo giáo dục người chưa thành niên bị kết án tích cực cải tạo, sửa chữa sai lầm, thúc đẩy sự tái hoà nhập vào việc đảm đương một vai trò xây dựng của trẻ em trong xã hội và góp phần loại trừ những nguyên nhân và điều kiện dẫn đến tái phạm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam hiện nay (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)