PHÁP LUẬT VỀ TRẺ EM
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hệ thống pháp luật và việc tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em vẫn còn nhiều điểm yếu kém, bất cập. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Một trong những vấn đề gây sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội là vấn đề trẻ em nhìn cả từ phương diện trẻ em bị xâm hại và cả từ phương diện trẻ em phạm pháp, xuống cấp về đạo đức.
Những hạn chế, yếu kém này cần phải được nhìn nhận trên các phương diện: hệ thống pháp luật thực định; tổ chức thực hiện pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, các dịch vụ pháp lý.
Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, việc thực hiện công tác trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Điều đó được thể hiện trên một số mặt sau đây: đối với trẻ em quyền được sống và phát triển là một trong những quyền cơ bản. Tuy nhiên ở nước ta vẫn còn nhiều trẻ em không được hưởng hoặc được hưởng không đầy đủ, trọn vẹn quyền này. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, suy dinh dưỡng ở trẻ em còn khá cao, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi. Số trẻ em lang thang ở các đô thị ngày càng tăng. Tỷ lệ trẻ em phạm pháp ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, công tác giáo dục.
Công tác giáo dục nhân cách của trẻ em chưa được chú trọng. Tình trạng vi phạm các quyền trẻ em như hiếp dâm, buôn bán, bắt cóc, cưỡng bức lao động, bạo lực... có xu hướng gia tăng. Tình hình này xuất phát từ nhiều lý do trong đó có một số nguyên nhân quan trọng từ phía pháp luật: sự bất cập trong một số các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em chưa được kịp thời bổ sung, sửa đổi. Chưa phát huy được sự cộng tác của gia đình, đoàn thể và xã hội vào việc bảo vệ quyền trẻ em, phòng và chống nạn bạo lực đối với trẻ em từ phía gia đình. Các quy định của pháp luật tuy nhiều song còn thiếu tính cụ thể, chưa hợp lý, ít tính khả thi để triển khai thực hiện.