người nông dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế
Vụ án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng là vụ án về tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang cùng gia đình và Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Vụ án thu hút dư luận Việt Nam vì đây được coi là đỉnh điểm về xung đột về đất đai, của những bất cập về cả pháp luật đất đai, việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương và là một tổn thất chính trị to lớn. Kết quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương, 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất bị hủy bỏ,một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách chức. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao tuy vụ việc ở chỉ xảy ra đối với một gia đình ở một xã trong huyện Tiên Lãng nhưng nó lại gây tiếng vang lớn, được dư luận, nhân dân trong cả nước rất quan tâm? Có lẽ, vụ việc tuy ở phạm vi nhỏ hẹp nhưng lại hội tụ không ít những vấn đề đã được tích tụ, gây bức xúc trong nhân dân ở nhiều nơi trên đất nước ta trong thời gian qua và hiện nay. Chẳng hạn, đó là vấn đề quản lý, giao quyền sử dụng đất và quyền sở hữu đất theo Luật Đất đai hiện hành có nhiều bất hợp lý, dân mất đất nhiều khi không được bảo vệ lợi ích, là người chịu thiệt thòi nhất, trong khi đó nhiều tổ chức, cá nhân mang danh “Nhà nước” trong quyền sở hữu đất đai thì lại giàu lên một cách nhanh chóng nhờ cấp phép sử dụng, sang nhượng quyền sử dụng đất. Đó là vấn đề cưỡng chế thu hồi quyền sử dụng đất, giá cả đền bù, tái định cư, giải quyết
công ăn, việc làm cho những hộ gia đình và tương lai con cháu họ khi không còn tư liệu sản xuất đặc biệt là đất. Đó là tình trạng có đến 70% số vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người, nhiều vụ kéo dài, vượt cấp liên quan đến vấn đề đất đai, nhà cửa. Đó là trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở trong quản lý, điều hành xã hội, thực thi pháp luật, làm bổn phận “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân đang có vấn đề và bất cập. Đó là, công tác dân vận của hệ thống chính trị nói chung và của cấp chính quyền, cơ quan nhà nước nói riêng còn nhiều biểu hiện hình thức, yếu kém. Đó là việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhiều lúc, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Đó cũng còn là việc tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất như thế nào là đúng quy trình, quy định; việc sử dụng lực lượng vũ trang, công an, quân đội trong cưỡng chế như ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng vừa qua cũng bài học kinh nghiệm vô cùng sâu sắc... Tuy nhiên, qua vụ việc ở Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng bao trùm và nổi lên là vấn đề cụ thể hóa và thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” như thế nào cho đúng đắn, phù hợp, hiệu quả, được lòng dân [50].
Đoàn Văn Vươn (1963) sinh sống tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng,từng phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam, là kĩ sư nông nghiệp tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Từ năm 1993, ông Vươn thực hiện việc quai đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể, năm 1993, huyện Tiên Lãng ban hành quyết định giao cho Đoàn Văn Vươn diện tích 21ha đất bãi biển khu vực nam cống Rộc thuộc xã Vinh Quang để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng là 14 năm.
Từ năm 1995, ông đã xây được một con đê cao tạo thành bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn hàng chục ha cùng hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng. Gia đình ông đã có đầm nuôi tôm, cá để sinh sống.Tháng
3 năm 1997, ông Vươn làm đơn xin được giao bổ sung phần diện tích đất đã lấn chiếm ngoài diện tích được giao. Tháng 4 năm 1997, huyện Tiên Lãng ra quyết định giao bổ sung cho ông Vươn 19,3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm tính từ thời điểm giao 21ha năm 1993. Tổng cộng ông Vươn được sử dụng 40,3ha đất để nuôi trồng thủy sản đến năm 2007 [50].
Đến thời điểm hết hạn giao đất, năm 2009, huyện Tiên Lãng đã làm thủ tục thu hồi toàn bộ 40,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên, ông Vươn đã khiếu nại việc thu hồi 19,3ha đất giao bổ sung lên huyện, sau đó không đồng tình quyết định của huyện, ông khởi kiện lên Tòa án.
Ngày 27 tháng 1 năm 2010, Tòa án huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm và bác đơn khởi kiện của ông Vươn; giữ nguyên quyết định thu hồi. Đoàn Văn Vươn tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm. Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã thụ lý hồ sơ và tiến hành "hòa giải" bằng "Biên bản thỏa thuận": nếu ông rút đơn thì ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho thuê đất.
Sáng 5 tháng 1 năm 2012, huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế với lực lượng đông đảo hơn 100 người bao gồm cả lực lượng công an và quân đội do phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban cưỡng chế nhưng đã bị gia đình ông Đoàn Văn Vươn chống trả. Vào thời điểm đó ông Đoàn Văn Vươn không trực tiếp có mặt nhưng đã chỉ đạo gia đình dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn trả nhằm vào lực lưỡng cưỡng chế, hậu quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương.
Sau vụ cưỡng chế bất thành ngày 5 tháng 1, quyết định thu hồi đất bị tạm hoãn, 4 người thuộc ngành công an và 2 thuộc ngành quân đội nhân dân bị thương. Cơ quan công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ đối với Đoàn Văn Vươn và các đối tượng tham gia liên quan, các ông Đoàn Văn Quý (sinh năm 1966); Đoàn Văn Vươn (sinh năm 1963); Đoàn Văn Sinh (sinh năm 1957) và Đoàn Văn Vệ (sinh năm
1974), ngôi nhà 2 tầng của Đoàn Văn Vươn dùng cố thủ bị phá hủy, mà Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cho là do "nhân dân bất bình nên vào phá" và người dân rất đồng tình với việc cưỡng chế này. Cơ quan công an cũng khởi tố Phạm Thị Báu (sinh năm 1982) và Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, vợ ông Vươn) và đang truy tìm hai người khác là Đoàn Văn Thoại (sinh năm 1970) và Phạm Văn Thái (sinh năm 1977).
Tuy nhiên việc thu hồi đất đã bị hủy bỏ, chủ tịch ủy ban nhân dân và Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang cũng bị đình chỉ chức vụ. Ngày 10 tháng 2, thủ tướng chính phủ đã yêu cầu chính quyền địa phương thi hành các thủ tục cho phép gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất. Chiều ngày 23 tháng 2 năm 2012, Chủ tịch và Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng bị cách chức.
Kết luận vụ phá nhà ông Vươn như sau: Sau cuộc điều tra vụ án hủy hoại tài sản tại khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn, Công an thành phố Hải Phòng đã có kết luận vào ngày 18 tháng 12 năm 2012, cáo buộc Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng, ông Nguyễn Văn Khanh, có vai trò đứng đầu, như làm trưởng ban chỉ đạo, trực tiếp có mặt tại hiên trường, chỉ đạo phá nhà ông Vươn, trực tiếp gọi máy xúc phá nhà. Cơ quan công an Hải Phòng nói ông Khanh "biết rõ nhà của ông Quý (em ông Vươn) nằm ngoài khu vực cưỡng chế" nhưng vẫn ra lệnh phá, nên "phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hành vi tổ chức và thực hiện việc huỷ hoại tài sản". Ngoài ra, công an nói 3 người khác, Phạm Xuân Hoa (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tiên Lãng), Lê Thanh Liêm (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng), và Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư xã) cũng bị đề nghị truy tố tội Hủy hoại tài sản, quy định tại khoản 3 điều 143 Bộ luật Hình sự.
Theo ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng thì quyết định này: "không khách quan và cố tình bỏ lọt
tội phạm". Ông Luân cho biết, ông Khanh từng phản đối việc cưỡng chế hồi năm 2010: "Ông Khanh bị chỉ đạo từ ông Hiền (Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện Tiên Lãng), và huyện ủy (Bùi Thế Nghĩa, Bí thư huyện ủy huyện Tiên Lãng), tại sao lại đổ cho ông Khanh?" [9].
Ngày 21/12, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) có công văn gửi các cơ quan tố tụng về việc không đồng tình với kết luận điều tra vụ hủy hoại tài sản tại nhà ông Đoàn Văn Vươn.
Đứng trước vụ án này có nhiều ý kiến quan điểm khác nhau. Về phía đại diện chính quyền huyện Tiên Lãng cho rằng việc thu hồi đất của Tiên Lãng là căn cứ theo quyết định của huyện. Ngày 7 tháng 2 năm 2012, Thường vụ Thành ủy thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp báo thông báo quyết định kiểm điểm và ra quyết định kiểm điểm tập thể Ban thường vụ huyện ủy Tiên Lãng; đình chỉ công tác ông Lê Văn Hiền, Phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, và Phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, là người trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
Các báo ở Việt Nam đã dẫn lời nhiều chính khách của Việt Nam bàn về vấn đề này. Các ý kiến cho rằng Đoàn Văn Vươn và các đối tượng đã vi phạm pháp luật tội chống người thi hành công vụ, nhưng huyện Tiên Lãng cũng có thể sai về mặt pháp luật khi tiến hành cưỡng chế ở vụ án này.
Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh nói, trong vụ cưỡng chế này, chính quyền huyện, xã đều sai và đây là bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Ông cũng cho rằng "Thành ủy Hải Phòng và ủy ban nhân dân TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được" và "sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai"
Quan điểm của GS Đặng Hùng Võ là: Một mặt, chính quyền huyện Tiên Lãng đã giao đất cho ông Vươn là sai luật. Mặt khác, chính quyền huyện không có đủ thẩm quyền để quyết định thời gian giao đất là bao nhiêu năm và đất giao cho ông Vươn phải gọi là đất nông nghiệp. Bài báo cũng coi đây là đỉnh điểm về xung đột đất đai [9].
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đây có thể coi là một tổn thất chính trị lớn. Luật sư Trần Vũ Hải, gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khu vực 3 Hải Phòng, trong đó có huyện Tiên Lãng) kiến nghị xem xét khởi tố hình sự vụ chính quyền Hải Phòng phá sập nhà ông Vươn và em trai ông. Theo ông Hải, nguyên thủy việc cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn cũng sai vì "xuất phát từ quyết định thu hồi sai" và "Phải xác định xem chính quyền (Tiên Lãng) sai thế nào mới dẫn đến ông Vươn quá bức xúc và có hành động quá khích" [35].
Theo bà Trần Thị Mịn, em dâu ông Đoàn Văn Vươn: "Họ dồn đến đường cùng, nên anh tôi bảo là phải giữ, chứ cũng không dám nổ súng đâu... Bây giờ nợ hơn chục tỷ thì gọi là lên bờ chỉ có chết thôi, không thể sống bằng cái gì được, nhà cửa không có. Nên phải giữ lấy đất, chứ không phải chống trả đâu". Sau khi một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác hay bị cách chức, nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến đồng tình với việc cách chức này. Một số dư luận trái chiều khác như theo một nhóm phóng viên thuộc báo Công an nhân dân, Đoàn Văn Vươn được mô tả là con người có hàng loạt sai phạm trong quá trình sử dụng đất. Theo báo này, ông Vươn được cho là lấn chiếm đất nhà nước với diện tích 19,3 ha để "khai hoang" [45].
Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ án này như sau: Ngày 10 tháng 2 năm 2012 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với các bộ ngành và cơ quan chức năng địa phương về vụ cưỡng chế đầm và phá nhà ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng. Sau đó Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Về quyết định giao đất cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, quyết định thứ nhất giao 21 ha đất là đúng, nhưng quyết định thứ hai giao thêm 19,3 ha (thời hạn 14 năm) là chưa đúng với quy định Luật đất đai.
Quyết định thu hồi đất của ông Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng cũng trái luật. Luật đất đai quy định 5 trường hợp thu hồi đất, nhưng gia đình ông Vươn không nằm trong 5 trường hợp trên.
Huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội của Ban chỉ huy quân sự huyện tham gia cưỡng chế là không đúng.
Công tác tổ chức thực hiện cưỡng chế cũng có nhiều sai sót, gây thương vong cho lực lượng tham gia. Việc phá nhà có sự chỉ đạo của một số lãnh đạo địa phương [47].
Ngày 02/01/2013 cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP Hải Phòng khởi tố trong vụ án phá nhà Đoàn Văn Vươn, xử lý về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 285 của Bộ Luật Hình sự, nhưng được tại ngoại. Ngoài ra bốn cựu quan chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang khác cũng bị truy tố. Cựu Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh được xác định có vai trò chỉ đạo trong vụ phá nhà của gia đình ông Vươn. Ông Khanh cùng các bị can Phạm Xuân Hoa (cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện) và Lê Thanh Liêm (cựu Chủ tịch xã Vinh Quang) có hành vi phạm tội "Hủy hoại tài sản" qui định tại khoản 3, Điều 143 BLHS. Riêng, cựu Bí thư xã Vinh Quang Phạm Đặng Hoan vi phạm khoản 2, Điều 143 BLHS. Ngày 8/4, 5 quan chức huyện Tiên Lãng, mà đã chỉ đạo phá dỡ nhà của anh em ông Vươn, bị Tòa án Hải Phòng đưa ra xét xử. Ông Lê Văn Hiền bị đề nghị mức án treo từ 15-18 tháng, tương tự như ông Phạm Đăng Hoan. Bị cáo duy nhất bị đề nghị mức án tù là ông Nguyễn Văn Khanh, với mức án đề xuất là từ 30 tháng đến ba năm. Các bị cáo còn lại, ông Phạm Xuân Hoa và ông Lê Thanh Liêm bị đề
nghị mức án treo là 24-30 tháng. Viện công tố xác định thiệt hại của gia đình hai ông Vươn và Quý là 295 triệu đồng mà bốn bị cáo bị cáo buộc „hủy hoại tài sản‟ phải bồi thường [50].
Ngày 2/4, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn xảy ra tại đầm tôm của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào ngày 5/1/2012 chính thức được đưa ra xét xử công khai. 6 bị cáo bao gồm Đoàn Văn Vươn (chủ đầm tôm) cùng vợ và 3 anh em trai, 1 em dâu trong gia đình ông Vươn.
Ngày 5 tháng 4 năm 2013 Tòa án thành phố Hải Phòng đã tuyên án với ông Đoàn Văn Vươn và người thân: ông Vươn bị tuyên phạt 5 năm tù; ông Đoàn Văn Quý: 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng tù; và ông Đoàn Văn Vệ bị 2 năm tù về tội Giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự. Vợ ông Quý là bà Phạm Thị Báu bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng và vợ ông Vươn, bà Nguyễn Thị Thương bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật Hình sự.