Bất bình đẳng trong lĩnh vực lao động diễn ra ở tất cả các khâu từ tiếp nhận việc làm, quá trình làm việc, điều kiện sử dụng lao động và chấm dứt việc làm. Trong đó sự phân biệt đối xử trong khâu tiếp nhận việc làm - tuyển dụng mang lại bất lợi rất lớn cho NLĐ bởi lẽ đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc thiết lập quan hệ lao động. Tiếp cận được cơ hội tuyển dụng thì những NLĐ trên mới có được việc làm, quyền làm việc của họ mới được hiện thực hóa trên thực tế.
Pháp luật Việt Nam luôn đảm bảo sự bình đẳng cho NLĐ trong vấn đề này. Bất kể người lao động (không phân biệt nam hay nữ, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xã hội...) thì đủ độ tuổi, đủ điều kiện sẽ được tuyển dụng lao động. Cụ thể tại Khoản 1 Điều 154 BLLĐ 2012 cũng quy định: “Bảo đảm thực hiện bình đẳng và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác”. Bởi vậy, nếu người sử dụng lao động vi phạm, thực hiện những hành vi làm hạn chế khả năng được tiếp nhận lao động, gây ra sự bất bình đẳng giới thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ luật lao động năm 2012 đã bỏ quy định: “Người sử dụng lao động phải ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi người đó có đủ tiêu chuẩn tuyển
chọn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ mà doanh nghiệp đang cần”. Quy định này nhằm đảm bảo cho lao động nữ được bình đẳng hơn trong việc tuyển dụng lao động nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời đối với những ngành mà phụ nữ chiếm số ít và sẽ gây tâm lý ngại tuyển dụng lao động nữ đối với một số doanh nghiệp, không hiệu quả khi thực thi do không có chế tài đảm bảo thực hiện. Việc xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình tuyển dụng chưa được pháp luật quy định rõ ràng về chế tài xử phạt nên chưa thực sự đảm bảo được quyền lợi của người phụ nữ khi tiếp nhận việc làm.
Tại Philippines, một quốc gia Đông Nam Á, nơi mà nữ quyền được bảo vệ tối ưu, nhất là trong lĩnh vực lao động thì quyền bình đẳng về cơ hội việc làm của lao động nữ luôn được đảm bảo, Nhà nước không ngừng tạo mọi điều kiện trong khả năng có thể để nữ lao động được làm việc ở trong hoặc ngoài nước, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà không có bất kì sự phân biệt đối xử nào so với nam giới. Theo quy định tại khoản b Điều135 Bộ luật lao động Philippines, sẽ là trái pháp luật cho bất cứ hành vi nào của người sử dụng lao động nhằm:“Ưu đãi một nam lao động hơn một người nữ lao động đối với sự thăng tiến, những cơ hội nghề nghiệp và cơ hội đào tạo, học tập chỉ vì giới tính của họ”. Và theo Điều 135 Bộ luật lao động Philippines, nếu những hành vi như vậy diễn ra ở mức độ nghiêm trọng thì người sử dụng lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, với hành động phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng lao động thì NSDLĐ ở Philippines sẽ bị áp dụng chế tài về hình sự. [21, tr.11]
Để tránh việc bất bình đẳng giới trong quá trình tiếp nhận việc làm, tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, pháp luật lao động bên cạnh việc quy định những trách nhiệm của NSDLĐ khi sử dụng lao động nữ thì còn có quy định xét giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi một
mặt nó tạo điều kiện cho lao động nữ dễ tìm được việc làm, đồng thời tránh được những thiệt thòi cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều đối tượng lao động này. Các doanh nghiệp đó sẽ được hưởng chính sách giảm thuế của nhà nước quy định tại Khoản 4 Điều 153 BLLĐ 2012. Tuy nhiên chính sách này trên thực tế chưa khuyến khích được các doanh nghiệp thực hiện. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế lợi tức để chi thêm chế độ cho lao động nữ, nhưng mức giảm không thấp hơn các khoản chi phí thêm do sử dụng nhiều lao động nữ mà doanh nghiệp tính được. Tuy nhiên nếu các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nhưng sản xuất không có lãi thì các khoản chi phí tăng thêm được coi là khoản chi phí hợp lệ. Nếu do những khoản chi phí tăng thêm nêu trên mà doanh nghiệp bị thua lỗ thì khoản lỗ này sẽ được giảm trừ vào lợi tức trước thuế của năm sau. Như vậy, các khoản chi phí tăng thêm do phải chi cho lao động nữ sẽ được hạch toán vào chi phí sản xuất, điều này đồng nghĩa với việc đẩy giá thành sản phẩm cao hơn. Do đó sẽ làm cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ bị hạn chế cơ hội cạnh tranh rất nhiều so với doanh nghiệp sử dụng ít lao động nữ. Như vậy, quy định xét giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ là rất cần thiết nhưng chưa thực sự khả thi và khuyến khích được các doanh nghiệp thực hiện.
Những quy định về giao kết các loại hợp đồng lao động trong quá trình tiếp nhận việc làm cũng hướng tới sự bình đẳng giữa những người lao động thuộc các nhóm khác nhau. Theo Điều 17 BLLĐ 2012, người lao động không phân biệt nam hay nữ, dân tộc thiểu số hay đa số, tôn giáo hay không tôn giáo đều được quyền ký kết các hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc công việc có thời gian hoàn thành dưới 12 tháng trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.