3.1. Thực tiễn áp dụng nguyên tắc cấm phân biệt đối xử về nghề nghiệp và việc
3.1.1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật lao động Việt Nam về phân biệt đối xử việc làm, nghề nghiệp trong tuyển dụng và sử dụng lao động.
Về việc làm, tuyển dụng lao động
Về lĩnh vực việc làm, pháp luật đã quy định rõ ràng vấn đề tạo việc làm và đảm bảo việc làm cho lao động nữ là trách nhiệm của nhiều chủ thể. Trong đó trách nhiệm chung thuộc về nhà nước và trách nhiệm thực hiện cụ thể thuộc về người sử dụng lao động. Nhà nước có những ưu đãi đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ: xét giảm thuế, cho vay với lãi suất thấp từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống. Thực tế cho thấy cơ hội việc làm cho lao động nữ cũng được mở rộng hơn trước. Lao động nữ không chỉ có mặt trong các ngành nghề họ có ưu thế mà còn mở rộng lĩnh vực làm việc sang các ngành nghề xưa nay độc quyền của nam giới. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, với năng lực của mình lao động nữ có thể lựa chọn những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội.
Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm của Tổng cục thống kê thì tỷ lệ lao động nữ tham gia lực lượng lao động năm 2011 là 72,6%, năm 2012 là 72,5%, năm 2013 là 73,2% và đến quý 2 năm 2014 tỷ lệ này là 73,4%. Như vậy, qua các năm gần đây tỷ lệ tham gia lao động của lao động nam và lao động nữ có sự chênh lệch không đáng để và không bị biến động lớn theo thời gian. Tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm đạt hơn 60% trong tổng số lao động được giải quyết việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp (1,84%),
đến thời điểm 1/7/2014, lực lượng lao động của cả nước bao gồm 52,8 triệu người có việc làm và 0,9 triệu người thất nghiệp.[51]
Năm 2011 cùng với sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và ngân sách địa phương, cả nước có trên 40 Trung tâm giới thiệu việc làm đã tổ chức Sàn giao dịch việc làm. Bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 30 đến 100 doanh nghiệp với khoảng 1.300 – 1.500 người. Số lao động bình quân được tuyển thông qua sàn giao dịch từ 400 – 500 người, trong đó số được tuyển trực tiếp tại sàn chiếm 70%. Số lao động được tư vấn về việc làm, học nghề, pháp luật lao động tại sàn từ 600 – 700 người. Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011 – 2015. Đây là nhiệm vụ được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt lên hàng đầu bởi Chương trình sẽ góp phần gắn dạy nghề với tạo việc làm ổn định, chất lượng, đặc biệt là cho đối tượng lao động nông thôn [20].
Năm 2013, trên phạm vi cả nước có 53,8% người tìm việc thông qua quan hệ cá nhân "Qua bạn bè/người thân", tiếp sau là nhóm “Nộp đơn xin việc” chiếm 35,1%. Tuy nhiên, trong khi hình thức tìm việc qua “Nộp đơn xin việc” chủ yếu dành cho các đối tượng có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn (từ trình độ trung học chuyên nghiệp trở lên) thì ngược lại, nhóm tìm việc “Qua bạn bè/người thân” phần lớn áp dụng cho các đối tượng chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Phương thức tìm việc của nam và nữ cơ bản giống nhau, trừ một số trường hợp đặc biệt. Tỷ trọng tìm việc "Qua bạn bè/người thân" đạt mức cao nhất đối với cả nam và nữ (tương ứng chiếm 57,9% và 48,2%). Tiếp theo là phương thức "Nộp đơn xin việc", trong phương thức tìm việc này, tỷ trọng của nữ (39,3%) cao hơn của nam (32,0%) [52]. Các Trung tâm giới thiệu và Sàn giao dịch việc làm đã giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định bằng việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức thu thập
thông tin, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp để khai thác chỗ việc làm trống, tìm hiểu kế hoạch và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Quá trình đa dạng hóa các hình thức tạo việc làm kết hợp đào tạo nghề, mở nhiều sàn giao dịch phù hợp với từng địa phương và đối tượng đã thật sự góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, khắc phục tình trạng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đến sàn giao dịch để quảng cáo, quảng bá thương hiệu mà không gắn nội dung chính là tuyển dụng lao động.
Với các quy định hiện hành của pháp luật lao động, nam giới và nữ giới bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng về việc làm, cơ hội đào tạo nghề. Hầu hết các quy định này doanh nghiệp đều thực hiện đúng, đặc biệt các doanh nghiệp còn căn cứ vào tính chất đặc thù của từng ngành nghề để thực hiện tuyển dụng NLĐ ở độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi hoặc lao động nữ theo đúng quy định của pháp luật lao động. Các doanh nghiệp cũng đã thực hiện ký kết hợp đồng lao động trong đó có lao động nữ nhằm tránh sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng.
Về đào tạo nghề, dạy nghề
Trong mười năm 2001-2010, dạy nghề đã phục hồi và có bước phát triển mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Nhà nước đã thiết lập hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ và thống nhất về dạy nghề; hình thành hệ thống dạy nghề chính quy với 3 cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề) và dạy nghề thường xuyên. Số lượng tuyển sinh học nghề tăng 1,96 lần (từ 887,3 ngàn người năm 2001 lên 1,748 triệu người năm 2010). Mạng lưới cơ sở dạy nghề mở rộng, phân phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, địa phương, vùng, miền (Tính đến tháng 10/2012 cả nước có 149 trường cao đẳng nghề, 305 trường trung cấp nghề, 867 trung tâm dạy nghề và hơn 1000
cơ sở khác có tham gia dạy nghề). Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách để mọi người có nhu cầu học nghề đều được tham gia học nghề một cách dễ dàng; đồng thời chú trọng xây dựng và ban hành chính sách ưu tiên dạy nghề cho nhóm người yếu thế như: người dân tộc thiểu số, người nghèo, người tàn tật, lao động nông thôn…(ví dụ như Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên, Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015…). Thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, năm 2013, cả nước đã dạy nghề cho khoảng 80.000 người khuyết tật từ các chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và việc làm, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn...Các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã dạy nghề cho 2.900 người khuyết tật, trong đó tạo việc làm cho 1.100 người với tổng kinh phí là 10,3 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai dự án "Hỗ trợ hòa nhập kinh tế xã hội và việc làm cho người khuyết tật" do Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha hỗ trợ tại 51 xã của 6 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng và Hà Nội với gần 800 người khuyết tật được dạy nghề [36].
Nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ với những đặc thù riêng, pháp luật quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm mở rộng nhiều loại hình đào tạo nghề cho lao động nữ. Ngoài nghề nghiệp đang làm, họ có quyền được đào tạo nghề dự phòng phù hợp nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh và khả năng của từng người. Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2015 đặt ra chỉ tiêu tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo lên 50%, trong đó đào tạo nghề là 29% nhằm tạo cơ hội về việc làm ổn định, có thu nhập đảm bảo đối với lao động nữ. Tuy nhiên theo số liệu thống kê về tỷ lệ lao động
đang làm việc đã qua đào tạo cho thấy chất lượng việc làm của Việt Nam còn thấp và không đồng đều giữa các vùng. Lao động có kỹ năng là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững, thu nhập cao và đáp ứng được yêu cầu của các ngành trong việc sử dụng công nghệ hiện đại và hoạt động quản lý. Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2013 của Tổng tục thống kê thì trong tổng số 53,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động của cả nước, chỉ có 9,7 triệu người đã được đào tạo, chiếm 18,2% tổng lực lượng lao động. Ngược lại, hiện cả nước có hơn 43,5 triệu người (chiếm 81,8% lực lượng lao động) chưa được đào tạo để đạt một trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Như vậy, nguồn nhân lực của nước ta trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp.
Về điều kiện sử dụng lao động
Các doanh nghiệp nhìn chung đều thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn vệ sinh lao động... cũng như các quy định riêng đối với lao động nữ. Phần lớn lao động nữ đang làm các nghề, công việc không thuộc danh mục nghề và công việc cấm sử dụng lao động nữ.
Điều kiện làm việc của lao động nữ được đảm bảo khá tốt: hầu hết các doanh nghiệp có nhà xưởng tương đối rộng rãi, được trang bị hệ thống thoát khí, ánh sáng khá đảm bảo, một số doanh nghiệp tuân thủ việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Qua số liệu tổng hợp cho thấy 77,6% lao động nữ được khám sức khỏe định kỳ; 45,8% được khám phụ khoa, 80% doanh nghiệp có phòng y tế, có tủ thuốc dự phòng thông thường [31, tr.35]. Về trang thiết bị bảo hộ cho lao động nữ, hầu hết các doanh nghiệp cấp phát đủ quần áo, giày dép, kính bảo hộ, găng tay... cho NLĐ, trong đó các doanh nghiệp thủy sản, may mặc thực hiện đầy đủ và có chất lượng cao. Doanh nghiệp đã thực sự chú trọng đến việc lập và tổ chức hoạt động nề nếp mạng lưới an toàn vệ sinh,
thực hiện đăng ký, kiểm tra các thiết bị, có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Do đó đã hạn chế tới mức tối đa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Một điểm rất chú ý nữa là hầu hết tổ chức công đoàn cơ sở đều có phối hợp với NSDLĐ để triển khai huấn luyện, tuyên truyền giáo dục về công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ cho NLĐ trong đó có doanh nghiêp sử dụng nhiều lao động nữ. Nhiều đơn vị, địa phương đã có những hình thức đa dạng hóa công tác chăm lo nhà trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp. Điển hình như ở thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương có nơi đã tổ chức thành công mô hình công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp xây dựng và quản lý nhà trẻ, mẫu giáo cho con em nữ công nhân, lao động. [58]
Nhìn chung nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện tốt các điều kiện để lao động nữ có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ đều trang bị các phương tiện làm việc phù hợp cho lao động nữ, bố trí công việc phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.