Cơ sở lý luận

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai thông qua cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện Thanh Trì - Hà Nội (Trang 48 - 49)

3 Trích từ bài viết của PGS.TS Phạm Hữu Nghị

1.4.1. Cơ sở lý luận

Nghiên cứu, tìm hiểu về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan hành chính nhà nước cho thấy việc quy định cho cơ quan này thực hiện giải quyết tranh chấp đất đai là dựa trên những cơ sở lý luận chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, ở nước ta đất đai là thành quả cách mạng, là kết quả của quá trình đấu tranh bồi bổ cải tạo đất của các thế hệ người Việt Nam trải qua hàng ngàn năm mới có được vốn đất đai như ngày nay. Mặt khác, nước ta là một nước nông nghiệp khoảng 70% dân số là nông dân, tỷ lệ phát triển dân số vẫn ở mức cao; diện tích đất canh tác bình quân một đầu người vào loại thấp trên thế giới. Để quản lý và bảo vệ chặt chẽ vốn đất nông nghiệp vì lợi ích của các thế hệ người Việt Nam hiện tại và tương lai cần phải xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Nội dung quản lý nhà nước về đất đai được giao cho các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những nội dung của quản lý nhà nước về đất đai. Đây là một cơ sở để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan hành chính nhà nước;

Thứ hai, quản lý nhà nước về đất đai do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Các cơ quan này được tổ chức theo một hệ thống thống nhất, chặt chẽ từ trung ương xuống địa phương theo địa giới hành chính. Hoạt động quản lý nhà nước về đất đai được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước được đào tạo có đủ kinh nghiệm, năng lực và trình độ chuyên môn. Do đó khi tranh chấp đất đai phát sinh, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai có điều kiện thuận lợi hơn những người khác trong việc tìm hiểu nguồn gốc quá trình SDĐ, chủ thể SDĐ … để từ đó nhanh chóng tìm ra các nguyên nhân và đề xuất phương thức giải quyết phù hợp. Hơn nữa, cơ quan hành chính nhà nước còn nắm trong tay hệ thống bản đồ địa chính, sổ sách, tài liệu, thông tin về đất đai v.v... Điều này là một lợi thế đáng kể cho các cơ quan này trong việc giải quyết tranh chấp đất đai;

Thứ ba, tranh chấp đất đai trước hết là những bất đồng, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ của người SDĐ phát sinh trong quản lý và SDĐ mà đây lại là lĩnh vực quản lý của cơ quan hành chính nhà nước. Nên các cơ quan này hiểu hơn ai hết nguồn gốc của mảnh đất tranh chấp. Họ có thể đưa ra được câu trả lời lý giải nguyên nhân phát sinh tranh chấp;

Hơn nữa, một dạng tranh chấp đất đai phổ biến là tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính. Xét về bản chất, đây là tranh chấp về quyền quản lý nhà nước về mặt lãnh thổ giữa các đơn vị hành chính mà việc xác định địa giới hành chính lại là một lĩnh vực hành chính liên quan đến tổ chức, vận hành hoạt động của bộ máy nhà nước. Do đó việc giải quyết các tranh chấp này thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước và dựa trên các quy định của pháp luật hành chính, pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước để giải quyết.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai thông qua cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện Thanh Trì - Hà Nội (Trang 48 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)