Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc minh bạch trong pháp luật về quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam (Trang 70 - 73)

3.2. Một số giải pháp cụ thể để hoàn thiện pháp luật và nâng cao

3.2.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Để việc thực thi nguyên tắc minh bạch được triệt để trong quản trị công ty, luật pháp về quản trị công ty và những lĩnh vực có liên quan cần bổ sung các quy định sau:

a. Quy định các chế tài cụ thể đối với người quản lý, điều hành công ty không tuân thủ nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm công bố thông tin.

Đối với những người quản lý, điều hành công ty khi không tuân thủ các nguyên tắc minh bạch thì cần phải có những chế tài cụ thể đối với từng người quản lý. Cần làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân trong một bộ máy, tổ chức của CTCP khi không làm hết trách nhiệm của mình trong việc công bố thông tin với các cổ đông. Chính việc không công bố thông tin sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến công ty có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng cho công ty. Nên chăng, phải tăng cường các hình thức kỷ luật đối với các cá nhân, tổ chức không công bố thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến các cổ đông. Trong điều lệ công ty cần phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý trong việc cung cấp thông tin và quy định rõ các hình thức kỷ luật.

b. Quy định các cơ chế đảm bảo cho Ban kiểm soát tiếp nhận các thông tin về sai phạm của người quản lý điều hành từ các cổ đông và các quy định bảo đảm cho các kiến nghị của Kiểm sát viên về xử lý sai phạm của người quản lý điều hành có giá trị thi hành.

Hiện nay, một số công ty thành lập Ban kiểm soát. Tuy nhiên, Ban kiểm soát chưa làm hết được chức năng nhiệm vụ của mình được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 và quy định tại điều lệ công ty. Việc tiếp nhận thông tin của BKS còn hạn chế, đôi khi những thông tin sai phạm của cơ quan quản lý được BKS phát hiện ra. Tuy nhiên, những sai phạm đó không được giải quyết một cách triệt để. Chính vì thế, cần có những cơ chế để BKS độc lập tiếp cận thông tin, xử lý, phát hiện ra những sai phạm của cơ quan quản lý để có những biện pháp kịp thời xử lý. Tránh những rủi ro không đáng có xảy ra.

c. Quy định về quy trình tuyển chọn bổ nhiệm các thành viên độc lập Hội đồng quản trị, trách nhiệm giám sát việc bổ nhiệm các thành viên độc lập, và quy trình theo dõi và đánh giá hiệu quả các hoạt động quản trị công ty của các thành viên này.

Bên cạnh đó nên quy định việc công bố thông tin đầy đủ, đồng thời có thể quy định đơn vị kiểm toán (đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm) giám sát các tiêu chí độc lập của các thành viên độc lập trước khi trình đại hội đồng cổ đông phê duyệt và bổ nhiệm, tránh việc bổ nhiệm các thành viên độc lập chỉ là hình thức.

d. Quy định về quy chế tiếp xúc cổ đông để tiếp nhận thông tin phản ánh của BKS/ thành viên độc lập, kiểm toán nội bộ.

Quy định này sẽ giúp cho các cơ quan giám sát nội bộ có thêm kênh thông tin để nhanh chóng phát hiện ra các giao dịch bất thường trong hoạt động tài chính, hoạt động kinh tế của công ty và tiến hành kịp thời các hoạt động chức năng. Đồng thời làm cho cổ đông có điều kiện tiếp xúc định kỳ với cơ quan giám sát nội bộ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Hiện nay, việc tiếp cận thông tin của cổ đông thiểu số còn hạn chế sự bất cập không đồng bộ của hệ thống pháp luật. Luật doanh nghiệp 2014 cần đảm bảo thực hiện trên cơ sở nguyên tắc căn bản: thực hiện đối xử công bằng giữa các cổ đông. Pháp luật phải đảm bảo các quy phạm có nội dung về sự bình đằng, hạn chế mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa cổ đông lớn và cổ đông thiểu số. Đây là một nguyên tắc cơ bản nhằm bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số. Qua đó tạo lập và hoàn thiện nguyên lý nền dân chủ cổ phần, các cổ đông cùng loại mang lại cho cổ đông sở hữu các quyền nghĩa vụ như nhau không phân biệt cổ đông thiểu số hay cổ đông lớn, cá nhân hay tổ chức. Trong mọi tình huống các cổ đông đều được đối xử bình đẳng, cổ đông đa số không có quyền xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông khác đặc biệt là cổ đông thiểu số, yếu thế trong công ty cổ phần. Đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin và quy chế tiếp xúc cổ đông thiểu số để tiếp nhận thông tin phản ánh của BKS/ thành viên độc lập, kiểm toán nội bộ.

e. Quy định về điều kiện thiết lập, chức năng nhiệm cụ thể của kiểm toán nội bộ và quy trình theo dõi giám sát hoạt động của cơ quan này.

Kiểm toán nội bộ hiện đang chỉ tồn tại và hoạt động ở một số ngân hàng TMCP niêm yết ở Việt Nam. Để mô hình này được nhân rộng cần có quy chế pháp lý thống nhất, rõ ràng cho hoạt động của cơ quan này và loại công ty cổ phần nào phải có cơ quan này để bảo đảm các hoạt động tài chính đều được minh bạch, giám sát chặt chẽ.

Kiểm toán nội bộ chiếm vị trí rất quan trọng trong bộ máy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt trong CTCP. Tuy nhiên có một thực tế hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa nhận thức đúng về vai trò, nhiệm vụ và chức năng của kiểm toán nội bộ trong hoạt động kinh doanh của CTCP. Có thể thấy, kiểm toán nội bộ đóng vai trò là người bảo vệ giá trị cho CTCP. Kiểm toán nội bộ là một quan sát viên độc lập, nhằm đảm bảo hoạt động của công ty tuân thủ các quy định pháp luật quốc gia, đạo đức kinh doanh và quy chế hoạt động của công ty. Kiểm toán nội chịu trách nhiệm phát hiện ra những sai sót trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giữ vai trò là người tư vấn và định hướng cho ban giám đốc và hội đồng quản trị về kiểm soát rủi ro. Chức năng của kiểm toán nội bộ là giúp CTCP cải tiến những điểm yếu từ hệ thống quản lý và quản trị doanh nghiệp. Bằng cách phân tích, kiểm tra, giám sát quy trình hoạt động của các phòng ban trong bộ máy kinh doanh, kiểm toán nội bộ sẽ đưa ra những lời tư vấn giúp công ty hoạt động năng suất và hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc minh bạch trong pháp luật về quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)