cho phù hợp với những giá trị tiến bộ liên quan đến việc thi hành hình phạt tử hình được nhân loại thừa nhận rộng rãi.
Thứ tư, bắt nguồn từ đòi hỏi làm phong phú thêm kho tàng lý luận luật tố tụng hình sự Việt Nam về thi hành hình phạt tử hình. Đây là đòi hỏi không những của cán bộ nghiên cứu khoa học pháp lý, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên thuộc chuyên ngành tư pháp hình sự, mà còn là đòi hỏi của những cán bộ thực tiễn như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ các đội vũ trang thi hành án. Việc nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình giúp cán bộ các cơ quan có liên quan đến thi hành hình phạt tử hình có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, chính xác những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình, từ đó áp dụng đúng trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án.
3.2. NHỮNG GIẢI PHÁP TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH
Có thể nói, hệ thống các quy phạm pháp luật tố tụng về thi hành hình phạt tử hình rất nghèo nàn. Trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ có hai điều: Điều 258 về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành và Điều 229 về thi hành hình phạt tử hình, nhưng cũng chỉ quy định những vấn đề mang tính chất cơ bản; phải đến khi ban hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì một loạt các vấn đề đang được dư luận quan tâm mới được bổ sung vào trong các quy định của pháp luật, đó là vấn đề đổi mới thi hành hình phạt tử hình sao cho nhân đạo và tiến bộ hơn, vấn đề cho phép gia đình tử tù được xin nhận tử thi sau khi thi hành án...
Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải hệ thống hóa các quy phạm pháp luật về thi hành hình phạt tử hình, tạo ra một hệ thống các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình cân đối, hoàn chỉnh, thống nhất, khắc phục tình trạng lỗi thời, mâu thuẫn và những lỗ hổng của hệ thống pháp luật, làm cho nội dung những quy phạm này phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn thi hành hình phạt tử hình, các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, có hình thức rõ ràng, dễ hiểu, tiện lợi cho việc áp dụng. Việc hoàn thiện những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình cần phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự, đó là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc bình đẳng...
Trước mắt, phải hoàn thiện những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành về thi hành hình phạt tử hình, tức là phải xem xét lại chúng cả về cơ cấu, kỹ thuật lập pháp, nội dung quy phạm để sửa đổi những quy định không hợp lý, bảo đảm tính khoa học, tính chính xác, cụ thể, dễ nhận biết của quy phạm pháp luật. Hoàn thiện những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình còn có nghĩa là phải hướng dẫn đầy đủ, thống nhất các quy phạm pháp luật hiện hành còn có vướng mắc trong quá trình nhận thức và áp dụng trong thực tiễn. Theo chúng tôi, hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thi hành hình phạt tử hình như sau:
Thứ nhất, bổ sung khoản 1 Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Khoản 1 Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định thời hạn người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, nhưng không quy định thời hạn Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng số người bị kết án tử hình đang chờ Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm trong các trại giam còn rất lớn. Trong thời gian chờ đợi, không ít người bị kết án tìm cách chống đối, tự sát, bỏ trốn... gây nhiều khó khăn, căng thẳng, phức tạp cho công tác giam giữ.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định thời hạn ra quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Bộ luật đã quy định quyền của người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, thể hiện thái độ thận trọng, tôn trọng quyền được sống của công dân, nhưng theo chúng tôi, thời gian xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước cũng cần được pháp luật quy định, bởi lẽ chúng ta đang trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Đương nhiên, mạng sống của con người là vốn quý, việc xét đơn xin ân giảm đòi hỏi phải có thời gian để có thể xem xét từ các góc độ khác nhau, bảo đảm tính khách quan, toàn diện, chính xác, cụ thể.
Vì vậy, chúng tôi xin đề xuất sau cụm từ: "trong thời hạn bảy ngày, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước" tại khoản 1 Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, bổ sung quy định về thời hạn xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước như sau: "Trong thời hạn một năm, Chủ tịch nước ra quyết định ân giảm hoặc quyết định bác đơn xin ân giảm".
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự
năm 2003.
Khoản 1 Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: "Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành hình phạt tử hình gồm đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an".[46]
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định Chánh án Tòa án ra quyết định thi hành án tử hình là hợp lý và phù hợp với quy định tại Điều 256 của Bộ luật: "Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án", nhưng giao cho Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm thành lập Hội đồng thi hành án là không hợp
Một là, trong hệ thống hình phạt, cũng như hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, hình phạt tử hình là một hình phạt chính. Thực tiễn thi hành án hình sự cho thấy, cơ quan công an được giao nhiệm vụ thi hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân và trong việc thi hành hình phạt tử hình, cơ quan Công an đang thực hiện các nhiệm vụ như giam giữ người bị kết án, tiến hành công tác bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự cho việc thi hành hình phạt tử hình; kiểm tra căn cước, chuẩn bị pháp trường, tổ chức Đội vũ trang thi hành án, khám nghiệm pháp y, tổ chức mai táng người bị kết án... Vì vậy, giao cho giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình, có đại diện Tòa án, Viện Kiểm sát tham gia là hợp lý hơn.
Hai là, Tòa án có chức năng chủ yếu là xét xử, cho nên nhiệm vụ thi hành án hình sự, trong đó có nhiệm vụ thi hành hình phạt tử hình, nên giao cho các cơ quan chức năng khác thực hiện, thì khách quan hơn và cũng là bớt gánh nặng cho ngành Tòa án.
Vì những lý do trên, khoản 1 Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nên được sửa đổi, bổ sung như sau:
Trong thời hạn bảy ngày sau khi Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng thi hành hình phạt tử hình. Hội đồng thi hành hình phạt tử hình gồm đại diện Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án.[46]
Thứ ba, tuy Luật thi hành án hình sự năm 2010 đã có rất nhiều tiến bộ
về vấn đề thi hành án tử hình, trong đó có một sửa đổi hết sức quan trọng và văn minh đó là việc quy định hình thức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng một số năm vừa qua cũng cho thấy Luật thi hành án hình sự năm 2010 cũng có những bất cập, khó khăn
cần được thay đổi (như phân tích tại Chương 2). Theo chúng tôi Luật thi hành án hình sự và những văn bản hướng dẫn thi hành cần được sửa đổi theo hướng sau đây:
Một là, trong luật thi hành án tử hình và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của cán bộ y tế trong việc tham gia vào công tác thi hành án tử hình. Hiện nay, Luật thi hành án tử hình chưa có quy định về vấn đề này, mà chỉ quy định chung chung là “Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Phòng Quân y cấp quân khu nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án cử bác sỹ của bệnh viện thuộc Sở Y tế hoặc bệnh viện thuộc quân khu đến địa điểm thi hành án tử hình để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết”. Tuy nhiên, hiện nay đang còn vướng mắc về việc cán bộ y tế tham gia việc này. Theo các cán bộ y tế đã tham gia công tác này còn rất nhiều áp lực về việc xác định tĩnh mạch của tử tù. Đồng thời công việc này cũng gặp nhiều vấn đề về tâm lý, khi là giai đoạn tiếp xúc trực tiếp với tử tù trước khi họ bị tiêm thuốc (các công đoạn sau được thực hiện bằng máy). Do đó, theo chúng tôi, Luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành nên quy định thẳng trách nhiệm cho cán bộ y tế được cử tham gia công tác thi hành án tử hình, đây là nghĩa vụ của họ. Hoặc có thể nghiên cứu để đào tạo đội ngũ cán bộ thi hành án có đủ trình độ về y tế để thực hiện công việc xác định tĩnh mạch của tử tù. Điều này sẽ giúp không còn sử dụng cán bộ y tế tham gia thi hành án tử hình nữa.
Hai là, thi hành án tử hình tại Việt Nam trong 3 năm kể từ sau khi Luật thi hành án hình sự có hiệu lực chưa được thực hiện trên thực tế bởi lý do chưa có thuốc phục vụ cho thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Trên thực tế Nghị định 82/2011/NĐ-CP đã quy định trực tiếp về tên loại thuốc dùng cho thi hành án tử hình. Tuy nhiên, loại thuốc này thì Việt Nam lại chưa tự sản
xuất được mà phải nhập tử các nước EU hoặc Mỹ, vấn đề là các nước này lại không bán cho Việt Nam vì biết mục đích của thuốc được sử dụng vào thi hành án tử hình. Sau đó, Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 47/2013/NĐ-CP đã quy định thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình gồm 3 loại: Thuốc làm mất tri giác, thuốc làm liệt hệ vận động, thuốc làm ngừng hoạt động của tim, mà không quy định tên cụ thể như văn bản hướng dẫn trước đây. Việc quy định không cụ thể tên loại thuốc như vậy nhằm tránh sự phản đối của các nước không cho nhập thuốc vì mục đích tử hình, mà chúng ta nhập khẩu với lý do khác nhưng thực tế lại dùng những loại thuốc đó vào mục đích tử hình. Mặt khác, khi quy định không cụ thể tên loại thuốc được sử dụng trong việc thi hành án tử hình dẫn tới không thống nhất trong quá trình sử dụng các loại thuốc trong thực tiễn; đồng thời nếu họ biết chúng ta nhập khẩu thuốc vì mục đích tử hình thì sẽ khó khăn trong nguồn cung thuốc. Vì vậy, tiến tới Việt Nam cần chủ động tự sản xuất thuốc để thay thế việc nhập khẩu, khi đó cần sửa đổi Nghị định 47/2013/NĐ-CP quy định cụ thể tên loại thuốc được sử dụng. Điều này sẽ đảm bảo tính pháp chế, tính khoa học trong quá trình sử dụng thuốc dùng để thi hành án tử hình. Bởi lẽ như chúng ta đã biết có nhiều loại thuốc có cùng chức năng làm mất tri giác, làm liệt hệ vận động, làm ngừng hoạt động của tim tuy nhiên không hẳn thuốc nào cũng có khả năng gây chết người. Chính vì vậy có trường hợp sử dụng đúng loại thuốc này nhưng không làm tử tù chết. Điều này sẽ dẫn đến những hệ quả hết sức nghiêm trọng trong công tác thi hành án tử hình.
Thứ tư, nghiên cứu bổ sung chế định tử hình treo vào trong BLHS và
quy định về thi hành hình phạt tử hình treo trong BLTTHS và Luật Thi hành án hình sự. Hiện nay, theo Bộ luật hình sự Trung Quốc, Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành hình phạt tử hình trong thời gian hai năm. Nếu trong thời gian lao động cải tạo, người bị kết án tử hình đã thật sự hối cải thì sau hai năm,
hình phạt tử hình có thể được thay đổi bằng hình phạt tù chung thân. Hơn thế nữa, nếu người bị kết án tử hình có sự tiến bộ rõ ràng hoặc lập công trong thời gian hai năm này cũng có thể được thay thể bằng hình phạt tù có thời hạn từ 15 đến 20 năm. Ngược lại, nếu người bị kết án tử hình không chịu cải tạo, không biết ăn năn hoặc phạm tội mới thì bản án tử hình sẽ được đem ra thi hành sau khi hai năm đã hết. Quy định về việc hoãn thi hành hình phạt tử hình trong BLHS Trung Quốc hay còn gọi là việc “án tử hình treo” đang là một vấn đề được quan tâm trên diễn đàn học thuật trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS và BLTTHS liên quan đến thi hành án tử hình. Nếu áp dụng chế định này trong luật hình sự sẽ là một bước tiến mới trong quá trình lập pháp của Việt Nam liên quan đến hình phạt tử hình. Theo chúng tôi, trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 cần thiết phải nghiên cứu và bổ sung chế định này vào BLHS. Đồng thời, nếu đã bổ sung vào BLHS thì cũng cần phải sửa đổi, bổ sung BLTTHS và Luật Thi hành án hình sự về các vấn đề tương ứng như hoãn thi hành hình phạt tử hình có điều kiện như thế nào, sau khi hoãn thì thủ tục quản lý, đánh giá người đang được hoãn thi hành hình phạt tử hình này thế nào để đảm bảo họ có còn cần tiếp tục đưa ra thi hành án hay không?