Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, thời gian người bị kết án bị giam để chờ thi hành án thông thường là 1 năm, có nhiều người bị giam để chờ thi hành án đến 5 năm hoặc hơn như Nguyễn Thị Hiệp, Việt kiều Canađa, bị kết án tử hình phải bị giam đến 5 năm mới được thi hành án. Sau khi Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định về hình thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực, và Nghị định 82/2011/NĐ-CP quy định về trình tự thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc thì có một vấn đề đặt ra là tại Việt Nam chưa sản xuất được các loại thuốc như Nghị định 82/2011/NĐ-CP quy định và khi đề nghị nhập khẩu từ các nước khác, trong đó có EU và Mỹ thì các quốc gia và liên minh này lại không đồng ý xuất khẩu vì mục đích để thi hành án tử hình, trong khi liên minh Châu âu và Mỹ đang muốn Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình vì liên quan đến các vấn đề nhân quyền. Thực tế này đã dẫn đến một hệ quả rất nghiêm trọng mà các đại biểu Quốc hội, dư luận báo chí đã nêu lên đó chính là số lượng tử tội chờ thi hành án quá lớn, gây ra áp lực quá tải tại các trại tạm giam, gây ra tâm lý căng thẳng, áp lực cho các tử tù. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tại diễn đàn Quốc hội cuối năm 2013 thì hiện nay có tới hơn 500 tử tù đang chờ được thi hành án, trong quá trình chờ thi hành án có 3 tử tù vì quá căng thẳng đã tự tử và 3 tử tù đã chết vì bệnh tật. Cho đến tận tháng 8 năm 2013 thì trường hợp thi hành án tử hình đầu tiên mới được tiến hành tại Trại tạm giam Công an Hà Nội đối với tử tù Nguyễn Anh Tuấn. Nguyên nhân của tình hình số lượng tử tù chưa được thi hành án có có nhiều, nhưng chủ yếu do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, số lượng người bị kết án tử hình ở nước ta có xu hướng gia tăng (theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, số người bị Tòa án sơ thẩm xử phạt tử hình trong mười năm từ 2008 - 2013 như sau: 2008: 95 người, 2009: 89
Thứ hai, ba Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao phải đi xét xử lưu động ở các địa phương, nên sau khi xét xử phúc thẩm về trụ sở mới hoàn thiện hồ sơ vụ án, bản án để gửi về Ban Thư ký Tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, sau khi xét xử phúc thẩm, nhanh nhất sau một tháng, Tòa án nhân dân tối cao mới nhận được hồ sợ vụ án. Trong thời gian đó, còn phải chờ nhận đơn xin ân giảm hoặc đơn xin khiếu nại của người bị kết án.
Thứ ba, phần lớn người bị kết án cùng với việc gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, còn làm đơn gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để khiếu nại, đề nghị xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đối với những trường hợp này, trước khi trình Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải nghiên cứu, giải quyết khiếu nại, trả lời đơn của người bị kết án trước khi ra quyết định kháng nghị hay quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, mà đây lại là những vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu.
Thứ tư, một nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến việc chậm trễ thi hành án tử hình là do các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử còn có sai sót trong việc xác định căn cước của người bị kết án. Trong những trường hợp này, phải tiến hành xác minh lại căn cước của người bị kết án. Do công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập, cho nên nhiều vụ án phải xác minh rất nhiều lần, kết quả xác minh lại khác nhau, thậm chí kết quả xác minh ở chính quyền địa phương lại khác kết quả xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra tại địa phương đó.
Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, từ năm 2008 đến hết năm 2013, Công an các địa phương đã thi hành hình phạt tử hình đối với 907 người bị kết án, cụ thể xem bảng 2.1.
Bảng 2.1: Số người bị thi hành hình phạt tử hình từ năm 2008 - 2013 Năm Số người bị thi hành hình phạt tử hình
2008* 42 2009* 88 2010* 94 2011 0 2012 0 2013 15
Nguồn: Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ công an. (Ghi chú: các năm có dấu sao (*) là những năm vẫn còn áp dụng hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn)
Như vậy, qua số liệu trên cho thấy, công tác thi hành án tử hình trong giai đoạn có sự thay đổi và biến động hết sức rõ rệt, điều này là do sự thay đổi của luật, trong khi Luật Thi hành án hình sự năm 2010 có hiệu lực, hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn không được áp dụng nữa, trong khi các điều kiện cần thiết cho thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc chưa đáp ứng được. Vấn đề tiêm thuốc độc đối với tử tội cần phải chuẩn bị rất nhiều các điều kiện cần thiết như: có nhà thi hành án, đã tập huấn cho các cán bộ làm công tác này, đặc biệt là thuốc độc đảm bảo chất lượng... Trong khi Việt Nam chưa tự sản xuất được thuốc độc dùng cho việc thi hành án tử hình thì việc nhập khẩu các thuốc này cũng không được do các quốc gia có thể sản xuất không bán cho Việt Nam khi mà mục đích của việc nhập khẩu là dùng cho thi hành án. Chính vì vậy, từ khi Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực đến khi trường hợp tử tội đầu tiên được áp dụng hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc (vào tháng 8/2013) thì không có trường hợp nào được đưa ra thi hành án. Điều này dẫn đến một số lượng rất lớn những người đã bị tuyên án tử hình, bản án đã có hiệu lực nhưng chưa được đưa ra thi hành, theo thống kê của Bộ Công an cho đến cuối năm 2013 có tới 560 trường hợp từ tù đang được chờ thi hành án.
- Về nhà thi hành án: hiện nay, theo yêu cầu của hoạt động thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, đặc biệt là việc xây các nhà tiêm thuốc độc là rất tốn kém, chính vì vậy Bộ Công an mới chỉ cho tiến hành xây 5 nhà tiêm thuốc độc tại 5 địa phương có số lượng án tử hình cao và là những trung tâm của vùng bao gồm: Hà Nội, Sơn La, Nghệ An, Đắc Lắc, Thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà thi hành án được xây dựng theo tiêu chuẩn chung bao gồm: một phòng dành cho Hội đồng thi hành án, người chứng kiến việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc; một phòng chính để thi hành án ở giữa được trang bị 1 giường dạng ghế nằm, máy đo nhịp tim, giá truyền dịch, xe đẩy bị án tử hình; một phòng dành cho cán bộ thi hành án chuẩn bị thuốc và các công việc cần thiết để thi hành án; một phòng dành cho chỉ huy thi hành án, cán bộ thi hành án (phòng chờ) và một phòng, được thiết kế 2 buồng riêng biệt: 1 buồng vệ sinh và 1 buồng lưu thi thể người bị thi hành án tử hình. Ngoài nhà thi hành án tử, 14 loại dụng cụ khác sẽ được trang bị, đáng chú ý như ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án và các dụng cụ, trang thiết bị khác. Trong đó, quan trọng hơn cả vẫn là giường nằm có các đai cố định dành cho người bị thi hành án. Trong trường hợp các địa phương khác có người thi hành án tử hình thì sẽ phải di chuyển tử tù đến địa điểm thi hành án đặt tại 5 địa phương này. Đây cũng chính là vấn đề có nhiều người đặt ra câu hỏi là liệu có đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển tử tù hay không. Tuy nhiên, Bộ Công an khẳng định là với lực lượng của mình có thể đảm bảo an toàn cho toàn bộ quá trình di chuyển và thi hành án tử hình. Bên cạnh đó, nguyên nhân về kinh phí cũng là một vấn đề mà hiện nay mới chỉ có 5 địa phương được phê duyệt để xây dựng nhà thi hành án tử hình.
- Về vấn đề cho gia đình thân nhân của tử tù được xin nhận xác sau khi thi hành án. Như trên đã phân tích, Luật Thi hành án hình sự cho phép gia
đình người bị thi hành án tử hình được phép nhận xác sau khi đã thi hành án hoặc nhận hài cốt. Chính vì vậy, sau khi hình thức thi hành án tử hình được tiến hành trường hợp đầu tiên vào tháng 8 năm 2013 thì đã có gia đình tử tù làm thủ tục nhận xác tử tù về nhà để an tang. Đó là tử tù Nguyễn Anh Tuấn, mang số giam 2757A1. Tuấn chờ đợi để được trả án đã hơn 4 năm. Tử tù Tuấn được tiêm 3 mũi thuốc. Mũi đầu tiên là thuốc gây mê làm tê liệt hệ thần kinh. 10h cùng ngày, Hội đồng Thi hành án tử hình đã hoàn thành việc thi hành án. Thi thể tử tù Anh Tuấn được Hội đồng giao lại cho gia đình, đưa về quê an táng[3]. Quy định mang tính chất nhân đạo của Luật Thi hành án tử hình đã được dư luận xã hội đánh giá là nhân văn, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống đạo lý của người Việt Nam. Chính vì vậy, hiện nay đa số các trường hợp đã thi hành án tử hình đều được gia đình làm thủ tục xin nhận xác để về địa phương an táng.