Thực trạng pháp luật về quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án năng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về khuyến khích đầu tư năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở việt nam (Trang 73 - 77)

2.1. Thực trạng các quy định pháp luật về khuyến khích đầu tƣ năng

2.1.2. Thực trạng pháp luật về quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án năng

năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam

2.1.2.1. Thực trạng pháp luật về quy hoạch phát triển các dự án năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Về công tác quy hoạch, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 nhưng các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành được ban hành chưa kịp thời và đồng bộ, gây nên những khó khăn trong việc đề xuất bổ sung các dự án năng lượng và điện vào triển khai thực hiện trong năm 2019.

Theo Luật Quy hoạch, sẽ không còn việc lập riêng quy hoạch cho từng nguồn năng lượng riêng như một số quy hoạch phát triển các nguồn NLX, NLS, NLTT trước đây. Thay vào đó, quy hoạch các nguồn NLX, NLS, NLTT sẽ được tích hợp vào Quy hoạch tổng thể về năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lực.

Trong khi chờ Quy hoạch tổng thể về năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lực mới được lập, Luật Quy hoạch có quy định chuyển tiếp tại điểm c) khoản 1 Điều 59 quy định: các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được thực hiện cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch.

Để cụ thể hóa việc thực hiện điều khoản chuyển tiếp này, Chính phủ đã ban hành các danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c) khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch (ban hành kèm theo Nghị quyết số 110/NQ-CP của Chính phủ ngày 02 tháng 12 năm 2019).

Liên quan đến các dự án NLX, NLS, NLTT, danh mục này bao gồm: Quy hoạch điện lực của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2030 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo vùng

đồng bằng, trung du Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển năng lượng mới và tái tạo các tỉnh biên giới phía Bắc giai đoạn 2009- 2020, có xét đến năm 2025; 11 Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Quảng Trị, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Thái Bình, Đắc Lắc, Bà Rịa - Vũng Tàu; Quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các quy hoạch đã được duyệt này sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi Quy hoạch tổng thể về năng lượng và Quy hoạch phát triển điện lực mới được lập.

Có sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch các lĩnh vực hạ tầng khác (như quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, …) dẫn đến việc xác định vị trí công trình dự án (trạm biến áp, hướng tuyến đường dây, …) gặp nhiều khó khăn, bị chồng lấn quy hoạch, thậm chí một số dự án phải điều chỉnh nhiều lần.

Do có sự sai khác nhất định ở một số dự án và khu vực giữa các quy hoạch khác nhau và các cấp khác nhau, nên quy trình xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường kéo dài và tốn thời gian cho đầu tư, phát triển, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, ảnh hưởng đến tình hình cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2.1.2.2. Thực trạng pháp luật về đầu tư xây dựng các dự án năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng táitạo

Theo quy định pháp luật Việt Nam, các hình thức đầu tư chính cho các dự án đầu tư bao gồm: đầu tư tư nhân (theo quy định của Luật Đầu tư), đầu tư công (theo quy định của Luật Đầu tư Công) và đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) (theo quy định của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính Phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế có liên quan đến đầu tư theo hình thức đối tác công tư, và Luật đầu tư PPP mà Chính Phủ và Quốc hội đang soạn thảo).

Đối với các dự án NLX, NLS, NLTT ở Việt Nam, hầu hết các dự án đã và đang triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư tư nhân (trong nước, nước ngoài, liên

doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài) chủ yếu và phổ biến hơn là đầu tư theo hình thức PPP hay đầu tư công do thời gian đầu tư ngắn hơn so với các dự án nhà máy nhiệt điện than hay nhiệt điện khí. Theo ước tính của Bộ Công thương, thời gian lắp đặt dự án điện mặt trời thường chỉ khoảng 6 tháng cho một dự án có quy mô khoảng 100MW và tổng thời gian chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án vào khoảng 2 năm.

Hiện nay, các dự án NLX, NLS, NLTT được thực hiện thông qua bốn giai đoạn chính sau đây:

Thứ nhất, giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Trong giai đoạn này, nhà đầu tư đề xuất dự án phải thực hiện thủ tục xin phê duyệt bổ sung dự án (nguồn điện và phương án đấu nối vào lưới điện quốc gia) vào quy hoạch phát triển điện lực (đối với các dự án mới đề xuất chưa có trong quy hoạch). Hiện nay, thủ tục bổ sung quy hoạch còn phải thực hiện theo quy định mới của Luật Quy hoạch có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Theo đó, việc bổ sung hầu hết các dự án vào quy hoạch phát triển điện lực sẽ phải được phê duyệt của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính Phủ. Hiện nay, quy trình này thường tiêu tốn nhiều thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, giai đoạn đầu tư: Trong giai đoạn này, nhà đầu tư phải thực hiện rất nhiều thủ tục khác nhau theo các quy định pháp luật có liên quan, bao gồm các nhóm thủ tục chính sau đây:

Một là, nhóm thủ tục về đầu tư và doanh nghiệp (bao gồm: thủ tục đề nghị cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với nhà đầu tư nước ngoài), giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, thủ tục ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, …).

Hai là, nhóm thủ tục về mua bán điện với các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bao gồm: thủ tục xin chấp thuận về nguyên tắc cho việc mua điện từ EVN, Thỏa thuận đấu nối, Thỏa thuận thiết kế kỹ thuật hệ thống SCADA / EMS, thỏa thuận thiết kế kỹ thuật hệ thống rơ le bảo vệ, thỏa thuận thiết kế kỹ thuật hệ thống đo đếm và cuối cùng là thủ tục đàm phán, phê duyệt và ký kết HĐMBĐ.

Ba là, nhóm thủ tục về đất đai (bao gồm các tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp quyết định cho thuê đất, cấp đất, ký kết hợp đồng thuê đất, xin miễn, giảm tiền sử dụng đất, và đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản/công trình gắn liền với đất). Ngoài ra, đối với các dự án điện gió trên biển, các nhà đầu tư còn phải thực hiện thủ tục cấp khu vực biển để phát triển dự án điện gió trên biển.

Bốn là, các thủ tục về bảo vệ môi trường, bao gồm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Năm là, các thủ tục về thẩm duyệt thiết kế hệ thống phòng cháy chữa cháy và sau đó là thủ tục nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Sáu là, các thủ tục về thiết kế và xây dựng, bao gồm lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công (thiết kế xây dựng), giấy phép xây dựng đối với nhà máy điện, trạm biến áp và công trình đấu nối dự án điện vào lưới điện quốc gia, …

Bảy là, các thủ tục khác có liên quan, bao gồm thủ tục thỏa thuận hướng tuyến, chấp thuận độ cao tĩnh không của trụ gió, trụ điện phù hợp với pháp luật về hàng không, thủ tục rà phá bom mìn, …

Thứ ba, giai đoạn xây dựng: Khi đã được cấp các chấp thuận và giấy phép cần thiết, bao gồm các giấy phép và chấp thuận về xây dựng và thiết kế và doanh nghiệp dự án đáp ứng đủ điều kiện để khởi công dự án xây dựng công trình theo pháp luật có liên quan, doanh nghiệp dự án cùng với nhà thầu xây dựng dự án và nhà thầu cung cấp thiết bị có thể triển khai xây dựng dự án theo quy định.

Thứ tư, giai đoạn vận hành: Sau khi hoàn thành xây dựng, doanh nghiệp dự án phải thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định để nghiệm thu các công trình dự án và hạ tầng đấu nối để chuẩn bị đưa nhà máy điện vào vận hành thương mại theo quy định của Bộ Công thương và Quy trình của EVN về thử nghiệm, nghiệm thu và công nhận ngày vận hành thương mại của nhà máy điện, bao gồm kiểm tra, nghiệm thu công trình điện, hoàn tất thủ tục đấu nối, đo đếm, quy trình vận hành, …

Theo quy định pháp luật, thực tế triển khai quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành tốn nhiều thời gian và phức tạp đối với các nhà đầu tư tư nhân. Các thủ tục về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng thường khó khăn, tốn nhiều thời gian. Cụ thể, hầu hết các dự án NLX, NLS, NLTT (điện gió, điện mặt trời) sử dụng khá nhiều đất và yêu cầu phải có thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất đầu tư, phát triển công trình năng lượng điện, phải bồi thường, giải phóng mặt bằng, bồi thường thu hồi đất, rà phá bom mìn, … các dự án NLX, NLS, NLTT được điều chỉnh bởi rất nhiều luật và nhà đầu tư phải làm việc với rất nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác nhau, cả ở Trung Ương và địa phương, nên quy trình cấp phép và xin các chấp thuận, giấy phép cần thiết để đầu tư, xây dựng và vận hành dự án còn tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển dự án, trong khi trong giai đoạn này, Chính Phủ thường đặt ra thời hạn muộn nhất để nhà đầu tư phải đưa dự án vào phát điện thương mại mới được bảo đảm việc mua theo giá điện của Chính Phủ theo cam kết (ví dụ, thời hạn trước ngày 30 tháng 06 năm 2019 đối với các dự án điện mặt trời theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thời hạn trước ngày 01 tháng 11 năm 2021 đối với các dự án điện gió). Ngoài ra, chi phí đền bù nhiều nơi bị đẩy cao do nhu cầu đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời tăng lên nhanh chóng, phát sinh tình trạng đầu cơ về đất đai cho phát triển các dự án NLX, NLS, NLTT tại nhiều tỉnh thành miền Trung và Nam Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về khuyến khích đầu tư năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở việt nam (Trang 73 - 77)