nguyên tắc khi xét xử có Hội thẩm tham gia
Nhìn chung trên thực tế, hai nguyên tắc này đã được đảm bảo, hầu như không xảy ra việc vi phạm các quy định của BLTTHS về thành phần xét xử tại các cấp Toà án cũng như vi phạm về chế độ tham gia xét xử của Hội thẩm.
Nhưng nhiều trường hợp: thành phần HĐXX trong quyết định đưa vụ án ra xét xử lại khác với thành phần HĐXX thực tế. Đặc biệt là những phiên toà bị hoãn nhiều lần. Khi bố trí lại lịch xét xử thì Hội thẩm tham gia phiên toà trước bị bận nên phải thay thế bằng Hội thẩm khác. Nhưng trong quyết định lại không có tên Hội thẩm dự khuyết hoặc không có quyết định thay đổi Hội thẩm. Đây là sai sót của Thẩm phán trong khâu chuẩn bị phiên toà nhưng lại là vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng hình sự. Và hậu quả của việc này có thể dẫn đến việc bản án bị cấp trên huỷ.
Nguyên tắc xét xử tập thể biểu quyết theo đa số ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động nghiệp vụ của Thẩm phán và Hội thẩm, đặc biệt trong việc nghị án. Về mặt lý thuyết thì thủ tục nghị án được thực hiện như sau:
- Chỉ có HĐXX mới có quyền được nghị án. Trong quá trình nghị án không ai được vào phòng nghị án.
- Khi bắt đầu nghị án, chủ toạ phiên toà phải phổ biến nội dung nghị án. Đối với mỗi vấn đề Thẩm phán nêu nội dung cần thảo luận để Hội thẩm cho ý kiến trước. Hội thẩm đưa ra ý kiến trước, Thẩm phán mới nêu quan điểm của mình. Sau khi đã thảo luận dân chủ, HĐXX quyết định bằng biểu quyết về tất cả các vấn đề đã thảo luận.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc áp dụng đúng các trình tự này chưa được tuân thủ một cách đầy đủ. Qua nghiên cứu biên bản nghị án trong các hồ sơ hình sự đã xét xử, có thể nhận thấy thông thường tại các biên bản này chỉ ghi rất đơn giản và chú trọng tới vấn đề tội danh và hình phạt. Các vấn đề như án phí hay vật chứng thường bị bỏ sót. Hơn nữa điều 222 BLTTHS năm 2003 quy định: "các thành viên HĐXX phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án
bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một,..". Đa số các biên bản
nghị án không ghi ý kiến thảo luận của HĐXX mà chỉ ghi "Sau khi thảo luận HĐXX nhất trí", có những vụ án bị cáo không nhận tội nhưng cũng không ghi ý kiến của từng thành viên HĐXX thảo luận về căn cứ buộc tội bị cáo. Có biên bản nghị án không thảo luận về tội danh như bản án số 416/HSST ngày 21/10/2004 của TAND quận Đống Đa, nhiều biên bản nghị án không thảo luận về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như án số 236/HSST ngày 12.7.2004 của TAND quận Đống Đa, án 64/HSST ngày 12.11.2004 của TAND huyện Sóc Sơn. [30, tr 10]. Như vậy, việc tiến hành nghị án được thể hiện qua biên bản nghị án còn nhiều thiếu sót. Cũng có trường hợp nội dung biên bản nghị án khác với quyết định ghi trong bản án. Tất cả những thiếu sót này trong công tác áp dụng pháp luật là những việc mà
bản thân mỗi Thẩm phán cũng như các thành viên trong HĐXX nên thay đổi để việc áp dụng pháp luật được chính xác.
Một vấn đề nữa trong việc áp dụng nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm ngang quyền với nhau trong xét xử. Trên thực tế, việc ngang quyền chưa thể hiện đúng bản chất của nó. Hiện nay, do trình độ nhận thức pháp luật của Hội thẩm chưa cao, hơn nữa dù thế nào thì trình độ chuyên môn xét xử của Hội thẩm chưa thể tương xứng với trình độ xét xử của Thẩm phán. Đối với một vụ án hình sự, khi nhận được hồ sơ, Thẩm phán có ít nhất là một tháng để nghiên cứu hồ sơ. Sau khi nghiên cứu xong vụ án, nếu đủ điều kiện để xét xử, Thẩm phán chủ toạ phiên toà sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong 15 ngày kể từ ngày ra quyết định Toà án sẽ phải mở phiên toà và đây cũng là thời gian để Hội thẩm nghiên cứu hồ sơ vụ án. Nhiều trường hợp, Hội thẩm không hề đọc hồ sơ, chỉ xem qua cáo trạng là "đủ" để tham gia xét xử hay nếu có thì chỉ nghiên cứu qua loa đọc một vài lời khai trong hồ sơ. Việc nghiên cứu hồ sơ của Hội thẩm, pháp luật chưa quy định là bắt buộc. Nên công việc này phụ thuộc hoàn toàn vào sự nhiệt tình của các Hội thẩm. Mặt khác, chế độ chịu trách nhiệm trong trường hợp án bị cải, sửa, huỷ đối với hội thẩm là không có. Trách nhiệm xét xử trong những vụ án hình sự vẫn dồn lên vai của Thẩm phán. Tương ứng với trách nhiệm đó là quyền của Thẩm phán. Và tự nhiên, các vị Hội thẩm của chúng ta hiện nay lại trao quyền lực của mình cho Thẩm phán. ý kiến của Thẩm phán thường được các Hội thẩm chấp nhận hoàn toàn. Vì tâm lý của họ cho rằng về nghiệp vụ họ không bằng được Thẩm phán, về thời gian nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ bằng Thẩm phán, nếu có sai sót gì thì Thẩm phán mới là người chịu trách nhiệm còn họ không phải chịu trách nhiệm gì. Do đó, có người nói Hội thẩm là những người "nghị gật". Thẩm phán nói thế nào cũng nghe, không có lập trường chứng kiến riêng của mình. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguyên tắc ngang quyền cũng như nguyên tắc độc lập trong xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Đánh giá về sự đóng góp của Hội thẩm cho hoạt động xét xử: trong số 280 người được hỏi
thì 64 ý kiến cho rằng Hội thẩm tham gia có hiệu quả vào xét xử; 142 ý kiến cho rằng họ không đóng góp gì nhiều do hạn chế về kiến thức chuyên môn; 104 ý kiến cho rằng Hội thẩm hầu như không có ý kiến nào độc lập, do vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. [6, tr 173].
Hiện nay, chúng ta đang rất chú trọng tới việc nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho Hội thẩm. Hàng năm tiến hành công tác tập huấn nghiệp vụ hay phát tài liệu để các Hội thẩm nghiên cứu. Song để đảm bảo thực hiện đầy đủ đúng bản chất các nguyên tắc trên của tố tụng hình sự là vấn đề hiện nay chúng ta chưa đáp ứng được.