Hoàn thiện pháp luật hình sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong bộ luật hình sự việt nam năm 2015 (Trang 82 - 87)

2.3. Các giải pháp hoàn thiện quy định về biện pháp tƣ pháp bắt buộc

2.3.1. Hoàn thiện pháp luật hình sự

Như đã nói ở trên, mặc dù quy định về biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã hoàn thiện hơn so với Bộ luật hình sự năm 1999, tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 vẫn chỉ mang tính kế thừa, một số nội dung vẫn còn chung chung, chưa được làm rõ gây ra nhiều tranh cãi, khó khăn trong việc hiểu và áp dụng trên thực tiễn. Do đó, theo tác giả cần phải sửa đổi, bổ sung quy định biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh:

Thứ nhất, cần bổ sung quy định khái niệm cụ thể về biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. Biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là một chế định lớn, rất quan trọng nhưng sau 03 lần pháp điển hóa pháp luật hình sự thì Bộ luật hình sự năm 2015 cũng chỉ quy định về nội dung mà không quy định rõ biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là gì? Việc quy định khái niệm biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong Bộ luật hình sự không những để đưa ra một khái niệm chuẩn mực, chính xác nhất, mà còn tránh gây ra những tranh cãi trong khoa học luật hình sự, đảm bảo nhận thức một cách thống nhất về tính chất pháp lý của biện pháp này.

Theo tác giả thì khái niệm biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh có thể được quy định ngay tại Khoản 1 của quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Và quy định như sau: “Biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là biện pháp cưỡng chế về hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự, tùy vào từng giai đoạn giải quyết vụ án hoặc giai đoạn thi hành án, trên cơ sở kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần mà Tòa án hoặc Viện kiểm sát áp dụng đối với người trong hoặc sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng trước khi kết án hoặc đang chấp hành hình phạt tù mà mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình vào cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh, nhằm phòng ngừa khả năng gây thiệt hại cho trật tự, an toàn xã hội của người này”.

Thứ hai, liên quan đến quy định về tình trạng không có năng lực trách

nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Tác giả thấy rằng quy định này là chưa phù hợp về mặt kỹ thuật lập pháp. Cụ thể, Điều 21 quy định “một bệnh khác” thì chúng ta cũng có thể hiểu theo hướng chỉ khi nào mắc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi trong khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp mắc nhiều bệnh khác trong khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì trách nhiệm hình sự của họ sẽ được xử lý như thế nào? Chính vì vậy, theo tác giả cần phải bỏ từ “một” quy định tại Điều 21 sẽ phù hợp hơn: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Thứ ba, trong hệ thống pháp luật hình sự hiện nay chưa có văn bản nào

hướng dẫn về việc xác định những bệnh nào là bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Để đảm bảo sự thống nhất, hoàn thiện quy định biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, thiết nghĩ cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc xác định các bệnh nói trên. Trong đó, cần phải quy định cụ thể từng loại bệnh, tên gọi, tính chất, mức độ, các tiêu chuẩn, tình trạng của bệnh, các điều kiện để xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không khi bị những bệnh này. Bởi trên thực tế có những bệnh tâm thần hoặc bệnh khác luôn làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nhưng cũng có những bệnh chỉ làm mất năng lực đó khi bệnh đạt đến một mức độ nhất định hoặc có những bệnh không làm mất năng lực nói trên. Điều này dẫn đến nhiều tranh cãi và nếu chỉ căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần có thể dẫn đến việc đưa ra các quyết định thiếu chính xác. Ngoài những bệnh tâm thần như: Tâm thần phân liệt, trầm cảm…, được quy định tại hệ thống phân loại

thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (ICD-10) thì sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thì tác giả nhận thấy các loại bệnh sau có thể làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người mắc bệnh cần đưa vào danh mục những bệnh khác như: bệnh động kinh, bệnh Alzheimer…

Thứ tư, liên quan đến quy định về phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất

kích thích mạnh khác tại Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Quy định này hiện đang gây ra nhiều tranh cãi về việc có nên truy cứu trách nhiệm hình sự những người mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi khi sử dụng rượu, bia do bệnh hay nói cách khác là say rượu bệnh lý mà họ không biết tình trạng bệnh của mình hoặc những người không có lỗi đối với việc sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác hay không?

Theo tác giả nghiên cứu, tìm hiểu thì được biết say rượu bệnh lý (tên gọi khác là say rượu loạn thần), là trạng thái ngộ độc rượu cấp, hiếm gặp, có thể xảy ra ở những người uống lượng rượu không lớn nhưng quá mức chịu đựng của cơ thể. Đặc điểm của say rượu bệnh lý phát sinh sau uống rượu không phụ thuộc nhiều vào số lượng và loại rượu uống, rượu chỉ là một tác nhân dẫn đến say, có khi chỉ một lượng nhỏ. Như vậy, say rượu bệnh lý là một bệnh chứ không phải say rượu thông thường nên không thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015. Có thể coi đây là bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cũng coi trường hợp say rượu bệnh lý được

loại trừ trách nhiệm hình sự. Hay đối với người không có lỗi trong việc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, ví dụ như: họ bị người khác giữ tay chân ép uống rượu bia, hoặc bị lừa sử dụng chất kích thích mạnh khác…

Ở vấn đề nêu trên, theo tác giả không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ. Chính vì vậy, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015 theo từng trường hợp cụ thể (say thường hay say bệnh lý, có lỗi hay không có lỗi…).

Thứ năm, theo quy định tại Khoản 2, Điều 49 Bộ luật hình sự năm 2015

thì “…sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, có thể hiểu sau khi khỏi bệnh mà hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình. Tuy nhiên, đây có phải là cơ sở duy nhất để xác định việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội hay không? Hiện đang còn nhiều tranh luận. Tác giả cho rằng, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc người phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng sau đó lâm vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, đã được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nhưng sau đó đã khỏi bệnh, trong đó cần phải quy định rõ trường hợp nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp nào thì không.

Thứ sáu, một điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về áp

dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Tại Khoản 3, Điều 49 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Thời gian bắt buộc

chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.

Trước đây, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 thì thời gian bắt buộc chữa bệnh được quy định thành một điều riêng (Điều 44), do đó đương nhiên sẽ được hiểu thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn

chấp hành hình phạt tù trong mọi trường hợp. Nay thời gian bắt buộc chữa bệnh lại được gộp vào quy định tại Khoản 3, Điều 49 Bộ luật hình sự năm 2015 nên chỉ có ý nghĩa áp dụng cho trường hợp quy định riêng tại Khoản 3, Điều 49 là trường hợp người đang chấp hành án phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình khi bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì được trừ vào thời hạn chấp hành án phạt tù.

Cũng có thể hiểu rằng tuy cấu trúc của Điều luật là như thế nhưng khi áp dụng trong thực tiễn vẫn được khấu trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù cho trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình quy định tại Khoản 2, Điều 49 Bộ luật hình sự năm 2015 nếu sau này họ bị xử phạt tù. Cách hiểu này không thay đổi so với Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng không phù hợp với cấu trúc và lời văn của Điều luật.

Và để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật hình sự, tác giả cho rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thống nhất cách hiểu và cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định nêu trên cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với từng trường hợp nêu trên để tránh việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong bộ luật hình sự việt nam năm 2015 (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)