5. Kết cấu của luận án
2.2. Những ưu điểm cơ bản của Luật Phá sản năm 2004
2.2.1. Về đối tượng áp dụng
Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Phá sản 2004: "Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX, liên hiệp HTX gọi chung là HTX) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật".
Tùy thuộc vào quan điểm tiếp cận, mục đích, vai trò cũng như vị trí của Luật Phá sản trong đời sống xã hội mà việc xác định phạm vi đối tượng áp dụng của lĩnh vực pháp luật này ở các quốc gia khác nhau là không giống nhau. Thường là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, phạm vi đối tượng áp dụng của Luật Phá sản được xác định khá rộng. Luật Phá sản ở các quốc gia này quy định đối tượng áp dụng cho tất cả các chủ thể kinh doanh mà không có sự phân biệt về hình thức pháp lý. Thậm chí Luật Phá sản Hoa Kỳ còn mở rộng đối tượng áp dụng đối với cả cá nhân không kinh doanh (phá sản tiêu dùng). Trong khi đó, ở các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi (hậu chủ nghĩa cộng sản) thường có giới hạn hẹp hơn về đối tượng áp dụng của Luật Phá sản. Điểm chung của các quốc gia này về đối tượng áp dụng của pháp luật phá sản thường chỉ giới hạn đối với các chủ thể kinh doanh có hình thức pháp lý là doanh nghiệp. Chẳng hạn Luật Phá sản đầu tiên của Trung Quốc được ban hành vào năm 1986, đối tượng áp dụng còn được giới hạn hẹp hơn. Cụ thể, chỉ áp dụng cho khối doanh nghiệp nhà nước (Luật Phá sản Trung Quốc năm 1986 hiện tại đã được thay thế bởi Luật Phá sản năm 2006. Theo đó đối tượng áp dụng được mở rộng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp). Luật Phá sản Việt Nam năm 2004 quy định: "Luật phá sản và các quy định khác của pháp luật được áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác". Theo quy định này thì chỉ những chủ thể kinh doanh tồn tại dưới hình thức pháp lý là doanh nghiệp và các HTX mới thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phá sản. Các chủ thể kinh doanh khác (hộ kinh doanh, những người buôn bán nhỏ, cá nhân đăng ký kinh doanh...) không thuộc đối tượng áp dụng của văn bản này cho dù có mất khả năng thanh toán và lâm vào tình trạng phá sản. Liên quan tới vấn đề này hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau, có ý kiến cho rằng để hài hòa với pháp luật quốc tế và ngăn chặn tình trạng trục lợi, lừa đảo, vỡ nợ phổ
biến diễn ra trong thời gian gần đây, Luật Phá sản năm 2004 khi sửa đổi nên mở rộng đối tượng áp dụng cho cả cá nhân đăng ký kinh doanh. Song, theo chúng tôi việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật phá sản hiện nay là chưa cần thiết. Bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất: Các chủ thể kinh doanh khác như: Hộ gia đình, cá nhân có
đăng ký kinh doanh thường là có quy mô nhỏ, khi tham gia thương trường không phải đăng ký vốn pháp định, việc quản lý, điều hành, hoạt động kinh doanh của các đối tượng này gắn liền với trách nhiệm cá nhân của chủ đầu tư. Hơn nữa, hoạt động của các chủ thể này phần lớn không thực hiện tốt về chế độ tài chính, kế toán nên rất khó cho việc kiểm soát, quản lý, thanh lý tài sản. Thêm vào đó, về chế độ trách nhiệm thì tất cả các chủ thể này đều phải chịu trách nhiệm vô hạn. Luật Phá sản Việt Nam 2004 chưa có quy chế về việc miễn trách nhiệm (giới hạn trách nhiệm) cho các đối tượng có chế độ trách nhiệm vô hạn khi bị tuyên bố phá sản (ngay cả chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh trong công ty hợp danh).
Thứ hai: Nếu các đối tượng này mất khả năng thanh toán thì việc xử lý
tài sản đã có các quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản có liên quan. Việc xử lý cá nhân đã có Bộ luật hình sự. Tùy theo tính chất và mức độ của vụ vỡ nợ mà các cá nhân này có thể bị truy tố về các tội danh như: lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Việc đưa các đối tượng này vào đối tượng áp dụng của Luật Phá sản không những khó làm giảm được tình trạng vỡ nợ như một số vụ diễn ra gần đây mà rất có thể sẽ làm tình trạng này gia tăng vì các chủ thể này có thể lợi dụng quy chế phá sản để trục lợi và sau đó trì hoãn, lẫn trốn hoặc thoát trách nhiệm thông quy chế phá sản.
Thứ ba: Hiện tại hệ thống tòa án và các thiết chế bổ trợ tư pháp khác
(Giám định tư pháp, Công chứng, Luật sư, Thừa phát lại...) chưa thật sự đủ mạnh và sẵn sàng cho sự mở rộng này. Một dự liệu có thể xảy ra khi đưa cả
những chủ thể này vào đối tượng áp dụng của Luật phá sản là sự quá tải của Tòa án trong tương lai.
Bởi các lẽ đó, chúng tôi cho rằng với điều kiện kinh tế xã hội và môi trường pháp lý hiện tại và tương lai gần của Việt Nam, việc không mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Phá sản như hiện nay là hoàn toàn phù hợp. Quy định này của Luật Phá sản 2004 được coi là ưu điểm cần tiếp thu và thực tế đã được Luật Phá sản năm 2014 kế thừa. Điều 2 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “ Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp và hợp tác xã, liên minh các hợp tác xã ( sau đây gọi chung là hợp tác xã) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật”.