5. Kết cấu của luận án
2.1. Lý thuyết về phá sản và pháp luật về phá sản
2.1.2. Khái niệm về pháp luật phá sản và pháp luật phá sản ở Việt Nam
Từ những phân tích trên về khái niệm phá sản, chúng ta có thể hiểu một cách ngắn gọn khái niệm về pháp luật phá sản như sau: Pháp luật phá sản là hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận qua đó điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết việc mất khả năng thanh toán của các chủ thể kinh doanh.
Phá sản là một hiện tượng tất yếu trong đời sống và xã hội và chỉ xuất hiện một cách phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến phá sản, Nhà nước cần phải có (ban hành hoặc thừa nhận) các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề như: điều kiện để một chủ thể mắc nợ bị coi là đã lâm vào tình trạng phá sản, chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết phá sản; cơ quan có thẩm quyền giải quyết phá sản; thủ tục giải quyết phá sản; nguyên tắc phân chia tài sản phá sản; trách nhiệm của các chủ thể mắc nợ sau phá sản… Tổng hợp những văn bản pháp luật này tạo thành một lĩnh vực pháp luật được gọi là pháp luật phá sản [35].
Đối với các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, phá sản được coi là hiện tượng bình thường, là xu thế tất yếu của quá trình cạnh tranh khốc liệt, quá trình đào thải và chọn lọc tự nhiên. Theo đó các chủ thể kinh doanh làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả tất yếu phải chấm dứt sự tồn tại của mình thông qua việc bị Nhà nước tuyên bố phá sản và đương nhiên chỉ có những chủ thể kinh doanh thực sự hiệu quả mới có thể tiếp tục tồn tại trong nền kinh tế. Rõ ràng, phá sản là hiện tượng luôn tồn tại một cách khách quan; nó góp phần làm lạnh mạnh hóa thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, làm cho nền kinh tế thị trường trở nên đúng với bản chất của nó hơn [22, Tr443].
Ở Việt Nam, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, pháp luật không đề cập tới vấn đề phá sản. Điều này có nghĩa là về mặt lý luận phá sản không tồn tại trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Đây là một tất yếu bởi lẽ, trong cơ chế tập trung - bao cấp, mọi hoạt động nói chung cũng như là hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng đều chịu sự điều tiết một cách quá chi tiết của Nhà nước. Các đơn vị kinh tế cơ sở lúc bấy giờ đều do Nhà nước thành lập và Nhà nước đứng ra thực hiện việc quản lý một cách toàn diện. Vì vậy, nếu có kinh doanh thua lỗ thì Nhà nước sẽ can thiệp bằng các biện pháp hành chính như sáp nhập, hợp nhất, cơ cấu lại các doanh nghiệp, khoanh nợ,
giãn nợ, xóa nợ, thậm chí là cấp thêm vốn để tiếp tục duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp.
Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới một cách toàn diện, trong đó đặc biệt quan trọng là đổi mới kinh tế. Việc đổi mới kinh tế được xác định theo hướng: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, theo cơ chế của thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN” để thay thế cho nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp trước đây. Cùng với tiến trình đổi mới về kinh tế, lĩnh vực pháp luật về kinh tế đã và đang dần được hoàn thiện. Bên cạnh việc Nhà nước ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, theo đó thể chế hóa quyền tự do kinh doanh của công dân - một trong những quyền cơ bản được ghi nhận lần đầu tiên ở Hiến pháp năm 1992 thì vấn đề phá sản và pháp luật về phá sản cũng được nhìn nhận một cách nghiêm túc và toàn diện. Những văn bản pháp luật đầu tiên đề cập tới khái niệm phá sản một cách tương đối rõ ràng là Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990. Theo Điều 24 Luật Công ty năm 1990 thì:
“ Công ty gặp khó khăn thua lỗ trong hoạt động kinh doanh đến mức
tại một thời điểm tổng số các tài sản của công ty không đủ thanh toán tổng số các khoản nợ đến hạn là công ty lâm vào tình trạng phá sản”. Tuy nhiên, văn
bản này chỉ mới đề cập đến phá sản bằng việc đưa ra các dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, và ngay cả dấu hiệu này cũng còn nhiều điều phải bàn thêm. Rõ ràng, chỉ với một quy định đó về phá sản thì chưa thể đủ căn cứ để giải quyết phá sản đối với một công ty, mặc dù công ty đó đã lâm vào tình trạng phá sản.
Để khắc phục những hạn chế liên quan tới dấu hiệu phá sản được đề cập tới trong Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, đồng thời để nhận thức về phá sản được toàn diện hơn, ngày 30/12/1993 Quốc hội đã thông qua Luật phá sản doanh nghiệp. Có thể nói, đây là văn bản đầu tiên ở
Việt Nam đưa ra các quy định đối với vấn đề phá sản một cách toàn diện và cụ thể nhất cho đến thời điểm này. Đạo luật này quy định về hầu hết những vấn đề có liên quan tới phá sản như: đối tượng áp dụng, dấu hiệu xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, trình tự thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, thủ tục thanh lý phá sản, hậu quả pháp lý của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với phá sản…
Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau mà với gần chục năm thi hành (Luật phá sản doanh nghiệp 1993 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/1994), Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 được coi là văn bản thiếu tính khả thi và có hiệu quả điều chỉnh tương đối thấp, như một học giả đã từng nhận định:
“Hiếm thấy một đạo luật nào tốn tiền biên soạn mà ít được dùng như Luật
Phá sản Việt Nam” [37, Tr689]. Cụ thể, theo thống kê của Tòa án nhân dân
tối cao về thực trạng giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước thì qua 9 năm thi hành Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, các Tòa án đã thụ lý tổng số 151 vụ việc nhưng chỉ giải quyết được 95 vụ việc. Với sự ra đời của rất nhiều loại hình doanh nghiệp mỗi năm, nhìn vào mỗi con số đó chúng ta có thể thấy rằng Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 chưa thực sự đi vào đời sống thực tế, chưa đáp ứng được nhiệm vụ mà cuộc sống đang đòi hỏi, không phản ánh trung thực nền kinh tế và thật sự thiếu tính khả thi.
Phá sản bao giờ cũng kéo theo những hậu quả kinh tế - xã hội nhất định và như vậy, đương nhiên chúng ta không mong muốn phải giải quyết nhiều yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu có số vụ việc yêu cầu mở thủ tục phá sản xảy ra quá ít, không phản ánh đầy đủ, chính xác về thực trạng phá sản của các doanh nghiệp như tình hình hiện nay thì sẽ không bảo vệ được các quyền và lợi ích chính đáng của các bên và không phát huy hết vai trò của Luật phá sản doanh nghiệp. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh và sự lành mạnh của nền kinh tế nước ta, đặc biệt là trong bối
cảnh nền kinh tế hiện nay. Vì vậy, để khắc phục những bất cập của Luật Phá sản doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Phá sản đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004. Văn bản này chính thức bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 cùng năm.
Sự ra đời của Luật Phá sản năm 2004 đã thể chế hóa việc thực hiện chính sách kinh tế của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong tình trạng sản xuất, kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường một cách có trật tự, góp phần tái phân phối tài sản nhằm mục đích sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn vốn, thúc đẩy sự lưu thông vốn trong nền kinh tế thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ và đóng vai trò là một trong những công cụ quan trọng của quá trình thu hồi nợ. Có thể nói, nhà làm luật mong muốn góp phần tạo ra một sân chơi thực sự bình đẳng cho các chủ thể kinh doanh trong giai đoạn hiện nay thông qua sự ra đời của văn bản này [22,Tr445].