1.2. Khái niệm về giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối
1.2.1. Khái niệm lừa dối
Theo từ điển Tiếng Việt lừa dối là lừa bằng thủ đoạn nói dối, gian lận để làm cho người ta nhầm tưởng mà nghe theo, tin theo. Về khái niệm, lừa dối là thủ đoạn có tính toán trước của người này đối với người khác nhằm làm cho người bị lừa dối hiểu sai vẫn đề mà quyết định một việc gì đó theo mục đích của người lừa dối.
Theo cách hiểu thông thường lừa dối là lừa bằng thủ đoạn nói dối. Với cách hiểu này, thì những lời nói dối thông thường không gọi là lừa dối mà chỉ khi có dấu hiệu lừa bằng thủ đoạn nói dối mới là lừa dối.
Lừa dối là hành vi cố ý của một bên làm cho bên kia nhầm lẫn về đối tượng, nội dung của giao dịch mà họ tham gia giao dịch đó, được thể hiện thông qua từ những lời lẽ gian dối hoặc những mánh khóe, xảo trá, để khiến đối tượng tham gia vào giao dịch mà lẽ ra bình thường họ không tham gia. Sự lừa dối là căn cứ làm cho hợp đồng vô hiệu khi các thủ đoạn do một bên đã thực hiện mà nếu không có thủ đoạn đó thì bên kia đã không ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý thì không phải bất cứ sự nói dối nào cũng đều là lừa dối. Pháp luật các nước đã đưa ra những tiêu chí để xác định khi nào thì được coi là lừa dối. Phần lớn các nước trên thế giới chỉ coi sự lừa dối mang tính chất quyết định đến nội dung cơ bản của giao dịch mới là điều kiện để
xác định giao dịch vô hiệu. Tính chất quyết định thể hiện ở chỗ nếu không dùng các mánh khóe để lừa dối thì đối phương của họ sẽ không tham gia giao dịch. Nếu sự man trá chỉ là vô tình, nghĩa là chỉ khiến cho một bên phải chấp nhận những điều khoản nặng nề hơn so với những điều khoản mà lẽ ra các bên đó được hưởng, thì bên đó chỉ có thể bị khiếu nại đòi bồi thường chứ không thể đòi hủy bỏ hành vi đó. Như vậy, trong trường hợp một người bán hàng giới thiệu không đúng sự thật về hàng hóa của mình hoặc người bán hàng nói giá quá cao (nói thách) thông thường không bị xem là lừa dối.