1.2. Khái niệm về giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối
1.2.4.2. Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối dưới thời Pháp thuộc
Năm 1858 thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam, vua quan nhà Nguyễn đã thỏa hiệp, đầu hàng. Thời kỳ này Việt Nam bị chia làm ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Do nhận thức được vị trí vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, thực dân Pháp đã ban hành ba BLDS áp dụng cho ba miền của nước ta đó là: Bộ dân luật giản yếu Nam kỳ (ban hành năm 1883), Bộ dân luật Bắc kỳ (ban hành năm 1931), Bộ Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật (thường gọi là Bộ dân luật Trung kỳ, ban hành năm 1936). Riêng đối với Bộ dân luật giản yếu Nam kỳ do thiếu phần khế ước nên đã được bổ sung bằng sắc lệnh Tân điền thổ vào năm 1925 chỉ quy định riêng về vấn đề khế ước [21, tr. 48]
Tại Điều thứ 659 Bộ Dân luật Bắc Kỳ 1931 quy định: “Khi nào có một bên lập mưu đánh lừa bên kia, đến nỗi giá như không có mưu đó bên kia không giao ước, thì sự đánh lừa đó là một duyên cớ làm cho hiệp ước vô hiệu” [39, Điều 659]. Bộ Dân Luật Trung Kỳ 1936 cũng đã nhắc lại nguyên văn Điều thứ 695.
1.2.4.3. Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối từ thời kỳ 1945 đến nay
Thời kỳ nước ta mới giành được độc lập chưa có điều kiện ban hành văn bản pháp luật để thay thế những bộ luật của chế độ cũ. Do đó, ngày 10-10-1945 Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh 90/SL cho phép tạm sử dụng một số luật lệ ban hành ở Bắc - Trung - Nam cho đến khi ban hành những bộ luật chung nhất cho toàn quốc, nếu những luật lệ ấy không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa. Có nghĩa là ba văn bản pháp luật (Dân luật giản yếu Nam kỳ 1883, Dân luật Bắc kỳ 1931 và Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật 1936) được tiếp tục áp dụng.
Khái niệm hợp đồng vô hiệu được nêu ở công văn 1477/DS ngày 11-12-1965 của Tòa án tối cao là hợp đồng không có hiệu lực vì nó trái với pháp luật, không phù hợp với yêu cầu của chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Trước ngày thống nhất đất nước, giải phóng miền Nam 30-4-1975, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng đã soạn thảo mới BLDS với 1.500 điều và được công bố thi hành vào tháng 12-1972.
BLDS 1972 đã soạn thảo với 1500 điều và được công bố thi hành vào tháng 12 năm 1972. BLDS này thực chất chỉ là sự sao chép có sửa đổi một số nội dung, nhưng nhìn chung không có gì khác biệt các quy định trong Dân luật Bắc kỳ năm 1931. Vì vậy vấn đề lừa dối được diễn giải lại với nội dung tương tự quy định tại Điều thứ 668, theo đó sự gian trá chỉ là một nguyên nhân là cho khế ước vô hiệu nếu những mưu gian, chước đối của một bên là nguyên nhân chính thức đẩy bên kia kết ước. Sự tự nguyện của các chủ thể tham gia khế ước thể hiện trên nguyên tắc tự do kết ước. Tự do khế ước là các bên tham gia khế ước có quyền tự do lựa chọn bất cứ loại khế ước nào miễn là không trái với pháp luật và phải thể hiện ý chí đích thực của các bên, không có sự nhầm lẫn hay lừa dối, bạo hành ép buộc bên kia phải tham gia khế ước.
Thời kỳ thay đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, hàng loạt các văn bản pháp luật ra đời, nhưng trong đó phải kể đến ba pháp lệnh có ý nghĩa to lớn trong việc điều chỉnh các giao dịch dân sự là: Pháp lệnh hợp đồng dân sự có hiệu lực ngày 1-7-1991; Pháp lệnh nhà ở ngày 26-3-1991; Pháp lệnh thừa kế ngày 10-9-1990.
Về nguyên tắc hợp đồng dân sự được giao kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Theo Điều 15 Pháp lệnh hợp đồng dân sự, thì hợp đồng vô hiệu toàn bộ trong các trường hợp sau:
+ Nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội; một hoặc các bên không có quyền giao kết hợp đồng;
+ Hợp đồng do người dưới mười tám tuổi giao kết mà không có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người đỡ đầu, thì cha mẹ hoặc người đỡ đầu có quyền yêu cầu Tòa án xác định hợp đồng vô hiệu;
+ Khi một bên hợp đồng bị nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của hợp đồng, bị đe dọa hoặc bị lừa dối, thì có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu; + Hợp đồng vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vô hiệu nhưng không ảnh hưởng tới nội dung các phần còn lại của hợp đồng.
Để tăng cường khuyến khích, thúc đẩy giao lưu dân sự, tạo điều kiện đảm bảo đời sống và phát triển sản xuất cho nhân dân, bảo đảm sự quản lý cho các chủ thể luật dân sự tham dự vào các quan hệ dân sự về giao dịch, kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể và lợi ích cá nhân và phù hợp với xu thế của luật pháp quốc tế. Do đó chính là điều kiện cần thiết phải có BLDS 1995 ra đời thay thế các văn bản pháp luật này. Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối được quy định tại Điều 142 BLDS 1995:
1- Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch đó.
2- Bên lừa dối phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.
Tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức của bên lừa dối bị tịch thu sung quỹ nhà nước.[5, Điều 142]
BLDS 2005 (được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006) ra đời trong bối cảnh đất nước đổi mới được gần
20 năm, thay thế cho BLDS 1995 đã bị lạc hậu so với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế và các giao lưu trong đời sống xã hội sau khi công cuộc đổi mới được phát động năm 1986 đã thúc đẩy một cách mạnh mẽ đòi hỏi phải có một BLDS mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
BLDS 2005 có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nó thể hiện những quan điểm cơ bản nhất của nhà nước trong điều chỉnh các quan hệ pháp luật tư, thiết lập các nguyên tắc quan trọng nhất cho các mối quan hệ trong đời sống dân sự, đồng thời xác lập các quy tắc điều chỉnh cho quan hệ dân sự phát sinh (thậm chí cả những trường hợp được dự liệu có thể phát sinh). Các đạo luật điều chỉnh các khía cạnh khác nhau của quan hệ pháp luật tư (như thương mại, đất đai, tín dụng, sở hữu trí tuệ….) cũng đều phải căn cứ vào các nguyên tắc chung của BLDS. Theo đó giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối được quy định tại Điều 132 BLDS 2005:
Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối:
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.”[6, Điều 132]
Như vậy, so với quy định tương ứng tại Điều 142 BLDS 1995 thì BLDS 2005 đã bổ sung quy định nếu người thứ ba có hành vi lừa dối người khác phải tham gia giao dịch thì cũng làm giao dịch đó vô hiệu. Đây là điểm tiến bộ đáng ghi nhận vì nó bảo vệ hiệu quả hơn chủ thể của giao dịch dân sự trước hành vi cố ý lừa dối họ xác lập giao dịch dân sự trái với ý muốn đích thực của mình.
Như vậy có thể thấy, khác với các quy định của BLDS 2005, các quy định các BLDS Việt Nam dưới các chế độ cũ đã không xác định phạm vi của lừa dối và thu hẹp điều kiện liên quan tới người trong việc xác định lừa dối.
Các điều kiện của lừa dối đã được các BLDS Việt Nam dưới các chế độ cũ, cũng như BLDS 2005 xác định liên quan đến người lừa dối, người bị lừa dối và tính chất của sự lừa dối. Các BLDS Việt Nam dưới các chế độ cũ dường như không xem xét tới việc lừa dối được thực hiện bởi người thứ ba. Có thể nhà làm luật cho rằng việc lừa dối do người thứ ba thực hiện không phải là căn cứ làm hợp đồng vô hiệu, mà chỉ là căn cứ yêu cầu người thứ ba bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, BLDS 2005 quy định cả trường hợp người thứ ba thực hiện hành vi lừa dối và xem đó cũng là căn cứ vô hiệu hoá hợp đồng.