Theo từ điển Tiếng Việt thì hậu quả theo nghĩa thông thường là "kết quả không hay về sau" [36, tr. 415]. Như vậy, hậu quả trước hết phải là một kết quả và kết quả đó phải xảy ra từ một sự kiện, một hành vi nào đó, tức là hành vi, sự kiện và kết quả phải có mối quan hệ nhân quả với nhau, hành vi hay sự kiện là nguyên nhân dẫn tới kết quả. Theo quan điểm của triết học Mác - Lênin thì hành vi hay sự kiện với tính cách là nguyên nhân phải xảy ra trước kết quả theo một
trình tự thời gian và trong một không gian xác định. Nói cách khác, hậu quả phải xuất hiện sau nguyên nhân. Tuy nhiên, không phải tất cả kết quả đều là hậu quả, mà ở đây chỉ có kết quả không hay mới được coi là hậu quả, kết quả này gây bất lợi cho cá nhân, tổ chức, hay cho cả nhân loại.
Trong khoa học pháp lý chỉ những hành vi, sự kiện (mà nguyên nhân cũng là do hành vi của con người) gây ra bất lợi cho cá nhân, tổ chức, hay cho cả nhân loại… và họ phải chịu hậu quả pháp lý nhất định nhưng phải được các nhà làm luật xác định hay dự liệu mới làm phát sinh hậu quả pháp lý. Hậu quả pháp lý phụ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử nhất định và cũng phụ thuộc vào chế độ chính trị xã hội nhất định. Vì pháp luật trong mọi thời đại về bản chất là một hiện tượng mang tính giai cấp sâu sắc. Pháp luật là hình thức pháp lý của chuyên chính giai cấp, là công cụ duy trì xã hội trong sự phù hợp với ý chí và lợi ích của giai cấp thống trị. Nên có những trường hợp cùng một sự kiện hay một hành vi, nếu xảy ra ở thời điểm này thì hậu quả xảy ra không coi là hậu quả pháp lý, nhưng ở thời điểm khác coi là hậu quả pháp lý hoặc với cùng một sự kiện gây hậu quả như nhau ở nơi này coi là hậu quả pháp lý, nhưng ở nơi khác lại không coi là hậu quả pháp lý... Ví dụ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất xác lập năm 1988, thì bị vô hiệu, hậu quả pháp lý các bên quay lại tình trạng ban đầu, hoàn lại cho nhau những gì đã nhận. Vi phạm điều 5 Luật đất đai năm 1987, nhưng sau khi có Luật đất đai năm 1993 thì Nhà nước lại cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tuân thủ điều kiện do pháp luật quy định không bị vô hiệu.
Hệ thống pháp luật mỗi quốc gia quy định sự kiện khác nhau, mức độ khác nhau, được các nhà làm luật dự liệu trong nhiều ngành luật khác nhau và đặt ra các loại hậu quả pháp lý khác nhau, như: ngành luật dân sự, hình sự, hành chính, kinh tế… Khi các chủ thể tham gia vào một quan hệ nhất định mà
hành vi của các chủ thể đó là trái pháp luật và trong từng quan hệ cụ thể thì phải chịu hậu quả pháp lý được điều chỉnh bởi những ngành luật khác nhau. Đối với ngành luật hình sự, khi một người có hành vi trái pháp luật dẫn tới việc xâm phạm lợi ích cá nhân, của Nhà nước và của lợi ích xã hội... thì bị coi là hành vi phạm tội. Để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội và của công dân, Nhà nước ban hành Bộ luật hình sự trong đó có quy định những hành vi bị coi là phạm tội và quy định cả hình phạt (hậu quả pháp lý) để Tòa án căn cứ vào đó đưa ra phán quyết nhằm trị kẻ phạm tội và buộc người phạm tội phải khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Trường hợp người có hành vi trái pháp luật gây ra hậu quả nhất định đối với cá nhân, Nhà nước và xã hội... nhưng chưa đến mức truy tố trách nhiệm hình sự, thì họ chịu xử phạt bằng quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải gánh chịu hậu quả nhất định theo quy định về xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực.
Trong lĩnh vực dân sự thì hậu quả pháp lý xuất phát từ hành vi của các
chủ thể, khi tham gia giao dịch dân sự nhất định dẫn tới vi phạm quyền nghĩa vụ của chủ thể khác hoặc khi giao dịch bị vô hiệu. Khi một giao dịch dân sự vô hiệu các chủ thể tham gia giao dịch phải gánh chịu những hậu quả nhất định do pháp luật quy định. Hậu quả pháp lý trong giao dịch dân sự thường dẫn tới sự bất lợi về tài sản hoặc lợi ích vật chất, nằm ngoài ý chí và sự mong muốn của chủ thể.[21, tr. 35]
Một hành vi trái pháp luật có thể phải gánh chịu hậu quả pháp lý của một ngành luật nhưng cũng có thể của nhiều ngành luật khác nhau điều chỉnh..., sự phân biệt của các ngành luật này nhiều khi không rành mạch, nên khi buộc chủ thể có hành vi trái pháp luật phải chịu hậu quả pháp lý do ngành luật nào điều chỉnh còn nhiều quan điểm khác nhau.
Hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự thì hậu quả có thể chỉ tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng cũng có thể người có hành vi lừa dối vừa phải chịu hậu quả pháp lý do luật dân sự điều chỉnh và vừa phải chịu hậu quả pháp lý do luật hình sự điều chỉnh bằng hình phạt tù.
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra một khái niệm cụ thể nào về hậu quả pháp lý mặc dù khái niệm hậu quả pháp lý được sử dụng một cách rộng rãi trong khoa học pháp lý, các nhà lập pháp cũng chỉ đi sâu vào quy định nội dung của nó mà thôi.
Về nguyên tắc hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu nói chung và giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối nói riêng không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự đối với các bên từ thời điểm xác lập. Như vậy, các nhà làm luật đã khẳng định tính nhất quán trong việc xử lý một giao dịch dân sự (nếu đã được xác lập) là vô hiệu và cũng là để phòng ngừa trường hợp các bên định cùng nhau xác lập giao dịch. Cách thức xử lý này về thực chất là làm cơ sở để cảnh báo các bên khi tiến hành đề nghị hoặc chấp nhận việc xác lập giao dịch dân sự. Ở đây cũng xin nhấn mạnh rằng, khi xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, không nên nói đến quyền và nghĩa vụ của các bên, bởi vì đã là giao dịch dân sự vô hiệu thì không thể phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự được. Những thỏa thuận, cam kết trong giao dịch dân sự chỉ trở thành quyền, nghĩa vụ dân sự khi và chỉ khi giao dịch dân sự được các bên xác lập có hiệu lực theo quy định Điều 122 BLDS 2005.
Khi các bên tham gia giao dịch dân sự nhằm thiết lập một quan hệ dân sự, mà ở đó mỗi bên đều đạt được một mục đích nhất định. Mục đích này có thể thỏa mãn về vật chất hoặc tinh thần cho mỗi bên. Từ mục đích đó các bên tham gia giao dịch sẵn sàng gánh chịu những trách nhiệm và được hưởng những quyền lợi nhất định, nhưng vì giao dịch dân sự vô hiệu không xác lập
quyền và nghĩa vụ các bên, nếu các bên chưa thực hiện, thì các bên không được thực hiện; nếu đang được thực hiện, các bên không được tiếp tục thực hiện giao dịch và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu; kể cả trường hợp các bên đã thực hiện xong những gì đã thỏa thuận thì giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu.
Giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu là buộc các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, trong trường hợp các bên không trả cho nhau bằng hiện vật thì hoàn trả cho nhau bằng tiền, bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường do pháp luật quy định hoặc các bên có thỏa thuận trước về hậu quả, như: phạt, phạt cọc khi một bên có lỗi và phải chịu thiệt hại tương ứng với lỗi của họ gây ra. Do đó, giao dịch vô hiệu chỉ có thể làm phát sinh hậu quả về trách nhiệm dân sự hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng [1, tr. 168-169]. Đây cũng chính là tính chất đặc trưng của chế tài trong quan hệ pháp luật dân sự. Như vậy, nếu so với thời điểm ban đầu rõ ràng các bên tham gia giao dịch dân sự mà giao dịch đó bị vô hiệu đã không thực hiện được mục đích của mình mà phải quay lại tình trạng như trước lúc các bên giao dịch với nhau. Tuy nhiên, trong thực tiễn không hoàn toàn như vậy, vì quy định của pháp luật nhiều khi không rõ ràng hoặc không phù hợp với điều kiện thực tế hoặc do trình độ bất cập của các thẩm phán nhiều khi giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu dẫn đến có lợi cho một phía. Thậm chí có trường hợp khi Tòa án đã tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu nhưng lại buộc các bên thực hiện các thỏa thuận giống như thực hiện quyền và nghĩa vụ của một giao dịch dân sự có hiệu lực.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu nói chung và của giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối nói riêng có thể được hiểu là những hệ quả pháp lý phát sinh theo quy định của pháp luật trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu. Hậu quả này chỉ phát sinh khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền hoặc trên cơ sở một quyết định, bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Cơ sở để xác định hậu quả pháp lý có thể được pháp luật dân sự quy định trước hoặc do các bên tham gia giao dịch thỏa thuận. Khi xảy ra hành vi vi phạm, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp chế tài, thậm chí không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể tham gia giao dịch, nếu các bên không thỏa thuận được.
Theo quy định BLDS 2005 của nước ta thì:
Giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường [6, Điều 137].
Về nguyên tắc BLDS 2005 và BLDS 1995 không có gì thay đổi về hậu quả pháp lý của tuyên bố giao dịch dân sự bô hiệu. Bởi theo quy định tại Điều 146 BLDS 1995 thì “ giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập”. Như vậy, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì quyền và nghĩa vụ của các bên không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Nếu giao dịch mới xác lập mà chưa thực hiện thì các bên không được phép thực hiện, trường hợp đang thực hiện thì không được tiếp tục thực hiện nữa, còn trường hợp giao dịch đã thực hiện thì các bên xử lý tài sản. Vấn đề cần lưu ý ở đây là thời điểm xác lập hợp đồng bởi xác định đúng thời điểm này không chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết chính xác hậu quả của hợp đồng vô hiệu mà còn nhằm xác định pháp luật áp dụng. Tuy nhiên, BLDS 2005 có điểm mới hơn BLDS 1995 đó là việc bên cạnh không làm phát sinh, quyền và nghĩa vụ của các bên, BLDS 2005 còn quy định giao dịch dân sự vô hiệu không làm thay đổi hay chấm dứt nghĩa vụ của các bên. Đây là sự bổ sung cần thiết vì khi giao dịch
xác lập không chỉ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên mà trong nhiều trường hợp nó còn làm thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của họ.
Cũng theo điều 137 BLDS 2005 thì khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Hậu quả pháp lý này chỉ được đặt ra khi các bên đã hoặc đang thực hiện giao dịch dân sự. Trong trường hợp giao dịch đã được xác lập mà các bên vẫn chưa thực hiện các quyền và nghĩa vụ thỏa thuận cũng như chưa chuyển giao tài sản cho nhau thì hậu quả pháp lý này không được đặt ra.
Khi giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên từ thời điểm giao kết, về nguyên tắc các bên quay lại tình trạng ban đầu. Nguyên tắc này được hầu hết pháp luật các nước trên thế giới quy định. Đối với trường hợp giải quyết tài sản trong giao dịch dân sự mà các bên tham gia giao dịch dân sự mới xác lập chưa thực hiện thì các bên chấm dứt thực hiện giao dịch vô hiệu đó. Tuy nhiên, thực tế đa số giao dịch dân sự khi tuyên bố vô hiệu thì các bên đã thực hiện một phần, thậm chí có trường hợp giao dịch dân sự đã thực hiện xong. Vì khi các bên tham gia giao dịch thông thường không chú ý đến những quy định của pháp luật dẫn đến giao dịch dân sự (hợp đồng) vô hiệu, mà chỉ quan tâm đến việc thực hiện giao dịch và đạt được mục đích từ giao dịch đó. Khi thấy ảnh hưởng đến quyền lợi mới yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Thậm chí trên thực tế có trường hợp lợi dụng sự không hiểu biết về pháp luật của đối phương cố ý giao kết giao dịch vô hiệu, sau đó lại yêu cầu hủy giao dịch khi thấy bất lợi. Do vậy, khi tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quay lại tình trạng ban đầu là một vấn đề rất phức
tạp, nhất là vấn đề xác định thiệt hại, xác định lỗi và xác định trách nhiệm của mỗi bên trong giao dịch bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Vấn đề hoàn trả về tài sản: hoàn trả tài sản là một trong những biện pháp phổ biến để giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu. Theo nghĩa thông thường thì "tình trạng" được hiểu là: "... tổng thể nói chung những hiện tượng không hoặc ít thay đổi, tồn tại trong một thời gian tương đối dài, xét về mặt bất lợi đối với đời sống hoặc những hoạt động nào đó của con người" [36, tr. 963]. Trong giao dịch dân sự, quay lại tình trạng ban đầu được hiểu là các bên quay lại thời điểm mà các bên tham gia ký kết. Ví dụ, trong quan hệ mua bán tài sản, thì hoàn trả tài sản là bên bán nhận lại tài sản của mình, còn bên mua nhận lại tiền từ bên bán. Theo pháp luật của đa số các nước trên thế giới thì các tài sản được hoàn trả cho nhau phải là tài sản hữu hình, thực tế mà các bên đã giao nhận tại thời điểm giao kết. Tuy nhiên, trong thực tế tài sản được hoàn trả không phải lúc nào cũng còn nguyên giá trị của nó tại thời điểm giao kết, thông thường nó bị biến đổi do tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội làm không còn nguyên giá trị ban đầu: Tài sản bị tác động của tự nhiên làm hao mòn hoặc xấu đi so với lúc ban đầu khi giao kết; Tài sản có thể bị giảm giá trị hoặc tăng giá trị do tác động của con người; Tài sản có thể tăng giá trị hoặc giảm giá trị do tác động của quy luật kinh tế thị trường như: quy luật cung cầu, quy luật giá