Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối trong pháp luật một số

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối theo pháp luật Việt Nam (Trang 45 - 50)

1.2. Khái niệm về giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối

1.2.5. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối trong pháp luật một số

luật một số nước trên thế giới

Các quy định vừa dẫn tại Điều 132, BLDS 2005 có sự khác biệt về quan niệm lừa dối so với các quy định của BLDS Pháp và của các BLDS Việt Nam ở các chế độ cũ. BLDS Pháp quy định: “Sự lừa dối là căn cứ làm cho hợp đồng vô hiệu khi các thủ đoạn do một bên đã thực hiện mà nếu không có các thủ đoạn đó thì bên kia đã không ký kết hợp đồng. Sự lừa dối không được suy đoán mà phải được chứng minh” [4, Điều 1116].

Điều 123 BLDS Đức quy định:

Bất kỳ ai đã bị lôi cuốn lập ra một sự biểu lộ ý chí bởi lừa dối có thể huỷ bỏ sự biểu lộ ý chí đó; Nếu một người thứ ba có lỗi lừa dối, thì sự biểu lộ ý chí mà đã được yêu cầu lập ra đối với người khác có thể bị huỷ bỏ chỉ khi người nói tới sau đã biết hoặc nhẽ ra phải biết về sự lừa dối. Trong chừng mực một người, khác hơn người mà sự biểu lộ ý chí đã được yêu cầu lập ra, đã thủ đắc trực tiếp một quyền thông qua sự biểu lộ ý chí đó, thì sự biểu lộ ý

chí đó có thể bị huỷ bỏ khi chống lại người này nếu người này đã biết hoặc nhẽ ra phải biết về sự lừa dối đó. [3, Điều 123].

Theo cách thức và nội dung của các quy định này, Điều 96 BLDS Nhật Bản diễn giải có đôi chút khác biệt như sau:

Sự biểu lộ ý chí bị lôi cuốn bởi lừa dối có thể bị huỷ bỏ nếu một người thứ ba đã có lỗi lừa dối đối với sự biểu lộ ý chí được lập tới một người, thì sự biểu lộ ý chí đó có thể bị huỷ bỏ chỉ trong các trường hợp khi bên khác đó đã biết về sự kiện đó; Một biểu lộ ý chí đã bị lôi cuốn bởi lừa dối không thể bị huỷ bỏ chống lại người thứ ba ngay tình. [8, Điều 96]

Việc dẫn ra các quy định này của BLDS Đức và của BLDS Nhật Bản cùng với các phân tích ở trên cho thấy, BLDS 2005 một đằng theo phương diện khách quan quy định một cách tích hợp các điều kiện có hiệu lực của giao dịch vào một điều khoản và diễn giải chúng cùng các nguyên nhân vô hiệu của giao dịch gần với cách thức của BLDS Pháp, nhưng đằng khác lại quy định các điều kiện của lừa dối theo phương diện chủ quan gần với BLDS Đức và BLDS Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng chương nói về giao dịch dân sự của BLDS 2005 quy định chung cho cả hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương, do đó nhẽ ra phải xuất phát từ việc biểu lộ ý chí hơn là xuất phát từ việc phân tích quan hệ giữa các bên tham gia giao dịch. Việc xuất phát từ việc phân tích quan hệ giữa các bên tham gia giao dịch có lẽ phù hợp hơn đối với hợp đồng. Như vậy có thể nói, BLDS 2005 chưa nhất quán trong cách thức tiếp cận vấn đề.

Các nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 1994 và 2004 tỏ ra đồng nhất trong việc xác định các điều kiện của lừa dối liên quan tới người. Điều 3.8 quy định: “Một bên có thể huỷ bỏ hợp đồng khi đã bị dẫn dắt giao kết hợp đồng bởi sự biểu lộ dối trá của bên kia, kể cả ngôn ngữ hoặc hành động, hoặc không biểu lộ có tính chất gian trá các chi tiết mà, phù hợp

với các tiêu chuẩn thương mại hợp lý về thiện chí, bên này nhẽ ra phải biểu lộ”. Unidroit cho rằng việc huỷ bỏ hợp đồng căn cứ vào lừa dối tương đồng với việc huỷ bỏ hợp đồng đối với một dạng nào đó của nhầm lẫn, và sự phân biệt giữa lừa dối và nhầm lẫn nằm ở bản chất và mục đích của sự biểu lộ hoặc không biểu lộ của bên lừa dối. Các quy định của Unidroit vừa dẫn cho thấy sự giống với các quy định của BLDS Pháp và của các BLDS Việt Nam dưới các chế độ cũ về điều kiện của lừa dối liên quan tới người, nhưng có khác nhau phần nào ở điều kiện liên quan tới bản chất của lừa dối. Đặc biệt các quy định của Unidroit có đề cập tới các dạng thức của hành vi lừa dối giống phần nào với nhận thức của Common Law, tức là hành vi lừa dối có thể ở dạng hành động và không hành động. Paul Latimer cho rằng: Biểu lộ sai sự thật có thể thực hiện bằng dạng không hành động nếu nó bóp méo sự biểu lộ đã được lập ra, và có thể có hậu quả pháp lý ảnh hưởng đến một tuyên bố trước, nếu tuyên bố được đưa ra là một nửa sự thật; nếu tuyên bố là sự thật nhưng trở nên sai trước khi hợp đồng được giao kết; nếu có quan hệ uỷ quyền giữa các bên; hoặc nếu hợp đồng là một hợp đồng thiện chí tối đa.

Mặc dù BLDS Pháp quy định sự lừa dối phải do một bên của hợp đồng lập ra để dẫn dắt bên kia tới chỗ giao kết hợp đồng, và nếu không có sự lừa dối đó thì bên kia không giao kết hợp đồng. Nhưng án lệ của Pháp đã có hai ngoại lệ cho điều kiện về người là sự góp phần của một bên với người thứ ba thực hiện sự lừa dối bên kia, và người thứ ba lừa dối liên quan tới các hợp đồng hảo tâm.

Common Law quan niệm nếu một bên giao kết hợp đồng là kết quả của sự gian trá của bên kia, thì được xem như không có sự gặp gỡ của các ý chí, không có sự thoả thuận, và vì thế không có nghĩa vụ pháp lý. Các nước theo truyền thống pháp luật này xác định năm điều kiện của gian trá là: Người gian trá biểu lộ sai sự thật về một sự kiện có tính chất vật chất; sự gian trá được

người gian trá lập ra một cách có nhận thức; người gian trá có ý chí lừa dối; người bị gian trá tin cậy một cách thích đáng vào sự biểu lộ sai sự thật; và sự gian trá gây thiệt hại cho người bị gian trá. Còn đối với biểu lộ sai sự thật không gian trá không có điều kiện thứ hai và thứ ba nêu trên. Lưu ý rằng: Một sự kiện có tính chất vật chất trong điều kiện thứ nhất nêu trên được hiểu là một sự kiện mà, nếu được biết, nhẽ ra đã ảnh hưởng tới xét đoán của một hoặc nhiều bên trong giao dịch; trong tố quyền về gian trá, sự kiện có tính chất vật chất nhất thiết phải đủ quan trọng đối với sự việc mà một người bình thường nhẽ ra có thể tin tưởng vào nó; và sự kiện có tính chất vật chất không thể là ý nghĩ, lòng tin, sự dự đoán, hoặc sự suy đoán, và liên hệ một cách đặc thù tới một số vấn đề trong quá khứ hoặc hiện tại mà có thể chứng minh hoặc bác bỏ.

Pháp luật Việt Nam đã từng có các quy định rất cụ thể liên quan tới hành vi biểu lộ sai sự thật không gian trá trong luật thương mại, kể cả bằng dạng không hành động, và xác định chế tài cho các hành vi đó. Chẳng hạn, Điều 49, Điều 50 Bộ luật Thương mại 1972 quy định về các biểu lộ trong chứng thư mua bán sản nghiệp thương mại: trong chứng thư, các yếu tố về thông tin cơ bản trong chứng thư như họ tên, ngày tháng lập, số thương vụ, số lợi tức, địa điểm… bị bỏ sót không khai, chủ mua có thể, nếu muốn, xin huỷ bỏ chứng thư đoạn mại trong thời hạn một năm kể từ ngày lập chứng thư. Mặc dầu có kết ước trái lại, người bán vẫn phải chịu sự bảo đảm đối với người mua theo các điều kiện do Bộ dân – luật quy định về các lời khai của mình, trong trường hợp các lời khai nầy không được xác thật.

Các điều luật này cho thấy sự đan xen của nguyên tắc tự do ý chí và nguyên tắc thiện chí trung thực, dù rằng chúng dường như đối lập.

Pháp luật các nước đều bảo vệ cho người bị lừa dối (người bị hại) bằng cách cho phép những người này có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ giao dịch

hoặc cũng có quyền thừa nhận giao dịch đó trong một thời hạn nhất định. Đồng thời pháp luật của một số nước còn đặt ra tình huống lừa dối do người thứ ba gây ra, nhưng sự man trá của người thứ ba mà các bên tham gia giao dịch đều không biết, thì không thể coi là vô hiệu được. Vì khi tham gia các chủ thể phải tự tìm hiểu về đối tượng và nội dung của giao dịch, như pháp luật của Nhật Bản quy định việc tuyên bố ý chí do bị lừa dối hoặc bị cưỡng ép có thể bị vô hiệu. Nếu một người tuyên bố ý chí trước người khác do người thứ ba có lỗi gian lận thì sự tuyên bố này có thể bị vô hiệu, nếu người này biết có sự gian lận. Việc hủy bỏ tuyên bố ý chí có yếu tố gian lận không thể được dùng để chống lại người thứ ba ngay tình .

Về nguyên tắc, hành vi lừa dối phải do chính một bên tham gia giao dịch thực hiện. Tuy nhiên, dù một người ký kết hợp đồng không trực tiếp thực hiện hành vi gian trá, nhưng đã tham gia hoặc đồng lõa với hành vi gian trá đó thì hành vi này cũng được coi là sự lừa dối do chính người ký hợp đồng thực hiện.

Một tuyên bố ý định man trá hoặc cưỡng bức thì có thể bị vô hiệu. Khi một bên ra tuyên bố ý định dựa vào sự man trá của một người thứ ba, thì hành vi đó chỉ có thể vô hiệu nếu như phía bên kia biết rõ hoặc phải biết rõ sự man trá đó. Việc hủy bỏ một tuyên bố ý định do man trá không được thiết lập để chống lại hành động của người thứ ba có thiện chí.

Pháp luật của một số nước, mà điển hình là luật pháp của Pháp, trong một số trường hợp coi sự kiện không nói ra điều mà người tham gia có trách nhiệm phải nói khi xác lập giao dịch thì cũng được coi là hành vi lừa dối. Ví dụ như hợp đồng bảo hiểm, khi mà người giao kết có nghĩa vụ phải thông tin cho đối phương biết mà không làm thì cũng coi như là lừa dối. Pháp luật các nước phân biệt lừa dối với một số hành vi khác gần có dấu hiệu gần như lừa dối, chẳng hạn lừa dối với nhầm lẫn hay lừa dối với lừa đảo. Lừa dối cũng có điểm giống nhầm lẫn ở chỗ các chủ thể đều liên quan đến việc trình bày một

cách trực tiếp hay gián tiếp về những sự việc không đúng sự thật. Tuy nhiên, có điểm khác nhau ở chỗ sự nhầm lẫn vốn do người xác lập giao dịch tự mình không tìm hiểu hoặc hiểu sai sự thật, còn sự lừa dối lại là sự hiểu sai này do đối phương gây ra. Việc một bên tạo lập cho bên kia một sự nhầm lẫn hoặc lạm dụng sự nhầm lẫn đã tồn tại của bên kia để xác lập một giao dịch sẽ được coi là lừa dối, ngoài ra sự phân biệt giữa lừa dối và nhầm lẫn được xác định bởi tính chất và mục đích của việc trình bày gian lận của một bên. Lừa dối có sự phân biệt với lừa đảo là ở chỗ hành vi lừa đảo trước hết là hành vi lừa dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác và hành vi này thường được quy định trong ngành Luật hình sự.

Nhìn chung, để có thể xem xét một hành vi có phải là sự lừa dối trong giao dịch hay không, các nước trên thế giới thường căn cứ vào tiêu chí sau

đây: thứ nhất là, người nghe phải không biết đến sự sai lệch đó, mà cứ tưởng

đó là sự thật; thứ hai là, phải có sự cố ý của một bên khi đưa những thông tin

sai lệch, thứ ba là, người nghe đã tin vào sự sai lệch do một bên đưa lại mà xác lập giao dịch; thứ tư là, phải có thiệt hại xảy ra. [21, tr. 74]

Có lẽ các quy định tại Điều 132, BLDS 2005 đã đi theo khuynh hướng của BLDS Đức và BLDS Nhật Bản, có nghĩa là xuất phát từ phương diện chủ quan để xác định việc biểu lộ ý chí có thể không có giá trị ràng buộc người biểu lộ, nếu sự biểu lộ ý chí đó được lập ra do bị lừa dối từ bất kỳ ai.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối theo pháp luật Việt Nam (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)