1.2. Khái niệm về giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối
1.2.3. Đặc điểm của giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối
Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của hầu hết các nước trên thế
giới đều quy định giao dịch dân sự do lừa dối là giao dịch vô hiệu. Vì vậy, giao dịch dân sự do lừa dối mang những đặc điểm chung của giao dịch dân sự vô hiệu.
Về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, khi tham gia giao dịch dân sự các bên chủ thể đều mong muốn đạt được mục đích nhất định và pháp luật bảo hộ cũng như tạo điều kiện để mục đích này trở thành hiện thực. Vì thế, để được pháp luật bảo hộ, người tham gia giao dịch dân sự phải tuân theo những điều kiện mà pháp luật quy định. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người tham gia giao dịch, cũng như bảo vệ lợi ích chung của xã hội.
Giao dịch dân sự xác lập do lừa dối được xác định là vô hiệu do không đảm bảo được yêu cầu về tính tự nguyện của các bên chủ thể khi tham gia xác lập giao dịch. Theo từ điển tiếng Việt, tự nguyện được hiểu là “ tự mình muốn làm, không phải bị thúc ép, ép buộc”. Tính tự nguyện trong giao dịch là khả năng về ý chí và sự biểu lộ ý chí ra bên ngoài của các chủ thể khi tham gia giao dịch, là phạm trù chủ quan thuộc khả năng xử sự của chủ thể được pháp luật công nhận và cho phép. Sự tự nguyện tham gia giao dịch là một yếu tố cơ bản và không thể thiếu được trong giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự được xác lập bởi sự lừa dối là giao dịch phát sinh từ hành vi cố ý, mục đích cố ý và động cơ không rõ ràng của bên lừa dối nhằm đạt được mục đích nhất định. Lừa dối là thủ đoạn có tính toán trước của người lừa dối đối với người bị lừa dối nhằm làm cho người bị lừa dối hiểu sai vấn đề, dẫn đến quyết định một việc gì đó theo mục đích đã định sẵn của người lừa dối. Thủ đoạn của người lừa dối có thể bằng lời nói, có thể bằng hành vi hoặc những mánh khóe, người lừa dối đưa ra thông tin sai lệch để làm cho đối phương nhầm tưởng mà tin theo, tham gia vào giao dịch mà lẽ ra bình thường họ không tham gia. Bản thân chủ thể xác lập giao dịch có sự nhận thức không đúng về giao dịch dân sự bởi sự định hướng ý chí của chủ thể đến một nội dung khác có lợi cho người lừa dối. Yếu tố lừa dối chính là nguyên nhân thúc đẩy dẫn đến đối phương tin và giao kết hợp đồng.
Để xem xét một hành vi có phải là sự lừa dối trong giao kết hợp đồng hay không người ta căn cứ vào các yếu tố sau: Một là phải có sự cố ý đưa ra thông tin sai lệch hoặc bỏ qua sự thật của một bên, hai là người nghe phải không biết đến sự sai lệch đó, ba là người nghe đã tin vào sự sai lệch do một bên đưa ra mà giao kết hợp đồng, và bốn là phải có thiệt hại xảy ra.
Hành vi lừa dối có thể thực hiện bởi một bên trong giao dịch nhưng cũng có thể được thực hiện bởi người thứ ba với lỗi vô ý. Bên đưa ra lời đề nghị xác lập giao dịch làm cho đối phương tin vào việc đảm bảo giao dịch, không biết rõ mục đích của sự lừa dối, từ đó xác lập giao dịch, thực hiện đúng, đầy đủ nội dung giao dịch và không lường trước được hậu quả xảy ra. Mục đích của việc lừa dối là nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch, dẫn đến những quyết định không đúng, có lợi cho người lừa dối để đạt được mục đích theo ý muốn của mình.
Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối được xem là giao dịch dân sự vô hiệu tương đối. Do vậy, giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối có đẩy đủ đặc điểm của giao dịch dân sự vô hiệu tương đối. Giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối không mặc nhiên vô hiệu mà chỉ trở nên vô hiệu khi hội đủ những điều kiện nhất định gồm: khi có đơn yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan, có sự quyết định của tòa án. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối là hai năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Hiệu lực pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối cho đến khi bị tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và quyết định của Tòa án là cơ sở duy nhất khiến cho giao dịch dân sự trở nên vô hiệu, các bên không được thỏa thuận để chấm dứt giao dịch.