2.1. Bảo hiến theo quy định của các Hiến pháp trong lịch sử
2.1.3. Bảo hiến theo Hiến pháp năm 1980
Bối cảnh ra đời: Hiến pháp 1980 được xây dựng khi đất nước hoàn
toàn độc lập, là điều kiện thuận lợi đưa đất nước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp 1980 là bản Hiến pháp đầu tiên có giá trị pháp lý trên toàn quốc, được nhân dân đón nhận, khẳng định độc lập chủ quyền cũng như con đường xã hội chủ nghĩa mà dân tộc đã lựa chọn.
Hiến pháp 1980 đã ghi nhận và kế thừa của cơ chế bảo hiến đã được quy định ở Hiến pháp 1959. Cơ chế bảo hiến Quốc hội được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng những quy định của Hiến pháp cùng với sự lựa chọn những ưu điểm từ Hiến pháp 1959. Hiến pháp 1980 và cơ chế bảo hiến Quốc hội đã bước đầu đi vào thực tiễn trong hoàn cảnh đất nước đã hoàn toàn độc lập.
Đặc điểm mô hình bảo hiến: Hiến pháp 1980 vẫn quy định tiếp tục
sử dụng mô hình bảo hiến như Hiến pháp 1959, lấy Quốc hội làm trung tâm, sử dụng cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo vệ giá trị của Hiến pháp. Tại khoản 3, Điều 83, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
năm 1980 đã quy định: Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn thực hiện
quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội
được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Căn cứ vào thẩm quyền được quy định, Quốc hội vẫn tiếp tục là cơ quan bảo vệ giá trị pháp lý tối cao của Hiến pháp.
Để bảo đảm thực hiện cơ chế bảo hiến, Hiến pháp 1980 đã quy định đầy đủ và thống nhất giá trị pháp lý của Hiến pháp 1980. Điều 146, Hiến
pháp 1980 quy định: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là luật cơ bản của nhà nước, có giá trị pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Quy định được ghi nhận trong Hiến
pháp thể hiện rõ ràng giá trị pháp lý của Hiến pháp, tạo nền tảng, cơ sở để đưa Hiến pháp vào thực tiễn xã hội và khiến cơ chế bảo hiến có thể được áp dụng trong hệ thống pháp luật. Quy định ngắn gọn nhưng chứ đựng sự đổi mới to lớn trong toàn bộ lịch sử lập hiến của nước ta, đưa Hiến pháp trở về đúng với giá trị.
Mô hình bảo hiến Quốc hội được áp dụng, tuy nhiên không tồn tại quy định pháp lý về trình tự, thủ tục xem xét xử lý các văn bản trái Hiến pháp, đồng thời các văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp cũng chưa có cách thức xử lý kịp thời nhằm đảm bảo giá trị tối cao của Hiến pháp. Từ trung ương đến địa phương, các cơ quan nhà nước đều có nhiệm vụ, thẩm quyền, giám sát kiểm tra Hiến pháp nhưng lại không có cơ quan chuyên trách xử lý các vi phạm liên quan đến Hiến pháp.
Kế thừa những tinh hoa từ những bản Hiến pháp trước, Hiến pháp 1980 cũng qui định cơ chế về việc tuân thủ và thực hiện Hiến pháp của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, công dân. Tuy nhiên, mô hình bảo hiến theo Hiến pháp 1980 vẫn mang tính hình thức, thiếu trình tự, khó đi vào hoạt động hiệu quả. Tinh thần lập hiến và bảo vệ Hiến pháp đã được hình thành nhưng do nhiều điều kiện khách quan mô hình bảo hiến vẫn chưa tồn tại đúng bản chất.