1.3. Lý do lựa chọn mô hình bảo hiến trên thế giới
1.3.3. Sự ảnh hưởng mô hình bảo hiến nước ngoài
Các quốc gia khi lựa chọn xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp sẽ chịu ảnh hưởng của những yếu tố từ chủ quan đến khách quan, đặc biệt là sự du nhập các mô hình bảo hiến từ những quốc gia khác. Một số quốc gia chịu ảnh hưởng từ sự du nhập bởi những yếu tố địa lý hay văn hóa, còn đa phần thì chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập thông qua con đường chính trị hay chiến tranh, các quốc gia thuộc địa sau khi giành độc lập chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng đa phần từ hệ thống pháp luật từ quốc gia khác. Điển hình như các nước Bắc Phi luôn chịu ảnh hưởng bởi hệ thống pháp luật của Pháp, sự ảnh hưởng còn bao hàm cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tinh thần và xã hội. Nước Nhật sau chiến tranh phụ thuộc hoàn toàn vào Hoa Kỳ, nên đã lựa chọn xây dựng Hiến pháp sau chiến tranh có những đặc điểm cơ bản của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.
Hệ thống pháp luật chịu sự du nhập thì mô hình bảo hiến cũng sẽ chịu ảnh hưởng tương ứng. Thời điểm sau chiến tranh thế giới thứ II, các quốc gia giành được độc lập bắt đầu xây dựng hệ thống pháp luật của quốc gia mình, đồng thời các quốc gia từng bước lựa chọn mô hình tài phán phù hợp để bảo vệ Hiến pháp. Nếu như hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa thường đi theo mô hình tòa án Hiến pháp, các nước theo hệ thống thông luật sẽ sử dụng mô hình bảo hiến kiểu Hoa Kỳ, các nước xã hội chủ nghĩa lựa chọn mô hình bảo hiến nghị viện. Sự du nhập các mô hình bảo hiến có thể mang đến mô hình bảo hiến nhưng không đồng nghĩa với việc đảm bảo được phù hợp với mỗi quốc gia. Vì vậy luôn cần có sự điều chỉnh khi xây dựng mô hình bảo hiến. Sự khác biệt giữa du nhập và áp dụng hoàn toàn
một mô hình là rất lớn, áp dụng rập khuôn một mô hình chắc chắn sẽ không mang lại tính hiệu quả, các quốc gia cần có sự điều chỉnh trong mô hình tài phán Hiến pháp để mô hình có thể thực sự hiệu quả trong vấn đề bảo vệ Hiến pháp.