Về vấn đề ly thân

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam Luận văn ThS. Pháp luật và quyền con người (Trang 103 - 120)

3.1. Giải pháp về hoàn thiện pháp luật về Hôn nhân và gia đình

3.1.5. Về vấn đề ly thân

Pháp luật HN&GĐ cần nghiên cứu để bổ sung chế định ly thân giữa vợ và chồng. Vì trên thực tế, vợ chồng sống ly thân là tình trạng của không ít cặp vợ chồng trong đời sống hiện đại ngày nay, tuy nhiên, hiện tại chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh tình trạng hôn nhân này của các cặp vợ chồng. Điều này đồng nghĩa với việc chưa có một cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền con

người, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong trường hợp vợ chồng quyết định sống ly thân nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Mặc dù, nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật không cần và không nên điều chỉnh quan hệ ly thân giữa vợ và chồng vì từ trước đến nay, vợ chồng vẫn có thể tự giải quyết việc ly thân cho mình và Luật hiện hành (Luật HN&GĐ năm 2000) không có quy định nào buộc vợ chồng nhất thiết phải sống chung nên đương nhiên họ có quyền sống riêng mà không cần có quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết [3].

Theo quan điểm của tác giả luận văn, về mặt nguyên tắc Nhà nước tôn trọng sự tự do thỏa thuận giữa vợ và chồng trong việc giải quyết quan hệ vợ chồng theo hướng ly thân. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ và chồng không thỏa thuận được về vấn đề ly thân, nhất là quan hệ về nhân thân và quan hệ về tài sản, quan hệ giữa cha mẹ và con thì nhất thiết cần phải có các quy định của pháp luật để giải quyết. Theo đó, tác giả luận văn kiến nghị:

- Về quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng khi ly thân: vợ, chồng có quyền tự quyết định về nơi ở, nơi thường trú của mình mà không bị phụ thuộc vào nơi ở hoặc nơi thường trú của vợ hoặc chồng. Vợ (chồng) không có quyền ép buộc bên còn lại và con phải di dời khỏi nơi ở chung của hai vợ chồng ngay cả trong trường hợp nơi ở chung đó thuộc sở hữu riêng của vợ (chồng) trừ trường hợp việc sống chung là điều kiện cho bên chồng (vợ) vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ tôn trọng về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của bên còn lại; vợ, chồng không phải là người đại diện đương nhiên của nhau khi một bên bị mất năng lực hành vi dân sự;

- Về quan hệ tài sản của vợ chồng khi ly thân: Quan hệ tài sản của vợ chồng do vợ, chồng tự thỏa thuận, trường hợp không thể thỏa thuận được Tòa án công nhận quan hệ ly thân giữa vợ, chồng sẽ quyết định việc chia tài sản của vợ, chồng như trong trường hợp giải quyết ly hôn; mọi thu nhập, tài sản, hoa lợi, lợi tức phát sinh trong thời kỳ ly thân sẽ thuộc sở hữu riêng của bên

vợ hoặc bên chồng, trừ trường hợp thu nhập, tài sản, hoa lợi, lợi tức đó phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng chưa được chia. Vợ (chồng) có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không trực tiếp nuôi dưỡng con, đồng thời có nghĩa vụ cấp dưỡng cho chồng (vợ) trong trường hợp bên còn lại gặp khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng; vợ (chồng) vẫn có quyền hưởng thừa kế của nhau trong trường hợp một trong hai bên chết;

- Thẩm quyền công nhận việc ly thân, chấm dứt ly thân của vợ (chồng) do Tòa án nhân dân quyết định.

3.1.6. Các quy định về cấp dưỡng

Hiện nay khoản 24 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này [36, Điều 24]

Cụ thể hóa vào quan hệ giữa cha mẹ và con, quan hệ giữa vợ và chồng, hiện nay Luật HN&GĐ năm 2014 tại Điều 110 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con, theo đó, “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con’’ [36, Điều 110]. Và Điều 115 Luật này quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn, theo đó “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp

dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình” [36, Điều 115]. Như vậy, cấp dưỡng giữa vợ và chồng chỉ được thực hiện khi vợ chồng ly hôn.

Về mức cấp dưỡng, Điều 116 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết [36, Điều 116].

Nhu cầu thiết yếu theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 là “nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình” [36, Điều 2].

Với các quy định nêu trên, một câu hỏi được đặt ra đó là liệu người phụ nữ và trẻ em đã thật sự được bảo vệ từ các quy định về cấp dưỡng hiện nay theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014. Cụ thể:

- Về nhu cầu thiết yếu để xác định mức cấp dưỡng, hiện nay quy định của pháp luật mới chỉ dừng lại ở các nhu cầu về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu. Vậy một câu hỏi đặt ra đó là, nhu cầu sinh hoạt thông thường khác có được hiểu bao gồm nhu cầu được trông nom của trẻ em hay không?. Vì thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu thuê người giúp việc để chăm sóc trẻ em trong các gia đình ở Việt Nam là rất lớn, nguyên nhân là do mô hình gia đình hiện đại hiện nay là mô hình một thế hệ, con cái lập gia đình về cơ bản không còn sống chung với bố mẹ và ông bà, nhất là ở các khu vực thành thị. Do đó, nhu cầu thuê người giúp việc để chăm sóc cho trẻ em là rất lớn. Nếu pháp luật không định nghĩa rõ nhu cầu thiết yếu của cá nhân bao gồm nhu cầu được trông nom của trẻ em và

người già, thì quy định về cấp dưỡng, mức cấp dưỡng chưa thể bảo vệ được phụ nữ và trẻ em trong trường hợp vợ chồng ly hôn, ly thân và người con ở với mẹ hoặc người chồng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái. Và như vậy, gánh nặng thực sự đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ, của người mẹ.

- Về cấp dưỡng giữa vợ và chồng, hiện nay Luật HN&GĐ năm 2014 mới chỉ đặt ra quy định về cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn [36, Điều 115].

Theo tác giả luận văn, quy định này chưa thực sự bảo vệ được người phụ nữ với vai trò của một người mẹ. Thực tế cho thấy, người vợ thường gắn liền với vai trò chăm sóc con cái, hơn nữa tình mẫu tử thiêng liêng là lý do khiến cho người phụ nữ luôn nhận trách nhiệm nuôi con trong mọi hoàn cảnh. Và quy định này sẽ không có vấn đề gì khi người chồng, người cha là người có trách nhiệm với gia đình, với vợ con. Tuy nhiên, thực tế không ít cặp vợ chồng trong tình trạng “cơm không lành canh không ngọt”, người chồng rũ bỏ trách nhiệm chu cấp tiền để duy trì cuộc sống chung của gia đình, trong khi người vợ không thể đi làm vì phải ở nhà chăm con do người chồng không đồng ý bỏ tiền thuê người giúp việc. Trường hợp này, người vợ có thể nộp đơn đến Tòa án để yêu cầu người chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có được xem xét, giải quyết hay không? Rõ ràng nếu theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 thì Tòa án chỉ xem xét yêu cầu về cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn. Như vậy, rõ ràng quy định hiện hành chưa tạo ra được cơ sở pháp lý để bảo vệ người phụ nữ trong những trường hợp đặc biệt như đã nêu.

Từ những bất cập nêu trên, quy định cấp dưỡng trong Luật HN&GĐ năm 2014 cần được nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện hoặc sửa đổi theo hướng:

- Mức cấp dưỡng dựa trên nhu cầu tối thiểu của người được cấp dưỡng phải bảo gồm chi phí trông nom, chăm sóc đối với đối tượng cấp dưỡng là con chưa thành niên dưới 06 tuổi hoặc con đã thành niên nhưng bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Cấp dưỡng giữa vợ và chồng được thực hiện ngay cả khi một bên vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu chung của gia đình quy định tại Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2014 thay vì quy định chỉ cấp dưỡng khi vợ chồng ly hôn như quy định tại Điều 115 Luật HN&GĐ năm 2014 hiện nay.

3.2. Đề xuất, kiến nghị về bảo đảm thi hành pháp luật Hôn nhân và gia đình

Như đã đề cập trong bản luận văn này, có thể khẳng định pháp luật về HN&GĐ ở Việt Nam thể hiện rõ nét quan điểm bảo vệ phụ nữ và trẻ em - là những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội nói chung và trong các quan hệ về HN&GĐ nói riêng. Pháp luật đã thể hiện sự tiến bộ, tương thích với các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền, thông qua đó góp phần bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, quyền bình đẳng không bị phân biệt đối xử vì lý do giới tính giữa các cá nhân, nhất là trong đời sống HN&GĐ. Mặc dù vậy, trên thực tế quyền BĐG thực chất giữa nam giới và nữ giới ở Việt Nam còn không ít hạn chế, tình trạng bất bình đẳng vì lý do giới tính vẫn tồn tại trong đời sống xã hội nhất là trong các quan hệ HN&GĐ. Nguyên nhân là do nhiều quy định trong pháp luật HN&GĐ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Do đó, một số đề xuất, kiến nghị sau đây nhằm bảo đảm thực thi tốt hơn các quy định của pháp luật HN&GĐ trên thực tế, cụ thể:

3.2.1. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý về hôn nhân và gia đình đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội

Giải pháp này nhằm giúp cho mỗi cá nhân thực sự hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mỗi một thành viên trong quan hệ HN&GĐ và cơ chế để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý thông qua đó góp phần làm thay đổi tư duy mang tính tập quán, truyền thống của số đông người dân về vị trí, vai trò của nam giới, nữ giới trong quan hệ HN&GĐ, nhất là các khu vực vùng

sâu, vùng xa, khu vực nông thôn ở Việt Nam - nơi mà tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn mang dấu ấn nặng nề. Có như vậy, “bức trần kính” trên con đường tiến tới BĐG thực chất giữa nam giới và nữ giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực HN&GĐ mới từng bước có thể bị gỡ bỏ.

Đây là công việc không thể làm trong một hay hai ngày, một hay hai tháng hoặc một hay hai năm mà nó đòi hỏi được thực hiện một cách thường xuyên, trường kỳ bởi đối tượng hướng tới của nó chính là những tư tưởng đã “ăn sâu, bám rễ” trong trong nếp nghĩ, nếp sống của mỗi con người. Hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý phù hợp là yếu tố quyết định đến sự thành công của hoạt động này. Xây dựng các tiểu phẩm tình huống để thu thanh, phát sóng trên loa đài của thôn, xóm, tổ dân phố, buôn, làng, sóc, bản là hình thức khá hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay thay vì các hình thức tuyên truyền tại Hội nghị truyền thống. Đặc biệt đối với các khu vực dân tộc thiểu số, người làm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về HN&GĐ cần dựa vào các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về pháp luật HN&GĐ, pháp luật về BĐG, về phòng, chống bạo lực gia đình, qua đó giúp cho người dân nhận thức đúng, tin và thực hiện theo.

3.2.2. Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em trong các quan hệ HN&GĐ

Với vai trò là các cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật, trực tiếp giải quyết các quyền và lợi ích của người dân trên cơ sở quy định của pháp luật, các cấp chính quyền địa phương đặc biệt là các cơ quan có thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ tịch các cấp (công chức Tư pháp - Hộ tịch đối với cấp xã, Phòng Tư pháp đối với cấp huyện và Sở Tư pháp đối với cấp tỉnh), cơ quan đăng ký và quản lý tài sản như hệ thống cơ quan, người làm công tác tài

nguyên và môi trường từ cấp xã đến cấp tỉnh (công chức địa chính xã, phường, thị trấn; Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh); cơ quan đăng ký phương tiện giao thông....; Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu, tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực HN&GĐ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự... đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và thực thi các quy định pháp luật HN&GĐ trong đời sống xã hội. Do đó, nâng cao nhận thức của các cơ quan và người làm việc trong các cơ quan này là điều kiện cần thiết bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật HN&GĐ trong thực tiễn cuộc sống, qua đó, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền không bị phân biệt đối xử về giới tính trong các quan hệ HN&GĐ.

3.2.3. Bảo đảm sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong các phiên tòa giải quyết, xét xử các việc, các vụ án về hôn nhân và gia đình

Hiện nay Bộ luật Tố tụng dân sự mới chỉ có quy định về quyền khởi kiện của cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật hôn nhân và gia đình quy định [30, Điều 162] mà chưa có quy định về sự tham gia xét xử trong thành phần của Hội thẩm nhân dân hoặc sự tham gia giám sát các phiên tòa trong các vụ án xét xử về hôn nhân và gia đình. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích của người phụ nữ trong các phiên tòa xét xử về hôn nhân và gia đình, pháp luật về tố tụng dân sự cần quy định cơ chế bảo đảm sự tham gia, giám sát của các tổ chức Hội phụ nữ, của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của các cấp, thậm chí sự tham gia của các chuyên gia về giới tại các phiên tòa giải quyết, xét xử các việc, tranh chấp trong lĩnh vực HN&GĐ. Đây có thể coi là cơ chế giám sát bổ sung, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em tại các phiên tòa về HN&GĐ.

3.2.4. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước quản lý nhà nước về bình đẳng giới và gia đình

Nhà nước cần nghiên cứu để tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó tập trung đầu mối quản lý nhà nước về BĐG. Vì hiện nay, liên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam Luận văn ThS. Pháp luật và quyền con người (Trang 103 - 120)