Bình đẳng giới trong kết hôn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam Luận văn ThS. Pháp luật và quyền con người (Trang 42 - 50)

2.2. Thực trạng bảo đảm bình đẳng giới trong pháp luật HN&GĐ

2.2.2. Bình đẳng giới trong kết hôn

Kết hôn theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 là việc: “nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn” [36, Điều 3]. Như vậy, kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa một bên là nam và một bên là nữ để trở thành vợ và trở thành chồng trong một quan hệ hôn nhân. Hiện nay, Luật HN&GĐ quy định 04 điều kiện (nhóm điều kiện) kết hôn, gồm:

2.2.2.1. Điều kiện về độ tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Đây là quy định kế thừa có sửa đổi so với Luật HN&GĐ năm 2000, theo đó, độ tuổi kết hôn của nam giới cao hơn độ tuổi kết hôn của nữ giới 02 tuổi và độ tuổi kết hôn của cả nam giới và nữ giới tính theo độ tuổi tròn (tròn đủ 20, tròn đủ 18) thay vì độ tuổi bước sang tuổi 20, bước sang tuổi 18 như trước đây. Thực tế khi sửa đổi Luật HN&GĐ, đây là một trong những quy định gây nhiều tranh cãi với hai luồng quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, để bảo đảm BĐG giữa nam và nữ trong độ tuổi kết hôn, Luật HN&GĐ cần quy định độ tuổi kết hôn của nam và độ tuổi kết hôn của nữ bằng nhau và dự kiến độ tuổi kết hôn là đủ 18 tuổi trở lên. Cơ sở của quan điểm này là:

(1) Nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật HN&GĐ với các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự trong việc công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của cá nhân; (2) cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thì chất lượng cuộc sống của đa số các tầng lớp nhân dân đã được cải thiện một cách đáng kể so với thời điểm ban hành Luật HN&GĐ năm 2000. Việc hạ độ tuổi kết hôn của nam từ 20 tuổi xuống đủ 18 tuổi là phù hợp với thực trạng về thể chất cũng như về tâm sinh lý của lứa tuổi thanh niên hiện nay. Việc hạ tuổi kết

hôn cũng không khuyến khích việc kết hôn sớm của công dân, vì Báo cáo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật; (3) việc quy định nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn là để bảo đảm sự tương thích của pháp luật Việt Nam với cam kết quốc tế của Việt Nam về BĐG; (4) Các nước trên thế giới khi quy định về tuổi kết hôn đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, cách tiếp cận được áp dụng ở hầu hết các nước là người đã thành niên đương nhiên được quyền kết hôn và tuổi kết hôn được tính theo nguyên tắc tròn đủ [3].

Quan điểm thứ hai là quan điểm được quy định trong Luật HN&GĐ năm 2014 hiện nay, theo đó nâng độ tuổi kết hôn của nam từ 20 tuổi trở lên sang đủ 20 tuổi trở lên và của nữ từ 18 tuổi trở lên sang đủ 18 tuổi trở lên. Vấn đề đặt ra đối với quy định này đó là Luật HN&GĐ năm 2014 đã bảo đảm BĐG trong độ tuổi kết hôn hay chưa? Và tính tương thích của điều kiện độ tuổi kết hôn so với pháp luật quốc tế về nhân quyền.

Hiện nay, các văn kiện pháp lý quốc tế chưa có một quy định nào quy định rằng độ tuổi kết hôn của nam và nữ phải bằng nhau và bằng một số tuổi nhất định, mà chỉ quy định quyền của nam và nữ như nhau trong việc kết hôn và yêu cầu các quốc gia cần quy định độ tuổi tối thiểu khi kết hôn. Cụ thể như:

- Điều 16, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 quy định: “Nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam và nữ có quyền bình

đẳng trong việc kết hôn, trong thời gian chung sống và khi ly hôn” [18, Điều 16]; - Điều 2 Công ước về kết hôn tự nguyện, tuổi kết hôn tối thiểu và việc đăng ký kết hôn quy định:

Các quốc gia thành viên của Công ước này cần có hành động lập pháp nhằm cụ thể hóa độ tuổi tối thiểu được kết hôn. Mọi cuộc hôn nhân của bất kỳ cá nhân nào được tiến hành dưới độ tuổi này sẽ bị coi là trái pháp luật, trừ trường hợp cơ quan chức năng có thẩm quyền cho miễn về tuổi tác vì những lý do nghiêm trọng, phù hợp với lợi ích của những cặp kết hôn [19, Điều 2].

- Công ước CEDAW, Điều 16 (1) quy định:

1. Các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp để xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong tất cả các vấn đề liên quan đến hôn nhân và quan hệ gia đình, cụ thể phải bảo đảm những quyền dưới đây, trên cơ sở bình đẳng nam nữ:

a. Quyền kết hôn như nhau; ……

2. Việc hứa hôn và kết hôn của trẻ em phải bị coi là không có hiệu lực pháp lý và phải tiến hành tất cả các hành động cần thiết, kể cả lập pháp, nhằm quy định tuổi tối thiểu có thể kết hôn và để bảo đảm việc kết hôn phải được đăng ký một cách chính thức và bắt buộc [20, Điều 16].

Như vậy, các văn kiện pháp lý quốc tế chỉ quy định về nguyên tắc nam và nữ bình đẳng về quyền kết hôn, các quốc gia có trách nhiệm quy định độ tuổi tối thiểu có thể kết hôn, mà chưa có quy định về độ tuổi kết hôn tối thiểu bắt buộc, ngoại trừ bình luận chung về “Bình đẳng giới trong Hôn nhân và gia đình, CEDAW, bình luận chung số 21, UN GAOR, 1994, Doc. No. A/47/38” gợi ý rằng độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ nên là 18 tuổi. Tuy nhiên, đây chỉ là bình luận không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia thành viên công ước CEDAW [54].

Quan điểm của tác giả luận văn cho rằng, để bảo đảm quyền BĐG giữa nam và nữ về quyền kết hôn, độ tuổi tối thiểu mà pháp luật công nhận cho quyền kết hôn của nam giới và nữ giới nên bằng nhau và bằng đủ 18 tuổi trở lên. Vì đây là độ tuổi được xác định là mỗi cá nhân đã đủ năng lực hành vi dân sự để nhận thức, thực hiện hành vi và chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân mình theo quy định của Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, đây cũng là độ tuổi chín về tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản. Việc quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu của nam giới cao hơn nữ giới 02 tuổi vô hình chung tạo nên sự bất bình đẳng giữa nam và nữ khi mà nam giới kết hôn ở độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên đến dưới 20 tuổi bị coi là bất hợp pháp trong khi đó với nữ giới thì lại được coi là hợp pháp.

2.2.2.2. Điều kiện về sự tự nguyện: Điểm b khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định” [36, Điều 8], quy định này hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về BĐG trong lĩnh vực HN&GĐ. Trực tiếp là điểm b khoản 1, Điều 16 công ước CEDAW quy định các quốc gia thành viên phải bảo đảm: “b. Quyền tự do như nhau trong việc lựa chọn bạn đời và chỉ kết hôn khi cả hai hoàn toàn tự do và tự nguyện” [20, Điều 16]. Điều kiện về kết hôn tự nguyện bảo đảm hạn chế và loại trừ các trường hợp cưỡng ép hôn nhân trên thực tế vẫn xảy ra vì những lý do như phong tục tập quán hoặc vì lý do kinh tế. Trên thực tế, ở Việt Nam vẫn tồn tại những phong tục, tập quán như tục “cướp vợ” (hoặc kéo vợ) của người H’Mông, tục xem tuổi ở nhiều vùng miền, dân tộc... những phong tục, tập quán này đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tự quyết định, định đoạt hôn nhân của mỗi bên, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc hôn nhân tự nguyện. Vì lý do kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân mà không ít cô gái ở Việt Nam đã kết hôn với người nước ngoài là người Đài Loan, Hàn Quốc... trong khi bản thân họ không hề có hiểu biết về văn hóa,

phong tục, tập quán và đặc biệt là ngôn ngữ bất đồng với gia đình nhà chồng, điều này dẫn đến không ít những vụ việc đáng tiếng đã xảy ra với những cô dâu Việt ở nước ngoài. Việc quy định điều kiện kết hôn tự nguyện là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý có những giải pháp trong việc hạn chế các trường hợp kết hôn không tự nguyện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người của mỗi bên trong quan hệ hôn nhân.

2.2.2.3. Điều kiện về năng lực hành vi dân sự, theo đó, nam, nữ kết hôn với nhau cần bảo đảm không bị mất năng lực hành vi dân sự, đây thực chất là một trong những điều kiện nhằm bảo đảm tính tự nguyện trong quan hệ hôn nhân đã được Luật HN&GĐ quy định như đã nêu trên.

2.2.2.4. Không thuộc các trường hợp cấm kết hôn quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014.

Khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định các trường hợp này gồm:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng [36, Điều 5].

Một trong những điểm mới của Luật HN&GĐ năm 2014 so với Luật HN&GĐ năm 2000 về điều kiện kết hôn đó là Luật HN&GĐ năm 2014 không quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên Nhà

nước cũng không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014). Câu hỏi được đặt ra trên thực tế đối với những quy định này của Luật 2014 đó là:

- Việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới trong khi Nhà nước vẫn không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới có ý nghĩa gì so với Luật HN&GĐ năm 2000? Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần quay lại các quy định trong pháp luật HN&GĐ trước khi Luật HN&GĐ năm 2014 và những tác động của nó. Điều 10 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định những trường hợp cấm kết hôn trong đó cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Về mặt xã hội quy định này dễ tạo ra hiệu ứng định kiến xã hội đối với người đồng tính [29], từ định kiến dẫn đến sự kỳ thị qua hành vi và lời nói. Cụ thể như theo lời nói với 95% người đồng tính nam được hỏi đã từng nghe người khác nói người đồng tính là không bình thường, khi bị phát hiện, 20% người đồng tính bị mất bạn, 15% bị gia đình chửi mắng hoặc đánh đập. Nghiêm trọng hơn, 4,5% đã từng bị tấn công vì là người đồng tính, 1,5% nói bị đuổi học, 4,1% đã từng bị đuổi ra khỏi chỗ ở và 6,5% bị mất việc vì là người đồng tính [15]. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát: “Nghiên cứu mối quan hệ đồng giới” (nghiên cứu thực hiện trong năm 2013 với sự tham gia của 2.500 người LGBT) do Viện ISSE thực hiện thì có 63% cho biết họ đã từng bị kỳ thị bởi một trong các hình thức: chửi mắng, đánh đập bởi gia đình và người ngoài, bị dè bỉu) [37]. Và hệ quả về mặt xã hội này, một phần là do pháp luật của Nhà nước cấm kết hôn giữa những người đồng tính và vô hình chung nó đã tiếp tay cho những định kiến và sự kỳ thị nêu trên trong xã hội. Về mặt pháp lý, rõ ràng các trường hợp kết hôn giữa những người cùng giới tính bị xác định là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về HN&GĐ và hệ quả là: quan hệ hôn nhân đó bị Tòa án nhân dân hủy kết hôn trái pháp luật theo đề nghị của những tổ chức, cá nhân được pháp luật trao cho quyền [30, Điều 16],

bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các trường hợp kết hôn giữa những người đồng giới và bị buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân [6, Điều 8] và bị hạn chế một loạt các quyền như quyền về tài sản, nhân thân, ví dụ như quyền giám hộ, đại diện theo pháp luật giữa vợ và chồng được pháp luật dân sự quy định so với các cặp vợ chồng khác giới kết hôn. Cùng với đó là cặp đôi đồng tính không có quyền nhận con nuôi chung, vì khoản 3, Điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng [34, Điều 8].

Từ những hệ quả nêu trên của việc cấm kết hôn giữa những người đồng tính trong Luật HN&GĐ năm 2000 cho thấy, quyền con người của những người đồng tính đã bị bị vi phạm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Từ thực tiễn này, quá trình xây dựng Luật HN&GĐ năm 2014 đã có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về vấn đề hôn nhân đồng tính, theo đó 03 phương án đã được đặt ra, trong đó Phương án 1: không quy định theo hướng cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành mà quy định theo hướng không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính. Phương án 2: thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính và Phương án 3: Giữ nguyên như quy định hiện hành [3] và phương án không cấm kết hôn đồng tính nhưng Nhà nước cũng không thừa nhận hôn nhân đồng tính đã được thông qua. Quy định này khắc phục được một phần những hệ quả về thực tế, hệ quả về pháp lý đối với các cặp chung sống đồng tính so với quy định của Luật HN&GĐ năm 2000. Cụ thể, góp phần giảm bớt những định kiến, kỳ thị của xã hội đối với người đồng tính vì ít nhất quan điểm của Nhà nước cũng đã không định kiến với hôn nhân đồng tính như trước đây và điều này góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội. Người đồng tính vẫn có quyền chung sống với nhau mà không bị hủy kết hôn trái pháp luật và không

bị buộc chấm dứt quan hệ đó. Điều này có nghĩa rằng, quyền “kết hôn” thực tế của người đồng tính được thực hiện, vì không vi phạm điều cấm nên về nguyên tắc hành vi này cũng sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính. Đây được coi là một bước đột phá trong Luật HN&GĐ năm 2014, tuy nhiên, bước đột phá này chưa mang tính triệt để khi Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng tính. Vì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và đặc biệt nó là vấn đề khá xa lạ so với nếp nghĩ của phần lớn người dân ở Việt Nam cũng như phong tục, tập quán ở Việt Nam. Và theo đó, một số quyền theo quy định của pháp luật HN&GĐ của họ vẫn bị hạn chế như họ không có quyền về nhân thân, quyền về tài sản giống như các cặp vợ chồng khác giới kết hôn với nhau; quyền nhận nuôi con nuôi cũng bị hạn chế do pháp luật về nuôi con nuôi chỉ thừa nhận quyền nhận nuôi con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng [34, Điều 8].

- Câu hỏi tiếp theo đặt ra là, vậy quy định về việc không thừa nhận kết

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam Luận văn ThS. Pháp luật và quyền con người (Trang 42 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)