Bình đẳng giới trong quan hệ giữa vợ và chồng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam Luận văn ThS. Pháp luật và quyền con người (Trang 50 - 67)

2.2. Thực trạng bảo đảm bình đẳng giới trong pháp luật HN&GĐ

2.2.3. Bình đẳng giới trong quan hệ giữa vợ và chồng

Một trong những nguyên tắc nền tảng, cơ bản của chế độ HN&GĐ theo quy định của pháp luật HN&GĐ ở Việt Nam đó là nguyên tắc: hôn nhân tự nguyện, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Điều này cho thấy vợ chồng bình đẳng là nguyên tắc chi phối toàn bộ quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng trong quan hệ hôn nhân.

2.2.3.1. Quyền và nghĩa vụ về nhân thân

Hiện nay Luật HN&GĐ năm 2014 không đưa ra định nghĩa quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng là gì? Tuy nhiên, với tư cách là Bộ luật gốc của các chuyên ngành pháp luật về dân sự trong đó pháp luật HN&GĐ là một nhánh trong đó, định nghĩa về quyền nhân thân là cơ sở pháp lý giúp chúng ta hiểu quyền và nghĩa vụ nhân thân trong quan hệ giữa vợ và chồng là gì?

Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật dân sự năm 2005, “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” [32, Điều 24], theo định nghĩa này, những quyền dân sự được xác định là quyền nhân thân khi thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện: một là gắn liền với mỗi cá nhân và hai là không thể chuyển giao cho người khác. Trong quan hệ giữa vợ và chồng, quyền nhân thân của người này là nghĩa vụ nhân thân của người kia và ngược lại, do đó, Luật HN&GĐ sử dụng thuật ngữ: “quyền và nghĩa vụ về nhân thân” giữa vợ và chồng là những quyền và nghĩa vụ gắn với mỗi bên cá nhân là vợ và chồng trong gia đình và không thể chuyển giao cho người khác.

Đứng ở góc độ giới và BĐG, thuật ngữ “quyền và nghĩa vụ về nhân thân” đã bao hàm trong nó sự bình đẳng giữa vợ và chồng mà không phải là quan hệ một bên thuần túy chỉ có quyền và một bên thuần túy chỉ có nghĩa vụ. Đây là quan hệ hai chiều quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng, quyền của người này đồng thời là nghĩa vụ của người kia và ngược lại.

Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định khá rộng các quyền nhân thân của mỗi cá nhân như quyền được khai sinh, quyền đối với họ tên, quyền đối với hình ảnh, quyền xác định lại dân tộc… Luật HN&GĐ năm 2014 quy định một nguyên tắc chung nhất trong quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ và chồng đó là: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình và trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các quy định có liên quan” [36, Điều 17]. Đây là một nguyên tắc bao trùm, thể hiện quan điểm của Nhà nước về sự bình đẳng thực chất giữa vợ và chồng không chỉ trong quan hệ gia đình mà còn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội được thể hiện qua những quyền công dân được Hiến pháp quy định. Luật

HN&GĐ năm 2000 tại Điều 19 chỉ quy định nguyên tắc: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình” [30, Điều 19], theo đó, nguyên tắc bình đẳng giữa vợ và chồng về nhân thân mới chỉ dừng lại ở các mặt trong gia đình như quan hệ giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ với con cái và quan hệ giữa ông bà với các cháu mà chưa khẳng định rõ sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua các quyền công dân mà Nhà nước đã quy định cho mỗi cá nhân. Và trên thực tế đây là một thực trạng khá phổ biến thông qua nhiều số liệu thống kê có phân tách giới ở Việt Nam hiện nay.

Đơn cử như, Hiến pháp năm 2013 tại Điều 28 quy định:

1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở,địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân [35, Điều 28]

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh dân số Việt Nam có đến 51% là nữ giới và 49% là nam giới (thống kê dân số sơ bộ năm 2013) [41] thì những số liệu thống kê về tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý của Nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực phụ nữ ở Việt Nam. Một số số liệu chứng minh, cụ thể như:

- Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội qua các nhiệm kỳ tăng không bền vững, và chưa đạt được tỷ lệ 1/3 trong tổng số ghế đại biểu quốc hội tại mỗi nhiệm kỳ: (Khóa X: 26,2%, khóa XI: 27,3%, khóa XII: 25,7% và khóa XIII: 24,4%).

- Tỷ lệ nam và nữ nắm giữ các vị trí ra quyết định vẫn còn rất mất cân đối. Tỷ lệ cán bộ nữ trong nhiệm kỳ 2005-2010 giảm so

với nhiệm kỳ 1999-2004, cụ thể: Ở Trung ương, chỉ có 09/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ trong ban lãnh đạo. Duy nhất có 1 nữ trong số 30 Bộ trưởng và tương đương (4,5% so với 12% ở khóa 2002-2007). Có 09 nữ trong số khoảng 100 Thứ trưởng và tương đương (8,4% so với 9% khóa 2002-2007). Vụ trưởng và tương đương từ 6% giảm xuống 5,5%. Năm 2008, Việt Nam xếp thứ 89 trên tổng số 93 nước xếp hạng về có các chức danh bộ trưởng là nữ. Ở cấp địa phương, cả nước hiện chỉ có duy nhất một nữ trong số 63 Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh và còn khoảng 19 tỉnh/thành không có nữ lãnh đạo chủ chốt ở cấp này. Trong nhiều năm Việt Nam chưa có sự tham gia của phụ nữ vào các chức danh như Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ ở cấp xã, thôn là rất thấp. Nếu thiếu lực lượng này thì nguồn cán bộ nữ cho những vị trí cấp cao hơn trong những năm tới sẽ gặp khó khăn [43].

Qua các số liệu trên cho thấy, sự bình đẳng về quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội trong thực tiễn còn một khoảng cách khá xa so với sự ghi nhận quyền tham gia quản lý Nhà nước trong Hiến pháp năm 2013 cũng như các bản Hiến pháp trước đó của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Một trong những “rào cản” hạn chế đến sự tham chính của phụ nữ đó là nguyên nhân từ trong quan hệ gia đình, người phụ nữ phải gắn quá nhiều trách nhiệm đối với công việc của gia đình và điều này hạn chế đến cơ hội tham chính của phụ nữ. Tại buổi Tọa đàm “Phụ nữ và sự tham chính” do Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức trong tháng 8/2014, TS. risty Kelly, giảng viên Đại học Drexel, Mỹ, nhấn mạnh sự gia trưởng của nam giới trong các gia đình Việt Nam, nhất là các gia đình nông thôn, miền núi ảnh hưởng lớn đến sự tham chính của phụ nữ thông qua thái độ

của người cử tri nhìn nhận phụ nữ chủ yếu trong vai trò chăm sóc gia đình hơn là trong vai trò lãnh đạo, quản lý trong xã hội [45]. Điều này cho thấy, sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trong chia sẻ công việc gia đình (công việc không được trả công) đã và đang hạn chế đến cơ hội thực hiện quyền công dân được Hiến pháp ghi nhận đó là quyền được tham gia quản lý nhà nước và xã hội của nữ giới.

Việc ghi nhận nguyên tắc bình đẳng một cách toàn diện trong Luật HN&GĐ năm 2014 so với Luật HN&GĐ năm 2000 là một cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa vợ và chồng không chỉ trong quan hệ gia đình và còn là sự bình đẳng trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được Hiến pháp và các luật liên quan quy định.

Về sự bình đẳng của vợ chồng liên quan đến quyền và nghĩa vụ về nhân thân, hiện nay, Luật HN&GĐ năm 2014 không liệt kê đầy đủ các quyền (tương ứng là nghĩa vụ) về nhân thân được quy định trong Bộ luật Dân sự mà chỉ đề cập đến một số quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng như:

Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình [36, Điều 19]; Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau từ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác [36, Điều 19]; Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính [36, Điều 20]; nghĩa vụ: Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau [36, Điều 22] và quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của vợ và chồng [36, Điều 23].

Những quy định về quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ và chồng nêu trên cho thấy pháp luật đã hướng tới sự bảo vệ sự bình đẳng thực chất về quyền con người giữa những người là vợ, chồng với nhau. Tuy nhiên, đứng ở góc độ thực tiễn cho thấy rằng, một số quy định nêu trên vẫn còn mang tính tuyên ngôn thậm chí là tạo nên sự bất lợi cho một bên trong quan hệ vợ chồng. Cụ thể: quy định về vợ chồng cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình, đây là một quy định mang tính mục tiêu lý tưởng trong quan hệ giữa vợ và chồng, tuy nhiên vì nó mang tính mục tiêu do đó, quy định mang tính tuyên ngôn nhiều hơn là một bảo đảm về mặt pháp lý cho sự bình đẳng thực chất giữa vợ và chồng trên thực tế. Vì một quan niệm truyền thống và thực tế chứng minh quan niệm truyền thống ấy khá phổ biến trong thực tế cuộc sống đó là công việc gia đình “mặc nhiên”, “không bàn cãi” là trách nhiệm của người vợ mà không phải là của người chồng. Do đó, trách nhiệm chia sẻ ở đây có thể ít có thể nhiều và tùy thuộc vào ý thức, lòng tốt và điều kiện của người chia sẻ (như công việc bận hay không bận) và như thế nó vẫn mang tính tuyên ngôn. Để khắc phục tính tuyên ngôn trong quy định nêu trên và đặc biệt tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của các chủ thể trong bối cảnh truyền thống của Việt Nam, một quy định: “Vợ, chồng có nghĩa vụ chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình” sẽ là một bảo đảm pháp lý chắc chắn hơn, ít nhất là về nhận thức đối với các chủ thể trong quan hệ HN&GĐ.

Về nghĩa vụ sống chung với nhau của vợ chồng, nghĩa vụ này xuất phát từ các chức năng sinh sản, kinh tế của gia đình với tư cách tế bào cơ bản của xã hội. Tuy nhiên, quy định này sẽ là cơ sở pháp lý chống lại người phụ nữ trong những trường hợp người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và họ muốn “chạy chốn” khỏi bạo lực gia đình và vô hình chung người phụ nữ đã vi phạm nghĩa vụ chung sống của vợ và chồng được Luật HN&GĐ năm 2014 quy định. Mặt khác, với truyền thống “Thuyền theo lái, gái theo chồng”,

thì nghĩa vụ “sống chung” sẽ gắn phụ nữ vào sâu hơn với trách nhiệm đối với gia đình nhà chồng, với dòng họ nhà chồng. Và thực tế không ít phụ nữ đã đánh mất đi cơ hội học tập, làm việc, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội chỉ vì những gánh nặng trong công việc nhà chồng.

Như vậy, mặc dù các quy định về quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ và chồng trong Luật HN&GĐ năm 2014 là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của phụ nữ, song về mặt kỹ thuật lập pháp chưa thể hiện được tính giải pháp bảo đảm BĐG thực chất giữa vợ và chồng trong thực tiễn quan hệ HN&GĐ truyền thống ở Việt Nam.

2.2.2.2. Chế độ tài sản của vợ chồng

Công nhận và bảo vệ quyền bình đẳng về tài sản giữa vợ và chồng bằng công cụ pháp luật là điều kiện tiên quyết xác lập quyền bình đẳng về kinh tế giữa vợ và chồng trong thực tiễn. Tài sản là nguồn lực kinh tế trong đời sống vợ chồng. Theo quan điểm giới, nguồn lực là những thứ mà con người cần để thực hiện có hiệu quả một hoạt động nào đó. Có thể nói công nhận và bảo vệ quyền bình đẳng về sở hữu tài sản giữa vợ và chồng là cơ sở để phụ nữ có thể tiếp cận và kiểm soát nguồn lực, trên cơ sở đó mới có khả năng tham gia và ra quyết định đối với những vấn đề quan trọng của gia đình. Trong cuộc sống chung của vợ chồng do sự gắn bó mật thiết về tình cảm, sự cùng chung công sức, ý chí để tạo dựng tài sản chung, xây dựng đời sống chung nên không có sự phân biệt mức đóng góp của mỗi bên vợ chồng đối với tài sản. Vì vậy, vợ chồng có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản chung của vợ chồng.

* Về chế độ tài sản của vợ, chồng: Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định hai cách thức xác lập quan hệ tài sản: theo pháp luật và theo thỏa thuận. Trong trường hợp không có thỏa thuận của vợ và chồng thì việc giải quyết quan hệ tài sản của họ tuân theo pháp luật.

Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ quy định một chế độ tài sản pháp định. Theo đó, Luật quy định chung cho tất cả các cặp vợ chồng về căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng, về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng và về phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Về nguyên tắc, đây là chế độ tài sản trong hôn nhân duy nhất được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, với một chế độ tài sản pháp định, Luật HN&GĐ đã không đáp ứng được những nhu cầu khác nhau của các cặp vợ chồng trong việc thực hiện các quan hệ tài sản. Đáng nói là việc chứng minh đâu là tài sản riêng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn nếu hai bên không có thỏa thuận trước hoặc không có các chứng cứ, tài liệu để chứng minh cụ thể.

Khắc phục hạn chế nêu trên về chế độ tài sản của vợ chồng, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định 02 chế độ tài sản của vợ chồng gồm: chế độ tài sản theo luật định và chế độ tài sản theo thỏa thuận. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng một trong hai chế độ tài sản. Đây là một trong những điểm mới quan trọng trong Luật HN&GĐ năm 2014 so với Luật HN&GĐ năm 2000 và nhìn từ góc độ giới, chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận của hai bên là một quy định quan trọng bảo đảm quyền bình đẳng thực chất giữa vợ và chồng.

Thực tế cho thấy , việc quy định chế độ tài sản theo thỏa thuận và ưu tiên áp dụng nó so với chế độ tài sản theo pháp định có những ưu điểm sau:

- Bảo đảm quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản mình. Quyền tự định đoạt tài sản của chủ sở hữu được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 32 và Bộ Luật Dân sự tại Điều 197. Bởi lẽ về nguyên tắc, mỗi cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo ý chí của mình, miễn sao không xâm phạm lợi ích của người khác, không trái với đạo đức xã hội. Về nguyên tắc, chế độ tài sản theo thỏa thuận cho phép vợ chồng tự thỏa thuận về việc xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với tài sản của họ. Như vậy, sẽ bảo đảm cho vợ, chồng có quyền

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình Việt Nam Luận văn ThS. Pháp luật và quyền con người (Trang 50 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)