2.2. Thực trạng bảo đảm bình đẳng giới trong pháp luật HN&GĐ
2.2.1. Bình đẳng giới thể hiện trong các nguyên tắc cơ bản của chế độ
độ Hôn nhân và gia đình Việt Nam
Nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ được hiểu là những tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chế độ HN&GĐ Việt Nam. Hiện nay, Điều 2 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định 05 nguyên tắc/nhóm nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ. Từ góc độ BĐG, có thể thấy những nguyên tắc này thể hiện rõ nét tư tưởng bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền lợi của những nhóm người dễ bị tổn thương là phụ nữ, trẻ em trong quan hệ HN&GĐ. Cụ thể:
2.2.1.1. Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng
Đây là nguyên tắc kế thừa, phát huy trong suốt chiều dài lịch sử pháp luật HN&GĐ Việt Nam, từ Bộ luật Hồng Đức đã có quy định hình phạt áp dụng cho hành vi cưỡng ép hôn nhân “Những nhà quyền thế mà ức hiếp để lấy con gái kẻ lương dân, thì xử tội phạt, biếm hay đồ”[49]. Nguyên tắc tự nguyện thể hiện rõ nét bản chất quan hệ dân sự trong lĩnh vực HN&GĐ “Việc dân sự cốt ở hai bên”. Theo đó, nam, nữ có quyền tự quyết định chuyện hôn nhân của mình, điều này thể hiện rõ nét quan điểm Nhà nước bảo vệ quyền bình đẳng thực chất giữa nam giới và nữ giới trong việc quyết định hôn nhân, Nhà nước cấm các hành vi “Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn” [36, Điều 5] - đây là nhóm hành vi ảnh hưởng đến nguyên tắc tự nguyện trong hôn nhân mà Nhà nước đã quy định.
Hôn nhân tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng là nguyên tắc trái ngược với triết lý vốn ảnh hưởng sâu sắc trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam đó là “Trai thời năm thê bảy thiếp. Gái chính chuyên chỉ lấy một chồng”. Nguyên tắc này bảo đảm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng, xóa đi cảnh “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” đã đi vào thơ của Hồ Xuân Hương trong tác phẩm “Làm lẽ”, qua đó, bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ so với nam giới trong quyền kết hôn và vợ chồng có quyền bình đẳng trong mọi quan hệ từ trong hôn nhân, trong quan hệ về nhân thân, tài sản, quan hệ cha mẹ với con, trong quan hệ cấp dưỡng, trong ly hôn...
2.2.1.2. Nguyên tắc hôn nhân giữa các công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Nguyên tắc này thể hiện quan điểm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của mọi cá nhân trong HN&GĐ mà không bị phụ thuộc vào các yếu tố về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và quốc tịch. Điều này phù hợp với tính phổ quát của quyền con người được pháp luật nhân quyền quốc tế ghi nhận. Và dưới góc độ BĐG, nó chính là cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền bình đẳng và tôn trọng giữa vợ và chồng, giữa nam và nữ không phụ thuộc vào người vợ/người chồng thuộc về dân tộc nào, theo hay không theo tôn giáo, tín ngưỡng nào và mang quốc tịch Việt Nam hay không mang quốc tịch Việt Nam. Cụ thể hóa nguyên tắc này, các quy định về quan hệ nhân thân giữa vợ chồng tại mục 1 Chương III Luật HN&GĐ năm 2014 và Chương VII về Quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài thể hiện đậm nét nguyên tắc này.
2.2.1.3. Nguyên tắc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con. Nguyên tắc này thể hiện rõ mục tiêu hướng tới trong xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Trong gia đình đó các thành viên gia đình, không phân biệt vợ hay chồng, cha, mẹ hay con, ông, bà hay cháu, con trai hay con gái đều có nghĩa vụ chung là tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau. Đây được coi là trách nhiệm bình đẳng của mỗi cá nhân trong gia đình. Nguyên tắc này cũng thể hiện rõ quan điểm BĐG của Nhà nước trong HN&GĐ đó là không phân biệt đối xử giữa các con. Sự không phân biệt đối xử giữa các con bao gồm không phân biệt đối xử giữa con trưởng, con thứ, con nuôi, con đẻ và đặc biệt là không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái... Nguyên tắc này chi phối toàn bộ các quy định của pháp luật HN&GĐ Việt Nam từ quan hệ cha mẹ và con, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ tài sản, thừa kế tài sản, quan hệ cấp dưỡng...
2.2.1.4. Nguyên tắc Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền HN&GĐ; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật vốn là những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, sự bảo vệ đối với các nhóm đối tượng này trong thực hiện các quyền HN&GĐ được quy định thành một nguyên tắc trong chế độ HN&GĐ Việt Nam là sự bảo đảm bình đẳng trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt - một trong những nguyên tắc được ghi nhận trong pháp luật nhân quyền quốc tế. Điều này hoàn toàn phù hợp với hệ thống pháp luật nhân quyền quốc tế, bên cạnh các văn kiện pháp lý quốc tế quy định quyền con người cho mọi cá nhân như UDHR, ICCPR, ICESCR, Pháp luật nhân quyền quốc tế còn có các Công ước riêng bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của những nhóm người cụ thể như Công ước CEDAW, Công ước về quyền của trẻ em (CRC), Công ước về quyền của người khuyết tật (ICRPD)...
2.2.1.5. Nguyên tắc kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về HN&GĐ
Truyền thống được hiểu là “Thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống, nếp nghĩa, được truyền lại từ thế hệ này, sang thế hệ khác” [24]. Đạo đức được hiểu là những “Tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội” [24]. Như vậy, có thể thấy truyền thống văn hóa, đạo đức là những thói quen, chuẩn mực được hình thành chính trong đời sống quan hệ giữa các cá nhân với nhau, được thừa nhận chung và nó thường “ăn sâu, bám dễ” vào tư duy của mỗi con người. Tính bền vững và bảo thủ là những đặc trưng trong truyền thống và đạo đức. Và hơn bất cứ lĩnh vực nào, HN&GĐ là lĩnh vực
dân tộc, của vùng, miền và của mỗi gia đình. Những truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc, của vùng, miền, của gia đình có thể góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc nhưng nó cũng có thể có tác động tiêu cực, phá vỡ đi mục tiêu gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng bởi những phong tục, tập quán, chuẩn mực đạo đức lạc hậu.
Việc ghi nhận nguyên tắc kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về HN&GĐ, một mặt thể hiện sự tôn trọng, phát huy và bảo vệ của Nhà nước đối với những truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc trong HN&GĐ, coi đây là nguồn để xây dựng pháp luật, là cánh tay nối dài của pháp luật HN&GĐ trong thiết lập trật tự HN&GĐ trong đó có những giá trị về nhân quyền. Mặt khác, với tiêu chí truyền thống văn hóa và đạo đức tốt đẹp, nguyên tắc này là bảo đảm đảm pháp lý loại bỏ những tập quán lạc hậu đã và đang tồn tại trong các vùng, miền, trong mỗi gia đình Việt Nam với những tư tưởng không dễ để xóa bỏ và đang là bức “trần kính” cản trở việc thực hiện các mục tiêu BĐG như tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Thông qua đó bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy tốt hơn quyền con người, quyền BĐG thực chất trong quan hệ HN&GĐ Việt Nam.
Qua một số phân tích nêu trên cho thấy, những nguyên tắc cơ bản trong chế độ HN&GĐ Việt Nam nhìn từ góc độ giới đã thể hiện rõ nét quản điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng và bảo vệ chế độ HN&GĐ Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và một trong những tiêu chí quan trọng của chế độ HN&GĐ đó chính là bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa nam giới và nữ giới. Đây không chỉ là một tiêu chí đánh giá mà còn là điều kiện cần để bảo đảm cho một gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc như mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phấn đấu.